Sự dấn thân của Hà Văn Nam

Anh Hà Văn Nam, người đấu tranh tích cực chống các BOT bẩn bị nhà cầm quyền cáo buộc "gây rối" và kết án 30 tháng tù giam. Ảnh: Internet.
- Quảng Cáo -

Phạm Minh Hoàng – Web Việt Tân

Ngày 9 tháng Tám, 2019, báo An Ninh Thế Giới của Bộ Công An có đăng bài “Con đường từ thủ khoa đại học đến trại giam của Hà Văn Nam” với mục đích bôi nhọ anh “chỉ vì hư danh trên mạng xã hội mà vi phạm pháp luật”.

Xin nhắc lại, khởi đi từ đầu năm 2018, anh Nam và một số bạn bè đã tổ chức một “hành trình đánh BOT bẩn”, một chuyến xuyên Việt từ Nam ra Bắc, với mục đích là “đánh BOT bẩn”, những BOT làm sai các quy định hiện hành của nhà nước để trục lợi (BOT là chữ viết tắt từ cụm từ Build−Operate−Transfer, hiểu theo nghĩa trong bài là những trạm thu phí dọc theo các tuyến đường mà nhà đầu tư sẽ được quyền thu phí theo quy định).

Theo thống kê của Bộ Giao Thông Vận Tải thì cả nước có tới 17 trạm BOT đặt sai vị trí, nhưng chỉ “giải quyết” được trạm BOT Tân Đệ, các trạm còn lại thì vẫn phải cho tồn tại vì do “lịch sử” để lại. Bộ Giao Thông Vận Tải cũng đã nhiều lần giải thích về việc này.

- Quảng Cáo -

Những việc làm của anh Nam và nhóm bạn đã chạm vào “nồi cơm Thạch Sanh” của vô số người, trong đó có nhóm cổ đông là những quan chức tại địa phương lẫn trung ương. Chính vì thế, khi nhóm nhà báo đi qua trạm BOT Bến Thủy, họ đã bị cản trở và vây hãm tại Nghệ An bởi lực lượng CSGT với đội ngũ “dân thường phục gắn khẩu trang xanh”, chuyện này xảy ra ngay sát trụ sở Công An huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Anh Hà Văn Nam đã bị bắt cóc và đánh đập tàn nhẫn. Bụng và lưng thâm tím phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ cho hay anh bị đánh gãy hai xương sườn. Ngày 30 tháng Bảy, 2019, Anh Nam bị tòa án xử 30 tháng tù về “hành vi gây rối trật tự công cộng”.

Dưới đây là những “mô tả” của trang An Ninh Thế Giới về anh Hà Văn Nam.

“Hà Văn Nam, SN 1981, quê ở xã Đông Hoà, thị xã Thái Bình (nay là TP Thái Bình). Thủ khoa Đại học với số điểm tuyệt đối 30/30, Nam đã trở thành niềm tự hào không chỉ của gia đình mà của các thầy cô giáo, bạn bè khi anh ta làm rạng danh trường PTTH Dân lập Thái Bình. Ở đại học, Hà Văn Nam đã thể hiện tài năng của mình bằng những sáng kiến có tính ứng dụng cao trong thực tế. Ra trường, Nam đã tự nghiên cứu, đầu tư sản xuất các sản phẩm nước tẩy rửa hữu cơ được dư luận đánh giá cao. Ngoài ra, Nam còn là Giám đốc Công ty cổ phần phát triển giáo dục Global Edu Việt Nam làm ăn có hiệu quả.

Sự nghiệp đang ổn định là thế, nhưng chính Nam lại không biết nắm giữ cơ hội của mình, dần tuột dốc, sa đà vào việc gây rối ở các Trạm BOT, nổi tiếng trên mạng xã hội với nhiều “chiêu đấu tranh” với các Trạm BOT. Dần dà, Hà Văn Nam và Trần Đình Sang được trở thành những cái tên “đình đám” trên mạng với nhiều “chiêu” gây rối khác nhau khiến nhiều lần các trạm BOT phải xả trạm.

Càng nổi trên mạng, Nam càng lún sâu vào hành vi vi phạm pháp luật. Cho đến lúc bị bắt, Nam mới giật mình tỉnh ngộ, giá như.

Nhưng, có lẽ vì sự nổi tiếng bất ngờ khiến Hà Văn Nam không biết được điểm dừng và vượt qua lằn ranh giới giữa đấu tranh với cái sai, cái vi phạm, bước sang phía bên kia là vi phạm pháp luật, rơi vào vòng lao lý”.

(hết trích)

Trước khi bàn luận về tinh thần dấn thân của một thủ khoa đại học, tôi có một lưu ý nhỏ như vầy: Trên báo chí chính thống, ngày nay người ta thấy nhan nhản những tin lạc quan và dễ sống kiểu như: ”Nuôi cà cuống, thu nhập trăm triệu (Sàigòn), Thu nhập cao nhờ nuôi dế thương phẩm (Sóc Trăng); Dạy ngoại ngữ cho… chó kiếm tiền tỷ (Hà Nội)…”. Tất cả dường như cho thấy một đời sống cực kỳ dễ dàng như nằm ngửa chờ sung, làm gì cũng thành triệu, tỷ phú, và nhà nước muốn gời đi thông điệp rằng kiếm tiền nhàn nhã thế thì chỉ có ngu mới đi làm chuyện bao đồng như chống Formosa hoặc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Trở về chuyện thủ khoa của anh Nam. Trong 10 năm dạy học tại Đại Học Bách Khoa, tôi đã nhận thấy một điều khá tích cực là ngày càng có nhiều sinh viên giỏi đến từ các tỉnh, các vùng quê, mà một trong những người đó là Nam (quê ở xã Đông Hoà, thị xã Thái Bình). Thường thì một sinh viên ở thành phố có nhiều điều kiện học tập hơn ở thôn quê, nên nỗ lực vượt khó để trở thành thủ khoa của các em ở thôn quê thật đáng trân trọng. Vậy mà một trong những em đó đã dám từ bỏ thành tích của mình để lao vào chọn gian lao, nguy hiểm thì đây quả là điều trân quý biết chừng nào, và chỉ có ngu cực kỳ như báo An Ninh Thế Giới mới có thể kết án hành động đó là vì “hư danh”.

Trước thủ khoa Hà Văn Nam đã có hơn 200 người cũng vì cái “hư danh” ấy mà phải bước vào nhà tù nhận những bản án kéo dài hàng chục năm. Sau khi mãn tù, họ còn phải bị quản chế, cuộc sống trở nên khó khăn, không nhà cửa, không việc làm, bạn bè xa lánh. Cái “hư danh” nào khiến những Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Đặng Xuân Diệu… là những người có trình độ học vấn cao chấp nhận phải đánh đổi?

Và nếu trở về quá khứ, cái “hư danh” nào khiến Phan Đình Phùng người từng đậu Tiến sĩ dưới thời Tự Đức đã bỏ vinh hoa để hưởng ứng hịch Cần Vương nằm gai nếm mật trong suốt 10 năm? Rồi cái “hư danh” nào khiến Nguyễn Thái Học, từng đậu vào trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội, và nhận học bổng của Chính phủ Bảo hộ Pháp đã đứng ra lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng và hy sinh khi chưa đầy 30 tuổi?

Trước đây, khi nói về các trí thức đã dám rời bỏ địa vị để ủng hộ Việt Minh cuộc đấu tranh chống Pháp, cộng sản hay nhắc đến giáo sư (GS) triết Trần Đức Thảo và Luật sư Nguyễn Mạnh Tường. Nhưng cũng chính họ lại là những người sau này đã nhìn ra được bộ mặt thật của chủ nghĩa cộng sản và lặng lẽ xa rời nó. Cho dẫu thế, có ai cho dù theo hay chống cộng sản cho rằng hành động dấn thân của hai nhà trí thức này là chạy theo “hư danh”?

GS Trần Đức Thảo sinh năm 1917 tại Bắc Ninh. Năm 1936, ông được nhận học bổng sang Paris, Pháp và tốt nghiệp thạc sĩ triết học tại trường đại học số một của Pháp là Trường Đại Học Sư Phạm (Ecole Normale Ulm) lúc mới 26 tuổi. Năm 1952 ông về chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1955, ông trở thành giáo sư Triết học và là Phó Giám Đốc Đại Học Sư Phạm Văn Khoa, Chủ nhiệm Khoa Lịch Sử, Đại Học Tổng Hợp Hà Nội.

Năm 1957-1958, Ông bị kết án dính líu đến phong trào Nhân Văn Giai Phẩm khi công bố hai bài báo có bàn đến một số vấn đề về tự do, dân chủ. Ông bị cách tất cả các chức, bị cấm giảng dạy, phải dịch thuật lặt vặt, phải bán dần bán mòn những bộ từ điển để sống. Ông hạn chế liên hệ với người khác, bị cô lập trong cuộc sống. Nhà văn Trí Vũ (Phan Ngọc Khuê) đã viết trong cuốn “Nỗi hối hận lúc hoàng hôn (Regrets au crépuscule de la vie) đã viết lại những tâm tư của GS Thảo rằng: “Bây giờ tôi nhận ra là chính Marx sai. Chứ không phải là ông Marx nói đúng rồi học trò sai. Chính ông Marx cũng sai”.

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường sinh năm 1926, ông đỗ Tú tài triết học (16 tuổi), hạng ưu, được học bổng sang Pháp học Luật và Văn chương tại Trường Đại Học Tổng Hợp Montpellier (1927). Tháng Năm, 1932 ông đỗ tiến sĩ luật, một tháng sau ông tiếp tục lấy bằng tiến sĩ văn chương. Năm 1936, “lưỡng tiến sĩ” Nguyễn Mạnh Tường về dạy văn chương Pháp ở trường Bảo hộ (sau này là Chu Văn An) và trường Cao Đẳng Công Chánh. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông về lại Hà Nội, tiếp quản trường Đại Học Luật và Đại Học Sư Phạm.

Vào ngày 30 tháng Mười, 1956, trong Hội nghị của Mặt Trận Tổ Quốc, họp ở Hà Nội, Nguyễn Mạnh Tường đã đọc bản tham luận về những sai lầm trong Cải cách ruộng đất, và nói đến một chế độ pháp trị chân chính, một chế độ dân chủ thực sự. Điều này khiến ông bị chế độ xem như một người “phạm pháp quả tang”, bị sa thải khỏi đại học và không được hành nghề luật sư. Kể từ 1957 là thời kỳ đen tối của cuộc đời, ông sống trong nghèo đói và bệnh hoạn.

Mãi đến năm 1989, ông được phép sang Pháp, và lưu lại ở đó 4 tháng. Tại đây, ông cho xuất bản cuốn hồi ký bằng tiếng Pháp Un Excommunié (tạm dịch theo từ Thiên Chúa Giáo là “Một người bị rút phép thông công”) viết về những điều trải nghiệm trong những năm ông đã sống và viết kể từ sau 1945. Trong cuốn sách này ông đã trình bày quan điểm của mình: “Tôi không hề tham gia Mặt Trận Việt Minh. Bao giờ tôi cũng là một người yêu nước, luôn luôn ưu tư đến việc giành lại độc lập cho đất nước. Tuy nhiên tôi tự xác định cho mình một vị trí là làm một người trí thức. Mà người trí thức, muốn độc lập, thì không nên tham chính. Người trí thức phải đứng về phía dân chứ không đứng về phía chính quyền.”

Cho đến ngày hôm nay, cho dù sai lầm về vụ Cải cách ruộng đất năm 1954 và vụ Nhân Văn Giai Phẩm 1956 là không thể chối cãi (có người còn lên diễn đàn lau nước mắt cơ mà), nhưng nhà nước Việt Nam rất ít nhắc đến tên GS Trần Đức Thảo và Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường, có chăng là cắt ghép những lời phát biểu của họ lúc còn được trọng vọng hoặc cho đăng những nhận xét có tính nuối tiếc, u hoài về cuộc đời của họ lúc về chiều. Và nhận xét chung của mọi người hầu như là thương cảm cho tài năng của họ đã không được đặt đúng chỗ.

Gần đây, mặc dù tầng lớp trí thức (nói đúng ra là khoa bảng) vẫn chưa đáp ứng được những đòi hỏi dân chủ, nhưng đây đó đã có nhiều tiếng nói chống cái sai trái của chính quyền. Có những giáo sư từ đại học đến tiểu học, luật sư, nhà văn, nhà báo. Năm 2014 đã có kiến nghị 72 trí thức về Hiến Pháp, thì 2019 cũng có kiến nghị 72 văn nghệ sĩ về vụ cao tốc Bắc Nam. Tôi tự hỏi không biết những người này họ lên tiếng vì cái “hư danh” gì ?

Trong cuốn “Từ độc tài đến dân chủ”, Gene Sharp đã viết: “Bất cứ nhà độc tài nào cũng cần sự trợ giúp của kẻ bị trị. Không có những trợ giúp này, kẻ độc tài không thể nắm chặt và duy trì những nguồn thế lực chính trị trong tay”. Thiết nghĩ tầng lớp trí thức cần xác định được điều mà Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường đã gọi là “đứng về phía dân chứ không đứng về phía chính quyền”, cũng như đâu là giới hạn của hư danh và giá trị vĩnh cửu để có thể từng bước đóng góp đưa đất nước ra khỏi tình trạng u ám của ngày hôm nay.

Phạm Minh Hoàng

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here