Kỷ niệm rầm rộ 40 năm chiến tranh với Trung Quốc trên mặt báo nhưng chặn tưởng niệm trong thực tế

Nhà thơ Hoàng Hưng và nhà báo Kha Lương Ngãi phải tưởng niệm ở nhà.
- Quảng Cáo -

RFA

Ngày 17/2/2019, các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền ở TPHCM và Hà Nội đã không thể tổ chức tưởng niệm 40 năm ngày Trung Quốc đem quân đánh các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam như thường lệ.

Trong khi ở TPHCM, những người mặc đồ công nhân vệ sinh đặt các xe thu gom rác chắn tượng đài Đức Thánh Trần tại bến Bạch Đằng và cẩu cả lư hương đem đi nơi khác, thì ở Hà Nội chỉ có một số ít người ra được tượng đài vua Lý Thái Tổ để thắp hương trong vòng vây của lực lượng an ninh.

Sài Gòn xuất hiện công văn “mật” chỉ đạo chặn tưởng niệm

Hôm 16/2, xuất hiện văn bản đóng dấu MẬT của đảng ủy Cộng sản khối cơ sở bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn trên trang Facebook của các nhà hoạt động cho biết về cuộc tưởng niệm ngày 17/2 tại tượng đài Trần Hưng Đạo, tuy nhiên công văn này lại gọi những người chuẩn bị việc này là “một số đối tượng trong câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng” và việc dâng hương là “lợi dụng sự kiện Chiến tranh biên giới phía Bắc ngày 17 tháng 02 năm 1979”.

- Quảng Cáo -

Công văn số 695 ban hành ngày 15/2/2019 chưa được kiểm chứng về độ xác thực, nhưng có đóng dấu đỏ và ký tên của Phó Bí thư thường trực Ban thường vụ đảng ủy Nguyễn Duy Vũ được nhạc sĩ Tuấn Khanh và luật sư Lê Công Định đăng tải trên Facebook cá nhân.

Theo văn bản này thì Ban Thường vụ Đảng ủy khối yêu cầu các cấp ủy, chính quyền tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đoàn “vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên, người lao động và người thân không tham gia tụ tập, biểu tình, gây rối an ninh trật tự tại khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo trong ngày Chủ nhật, 17 tháng 02 năm 2019; đồng thời kịp thời phát hiện, thu gom, giao chính quyền, cơ quan chức năng các tờ tiền có viết, vẽ kêu gọi biểu tỉnh, các băng rôn, khâu hiệu có nội dung xấu về chính trị.

Ông Trần Bang, một cựu binh trong chiến tranh biên giới phía Bắc với Trung Quốc cho hay, không thể khẳng định tính xác thực của công văn này nhưng nó trùng hợp với việc ông và một số người bạn bị an ninh mặc thường phục canh nhà, và chính quyền mang xe rác chắn tường đài, cẩu lư hương đi đúng vào ngày 17/2.

Cũng theo thành viên câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng thì chính ông và một số người mà ông biết như nhà báo Sương Quỳnh, Lê Phú Khải, Phạm Đình Trọng…. đều bị lực lượng an ninh canh nhà.

Có 3 người sáng nay đến được tượng đài Trần Hưng Đạo để thắp hương tưởng niệm như các ông Kha Lương Ngãi, Phan Đắc Lữ, Hoàng Hưng đều bị xua đuổi hoặc bắt đưa về đồn công an nơi cư trú.

Nhận xét về việc báo chí nhà nước được “cởi trói” để thoải mái nói về cuộc chiến với Trung Quốc trên mặt báo, nhưng lại chặn những người dân đi tưởng niệm, ông Trần Bang khẳng định:

Việc này chứng tỏ nó vẫn sợ thằng Cộng sản Trung Quốc và vẫn sợ mất quyền lực của đảng Cộng sản Việt Nam này nên họ muốn dựa vào đảng Cộng sản Trung Quốc để giữ quyền lực và phản bội nhân dân, vi phạm quyền tự do của người dân và vô ơn, bội nghĩa với những người đã hy sinh,” ông Trần Bang nói qua ứng dụng Messenger.

Cô Võ Hồng Ly cũng đăng tải trên Facebook cá nhân việc dâng vòng hoa và thắp nhang tưởng niệm tại tượng đài Trần Hưng Đạo vào chiều 16/1/2019 một cách bình thường.

Hà Nội: Cựu chiến binh bị “xốc nách đưa đi” khi đang khấn vái

Tình hình tại thủ đô Hà Nội không khác gì trong TPHCM khi những nhà hoạt động quen mặt đều bị lực lượng an ninh thường phục canh giữ từ nhiều hôm trước.

Theo nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, sáng 17/2/2019 có ít nhất 5 người khi ra tượng đài vua Lý Thái Tổ và tượng đài liệt sỹ Bắc Sơn bị chặn bắt đưa về công an phường hoặc ép về nhà như cựu chiến binh Phan Khang, bà Ngọc Anh, Hoàng Hà, Lê Hồng Hạnh và Đặng Bích Phượng.

Cựu chiến binh Phan Trí Đỉnh đăng tải những hình ảnh trên Facebook cá nhân kể lại việc đến tượng đài vua Lý Thái Tổ ở bờ hồ Hoàn Kiếm vào sáng 17/2/2019 để thắp hương tưởng niệm cuộc chiến biên giới Việt Trung và bị “một số người trẻ khỏe đẹp trai kẹp hai bên như là xốc nách đưa ra khỏi khu vực” khi đang khấn vái.

Nhà hoạt động Lê Hoàng từ Hà Nội chia sẻ, việc ngăn cản tưởng niệm dịp 40 năm ngày quân và dân Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược là một điều vô lý.

Thực ra báo chí đưa tin rầm rộ cả tuần nay, đưa hình ảnh các thứ rất là mạnh mẽ, mọi người ai cũng đều nghĩ là đưa tin như thế này thì chính quyền chắc đã đổi chiều một chút rồi và họ đã có chiều hướng vì nhân dân rồi, thế nhưng mà hôm nay lại như thế này.

Tôi nghĩ hay là họ lừa bịp quốc tế để có cái gì đó, ví dụ như là với Trung Quốc thì Việt Nam cũng phân biệt rõ chứ không phải giấu giếm. Nhưng mà họ nói một đằng nhưng lại làm một nẻo chả hiểu rằng như thế nào nữa, hay là họ không cần nhân dân để chống Trung Quốc nữa?” – ông Lê Hoàng nói qua điện thoại với Đài Á Châu Tự Do.

Hôm 14/2/2019, khoảng 20 người Hà Nội đi theo đoàn của Trung tâm Minh Triết của Giáo sư Nguyễn Khắc Mai đến nghĩa trang liệt sĩ trong cuộc chiến với Trung Quốc năm 1979 ở Vị Xuyên, Hà Giang để thắp hương tưởng niệm cho những người nằm xuống.

Một số người mặc áo “nói không với đường lưỡi bò” như các ông Lê Hoàng, Hoàng Công Cường… lên đây đều bị lực lượng an ninh của quân đội cho là nhạy cảm và bắt thay áo.

Trong đoạn clip của nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, ông Hoàng Công Cường thậm chí phải cởi chiếc áo “NO-U” duy nhất của mình trước đòi hỏi của phía quân đội.

Đây không phải là lần đầu tiên những người hoạt động ở Việt Nam bị ngăn chặn tưởng niệm các cuộc chiến với Trung Quốc.

Vào ngày 17/2/2017, hàng chục người ở Hà Nội và TPHCM bị bắt giữ và câu lưu khi đến các nơi đã hẹn trước để thắp nhang cho những người đã mất trong cuộc chiến. Hay 6 người ở Hà Nội phải bất ngờ tưởng niệm vào ngày 15/2/2018 để tránh bị phá rối như mọi năm./.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here