Vì sao Việt Nam chưa cất cánh?

Bao giờ thì Việt Nam cất cánh?
- Quảng Cáo -

Phạm Minh Hoàng – Web Việt Tân

Vậy là đã 44 năm đất nước hoàn toàn nằm dưới sự cai trị của chủ nghĩa cộng sản. Cứ đến những ngày này, truyền thông nhà nước phát đi những thông điệp nhắc nhở, lên gân; nhưng năm nay sự phấn khích định kỳ hầu như mờ nhạt hẳn. Những “thành tích mừng ngày giải phóng” không còn “rực rỡ” như những năm trước. Thay vào đó là những diễn đàn của những ý kiến xây dựng để đất nước giàu mạnh “bằng trăm bằng ngàn lần ngày xưa”.

Thực tình mà nói, những diễn đàn kiểu này không phải là mới, nó thường được chỉ đạo xuất hiện vào những lúc nhà nước thấy cần nhắc cho người dân nhớ đến một chuyện nào đấy, hoặc quên đi một chuyện nào đấy. Tuy nhiên, vào năm thứ 44 sau ngày chấm dứt chiến tranh, ý kiến của các chuyên gia có phần cứng rắn, thẳng thắn, nêu ra các vấn đề cơ bản của nền kinh tế nước nhà, cho dù vẫn có bức bình phong cố hữu “theo tinh thần nghị quyết số…”.

Vậy ý kiến các chuyên gia nói gì ?

- Quảng Cáo -

Trước hết, họ tô một màu xam xám lên báo cáo hồng hồng của nhà nước. Đọc những ý kiến này, mọi người hiểu ra được một phần tại sao suốt hơn 30 năm tăng trưởng kinh tế “thần kỳ”, đất nước chúng ta vẫn chỉ “thoát ra khỏi mức nghèo” để bước sang mức “các nước có thu nhập thấp”, và nếu không có gì thay đổi, chúng ta sẽ mãi ở trong tình trạng này.

Chính ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư ngày 19/2/2019 tại Hà Nội đã thú nhận rằng “nguy cơ kinh tế Việt Nam tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình là rất lớn”. Tưởng cũng nên nhắc lại, khái niệm “bẫy thu nhập trung bình” là một trạng thái một nền kinh tế vượt qua ngưỡng thấp (1.000 USD/năm) để sang mức trung bình (<12.475 USD/năm) nhưng bị kẹt ở mức này không thể vượt lên với các lý do là không còn lợi thế nhân công rẻ cũng như không có ưu thế về hạ tầng, công nghệ và nhân lực cao.

Tính từ “tụt hậu” được dùng nhiều trong những ngày gần đây. Nó diễn tả sự cách biệt giữa Việt Nam và các nước trong vùng. Chúng ta có tiến, nhưng người ta tiến nhanh hơn thì coi như tụt hậu. Trong bài “Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ kinh tế” đăng trên VNExpress, tác giả đã tổng hợp những dữ liệu của Tổng Cục Thống Kê và Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) cho thấy khoảng cách giữa thu nhập trung bình của Việt Nam và các nước lân cận.

Theo như bảng trên thì khoảng cách giữa chúng ta và các nước trong vùng càng lúc càng lớn. Mặt khác, theo đánh giá của Ngân Hàng Thế Giới thì Lào còn đứng trên Việt Nam 2 bậc. Cầm đèn đỏ trong khối ASEAN là Miến Điện và Campuchia.

Xin được nói thêm vài câu về Hàn Quốc. Năm 1960, GDP đầu người của Hàn Quốc là 100 USD/người, năm 1990 là 6.516 USD/người, tức tăng gấp hơn 65 lần trong 30 năm! Đến năm 2017 GDP đầu người của họ đã là 29.743 USD/người.

Cũng tính cho khoảng 30 năm, GDP đầu người của nước ta chỉ tăng từ khoảng 100 USD năm 1990 lên 2.389 USD/người năm 2017, chỉ tăng gấp 24 lần, trong điều kiện đất đai, tài nguyên thiên nhiên, khí hậu của Hàn Quốc kém xa Việt Nam.

GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2017 đạt 2.389 USD, gấp trên 24 lần năm 1990 (98 USD), nhưng chỉ tương đương mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1990 (2.441 USD); của Thái Lan năm 1993 (2.208 USD); của Indonesia năm 2008 (2.300 USD). Như vậy, Việt Nam đi sau Malaysia 27 năm; Thái Lan 23 năm; sau Indonesia và Philippines 9-10 năm.

Rõ rằng khả năng đuổi kịp các nước trong khu vực về thu nhập bình quân đầu người trở nên rất khó khăn, bởi lẽ, nếu tăng trưởng kinh tế 5%/năm thì đến 2035, tức gần 20 năm nữa GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ bằng 83% GDP bình quân đầu người của Thái Lan hiện nay. Còn nếu tăng trưởng kinh tế 7%/năm liên tục thì đến 2035 GDP bình quân đầu người của Việt Nam bằng 98% của Malaysia hiện nay, trong khi đó những năm gần đây tăng trưởng kinh tế của các nước này không thấp.

Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta đuổi mãi không theo kịp bèn bạn, và ngược lại khoảng cách càng lúc càng xa?

Trong suốt 30 năm sau “đổi mới”, người ta luôn nhắc đến chỉ số tăng trưởng “thần kỳ”. Năm 2018 là suýt soát 7%, có năm vượt qua 9%, nhưng sự phát triển của một quốc gia không tùy thuộc hoàn toàn vào chỉ số tăng trưởng hàng năm. Tại sao cũng khởi đi từ một nước nghèo và có mức tăng trưởng giống Việt Nam, nhưng chỉ hai thập niên Nam Hàn trở nên hùng mạnh, còn chúng ta thì chỉ mới hết nghèo và tương lai không thực sự đáng lạc quan? Các chuyên gia đưa ra những phân tích sau:

Khu vực FDI có thực đem lại hiệu quả?

Nhìn sâu vào số liệu tăng trưởng GDP theo thành phần kinh tế trong khoảng thời gian 2005 – 2016 có thể thấy khu vực FDI là khu vực “gánh” tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. FDI có nghĩa là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Nếu lời thì đó là tiền của họ, họ có thể giữ lại để tái đầu tư mở rộng sản xuất nếu thấy lợi và cũng có thể chuyển về nước nếu thấy không thuận lợi hoặc không còn lời nữa.

Hầu hết các doanh nghiệp FDI đều báo cáo lỗ hoặc lãi một chút, như vậy thuế thu nhập doanh nghiệp phía Việt Nam thu được chẳng là bao. Năm 2016 tổng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp khối FDI được miễn giảm và ưu đãi ở mức 35.300 tỷ VN đồng. Nếu tính toán kỹ nhiều doanh nghiệp FDI thì tổng số thuế được ưu đãi từ khi đi vào hoạt động cũng tương đương số vốn họ bỏ ra đầu tư vào Việt Nam.

Chẳng hạn như Samsung Electronic nhận được miễn thuế 4 năm đầu, 9 năm tiếp theo được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 5% và 17 năm sau đó ở mức thuế 10%. Doanh nghiệp nội chỉ được ưu đãi gần 21% số thuế phải nộp trong khi doanh nghiệp FDI được hưởng gần 92%. Sự bất bình đẳng này khiến doanh nghiệp nội không thể cạnh tranh với doanh nghiệp FDI.

Phát biểu tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2018 và triển vọng 2019-2020: Vận hội mới – Yêu cầu mới“, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ quan điểm: “Không thể chấp nhận được ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài cao hơn nhà đầu tư trong nước. Cái gì quá ưu đãi thì nhất thiết phải giảm xuống, không ưu đãi thừa. Cùng với đó phải tăng cường nội lực cho doanh nghiệp trong nước.”

Theo bà Phạm Chi Lan, nếu như khi đàm phán các FTA, hay tham gia vào WTO luôn đặt ra yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài được đối xử tốt tương đối như doanh nghiệp trong nước thì Việt Nam đang đi ngược lại nguyên tắc này.

Năng lực cạnh tranh thấp

Nói về vấn đề này, nguyên bộ trưởng Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư Bùi Quang Vinh đánh giá rằng năng lực cạnh tranh đang ngày một kém hơn, điều này có thể thấy rõ khi mang ra so sánh với các quốc gia trong khu vực. Theo Tổng Cục Thống Kê, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu chỉ được xếp hạng 68/144 (của Diễn đàn kinh tế thế giới), trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng trên Lào, Campuchia và Myanmar, còn kém rất xa so với Singapore (2), Malaysia (20) hay Thái Lan (31).

Và như thế Việt Nam đang có nguy cơ tụt hậu lớn. Trước giai đoạn 2008, nước ta tăng trưởng bình quân là 7,8% mỗi năm, từ 2008 đến nay chỉ là 5,8%, nếu từ nay tới 2035 chỉ cần chỉ số này giảm xuống 5% là chắc chắn tụt hậu, để tránh tính trạng này phải có mức tăng trưởng trên 7%. Chính vì vậy, Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Để làm được điều này cần tăng hiệu quả đầu tư, sử dụng tài nguyên, năng suất lao động, bên cạnh đó các nguồn lực được phân bổ và sử dụng bởi thị trường, theo tín hiệu của thị trường cạnh tranh công bằng.

Môi trường kinh doanh chưa được cải thiện

Từ khi Luật Doanh Nghiệp có hiệu lực (1999), Thủ Tướng Phan Văn Khải đã quyết định thành lập Tổ công tác với nhiệm vụ hàng đầu là đưa thật nhanh Luật Doanh Nghiệp đi vào cuộc sống, chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn xóa bỏ được khoảng một nửa giấy phép con. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh để doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển không những không được cải thiện như mục tiêu ban đầu đã đề ra, mà trong một số mặt còn có biểu hiện ngược lại. Ví dụ, tình trạng “xin−cho” vẫn tiếp tục rất nghiêm trọng; giấy phép con chưa dẹp được thì “giấy phép cháu, chắt” lại tăng nhanh.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh lẽ ra phải được đặt vấn đề từ cải cách bộ máy; xác định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của họ; phân định vai trò của nhà nước và thị trường. Còn không, tình trạng giấy phép con sẽ còn tiếp tục nở rộ, và việc cắt giảm nó giống như thả gà ra đuổi.

Nhiều chuyện nhắc tới ai cũng muốn khóc. Chẳng hạn, như “1 thỏi sô-cô-la cõng 13 giấy phép” hay chuyện “thời gian nuôi gà còn ngắn hơn thời gian xin giấy phép được bán gà” hay “từ lúc sinh ra đến khi xuất chuồng, mỗi con heo gánh hơn 50 loại thuế, phí chiếm tổng cộng cả trăm nghìn đồng”. Tổ công tác ngày nay vẫn phải đi đôn đốc cắt giảm giấy phép về điều kiện kinh doanh, y hệt như cách đây 20 năm!

Hệ quả tất yếu của môi trường kinh doanh như vậy là hệ thống doanh nghiệp tư nhân trong nước ngày càng teo tóp, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp vốn đã yếu, nay càng yếu hơn, trong khi hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hơn.

Theo Tổng Cục Thống Kê, vào thời điểm 01/01/2017 có 517.924 doanh nghiệp hoạt động. Trong khi đó, năm 2008 chúng ta đã có 800.000 doanh nghiệp hoạt động. 11 tháng đầu năm 2018 thì số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể tăng đến 64% , trong khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ tăng có 4,5% đều so cùng kỳ.

Bộ máy phình to và hệ lụy

Nhà nước dự trù mỗi năm phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm thực hiện phải giảm 140.000 người mới theo tiến độ, nhưng thực tế ngược lại, không giảm được mà còn tăng lên 96.000 người. Như vậy, càng quyết tâm tinh giản biên chế thì biên chế tăng nhanh! Hệ lụy chung là tỷ lệ công nhân viên chức hưởng lương trên 1.000 dân của nước ta cao hơn rất nhiều so với nhiều nước: Việt Nam là 43 người chưa kể quân đội và công an, trong khi nhiều nước nước trong khu vực tính cả quân đội, công an như Philipines là 1.000 dân mới có 13 cán bộ công viên chức; Ấn Độ có 16 người; Indonesia 17 người; Singapore có 25 người.

Hơn nữa, chúng ta hiện có đến 30 đầu mối bộ, cơ quan ngang bộ trong khi ở Nhật Bản con số này chỉ là 11, Singapore là 15, Trung Quốc 20. So với các nước Châu Âu thì Việt Nam cũng cao hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang lạm phát về cấp phó. Cả nước hiện có 81.492 lãnh đạo cấp phó từ phó phòng đến thứ trưởng, chiếm 21,7% trong tổng số cán bộ công chức từ trung ương đến cấp huyện.

Tình trạng bộ máy phình to dẫn đến một hệ quả tất yếu khác là chi ngân sách nhà nước tăng nhanh. Mà ngân sách vốn được ví như cái bánh. Anh này ăn thì anh kia phải nhịn. Chi thường xuyên, chi trả nợ cả gốc lẫn lãi tăng lên thì tất yếu chi đầu tư phát triển phải giảm xuống.

Hiện nay chi đầu tư phát triển của Nhà nước chủ yếu dựa vào vốn vay, nhu cầu chi đầu tư của Nhà nước tăng rất nhanh, nhất là chi để khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái, trong bối cảnh vay vốn không còn rẻ và dễ như trước. Và đến nay, không một ai có thể nói được chính xác nợ công của chúng ta là bao nhiêu. Không ai tin con số 65% GDP nhà nước đưa ra. Một số chuyên gia dự đoán nó phải gấp đôi: 120% GDP.

Khát vọng, ý chí vươn lên

Xem qua những thành quả trong 30 năm “đổi mới”, phải nhìn nhận rằng nó vẫn chưa được như kỳ vọng của chính người Việt chúng ta và thua xa những điều mà không ít nơi đã làm được. Vậy thì khát vọng chúng ta ở đâu. Nhà báo Huỳnh Thế Du đã đặt câu hỏi như thế.

Khi đặt mục tiêu năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp vào đầu thập niên 1990, có lẽ Việt Nam đã tham khảo và lấy cảm hứng từ câu chuyện thành công của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore. Chỉ trong khoảng 3 thập niên họ đã hóa rồng. Một trong những nhân tố quan trọng trong thành công của họ là khát vọng vươn lên khi phải chịu áp lực tồn tại hay không tồn tại. Họ đã quyết tâm làm cho bằng được.

Khi đất nước trong tình cảnh bị lũng đoạn và cát cứ bởi các lãnh chúa và sự dòm ngó từ bên ngoài, tầng lớp tinh hoa cấp tiến của Nhật Bản cùng với Minh Trị Thiên Hoàng đã tiến hành cuộc cách mạng duy tân với niềm khát khao vươn ra thế giới và họ đã thành công. Sau khi đảo chính lật đổ chế độ dân chủ bất tài và tham nhũng ở Hàn Quốc vào tháng 5/1961, Park Chung-hee và các đồng sự đã thổi lên khát vọng quốc phú binh cường và hiện thực nó trong ba thập niên.

Khi Singapore bị trục xuất khỏi Malaysia vào năm 1965, Lý Quang Diệu đã quyết đưa quốc đảo này từ thế giới thứ ba sang thế giới thứ nhất và trong ba thập niên họ đã thành công. Khi mất ghế ở Liên Hiệp Quốc và ở thế cô lập vào đầu thập niên 1970, chính quyền Đài Loan đã đưa ra những quyết định hết sức duy lý hơn để đưa Đài Loan trở nên phát triển.

Trở lại Việt Nam, mốc 2020 đang cận kề và khả năng cao là sẽ không đạt được mục tiêu là trở thành “một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” (!). Thiếu khát vọng cháy bỏng cộng với áp lực buộc phải làm cho bằng được là nguyên nhân khiến Việt Nam ngày nay gần như không có những kỳ tích hay cột mốc đáng kể nào mà chúng có thể tạo ra niềm cảm hứng cho cả dân tộc như thời chiến tranh. Thêm nữa, việc thiếu khát vọng, thiếu mục tiêu rõ ràng với tính khả thi cho quốc gia đã làm không ít người có quyền lực và vị trí nảy sinh tư tưởng vun vén cá nhân, trục lợi và đục khoét.

Tuy có những kết quả nhất định, nhưng niềm tin, đạo đức và sự chính trực đang bị xuống cấp.

Trong mắt công chúng hiện nay, đang có rất tiêu cực. Cái nhìn tiêu cực đang phủ bóng lên xã hội. Mà không có khát vọng vươn lên, không những không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, mà tụt hậu so với các nước khu vực càng lúc càng xa. Cứ nhìn hàng ngàn người − trẻ có già có, lao động chân tay có, trí thức có − đang dẫm đạp lên nhau để xin visa đi Hàn Quốc làm việc thì đủ thấy mức chênh lệch giữa bạn với ta nó xa như thế nào. Nói đâu xa, hàng ngàn người Việt cũng đang thi nhau “xuất khẩu lao động” sang Lào và Kampuchia. Đem chuyện “khát vọng vươn lên” nói với những người nay, chắc họ nghĩ mình “hâm”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái của Viện Kinh tế Việt Nam, trong thời gian tới đây, chúng ta cần thực hiện kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ và hội nhập, chúng ta cần tôn trọng các quy luật khách quan. Cần xây dựng nhà nước pháp quyền mạnh mẽ và có trách nhiệm giải trình, chống nạn tham nhũng, nhũng nhiễu và thiếu hiệu lực của bộ máy.

Chúng ta phải quyết tâm đề cao vai trò của khu vực tư nhân, phải phát triển tối đa kinh tế tư nhân mà đây chính là con em bạn bè mình, gia đình mình, xã hội mình chứ ai! Nếu còn lừng khừng chỗ này thì còn lấn cấn không phát triển được. Cần xây dựng xã hội công bằng, phát triển hài hòa với vai trò ngày càng tăng lên của xã hội công dân và tầng lớp trung lưu qua thực hiện dân chủ rộng rãi, kể cả dân chủ trực tiếp.

Tôi không hiểu lắm thế nào là dân chủ rộng rãi và dân chủ trực tiếp cũng như khát vọng vươn lên. Nhưng sau 44 năm “chiến thắng 30/4” mà vẫn còn loay hoay trong những thứ này thì đúng là giấc mơ nào là “hóa rồng hóa hổ”, “đặt cả thế giới dưới chân”, làm chủ công nghệ này công nghệ nọ, chỉ là những tuyên bố đầy tính kiêu ngạo và lố bịch.

Phạm Minh Hoàng

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here