Tự do thông tin và quyền được biết của người dân

- Quảng Cáo -

Trúc Mai – VNTB – Mạng xã hội, hay người ta đang gọi là quyền lực thứ 5, một thứ quyền lực mềm đang được thể hiện rõ nét, sống động và ai ai cũng dễ dàng cảm nhận được ở hôm nay.

Những nhà báo – công dân thời kỹ thuật số

Nhiều công ty truyền thông được lập ra. Tin tức trên mạng xã hội được các doanh nghiệp này tổ chức bài bản như tòa soạn báo chí. Khác chăng là những phóng viên của các tổ chức truyền thông đó không được cấp thẻ nhà báo. Bù lại, họ không chịu áp lực từ những chỉ đạo gọi là ‘định hướng tuyên truyền’ của cơ quan Tuyên giáo.

Thông tin được đăng tải qua tài khoản mạng xã hội của Facebook, Youtube, hay xây dựng website trên nền wordpress…, không chịu sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, không bị đe dọa đình bản. Tuy nhiên cũng như nhà báo ‘có thẻ’, những nhà báo – công dân ấy vẫn phải chịu sự đe dọa lớn nhất của các hăm he hình sự, kiểu chụp mũ ‘lợi dụng quyền tự do ngôn luận’, ‘diễn biến hòa bình’…

- Quảng Cáo -

Với mạng xã hội như Facebook, thông tin như thác lũ, được đăng bởi bất kỳ ai. Chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh, hay một chiếc máy tính có kết nối với mạng internet, là đã trở thành một “người đưa tin” hữu hiệu.

Mặc dù vậy, dường như chuyện bưng bít thông tin vẫn tiếp tục là nguyên tắc của chính phủ Việt Nam, nhằm che giấu những gì mà nhà nước không muốn người dân biết đến. Có điều về hình thức thì khác trước đôi chút. Đôi khi Tuyên giáo ‘bật đèn xanh’ để tờ báo nào đó ‘thả’ ra một bài viết mang tính trấn an dư luận – kiểu như thảm họa Formosa Hà Tĩnh, rồi sau đó xiết lại, ‘cất’ bài đó đi.

Ông Út Mót, một nông dân ở Mỏ Cày Bắc, Bến Tre kể rằng xứ này toàn là dân của Mặt trận Dân tộc giải phóng. Vậy mà khi Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, thì mấy ông du kích cầm súng một thời đạn bom đó lại được chính quyền gọi lên để răn đe, là không được hưởng ứng những lời kêu gọi phản đối Trung Quốc xâm phạm biển đảo mà trên mạng đăng đầy…

“Ức lắm chứ, đọc trên Facebook, trên báo mạng thấy người Sài Gòn phản ứng rầm rầm, còn ở mình thì buộc phải làm thinh. Nếu mà không có mấy trang báo lề trái đó, dân tình xứ này tiếp tục tin Trung Quốc là đồng chí của mình…”. Ông Út Mót tâm sự.

Những góc nhìn đa chiều thời công nghệ 4.0

Có thể nói, với các trang web, trang mạng xã hội thông tin đa chiều, với những phân tích và bình luận có đúng có sai, tất cả đã phần nào đem đến cho người dân những kiến thức về pháp luật, những vấn đề xã hội thiết thực.

Cựu quân nhân Tám Đức, hiện là bảo vệ một chợ ở quận vùng ven Sài Gòn kể với phóng viên Việt Nam Thời Báo, rằng ông nhiều lần mở điện thoại để xem hết cả tiếng đồng hồ về chương trình bàn tròn BBC Việt ngữ. Ông biết nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, cũng từ các nội dung hội luận đó.

“Cũng có những cái mình không đồng tình với mấy ông trên mạng nói, nhưng cũng nhiều cái nghe có lý. Mình là con người mà, nhận thức được cái nào đúng thì nghe thôi. Đảng viên cũng là người bình thường. Ông Phạm Chí Dũng nghe đâu cũng từng là đảng viên, nên ổng hiểu rõ chuyện mấy đảng viên quan chức…”. Ông Tám Đức giải thích lý do mà ông hay nghe hội luận trên BBC.

“Cũng có vài cái ‘livestream’ ưa bình luận tào lao, nghe cho vui chứ hoàn toàn không ủng hộ. Lấy thí dụ như phát động biểu tình này nọ. Cái gì cũng phải có lý do, chứ cứ tuần nào cũng kêu gọi xuống đường biểu tình mà không thấy những người kêu gọi đó tham gia, thì quả thực rất đáng ngờ!”. Ông Tám Đức nhận xét.

Liên quan chuyện ‘livestream’ trong thời kỷ nguyên số, đây chính là công cụ mạng xã hội đem đến nhiều thông tin, kiến thức cho người dân bằng trực quan sinh động. Kết quả vừa được công bố từ một tổ chức khảo sát thị trường tại Việt Nam cho biết, tính về sức tăng trưởng lượt người xem ở năm 2018 so với năm 2017, kênh tin tức dưới dạng video của báo Thanh Niên đã đạt con số khá ấn tượng là 392%; Báo Tiền Phong với kênh tin tức Tiền Phong TV cũng đạt sức tăng trưởng lên đến 120%; Báo Phụ Nữ và Gia Đình là 2,975%; Vietnam Plus TV là 183%.

“Những phóng sự video coi hay đấy chứ. Nếu không coi được thì mình cũng có thể nghe được. Vừa làm bếp vừa nghe. Ở cách Việt Nam nửa vòng trái đất, vì nhiều lý do không thể về, cũng nhờ có những phóng sự video mà mình có thể thấy được hình ảnh quê hương, rồi những tin tức về đất nước”, bà Mười Cúc – một người Việt ở San Jose, California chia sẻ.

Nguồn nhân lực chưa đáp ứng

So với tốc độ phát triển nhanh về công nghệ, đặc biệt là các thiết bị đầu cuối như điện thoại di động, truyền hình internet ngày càng có giá rẻ hơn, phù hợp với túi tiền hầu hết gia đình, thì lực lượng tham gia sản xuất tin, bài, clip mang tính chuyên nghiệp đang thiếu hụt.

“Có nhiều nguyên nhân lắm. Với các báo, đài nhà nước, quả thật không khó để quay. Chỗ nào hẹn trước thì khỏi nói, có khi chính quyền địa phương dẫn đi luôn. Chỗ nào không hẹn, chỉ cần đưa giấy tờ ra là người ta tin. Còn mình thì có gì? Đó là chưa kể, có vài trường hợp, mình xuống sau các báo đài khác. Mấy ông phóng viên đó làm cái gì không biết, mà dân người ta đâm ra ghét phóng viên. Xuống chưa nói câu gì đã bị đuổi. Cái này bọn tôi gặp hoài.

Đi làm phóng sự ảnh nhà vườn chuẩn bị Tết Kỷ Hợi vừa rồi, mới bước xuống vườn tính lại nói chuyện với bác nông dân, người ta thấy mình cầm máy chụp hình, chẳng nói chẳng rằng, người ta xịt nước mình luôn. Hên là chạy kịp, máy không bị ướt”. Nhóm nhà báo đang cộng tác với trang báo của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, kể.

“Chưa hết đâu, còn chịu sức ép khó dễ về pháp luật nữa. Luật An ninh mạng, rồi mấy điều trong Bộ Luật hình sự là con dao luôn trong tư thế bổ xuống đầu bọn mình. Mấy hôm chộn rộn thượng đỉnh Mỹ – Triều đó, bọn mình chật vật lắm mới có thể tác nghiệp làm clip ghi nhận ý kiến người dân quanh chuyện Trump – Kim.

Nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự ở Sài Gòn như ông Phạm Chí Dũng, bà Dương Thị Tân, ông Trần Bang, bà Sương Quỳnh… đã bị lực lượng an ninh khẩu trang bủa vây, mà người Sài Gòn gọi là ‘bánh canh’. Mấy chuyện đó trên báo chí quốc doanh đâu có đăng. Người dân chỉ có thể tỏ tường khi đọc trên mạng xã hội, hay Việt Nam Thời Báo, VOA, BBC… Cũng có lúc bọn mình ngần ngại vì bị hăm he từ chính quyền.

Luật pháp không có điều nào cấm chuyện truyền thông bọn mình làm. Mình yêu nghề thì mình tiếp tục thôi”. Nhóm bạn trẻ chuyên trách truyền hình, cho biết như vậy. Bởi theo họ thì minh bạch thông tin là một trong những biểu hiện quan trọng nhất của nền dân chủ. Thế nhưng đến nay, nhiều thông tin ở Việt Nam chưa được minh bạch và kịp thời. Ở các vụ án tham nhũng, người ta hay chắt lưỡi, lại là con voi lọt qua lỗ kim. Điều đó còn có nguyên do từ sự thiếu minh bạch trong thông tin.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here