„Lợi nhuận định mức“ cho doanh nghiệp xăng dầu, sự báng bổ đối với kinh tế thị trường!

- Quảng Cáo -

Hoàng Hải Vân|

Giá xăng dầu lại tăng khiến cho một loạt các mặt hàng rục rịch tăng giá. Trong khi giá cả của hầu hết các hàng hóa dịch vụ khác do cung cầu thị trường ấn định thì giá xăng dầu lại do một nhóm lợi ích núp dưới danh nghĩa nhà nước thao túng.

Đất nước chuyển sang kinh tế thị trường từ lâu nhưng nhóm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn giữ thế độc quyền dưới sự bảo kê của liên bộ Công thương – Tài chính. Sự bảo kê này được thiết lập trên những nền tảng rất căn bản, trước hết là đóng cửa vĩnh viễn lãnh vực kinh doanh phân phối xăng dầu đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong hai hiệp định hội nhập quốc tế quan trọng nhất là Hiệp định thương mại Việt – Mỹ và cam kết gia nhập WTO, Việt Nam không cam kết mở cửa lĩnh vực kinh doanh phân phối xăng dầu cho các nhà đầu tư nước ngoài. Không cam kết tức là đóng cửa vĩnh viễn chứ không có một lộ trình mở cửa nào. Các nhóm lợi ích ngành xăng dầu đã tạo sức ép để các nhà đàm phán loại bỏ cam kết mở cửa trong lĩnh vực kinh doanh này. Có lẽ các nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước đã bị các bộ, ngành liên quan qua mặt. Ngành kinh doanh phân phối xăng dầu độc quyền trở thành sân sau của nhiều quan chức.

- Quảng Cáo -

Chưa nói đến việc lừa dối nói một đường làm một nẻo móc túi người dân thông qua việc tăng thuế môi trường lên đến kịch trần thông qua xăng dầu mà chúng tôi từng đề cập, chưa nói đến một lãnh vực kinh doanh mà nhà nước quản lý giá nhưng lại không có cơ chế kiểm soát chi phí và chất lượng sản phẩm, chỉ riêng việc dùng luật pháp để bảo đảm lợi nhuận cho một nhóm doanh nghiệp cũng đã là sự báng bổ vào cơ chế của nền kinh tế thị trường mà Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện.

Theo cơ chế quản lý giá xăng dầu, bất chấp giá cao hay thấp, giá lên hay xuống, bất chấp các doanh nghiệp khác điêu đứng, bất chấp người dân có thở được hay không vì giá xăng dầu, các công ty xăng dầu đều được nhà nước ưu ái bảo đảm “lợi nhuận định mức” là 300 đồng/1lít xăng. Đây là một trong vài dinh lũy cuối cùng của cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa được duy trì suốt mấy chục năm nhưng không ai có ý định thay đổi. Nhà nước bảo đảm cho một nhóm doanh nghiệp được lời bất chấp các doanh nghiệp khác bị lỗ và người dân nghèo đi, cơ chế thị trường gì mà kỳ cục vậy ?

HOÀNG HẢI VÂN

P/s: Xin nói thêm chút. Viện dẫn kinh tế thị trường định hướng XHCN để duy trì cơ chế quản lý giá xăng dầu này là ngụy biện. Vì dù là định hướng gì thì trước hết phải bảo đảm một cơ chế thị trường đầy đủ. Việc “định hướng” thuộc về các chính sách xã hội, không phải là sự can thiệp của nhà nước để hạn chế cạnh tranh.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here