Thăm đất nước có ‘ông Trọng’ châu Phi

Một người phụ nữ đang đi bầu tại một trạm bỏ phiếu gần Lagos, Nigeria, 03/09/2019.
- Quảng Cáo -

Nguyễn HùngVOA

Đầu tháng Tư tôi có dịp tới Lagos, thủ đô thương mại của Nigeria, nơi một ông lão 76 tuổi người miền bắc có tiếng trong sạch vừa được bầu làm tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa hồi tháng Hai.

Giống như Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam, ông Muhammadu Buhari chiến thắng phần nhiều nhờ cam kết tiếp tục chống tham nhũng và lập lại kỷ cương. Và cũng giống ông Trọng, ông Buhari bị cáo buộc dùng cuộc chiến chống tham nhũng để loại bỏ đối thủ chính trị.

Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đặt chân tới Lagos là đi ngược về quá khứ dù châu Phi được coi là tương lai của thế giới sau nhiều thập niên nữa. Khách nước ngoài tới sân bay Murtala Muhammed được yêu cầu trình bằng chứng đã tiêm chủng sốt vàng da. Cô nhân viên xem giấy chứng nhận đã tiêm chủng của tôi nghiêm túc hỏi tôi có mang quà gì cho cô không. Khi tới hải quan sau quá trình lấy vali lâu và khá lộn xộn, một nữ nhân viên khác cũng có câu hỏi tương tự. Tôi nghe nói nếu ai quên tiêm chủng chỉ cần đưa vài chục đô la là người ta quên chuyện đó luôn.

- Quảng Cáo -

Tình hình an ninh ở Nigeria khá phức tạp. Bộ Ngoại giao Anh khuyến cáo công dân không nên tới nhiều nơi ở miền bắc vì nhóm chiến binh Hồi giáo Boko Haram vẫn còn lẩn trốn ở đó. Một số vùng khác cũng ở miền Bắc thuộc dạng chỉ nên tới khi thật cần thiết. Ngay trước hôm tôi tới Nigeria, 50 dân thường và dân phòng ở bang Zamfara thuộc vùng tây bắc đã bị băng đảng giết chết sau khi một nhóm dân phòng thách thức các tay anh chị tại vùng này.

Lagos nơi tôi tới nằm ở miền nam và là thành phố đông dân nhất của đất nước đông dân nhất châu Phi. Trên 20 triệu trong tổng số 180 triệu dân Nigeria sống ở Lagos. Nigeria được cho là một trong số hiếm các nước nơi phụ nữ vẫn có nhiều con dù học vấn của họ khá lên nhiều. Trung bình mỗi phụ nữ hiện có trên năm con. Một thống kê mà truyền thông đưa ra là trong ngày đầu của năm 2018, tại Nigeria có hơn 20.000 trẻ em ra đời so với con số gần 45.000 của Trung Quốc, trên 69.000 của Ấn Độ, gần 15.000 của Indonesia, trên 13.000 của Pakistan và trên 11.000 của Hoa Kỳ.

Nigeria như gia đình đông con và rất nhiều đứa vất vưởng. Cũng số liệu của năm 2018 cho thấy có tới gần 87 triệu dân sống trong đói nghèo cùng cực, nhiều nhất trên thế giới. Tại các con phố ở Lagos, rất nhiều người ngồi bên vệ đường chờ việc hoặc đứng dưới lòng đường bán đủ loại đồ từ nước, tới bánh kẹo, hoa quả, báo và tạp chí. Sự nghèo khó cũng thể hiện qua những chiếc ô tô quá cũ kỹ, vô cùng ô nhiễm và là thủ phạm gây tắc đường. Từ sân bay về tôi thấy khoảng năm chiếc xe hỏng giữa đường khiến các ô tô khác phải tránh. Có hôm tôi ngồi trong taxi hai tiếng để tới nơi mà lúc không tắc đường chỉ mất 15 phút. Hôm đó tôi cũng chứng kiến chiếc xe tải hạng nhẹ trước mặt cũ tới mức cửa không đóng kín hoàn toàn được và thỉnh thoảng lại có người phải chạy xuống đẩy để nổ máy. Nó làm tôi nhớ lại những năm 1980 ở Việt Nam khi người ta đỗ xe hơi trên dốc để lúc cần đi đâu dùng đà xuống dốc để nổ máy bằng cách cài số khi xe đang lao xuống.

Lagos có nhiều nơi hoành tráng và sang trọng nhưng bên cạnh đó là sự nghèo khó và nhếch nhác tới nao lòng. Tôi bàng hoàng khi tận mắt thấy Nigeria thua kém Việt Nam tới đâu về kinh tế dù theo đánh giá của tôi, Việt Nam cũng vẫn còn rất nghèo.

Nhưng về mặt tự do lập hội, lập đảng, tự do ngôn luận, Nigeria hơn Việt Nam nhiều. Tổng thống Buhari của Nigeria được bầu lại thêm nhiệm kỳ nữa qua cuộc bầu cử đa đảng. Thống kê của Ủy ban Bầu cử Nigeria cho thấy có trên 90 đảng chính trị đăng ký hoạt động. Bản thân ông Buhari, vốn là cựu tướng quân đội và từng tham gia đảo chính hồi thập niên 80, đã tranh cử tổng thống bất thành ba lần cho tới khi lên cầm quyền lần đầu hồi năm 2015. Trong cuộc bầu cử đầu năm nay chỉ có 18% cử tri tới hòm phiếu vì nhiều lý do trong đó có lo ngại về an ninh và thất vọng với những thay đổi chậm chạp ở Nigeria. Ông Buhari cũng chiến thắng với chỉ 56% số phiếu thay vì những con số 80 hay thậm chí 90% như ở Việt Nam.

Nigeria cũng vẫn tìm cách gây sức ép với truyền thông qua lực lượng an ninh dù bất cứ công dân nào cũng có quyền ra báo, lập đài ở đất nước này. Tôi đã tới thăm một cụm đài tư nhân và chứng kiến một buổi phát thanh của đài Lagos Talks 91.3 FM bằng tiếng Anh, ngôn ngữ mà đa số người dân được học hành đều hiểu. Người ta gọi tới để bình luận về các vấn đề thời sự, than phiền về chuyện mất nước, mất điện, không có đèn đường và nhiều vấn đề khác. Tự do chính trị và tự do truyền thông tương đối chưa mang lại thành công về kinh tế cho Nigeria. Nhưng chắc chắn nó làm cho cuộc sống của người dân bớt ngột ngạt đi nhiều.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here