Thực trạng và giải pháp cho lao động nữ tại Việt Nam

- Quảng Cáo -

Lý Thái Hùng – Web Việt Tân

Ngày 8 tháng 3 hàng năm được Liên Hiệp Quốc từ năm 1977 chọn làm Ngày Quốc Tế Phụ Nữ, để vinh danh các giá trị của người phụ nữ đóng góp vào sự phát triển gia đình và xã hội, quyền được tôn trọng và đối xử bình đẳng, và nền hòa bình thế giới.

Bài viết này đề cập đến thực trạng lao động nữ tại Việt Nam cần được quan tâm trên hai khía cạnh: sự bình đẳng giới tính và các quyền căn bản, khi mà tỷ lệ người phụ nữ Việt Nam tham gia vào lực lượng lao động là 72%, cao hơn mức trung bình thế giới (49%) và cả mức trung bình của châu Á. Tuy đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế trong 3 thập niên qua, nhưng người phụ nữ Việt Nam lại gặp rất nhiều sự đối xử bất bình đẳng trong việc làm và thu nhập.

I- TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG TẠI VIỆT NAM

- Quảng Cáo -

Một cách tổng quát, vấn đề lao động – công nhân tại Việt Nam có 2 đặc điểm nổi bật:

Đặc điểm thứ nhất là số người ở vào tuổi lao động đông nhất, nhưng phân bố không hiệu quả

Theo Tổng Cục Thống Kê (2017), dân số Việt Nam hơn 95,54 triệu người, số người trong độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ 74,85%, được coi là quốc gia đang ở giai đoạn “dân số vàng”.

Tuy nhiên theo thống kê 2018, số người thực sự làm việc ước tính 54,6 triệu người, thuộc 3 lãnh vực chính như sau:

TỔNG SỐ LAO ĐỘNG 54,52 Triệu Lao Động có việc làm
Nông nghiệp, Thủy sản, Khoáng sản 29,6 triệu người (37,7%)
Công nghiệp, Xây dựng 14,6 triệu người (26,7%
Dịch vụ 19,4 triệu (35,6%)

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp cũng được phân bố như sau:

TỔNG SỐ LAO ĐỘNG 54,52 Triệu Lao Động có việc làm Đóng góp vào GDP
Khu vực FDI(công ty đầu tư nước ngoài) 4 Triệu người làm việc trực tiếp6 Triệu người làm giám tiếp 18,1%
Khu vực Doanh Nghiệp Nhà Nước 14,6 Triệu người 28,7%
Khu vực Tư nhân, và cá thể 33 Triệu người 39,2%

Căn cứ vào sự phân bố lao động nói trên, số lao động – công nhân tại Việt Nam hiện nay, đa số tập trung ở doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình, cá thể, nhưng tỷ lệ đóng góp vào GDP lại nhỏ hơn tổng số của FDI và doanh nghiệp nhà nước. Theo kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trên thế giới, lao động trong khu vực tư nhân phải đóng góp từ 50% đến 60% GDP.

Đặc điểm thứ hai là đa số lao động không qua đào tạo

Trong một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2018) đã đánh giá Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Ví dụ, trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo – là ngành chủ lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa – chỉ chiếm 9% tổng số lao động trình độ cao, trong khi với các nước phát triển tỷ lệ này lên đến 40 – 60%. Nguyên do chỉ vì hệ thống giáo dục tại Việt Nam đã đặt sai mục tiêu đào tạo, chỉ nhắm vào bậc cao đẳng và đại học dẫn đến hệ quả “thừa thầy, thiếu thợ”.

Trong một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan (TDRI) đã chỉ ra rằng hầu hết các kỹ năng mềm của người lao động Việt Nam nằm ở mức trung bình hoặc yếu, đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm, và kỹ năng lãnh đạo. Trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam chưa cao nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập. Chính những hạn chế, yếu kém của nguồn nhân lực là một trong những nhân tố chính ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Theo Tổng Cục Thống Kê (2017), số lao động Việt Nam được đào tạo từ 3 tháng trở lên chỉ chiếm 21,60% tổng số lao động cả nước. Thực trạng này khiến chất lượng lao động Việt Nam thấp vì thiếu chuyên môn và dẫn đến hai hệ lụy: 1/ năng xuất lao động thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á; và 2/ không có khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế.

Sự mâu thuẫn trong vấn đề giáo dục – đào tạo tại Việt Nam khi đang trên con đường phát triển công nghiệp hóa là: số người có trình độ Cao đẳng hay Trung cấp đáng lý phải cao hơn so với trình độ Đại học+trên Đại học, nhưng ở Việt Nam thì ngược lại.

LAO ĐỘNG CÓ BẰNG CHUYÊN MÔN 11, 8 Triệu
ĐẠI HỌC/SAU ĐẠI HỌC 5,17 Triệu (43,8%)
CAO ĐẲNG 1,75 Triệu (14,8%)
TRUNG CẤP 2,96 Triệu (25,09%)
SƠ CẤP 1,92 Triệu (16,27%)

Tay nghề thấp đã khiến lương công nhân Việt Nam bị hạ thấp so với trung bình của khu vực Châu Á Thái Bình Dương

Lương tháng trung bình của người lao động Việt Nam là 125 Mỹ Kim/tháng tại nông thôn và 280 Mỹ Kim/tháng tại thành thị. Theo khảo sát của Tổ Chức Manpower Group Solutions thì mức lương lao động Việt Nam thấp hơn 10 lần so với khu vực châu Á – Thái Bình Dương (2.648 Mỹ Kim/tháng).

Trong một khảo sát gần đây của Tổ chức Navigos Group thì mức lương trung bình của người lao động – công nhân quanh khu vực Sài Gòn đã gia tăng lên tới ít nhất 10,3 triệu đồng, tương đương 468 Mỹ Kim/tháng. Nhưng để có được mức lương này, đa số người lao động – công nhân tại vùng Sài Gòn phải làm việc 60 đến 75 tiếng đồng hồ mỗi tuần.

Nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Ảnh: Internet

Hệ thống giáo dục tại Việt Nam hiện nay không phù hợp với nhu cầu kiến thức và lao động cho sự phát triển của xã hội và nền kinh tế, khiến các sinh viên tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp hoặc phải nhận một công việc không tương xứng, phải lao động chân tay và nhất là chạy chọt đi lao động xuất ngoại.

Từ năm 2015 trở lại đây, mỗi năm có hơn 100 ngàn thanh niên có trình độ Đại học đi lao động nước ngoài. Đa số tập trung tại ba thị trường lao động mới nổi là Nhật Bản, Đài Loan, và Nam Hàn. Đây là hiện tượng “phí phạm chất xám”, đồng thời các sinh viên du học cũng không muốn trở về nước phục vụ – một hiện tượng “chảy máu chất xám.” Trong khi đó, thành phần lao động với tay nghề cao lại rất thiếu thốn trên thị trường.

Điều này cho thấy là lực lượng lao động tại Việt Nam chưa được huy động đúng tiềm năng để đóng góp vào nhu cầu phát triển quốc gia.

II- TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG NỮ TẠI VIỆT NAM

Theo báo cáo của Mạng lưới hành động vì lao động di cư (Mnet), lao động nữ tại Việt Nam chiếm 70% lực lượng lao động của các ngành xuất khẩu chính như dệt may, da giày, điện tử và 64% lao động trong khu công nghiệp. Nói cách khác, các khu chế xuất FDI thu hút số lao động nữ đông nhất, tập trung tại các khu vực Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Thanh Hóa, Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng.

Vì làm việc trong những ngành nghề đa số dùng tay chân, nên lao động nữ chỉ được hưởng một phần rất nhỏ bé trong toàn bộ giá trị của chuỗi cung ứng toàn cầu. Ví dụ trong ngành may, chi phí lao động chỉ chiếm 2% giá bán, trong khi những phần khác thì hưởng tới 16% hoặc hơn lợi nhuận của một sản phẩm.

Ngoài ra, do nhu cầu cạnh tranh, các sản phẩm vẫn thường xuyên gây áp lực giảm chi phí lao động, hệ quả là người lao động nữ tại Việt Nam đã phải làm việc trong khung cảnh bị áp lực liên tục, thời gian làm việc dài hơn với mức lương thực tế thấp hơn so với lao động nam.

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, nhiều nơi có tới 80% lao động nữ trên 35 tuổi làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc vì không chịu đựng nổi điều kiện làm việc khắc nghiệt.

Cũng theo kết quả khảo sát này, sau khi bị sa thải, đa phần người lao động nữ kiếm sống bằng những nghề tự lập, buôn gánh bán bưng, làm ruộng hay nội trợ gia đình. Đặc biệt, đối với lao động nữ, tập trung phần lớn là bán hàng rong (82,6%), 12,1% làm việc vặt, làm thuê, làm mướn với công việc nặng nhọc, lương thấp và bất định.

Một cách tổng quát, lao động nữ tại Việt Nam ngày nay, đối diện với những vấn nạn như sau:

1/ Đối xử bất bình đẳng

Lao động nữ tại Việt Nam bị phân biệt đối xử khi đi xin việc, họ thường bị từ chối nhiều hơn nam giới, lương thấp hơn nam giới cho cùng một loại công việc, và đa số bị tuyển dụng vào các ngành lao động lương ít như giày da, may mặc, chế biến và sản xuất thực phẩm, gốm sứ và thủy tinh.

Có tới 80% lao động nữ trên 35 tuổi làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc vì không chịu đựng nổi điều kiện làm việc khắc nghiệt. Ảnh: Internet

Vị thế của lao động nữ hầu hết thấp hơn lao động nam trong các công ty, bất kể khả năng có vượt trội hơn hay không.

Lao động nữ ít được đào tạo so với lao động nam, và dễ dàng bị sa thải hơn. Thống kê cho thấy lao động nữ chiếm đa số trong nhóm lao động thất nghiệp, gồm 57,3% nhóm lao động “chưa qua đào tạo” và 50,2% trong nhóm “đã được đào tạo nghề/chuyên nghiệp”. Đáng chú ý hơn là số lao động nữ trong nhóm thất nghiệp có trình độ đại học lên tới 55,4%. Điều này cho thấy là cơ hội tìm được việc làm đối với phụ nữ là cả một quá trình khó khăn và phức tạp so với nam giới.

2/ Thu nhập không đủ sống

Trong khu vực lao động phi chính thức, lao động nữ hưởng mức lương thấp hơn nam giới 64%. Theo Ngân Hàng Thế Giới, thu nhập trung bình của lao động nữ ở Việt Nam vẫn còn quá thấp so với mức lương đủ sống, ước tính là 150 Mỹ Kim/Tháng.

Thu nhập thấp chính là một nguyên nhân quan trọng khiến người phụ nữ phải chấp nhận những công việc có điều kiện làm việc tồi tệ hơn, thời gian làm việc dài hơn để nâng cao thu nhập. Do đó mà tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức phải làm công việc nguy hiểm lên tới 59,6%, cao hơn nhiều so với mức 31,8% của lao động nam trong khu vực phi chính thức.

Mới đây, ngày 26 tháng 2 vừa qua, Tổ chức Oxfam đã công bố một báo cáo: tại Việt Nam hiện nay, có tới 99% công nhân may không được trả lương đủ sống căn cứ trên mức sàn lương châu Á là 8,9 triệu đồng/tháng và 74% không đủ sống căn cứ trên mức sàn lương toàn cầu 5,2 triệu đồng/tháng.

Ước tính lương cơ bản trung bình của 2,5 triệu lao động trong 60.000 doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam chỉ có 3,7 triệu đồng/tháng. Trong khi những người lao động này phải làm việc mỗi tuần hơn 60 giờ, có người làm đến 115 giờ/tháng.

Theo báo cáo Oxfam, 69% công nhân dệt may cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình; 28% công nhân nói rằng tiền lương không đủ để bảo đảm chi tiêu ăn uống cho gia đình trong cả tháng, trong đó 50% cho biết họ phải vay tiền để mua thức ăn; 53% không đủ khả năng điều trị khi ốm đau và có tới 94% công nhân không dám nghỉ ốm khi cần.

3/ Bấp bênh đời sống di cư

Hiện nay, tỷ lệ lao động nữ di cư trong các khu công nghiệp – chế xuất lên tới 60%, tỷ lệ này càng ngày càng cao, tạo nên hiện tượng “nữ hóa” di cư. Theo một nghiên cứu vào năm 2015, Tổ chức Oxfam cho biết có tới 90% phụ nữ di cư và con cái họ gặp khó khăn trong việc được nhà nước giúp đỡ về y tế, giáo dục cho con em của mình. Một phần là do thiếu hiểu biết, không được hướng dẫn, nhưng phần lớn là bị các địa phương phân biệt đối xử.

Cụ thể, có tới 71% người lao động di cư không được giúp đỡ về dịch vụ y tế công tại nơi đến. Và 21,2% trẻ trong độ tuổi từ 6 -14 tuổi theo cha mẹ lao động di cư không được đi học. Đây là con số đáng báo động về tình trạng trẻ em không tiếp cận được hệ thống giáo dục. Chỉ có 7,7% trẻ em di cư đi nhà trẻ công lập, và 12% trẻ em di cư đi học trường mẫu giáo công lập. Hầu hết các em phải tới những trung tâm mẫu giáo/giữ trẻ tư nhân.

Một xóm trọ nghèo của người lao động. Ảnh: Internet

Hiện nay lao động di cư từ miền trung chiếm một tỷ lệ lớn, dẫn đầu là Thanh Hóa 37,7%, Nghệ An 22,6%, Hà Tĩnh 14,1%…

Theo các nhà chuyên môn, do xa nhà, không có người thân, các công nhân này phải ở nhà trọ trong điều kiện thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Ngoài ra, do xuất thân từ nông dân, trình độ nhận thức thấp do học vấn thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, tính tổ chức và kỷ luật chưa cao, cơ hội tìm bạn đời hạn hẹp, dễ trở thành nạn nhân của lừa đảo… Đây là vấn đề nghiêm trọng, nếu không giải quyết tốt, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường lao động cũng như các vấn đề an sinh xã hội.

III- GIẢI PHÁP CHO VẤN ĐỀ LAO ĐỘNG NỮ

Theo Luật Lao Động 2012 và Nghị định 85/2015/NĐ – CP dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, nhà cầm quyền CSVN đã quy định về chính sách đối với lao động nữ bao gồm:

1/ Bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ. Trong đó quy định người sử dụng lao động phải thực hiện quyền bình đẳng giữa lao động nữ và lao động nam trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng,…

2/ Cải thiện điều kiện lao động đối với lao động nữ. Trong đó quy định người sử dụng lao động phải bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh tại nơi làm việc; khuyến khích áp dụng chính sách làm việc theo lịch trình linh hoạt, phù hợp với nguyện vọng của lao động nữ.

3/ Chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ như khám sức khỏe định kỳ, khám chuyên khoa phụ sản… Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút/ ngày để cho con bú, vắt sữa, trữ sữa, nghỉ ngơi; thời gian nghỉ hưởng nguyên lương.

4/ Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi…

5/ Người sử dụng lao động phải giúp đỡ, hỗ trợ nhân viên trong việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, cho các em đi học…

Những quy định nói trên rất lý tưởng và nhân bản. Nhưng trong đời sống thực tế, các tiêu chuẩn nói trên không thể áp dụng vì xã hội Việt Nam vẫn còn vận hành theo nền tảng XIN – CHO của bộ máy hành chánh độc tài độc đảng và tham nhũng.

Mỗi cán bộ, đặc biệt là những cán bộ phụ trách về lao động, công đoàn, an sinh xã hội đều là những sứ quân và hành xử theo những quy luật riêng của từng địa phương. Chính vấn nạn hành chánh là rào cản đầu tiên khiến cho người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng đã không thể có một đời sống lao động lý tưởng như Luật Lao Động quy định.

Nhưng điều quan trọng hơn nữa là đa số giới lao động thiếu hiểu biết về quyền của mình, thiếu khả năng tiếp cận thông tin, từ đó người dân không hiểu biết và coi các vấn đề như thuế khóa, ngân sách, bảo hiểm xã hội là của chính quyền, và càng không phải là điều mà họ “có quyền tham gia đòi hỏi hay góp ý kiến.”

Đặc biệt là đối với những người lao động di cư lại càng mù tịt đối với các vấn đề chung quanh, khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn khi tiếp cận các dịch vụ căn bản như y tế, trường học cho con em và các bảo trợ xã hội.

Ngay cả những tổ chức, cơ quan quốc tế hay tư nhân độc lập được lập ra để theo dõi, hướng dẫn người lao động cũng chỉ đưa ra những khuyến cáo chung chung, không có khả năng cải sửa hay giải quyết các yêu cầu của người lao động để giúp họ có một đời sống khá hơn.

Ba vấn nạn lớn nhất đối với lao động nữ hiện nay chính là sự đối xử bất bình đẳng, thu nhập không đủ sống và nhất là đời sống di cư (chiếm đến 60% tổng số lao động nữ). Do đó, để giải quyết rốt ráo các vấn nạn này, phải để cho chính người lao động trực tiếp giải quyết bên cạnh sự hỗ trợ của bộ máy công quyền.

Thứ nhất là chấp nhận việc hình thành những công đoàn độc lập do chính người lao động thành lập, nhất là trong các công ty chế xuất FDI, mà không lệ thuộc hoặc bị chi phối bởi Công đoàn. Trong thực tế, Công đoàn không bảo vệ hay giúp gì cho lao động nữ mà còn tạo ra những rào cản phi lý, chỉ vì Công đoàn đứng ra bênh vực những quyền lợi của các chủ nhân công ty nước ngoài, thay vì bênh vực quyền lợi của công nhân.

Thứ hai là tạo điều kiện giúp cho người lao động đứng ra thành lập những Nhóm Lao Động Tương Trợ, để bảo bọc và giúp nhau trong cuộc sống. Lý do là với những nhóm tương trợ của công nhân, người lao động sẽ nhìn ra những nhu cầu của chính họ, và qua đó có thể vận động chính quyền hay những cá nhân, đoàn thể xã hội độc lập giúp đỡ. Tựu trung, Nhóm Lao Động Tương Trợ sẽ có một số nỗ lực thực tiễn: a/ Tương trợ lẫn nhau trong tình con người; b/ Cùng nhau chia xẻ kinh nghiệm trong đời sống; c/ Giúp nhau cải sửa nhân cách để hướng thiện; d/ Cùng nhau học hỏi trau dồi công việc làm.

Thứ ba: Áp dụng ngay 5 điều khoản trong Nghị định 85/2015/NĐ – CP đối với các công ty quốc doanh, kế đến là hợp doanh và FDI trên căn bản thưởng/phạt, tức là công ty sẽ bị trừng phạt hay mất quyền lợi kinh doanh nếu vi phạm.

Thứ tư: Quảng bá rộng rãi 5 điều khoản trong Nghị định 85/2015/NĐ – CP để gia tăng sự hiểu biết về quyền lợi của người công nhân.

Thứ năm: Giáo dục quảng đại quần chúng và ngay từ lớp mẫu giáo những lợi ích và cần thiết của sự bình đẳng trong xã hội nói chung, và bình đẳng giới tính nói riêng.

IV- KẾT LUẬN

Trong 30 năm qua, Việt Nam từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu đã đạt được tăng trưởng kinh tế cao, nhờ mở cửa thu hút đầu tư ngoại quốc. Đóng góp vào nỗ lực này phải nói là lực lượng lao động Việt Nam giữ một vai trò rất quan trọng. Nhưng có hai vấn đề cần quan tâm.

1/ Theo đánh giá của Ngân Hàng Thế Giới thì chất lượng của nguồn năng lực lao động Việt Nam còn quá thấp, chỉ đạt 3,79 điểm (trong thang điểm 10) xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát ở Á Châu. Trong khi Nam Hàn đạt 6,91 điểm, Ấn Độ đạt 5,76 điểm, Malaysia đạt 5,59 điểm. Nguồn nhân lực của Việt Nam nói chung là yếu về chất lượng, thiếu năng động và cung cách ứng xử trong lao động.

2/ Theo báo cáo năm 2016 của Tổng cục Thống kê, mặc dù nông nghiệp chỉ đóng góp có 16,3% GDP của Việt Nam nhưng có đến 41,9% lực lượng lao động tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Ở nông thôn, tỷ lệ phụ nữ làm việc trong nông nghiệp có đến 63,4%. Nhưng với nhu cầu hiện đại hóa nông thôn, máy móc dần thay thế nhân lực và phụ nữ là thành phần bị mất việc trước nam giới. Phụ nữ nông thôn tìm cách xin việc ở các khu chế xuất, nhưng phần lớn các doanh nghiệp lại không nhận lao động trên 30 tuổi. Nếu có được nhận thì làm việc với mức lương rất thấp và chịu rất nhiều nghịch lý như đã phân tích bên trên.

Nguồn năng lực lao động của Việt Nam còn quá thấp so với nhiều quốc gia khác trong vùng. Ảnh: TTXVN

Hai vấn đề nói trên không chỉ là quan tâm riêng của nhà cầm quyền mà phải là bài toán chung của toàn xã hội. Giải quyết được hai khâu nói trên – năng lực và bình đẳng cơ hội – sẽ giúp rất lớn cho lao động nữ tại Việt Nam tìm được cơ hội để thăng tiến.

Muốn như vậy, chính quyền Việt Nam cũng như các nhóm xã hội dân sự cần hợp tác giải quyết ba nỗ lực:

Một, tổ chức những chương trình huấn nghệ, đào tạo tay nghề đáp ứng những nhu cầu thực tế của xã hội.

Hai, thực hiện chương trình tuyển lựa lao động công bằng, trong sạch và không đút lót/tham nhũng.

Ba, đẩy mạnh giáo dục về nhu cầu bình đẳng trong xã hội – giáo dục quần chúng cũng như trong học đường, nhằm thay đổi tư duy lỗi thời.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here