Nhà tù của báo chí

- Quảng Cáo -

Luân Lê|

Từ khi nào mà công dân thực hiện quyền làm chủ nhà nước và quyền chính trị của mình để chống lại các bất công của quyền lực và các quan hệ làm ăn có dấu hiệu mờ ám, phi pháp và thân hữu lại trở thành tội nhân, hơn hết là những tờ báo thay vì bênh vực lẽ phải và công lý, cổ vũ cho những giá trị tốt đẹp, nó lại tấn công vào người dám hy sinh cái lợi ích của bản thân để dấn thân cho cộng đồng và xã hội?

Hà Văn Nam

Báo chí vốn đã chịu sự kiểm duyệt và chi phối của quyền lực chính trị, nó đã mất đi cái tinh thần và giá trị của báo chí, nhưng nó tự làm nó trở nên khốn tệ hơn bởi chính nó lại tiếp tục tấn công người đã không còn khả năng lên tiếng trước công luận vì đang bị giam giữ tại ngục tối sau sự tranh đấu của mình.

Ngày xưa ông Hồ cũng lên án những thứ báo chí hoặc là chỉ nêu chuyện thời tiết, chim muông, hoa lá, mây trời hoặc là lên tiếng bảo vệ/lờ đi cái thối nát của chế độ. Và Ông cho rằng những tờ báo đó ở xứ Đông Dương thì đáng phải đóng cửa và thậm chí bỏ tù vì nó đi ngược lại lợi ích của nhân dân và làm khổ nhân dân thêm nữa. Karl Marx gọi thứ báo chí bị kiểm duyệt hoặc mất đi tính độc lập khách quan là loại quái thai không có tính cách.

- Quảng Cáo -

Thật tệ là, trong rất nhiều vụ việc có yếu tố chính trị như: hoạt động nhằm lật đổ chính quyền; tuyên truyền chống nhà nước hay lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để xâm hại lợi ích nhà nước…báo chí thường giương lên ngọn cờ truy kích và cũng là kết tội những người bị cáo buộc đầu tiên. Họ thay mặt quan toà để phán xét về hành vi và tội trạng, họ bất chấp luật pháp để tuyên truyền và cáo buộc tội danh cho những người còn chưa bị xét xử mà chỉ mới ở giai đoạn đầu tiên của vụ án – khởi tố để điều tra.

Hơn nữa, trong một nhà nước, nếu trong Bộ luật Hình sự quy định nhiều tội danh về chính trị, nơi đó là nơi bóp nghẹt và ít quyền chính trị cho công dân của mình nhất. Nơi đó sẽ là nơi bắt nhốt và giam giữ nhiều người đấu tranh cho lẽ phải và công lý nhất, trong đó là các quyền thực thi chính trị của mình trước nhà nước. Và nếu giả như Bộ luật Hình sự 1985 của ta mà còn hiệu lực thi hành thì hầu hết nhân dân ta đã phải vào tù vì “tuyên truyền chống lại các nước XHCN anh em” như Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên hay Venezuela.

Những người trí thức, với chức phận xã hội và cùng với sự hiểu biết của mình, họ là những người thức tỉnh đầu tiên và sớm nhận ra những bất công của xã hội, họ lên tiếng để dẹp bỏ nó, đó là một cơ may của dân tộc chứ không phải là một mối hoạ. Thử nhìn xem, bao nhiêu nhà giáo, bác sỹ, luật sư hay doanh nhân đã phải vào tù vì những “sự chống đối” của mình trước chính quyền? Số lượng bác sỹ, luật sư, nhà giáo, nghệ sỹ, nhà văn hay cả sinh viên đi tù vì những tội danh chính trị ngày càng tăng lên, thế thì cần phải xem lại sự điều hành và cầm quyền của mình có thực đem tới sự công bình và dân chủ hay không.

Nêu ra cái tội danh trong BLHS 1985 là để thấy cái sự bất công và ngu dốt nếu được hợp pháp hoá và ấn định vào trong các đạo luật thì nó sẽ gây hại cho đất nước và con người trầm trọng đến mức nào, mà khi luật pháp bất công và ấu trĩ được thực thi thì có phải là đã tạo nên những sự oan khiên tày trời không bao giờ cứu chuộc được nữa không?

Những nhà tù thực dân ở thế kỷ trước chẳng phải đã là nơi giam giữ những con người có lý tưởng và kiên trường đấu tranh cho dân tộc này độc lập hay sao, nơi của những con người mà ngày nay chính báo chí ca tụng họ là những người có công với xã tắc, hà cớ gì lại quay mặt lại để vùi dập những con người ở vào một thời kỳ khác của lịch sử đang giành lấy những giá trị khác cho con người – thay vì là sự độc lập của dân tộc thì nay họ đòi hỏi quyền tự do và dân chủ!

Thời trước, những tờ báo độc lập được thành lập và những nhà báo yêu nước đã không ngừng đấu tranh bằng ngòi bút của mình, còn ngày nay, dường như họ đã mất hết khí chất của những nhà báo, mà họ trở thành những kẻ buôn chữ và chẳng còn biết đến những giá trị cao quý của lẽ phải, điều đúng nữa.

Và nhà tù của báo chí chính là sự kiểm duyệt, nhưng thực chất sâu xa bắt nguồn từ “nhà tù tư tưởng” do chính họ giam hãm mình mà ra./.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here