Nước mắt tháng 4

Ảnh từ internet
- Quảng Cáo -

Tân Phong – Web Việt Tân

Những tờ lịch nhắc nhớ: Sắp đến ngày 30.04.

Thời khắc mà 44 năm trước, đã trở thành tháng ngày định mệnh, ngày của “triệu người vui, triệu người buồn” – như lời ông Võ Văn Kiệt từng nói. Đối với những cộng đồng hải ngoại người Việt Nam tị nạn Cộng sản và hàng triệu người dân miền Nam có thân nhân là con cái, cha, anh từng là nạn nhân của sự đầy đọa, đàn áp của chế độ cộng sản sau ngày “Thống nhất” – 30.04.1975 là ngày Hận vong quốc, ngày Gãy súng, là Tháng 4 đen máu lệ….

Ở phía “bên thắng cuộc”, lại là những cuộc diễu hành, cờ hoa rợp trời để kỷ niệm chiến thắng “chấn động địa cầu, vang dậy 5 châu” với sự ngạo nghễ của người cộng sản. Bức tranh đối nghịch ấy cho thấy sự chia rẽ tới cùng cực về nhân tâm. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, chiến tranh không còn nữa, đất nước đã thống nhất về mặt địa lí nhưng nhân tâm thì chưa bao giờ.

- Quảng Cáo -

Vẫn biết rằng lịch sử không bao giờ có chữ “NẾU”. Nhưng nếu như không có một kết cục 30.04.1975, nếu như vĩ tuyến 17 vẫn còn là ranh giới chia cắt hai miền đất nước thì Việt Nam hôm nay sẽ như thế nào?

Trong ba quốc gia trên thế giới là nước Đức, Việt Nam và bán đảo Triều Tiên bị chia đôi sau thế chiến 2, bởi những thế lực siêu cường quốc tế muốn như vậy, bởi sự ngã giá tranh giành ảnh hưởng địa chính trị của Nga, Mỹ, Trung Quốc. Nước Đức đã độc lập không cần một viên đạn. Một Tây Đức hùng cường đã cứu chuộc người anh em cùng huyết thống Đông Đức nghèo khó và đầy lòng hận thù của mình bằng vàng và cả lòng nhân ái. Giờ đây, Hàn Quốc cũng sẵn sàng như vậy với Bắc Hàn.

Chỉ duy nhất Việt Nam đã trả một cái giá 2 triệu sinh mạng người trong cuộc chiến ủy nhiệm dài 20 năm và ôm một khoản nợ chiến phí khổng lồ từ những người bạn vàng XHCN. Một cuộc chiến mà chính những lãnh đạo cộng sản đã định nghĩa rằng “Chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Trung Quốc, đánh cho Nga sô và các nước xã hội chủ nghĩa khác – Lê Duẩn”.

Khi đã đạt được mục đích cuối cùng là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, trên “đỉnh cao muôn trượng” và men say chiến thắng, Lê Duẩn tuyên bố: “Chúng ta sẽ đuổi kịp Nhật trong 15, 20 năm và nhân dân ta sẽ đi trên thảm vàng”. Nhưng thực tế thì sao?

Một Việt Nam của ngày hôm qua đói nghèo cùng kiệt sau chiến tranh tàn khốc mà như Lưu Quang Vũ – nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa, dũng cảm của những thập kỷ 80s của thế kỷ trước – đã đau đớn nhận ra hình hài thảm thương, số phận bất hạnh của một Mẹ Việt Nam chứa chan máu lệ.

Những áo quần rách rưới
Những hàng cây đắm mình vào bóng tối
Chiều mờ sương leo lắt đèn dầu
Lũ trẻ ngồi quanh mâm gỗ
Lèo tèo mì luộc canh rau.

Mấy mươi năm đã mấy lớp người
Chia lìa gục ngã
Đã tận cùng nỗi khổ

….

(Việt Nam ơi! Trong tập “bầy ong trong đêm sâu”, Lưu Quang Vũ)

Một Việt Nam hôm nay, người người lũ lượt tha phương tìm đường lưu vong. Kẻ giàu có thì lo cho được tấm thẻ xanh, mua nhà cửa ở xứ giãy chết để bảo toàn “thành quả cách mạng” là đống của cải đã trộm cướp được. Kẻ khó nghèo thì mong được một công việc chân tay, những nghề hạ bạc ở xứ người.

Theo con số thống kê của bộ LĐTBXH, mỗi năm Việt Nam “xuất khẩu” khoảng 120.000 – 140.000 lao động. Số ngoại tệ mà lực lượng lao động này gửi về gia đình là nguồn ngoại hối cực kỳ quan trọng đối với chế độ. Trong vòng 10 năm qua có khoảng 1,2 triệu người Việt đã định cư ở nước ngoài theo diện chính thức nhưng có một lượng đông hơn nhiều những người Việt đã ở lại nước ngoài bằng mọi con đường bất hợp pháp. Một xã hội (có thể) nhiều hơn về vật chất nhưng bại hoại về văn hóa, đạo đức. Con người không những bị đầu độc bởi một môi sinh môi trường bị hủy hoại, mà cả vì Nhân tâm cũng đã cùng kiệt, tha hóa.

Những câu chuyện cướp, giết, hiếp nhan nhản hàng ngày cho thấy một xã hội vô pháp, vô luân cùng cực. Thói mê tín đến rồ dại của đám đông như hệ quả của một xã hội tuyệt vọng về tư tưởng, đói khát niềm tin nhưng thừa thãi giáo điều và thói đạo đức giả, đểu cáng… Sự thịnh vượng, hạnh phúc chỉ dành cho một nhóm nhỏ những viên chức cao cấp và thân hữu đảng cầm quyền. Việt Nam hôm nay là một quốc gia thất bại.

Cuộc chiến ngày hôm qua không phải là một bản hùng ca như người ta tô vẽ. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà người cộng sản tràn ngập những “anh hùng” là sản phẩm của trí tưởng tượng và tuyên truyền dối trá như Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Sáu… Cho đến ngày hôm nay, những “anh hùng” đó đã được khải thần, dựng tượng, thờ cúng để tiếp tục công cuộc mị dân, lừa bịp những thế hệ sau.

Trong khi đó, những anh hùng thực sự trong cuộc chiến vệ quốc biên giới 1979, hay Gạc Ma 1988 thì bị lãng quên, bị đục bỏ bia mộ. Có lẽ, “bên thắng cuộc” không thiếu những anh hùng thực sự theo đúng nghĩa – những người sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng, đức tin, tình yêu quê hương dù rằng tiếc thay họ bị phỉnh lừa. Có hàng ngàn thanh niên trong sáng và ưu tú như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc ở thời đại đó, nhưng tại sao những người cộng sản lại dựng lên những câu chuyện “anh hùng” từ một Lê Văn Tám hư cấu hay một đứa trẻ mắc bệnh tâm thần bị các cán binh cộng sản xúi dại ném lựu đạn vào chợ quê nhà như Võ Thị Sáu? Vì rằng, những người cộng sản cần những “anh hùng” là công cụ giết chóc, khủng bố chứ không phải những anh hùng có lương tri và nhận thức.

George Orwell từng viết trong tác phẩm 1984 nổi danh đầy sự ám ảnh và tiên tri một tương lai Khải huyền cho loài người khi thể chế toàn trị lên ngôi “Kẻ nào là chủ quá khứ, sẽ làm chủ tương lai. Kẻ làm chủ hiện tại, kẻ đó làm chủ quá khứ”. Suốt 44 năm qua, những người cộng sản đã viết ra quá nhiều “Lịch sử” và không cái nào trong số chúng khả tín hơn cái nào.

Chiến tranh với những thế hệ sinh ra sau 1975 chỉ còn lại từ những câu chuyện của thế hệ trước hay đơn giản là những bài học lịch sử méo mó, khô cứng trong sách giáo khoa. Con người thì dễ quên và “Lịch sử” thường chẳng dạy được gì nhiều cho những thế hệ đang quay cuồng theo nhịp điệu 4.0. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, thời gian cũng có một tác dụng khác, nó làm hiển lộ những mảnh quá khứ như những vết trầm tích trên các lớp địa tầng qua quá trình phong hóa và công nghệ đẩy nhanh tiến trình này với tốc độ ánh sáng. Cả sự thực và dối trá, cả những điều xã hội đương đại xưng tụng và cả những gì cố ý bị vùi chôn đều bị phơi bày trần trụi dưới ánh mặt trời và… internet.

Hôm qua, đọc một bài đầy xúc cảm trên nhóm “Saigon xưa”, về những vị tướng lĩnh VNCH đã tuẫn tiết vào ngày 30.04.1975. Những đời trai kiêu hùng, những cái chết bi tráng. Những người đàn ông quả cảm này không hề sợ cái chết, mà trái lại họ sẵn sàng đón chào cái chết. Họ tận trung với lý tưởng mình phụng sự, và khi tất cả đã sụp đổ, họ bình thản dành cho mình viên đạn cuối cùng, nhất định “không đội trời chung” với kẻ thù.

Câu chuyện về tướng Lê Văn Hưng – người hùng An Lộc – sau khi chào tất cả sĩ quan bảo vệ, từ biệt người vợ trẻ, đã khóa trái cửa và bắn vào tim mình. Trước khi hồn lìa khỏi xác, ông đã giấu khẩu súng dưới đệm để người vợ không tìm thấy được khẩu súng. Ông sợ rằng người vợ yêu có thể quá đau khổ mà tự sát theo. Cái chết của ông vừa bi hùng, siêu thái như một kiếm khách Samurai.

Trong tác phẩm “Last Man Out” James E. Parker Jr. – một nhà báo chiến trường đã có dịp tiếp xúc nhiều với các tướng lĩnh VNCH – đã chọn bài thơ của một chiến binh Mỹ ẩn danh (Làm tại Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam, khoảng năm 1969), như một lời tạ từ người đàn ông quả cảm, một vị tướng hào hoa mà ông ấn tượng sâu sắc.

Do not stand by my grave and weep:
I am not there. I do not sleep…
I am a thousand winds that blow
I am the diamond’s glint on snow
I am the sunlight on ripened grain
I am the gentle autumn’s rain
When you awake in the morning’s hush
I am the swift uplifting rush
Of quiet birds in circle flight
Do not stand by my grave and cry
I am not there. I did not die.

Đừng đứng bên mộ anh và nhỏ lệ:
Anh không ở trong mộ này. Anh không ngủ đâu em.
Anh là ngàn ngọn gió thổi khắp phương trời
Anh là kim cương lấp lánh trên tuyết lạnh
Anh là ánh nắng nhuộm vàng hạt lúa chín
Anh là giọt mưa của trời thu êm ả
Khi em thức giấc lúc ban mai thinh lặng
Anh là lực xua đàn chim vụt bay cao
Những cánh chim lặng lẽ lượn những đường vòng
Đừng đứng bên mộ anh và khóc lóc:
Anh không ở trong mộ này. Anh không chết đâu em.

Khi đọc những dòng thơ này, bất giác những dòng nước mắt ứa tràn, cảm xúc không thể kìm giữ nổi. Đã có một thời đại thật đẹp đẽ, một xã hội tốt đẹp hơn, tử tế hơn từng tồn tại, đã có những con người tuyệt vời xây dựng, chiến đấu và bảo vệ mảnh đất này. Một thiên đường đã tan vỡ và những gì còn lại là một thực tại nhầy nhụa hãi hùng.

Nếu coi Lịch sử là một dòng chảy không ngừng – mà dòng chảy nào cũng có bên lở bên bồi – thì Việt Nam đã có một lựa chọn sai lầm, đầy đau đớn là đứng ở phía bên lở của dòng chảy Lịch sử ngày hôm qua. Nuối tiếc quá khứ là điều không nên, nhưng bài học từ lịch sử thì cần phải học hỏi và khắc ghi.

Tân Phong, 07.04.2019

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here