Lại nói về việc „chống tham nhũng“ của CS

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà|

Hôm 26/07/2019 ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trước báo chí, ông chủ trì kỳ họp phòng chống tham nhũng. Khi báo chí đưa những tin này lên, mục đích của họ là quảng bá thương hiệu cho đảng qua hình ảnh chống tham nhũng của người đứng đầu đảng và đứng đầu nhà nước. Có lẽ rất nhiều người hồ hởi và tiếp tục đặt niềm tin vào ông Trọng.

Nếu đặt câu hỏi rằng, tại Mỹ tổng thống Donald Trump có bao giờ chủ trì cuộc họp chỉ đạo phòng chống tham nhũng như thế này không? Hay tại Canada, tại Úc, tại Anh vv.. có ai thấy thủ tướng – người đứng đầu đảng kiêm nguyên thủ quốc gia của họ có chỉ đạo chống tham nhũng không? Không hề. Thế nhưng rất kỳ lạ là tham nhũng tại những nước đó rất thấp. Theo xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố năm 2018 về Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI) thì Việt Nam đứng ở vị trí 117/180 nước, trong khi những nước như Canada thì hạng 9/180, Anh hạng 11/180, Úc hạng 13/180, và Mỹ hạng 22/180. Tức là những đất nước đó rất trong sạch, mặc dù nguyên thủ của họ không họp hành hô hào chống tham nhũng. Vì sao vậy?

Thực ra vai trò chống tham nhũng tại các nước đó là trách nhiệm của tư pháp chứ không phải thuộc về hành pháp. Nghĩa là tại những nước đó, người ta chống tham nhũng bằng thể chế chứ không chống tham nhũng bằng quyền lực. Nói cách khác, bộ máy nhà nước tại những nước dân chủ tự nó không cho tham nhũng nảy mầm, nếu tham nhũng nảy mầm thì chính bộ máy đó diệt ngay khi mầm tham nhũng mới nảy. Còn ở Việt Nam thì sao? Ở Việt Nam, tham nhũng tự do phát triển thành cây đại thụ rồi mới có anh tiều phu vác cưa tay đi đốn, nhiệt tình lắm thì anh tiều phu đó chỉ cưa được vài cây vừa và nhỏ, còn cây đại thụ vẫn không thể cưa nổi. Còn việc mang cưa tay mà bảo anh tiều phu phải đốn đốn cả khu rừng thì anh ta mãi mãi làm không nổi.

- Quảng Cáo -

Ý thức được rằng, tham nhũng sinh ra là bởi quyền lực không bị kiểm soát. Nên Tây Âu người ta đã thiết kế nên loại thể chế chính trị tam quyền phân lập nhằm kiểm soát quyền lực. Đây là một loại bộ máy nhà nước phân quyền để các nhánh quyền lực kiểm soát lẫn nhau. Mà khi quyền lực bị kiểm soát thì tham nhũng làm sao nảy mầm? Mà nếu có nảy được mầm thì mầm ấy cũng bị diệt ngay khi mới nảy, nên tham nhũng tại các nước dân chủ rất cỏn con. Nghe số tiền tham nhũng của quan chức cỡ bự xứ họ mà đem so sánh với xứ Việt mà thấy buồn cười. Ví dụ như năm 2014, ông Barry O’Farrell, Thủ hiến bang New South Wales – Úc, và là thủ lĩnh Đảng Tự do tại bang này phải trả giá đắt vì nhận món quà là chai rượu trị giá gần 3.000 USD. Chỉ món quà như thế và ông phải từ chức, trong khi đó, ở Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Lê Thanh Hải vv.. làm thất thoát hàng trăm triệu đô, thậm chí hàng tỷ đô thì có ai sờ được những ông này đâu?

Ai cũng biết quyền lực không bị kiểm soát thì sinh ra tham nhũng, mà dùng quyền quyền lực chống tham nhũng thì chống thế nào? Chính vì thế nên mới có chuyện mấy năm nay ĐCS luôn hô hào chống tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng. Việc chống tham nhũng hôm nay của ĐCS phụ thuộc vào thời gian còn tại chức của ông Nguyễn Phú Trọng. Cứ cho là ông Trọng chống tham nhũng đi (thực ra là dùng chiêu bài tham nhũng thanh trừng phe cánh chính trị khác như Tập Cận Bình đã làm), vậy thì câu hỏi đặt ra là khi ông Nguyễn Phú Trọng hết nhiệm kỳ vào năm 2021, thì ai chống tham nhũng thay ông ta đây? Hay lúc đó kẻ nắm cơ quan chống tham nhũng cũng là kẻ trùm tham nhũng như Nguyễn Tấn Dũng trước đây? Hỏi cũng là trả lời, sau Nguyễn Phú Trọng thì tình trạng tham nhũng là “vũ như cẫn” (tức vẫn như cũ). Thế nên mới thấy sự luẩn quẩn và vô tác dụng của kiểu chống tham nhũng bằng quyền lực như CS. Cách chống tham nhũng của họ vô cùng thiếu khoa học nhưng họ vẫn tự xưng rằng họ đang theo một thứ “Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học” gì đấy, nghe hết sức buồn cười.

Lịch sử loài người đã trải qua nhiều loại mô hình thể chế chính trị, nhưng tóm lại nó chỉ có 2 loại mô hình chính: đó là mô hình phân quyền và mô hình tập quyền. Giữa phong kiến tập quyền và độc tài CS (hay như CS tư xưng là XHCN gì đấy) thì nó cũng là mang bản chất như nhau cả, nó đều là loại bộ máy nhà nước tập trung quyền lực và không hề có cơ chế kiểm soát. Chính vì thế, tham nhũng và CS chỉ là hình với bóng mà thôi. Đã là CS thì ắt tham nhũng và vơ vét chứ không thể nào khác, thế nên ông Trọng mới thốt ra một câu nói theo tôi cho là rất đúng, đó là “chống tham nhũng nghĩa là ta đánh ta”. Đúng! “chống tham nhũng là ta đánh ta” nên hết nhiệm kỳ ông Trọng, chẳng có ông lãnh đạo CS nào lại đi làm chuyện ta đánh ta như ông nữa và tham nhũng vẫn hoàn tham nhũng và tham nhũng ngày một nghiêm trọng hơn mà thôi./.

Tham khảo:

https://www.transparency.org/cpi201

https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/tu-chuc-vi-chai-ruou-20140417211840534.htm

http://www.sggp.org.vn/chong-tham-nhung-ngay-trong-co-quan-chong-tham-nhung-599549.html

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here