Báo cáo láo hay che giấu yếu kém

Các đại biểu Quốc Hội CSVN trong một lần bấm nút biểu quyết. Ảnh: VietTimes
- Quảng Cáo -
Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân
Hoạt động của Quốc Hội Việt Nam là một loại hoạt động chính trị ít được người dân theo dõi nhất, ngoại trừ những lần đưa ra thảo luận, biểu quyết những dự luật mang tính chọc giận đám đông. Tuy được phong hàm rằng “quyền lực cao nhất nước”, Quốc Hội vẫn được người dân đánh giá là một cơ quan trang trí cho một chế độ dân chủ giả hiệu và vô tích sự không hơn không kém.

Tính cách vô tích sự ấy được chính Phó Chủ Tịch Quốc Hội Uông Chu Lưu nêu lên trong ngày họp tổng kết kỳ họp thứ 7 để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 vào cuối năm 2019. Ông Lưu đã than thở rằng “đất nước có nhiều chuyện nóng bỏng nhưng báo cáo vẫn êm ả quá”.

Chẳng những êm ả mà còn lạc quan vì các báo cáo tổng kết được các uỷ ban chuyên trách đọc lên nghe rất trơn tru, tốt đẹp không giống với những gì đang diễn ra ngoài xã hội. Những chuyện nóng bỏng mà ông Lưu nói là chuyện gì?

Kinh tế và xã hội là hai vấn đề bức thiết trong đời sống hàng ngày của người dân nhưng chưa bao giờ được đề cập đến một vài giòng trong báo cáo của Quốc Hội. Chẳng lẽ chuyện lương bổng công nhân không đủ sống, nhiều gia đình công nhân những ngày cuối tháng chỉ ăn cơm chan canh suông; hay hố cách biệt giàu nghèo không là chuyện nóng? Chẳng lẽ những chuyện lạm thu thuế phí, bất công BOT, giáo dục xuống cấp đều là những chuyện nhỏ không đáng cho các đại diện dân luận bàn?

Nhất là quy định chồng chéo của Bộ Luật Đất Đai “sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý” cho phép nhà cầm quyền các cấp nhân danh công ích, trắng trợn thủ tiêu quyền sở hữu tư nhân. Qua vụ Thủ Thiêm kéo dài trên 20 năm vấn đề đất đai luôn luôn là vấn đề gây ra nhiều bất công ngang trái cho người dân nhưng bị Quốc Hội lẩn tránh nêu ra trước diễn đàn.

- Quảng Cáo -

Ngay cả việc tạo ra những luật lệ cần thiết để giải quyết những vấn đề nóng bỏng này cũng bị đẩy lùi, khoán trắng cho chính quyền tha hồ dùng quy định hành chánh bất chấp pháp luật. Trên cả nước không riêng vụ Thủ Thiêm mà còn hàng trăm vụ tranh chấp đất đai mà phần thiệt hại về phía người dân luôn phải gánh chịu. Điều khôi hài là Quốc Hội trong mỗi kỳ họp lại đều đều thông qua những bộ luật không tác dụng gì đến nhu cầu thực tế của người dân. Trong nhiều năm liền người dân đã dài cổ chờ đợi luật biểu tình, luật về quyền lập hội… nhưng tất cả vẫn nằm bất động trong ngăn tủ Bộ Công An và lần này Quốc Hội đã rất hăng say thảo luận và thông qua Luật Phòng Chống Tác Hại Rượu, Bia!

Một vấn đề nóng khác như cổ phần hoá để chấn chỉnh kinh tế quốc doanh theo hướng kinh tế thị trường thì đối với Quốc Hội là vấn đề thứ yếu được gác lại năm sau. Tài sản doanh nghiệp nhà nước không được minh bạch hoá trước khi giải tư tạo cơ hội cho tư bản thân hữu chiếm đoạt. Vì thế cổ phần hoá các công ty quốc doanh đã kéo dài hàng chục năm liền đến nay vẫn đang diễn ra ì ạch dưới chiếc bóng của các lợi ích nhóm. Có lẽ đó là một trong nhiều lý do “nhạy cảm” khiến Quốc Hội không muốn đá động tới.

Một trong những chuyện “nổi bật” của Quốc Hội trong kỳ họp này là đại biểu mắc bệnh lười. Sự vắng mặt quá nhiều đại biểu trong các buổi họp, đến nỗi Chủ Tịch Kim Ngân phải công khai thừa nhận con số bỏ họp có khi lên tới 100 trên tổng số 500… Thử hỏi đại biểu quốc hội được đảng cử ra, dân nuôi bằng tiền thuế thì ngoài nhiệm vụ đi họp để gật thì họ còn làm gì khác để cuối tháng ngửa tay lấy lương cao.

Thật ra, những gì Phó Chủ Tịch Quốc Hội Uông Chu Lưu nêu ra trong phiên họp bế mạc chiều 14 tháng Bảy không có gì mới mà ông chỉ lặp lại những tệ nạn đã có bao đời nay của một cơ quan làm cảnh. Vì là quốc hội của một xứ sở độc tài nên các ông bà đại biểu chỉ biết suy nghĩ như những con robot và nói theo sự cho phép của đảng lãnh đạo. Người ta còn nhớ vào tháng Năm, 2014, khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Cộng tiến vào vùng hải phận thuộc chủ quyền Việt Nam tạo ra những cuộc biểu tình rầm rộ của người dân yêu nước thì cũng chính quốc hội này đã lặng thinh. Lần này, năm 2019 tàu võ trang của Trung Cộng đang diệu võ dương oai ở bãi Tư Chính, liệu Quốc Hội có dám hé môi?

Nói cách khác, họ tuy mang danh là đại biểu nhân dân nhưng cũng tự biết khi đảng cho phép nói và làm cái gì thì mới dám nói và làm cái đó. Vì do đảng nặn ra trong mỗi 5 năm một lần mà hầu hết là đảng viên trung kiên đang giữ chức vụ trong hệ thống chính quyền, họ lại càng phải tỏ ra trung thành với đảng để bảo vệ con đường thăng tiến tương lai.

Những bất công xã hội, nỗi khổ của dân oan, đất nước mất chủ quyền không phải là mối quan tâm của Quốc Hội vì lẽ dễ hiểu đó chưa bao giờ là mối quan tâm của đảng. Vấn đề an toàn của chế độ và nắm giữ quyền lực muôn đời mới là mối lo “tâm huyết” của các lãnh đạo cộng sản.

Vì thế nếu ta gọi báo cáo tổng kết cuối kỳ họp vừa qua của Quốc Hội là báo cáo láo hay chỉ là hành động để che giấu sự yếu kém và lười biếng cũng đúng; cả hai đều mang một ý nghĩa như nhau. Đó là sự coi thường người dân và dư luận, bởi Quốc Hội chỉ quan tâm vào chiếc ghế đại biểu và những gì đảng ban phát.

Phạm Nhật Bình

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here