Hà Nội không vội được đâu!

- Quảng Cáo -

Thảo Vy – VNTB |

Vậy là tắt lịm giấc mơ Hà Nội với tiếng khui Champagne ăn mừng. Thượng đỉnh Mỹ – Triều đã thất bại với sự cứng rắn đầy bất ngờ ở ‘phút 89’ của Tổng thống Donald Trump. 

Những nhà báo người Việt làm việc ở hãng tin nước ngoài, trong bản tin tường thuật trực tiếp buổi họp báo của Tổng thống Mỹ vào đầu giờ chiều ngày 28-2, nói rằng câu ví von ‘Hà Nội không vội được đâu’ đã ứng nghiệm, khi chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un đã chọn Hà Nội là nơi gặp gỡ lần thứ 2 với ông Trump.

Từ sự cứng rắn của Tổng thống Donald Trump, nói như lời của luật sư Đặng Đình Mạnh (Đoàn Luật sư TP.HCM), ông tin, “nếu Hà Nội muốn thoát khỏi sự lệ thuộc Trung Quốc, buộc phải có những thay đổi dứt khoát theo chiều hướng tiệm cận hơn với các quyền tự do dân chủ như nhiều quốc gia khác. Bởi ông Trump hầu như rất kiên định trong vấn đề về đấu tranh ý thức hệ”.

Chờ đợi gì?
- Quảng Cáo -

“Hai nhà lãnh đạo đều có các chương trình làm việc với giới chức lãnh đạo Việt Nam. Chúng tôi hết sức là chờ đón điều này; nhất là cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Mỹ, ông Donald Trump với lãnh đạo chính phủ Việt Nam”. Luật sư Đặng Đình Mạnh chia sẻ với người viết trong một ghi nhận về cuộc tiếp xúc của ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc cùng một số bộ trưởng Việt Nam với Tổng thống Donald Trump hôm 27-2.

“Dù muốn, dù không thì rõ ràng sau cái buổi gặp gỡ với người đứng đầu chính quyền Mỹ, thông thường ở Việt Nam thì có những sự thay đổi. Sự thay đổi, thường là theo chiều hướng tích cực hơn. Chúng tôi hy vọng lần này cũng vậy, mặc dù xem ra thì thời gian gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Mỹ với chính quyền Việt Nam không nhiều.

Tôi tin ông Donald Trump sẽ có những lời khuyên hữu ích cho chính quyền Việt Nam; và nhất là trong thời gian gần đây chúng ta biết ông Trump hầu như rất kiên định trong vấn đề về đấu tranh ý thức hệ. Ông sẽ giúp Việt Nam cởi mở hơn, thay đổi được cái thể chế mà hiện nay đang kềm hãm cái sự phát triển của đất nước; thay đổi được luôn đường lối quốc phòng, mà vẫn có thể duy trì sự uyển chuyển, cho chuyện mỗi ngày Việt Nam càng tự tin hơn, mạnh mẽ hơn.

Tôi cũng tin rằng sau thượng đỉnh Mỹ – Triều ở Hà Nội, để có được những quan hệ nâng lên mức toàn diện giữa hai quốc gia, chắc rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu cần làm gì để giúp cho người dân tiệm cận với những tiêu chuẩn dân chủ mà người dân của các quốc gia tiên tiến trên thế giới đang có!”. Luật sư Đặng Đình Mạnh chia sẻ.

Những cảnh báo từ bài học Triều Tiên

Sự thất bại vào giờ chót của thượng đỉnh Mỹ – Triều có vẻ điềm báo ‘rông cả năm’ đang ứng với mặt trận đối ngoại Việt Nam.

Trong họp báo lúc 14g15 ngày 28-2 tại Hà Nội, Tổng thống Trump nói rằng ông không thể đáp ứng đòi hỏi từ phía Triều Tiên là chấm dứt ngay toàn bộ các lệnh cấm vận. Ông cần những hành động cụ thể của Triều Tiên về các chính sách giải trừ vũ khí hạt nhân. Ông nói – đại ý, ông cần sự thực chất, chứ không chạy theo thành tích. “Không có gì phải vội vàng. Tuy nhiên có hay không thượng đỉnh lần thứ 3, điều đó tôi chưa nghĩ đến”. Tổng thống Donald Trump đã trả lời báo chí như vậy. [http://bit.ly/2ECl9fj]

Nhà báo, đồng thời cũng là tiến sĩ kinh tế, ông Phạm Chí Dũng nói rằng các cuộc gặp gỡ thượng đỉnh như Mỹ – Triều diễn ra tại Hà Nội, cũng chính là điều mà nhà lãnh đạo Việt Nam luôn mong muốn để qua đó có thể cải thiện uy tín của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế – đặc biệt là sau hàng loạt các bê bối về mặt ngoại giao của Việt Nam, trong đó có việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức, đưa về Hà Nội với lộ trình qua nhiều quốc gia khác.

Tuy nhiên, theo lời của ông Phạm Chí Dũng, có vẻ điềm báo ‘rông cả năm’ đang ứng với mặt trận đối ngoại Việt Nam. Mặc dù vậy, “Có lẽ ông Nguyễn Phú Trọng vẫn đang ấp ủ ý định là đi Mỹ trong thời gian tới ở vai trò là Chủ tịch nước. Đó là vấn đề thể diện và sỉ diện của cá nhân ông ta…. Trước mắt là có thông tin tướng Tô Lâm của Bộ Công an đang vận động đi Mỹ vào tháng 4 năm 2019 tới đây”. Nhà báo Phạm Chí Dũng nhận xét.

Theo tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, bên lề thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Hà Nội còn có những hợp đồng làm ăn bạc chục tỷ đô la giữa ngành hàng không Việt Nam với Hoa Kỳ.

Điều này không chỉ giúp cho Việt Nam giảm bớt các cân thương mại đang chịu sự phê phán của Tổng thống Donald Trump chuyện cứ mãi xuất siêu sang Mỹ, mà còn tạo thêm lòng tin giữa đôi bên, trong việc Hà Nội có thể dựa vào sức mạnh của hải quân Hoa Kỳ cho bảo vệ các hợp đồng khai thác dầu khí của Việt Nam trên biển Đông trước sức ép đầy bá đạo lâu nay của Trung Quốc.

Từ sự cứng rắn của Tổng thống Donald Trump trong vấn đề Triều Tiên, nhất là kiên định trong vấn đề về đấu tranh ý thức hệ, vấn đề giờ đây là những nhà lãnh đạo Hà Nội mạnh dạn thay đổi đến đâu trong thể chế quản trị quốc gia của mình, để có thể nâng cao bền vững uy tín của Việt Nam với cộng đồng quốc tế?

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here