Mùa chính trị bắt đầu, người ta nói gì về Tư Chính?

- Quảng Cáo -

VietTuSaiGon’s blog – RFA

Tại Việt Nam (chắc những người từng đi dạy học tại Việt Nam còn nhớ!) có một tuần thứ ba của tháng cuối hè, gọi là “mùa chính trị”, các giáo viên, từ giáo viên mẫu giáo đến giảng viên đại học đều phải đi học chính trị. Trong thời gian một tuần này, các giáo viên, giảng viên, kể cả các giáo sư, tiến sĩ cũng không ngoại lệ, phải vào lớp, ngồi vị trí học sinh, sinh viên để nghe một ông cán bộ dạy cho họ về chính trị. Trong suốt một tuần đó, họ chỉ được nghe và nghe, nếu có đặt câu hỏi thì cũng với tâm thế một học trò, hỏi chừng mực để được nghe “thầy” giải thích, không có tranh luận, phản biện, vì mọi động thái này sẽ bị chụp mũ và khó ở.

Chuyện này không dừng ở các giáo viên, hầu hết, cho đến nay, nhiều người ngạc nhiên, đặt câu hỏi: Vì sao những kẻ dốt nát (đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng của nó) lại ngồi cao, lại chạy chọt được các loại bằng cấp mà không sợ, cho đến khi y/thị làm chuyện động trời thì người ta mới phát hiện bằng giả của y/thị? Thế không lẽ trong cơ quan của y/thị không có người có bằng cấp thật, cấp dưới của y/thị vì sợ thứ gì mà không tố cáo y/thị? Xin thưa, cấp dưới của y/thị có thể có bằng đại học, cao học và có năng lực thật sự nhưng không bao giờ dám nghĩ đến chuyện tố cáo y/thị bởi y/thị có một cái bằng cực kỳ quan trọng ngoài thẻ đảng, đó là bằng chính trị.

Bằng chính trị ngoài tầm trung cấp chính trị cho những cán bộ cấp xã, phường, sau đó lên trung cấp, đại học chính trị và có cả cao học chính trị. Cỡ bằng trung cấp thì sẽ được học thỉnh giảng vài mươi tiết từ các lãnh đạo huyện, lãnh đão tỉnh sau khi đã học từ các giảng viên, bằng đại học thì được học thỉnh giảng từ các lãnh đạo trung ương. Đặc biệt, ai có bằng cao học chính trị thì người ta phải e dè vì bằng này không chừng được chính Tổng Bí Thư đào tạo. Chính cái loại bằng chính trị này quyết định sức mạnh của nhân vật trong sân khấu chính trị địa phương và nó lấn lướt mọi thứ bằng cấp. Hầu hết, trong cơ quan nhà nước, người ta mặc định giá trị quyền lực ở cái bằng chính trị, những cái bằng khác chỉ hỗ trợ năng lực.

- Quảng Cáo -

Từ các Tổng biên tập báo, Giám đốc đài truyền hình, hiệu trưởng trường đại học cho đến Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch huyện, Giám đốc ngân hàng, Hiệu trưởng các trường… Đều căn cứ vào bằng cấp chính trị, cho dù anh/chị có bằng cao học, đại học, có năng lực cỡ nào mà không có thẻ đảng thì không xét nâng tầm, mà có thẻ đảng rồi, được xét rồi thì lại còn tùy thuộc vào “trình độ chính trị” để xét. Chung qui, bằng cấp chính trị quyết định quyền lực. Tôi từng biết một đứa bạn học hành chẳng ra tấm ra mẻ gì, nhưng hắn con nhà Cộng sản nòi, học xong lại học tiếp bằng chính trị và chẳng mấy chốc, hắn lên nắm chức rất cao, thuộc hàng lãnh đạo, hét ra lửa, vì cấp dưới của hắn có nhiều bằng nhưng không có cao cấp chính trị.

Dẫn những chuyện trên khi nói về mùa chính trị để thấy rằng, tại Việt Nam, không phải tuổi trẻ hay trí thức không quan tâm về chính trị mà thực tế, không khí chính trị Việt Nam chưa bao giờ cởi mở, cánh của chính trị duy nhất cho mọi thành phần nhân dân vẫn cứ là Chính Trị Cộng Sản. Và, để đảm bảo chén cơm không bị đạp đổ, không bị hất trong chế độ Cộng sản, bất kì người nào làm trong hệ thống nhà nước đều phải biết “giữ mồm giữ miệng” và phải tin vào cái điều mà các thầy chính trị đã dạy. (Thử không tin thì biết ngay chuyện gì xảy ra?!).

Trở lại các lớp học chính trị ở tuần thứ ba mùa hè. Trong mùa chính trị, các giáo viên phải ngồi ghế học sinh để nghe thầy chính trị giảng dạy. Hầu hết các vấn đề về Việt Nam, thế giới, khu vực đều được các thầy soạn sẵn những bài nói chuyện và nói, giảng, các người ngồi bên dưới chỉ nghe và ghi chép để cuối mùa chính trị lại làm một bài luận, nộp cho thầy. Bài luận này tuy đơn giản là thao tác trả lời cho thầy chính trị biết học trò đã học được gì, nhớ gì… nhưng nó cũng là cơ hội cho không ít người nếu bài luận hay, sắc sảo.

Chính cái bài luận cuối mùa chính trị này đã giúp cho không ít người từng là nhân viên thú y, học tại chức trung cấp sư phạm, sau đó cao đẳng sư phạm và cuối cùng là đại học (tất tần tật đều tại chức – tiền thuế của dân cho người học) để rồi leo lên ngồi chễm chệ ghế Hiệu trưởng. Rất nhiều trường hợp có căn cơ học vấn rất thấp nhưng nhờ giỏi viết luận chính trị mà được đưa đi học tại chức, được nâng đỡ và ngồi ghế cao.

Tuần chính trị năm nay bắt đầu với đề tài Tư Chính, Biển Đông, nghe rất kêu! Nhưng hầu hết, các học trò chính trị đều có chung câu trả lời là “đây là một chính sách lớn, chủ trương lớn của Đảng, chúng ta phải phát triển đất nước và đấu tranh trong hòa bình, chờ đợi!”. Thế là xong, hầu hết các giáo viên đều trở thành những con vẹt của câu này, khi cần thiết, chính các giáo viên sẽ dạy cho học sinh của họ, lèo lái quan điểm để học sinh biết ơn Đảng, ơn Bác và mọi chuyện đã có Đảng lo!

Cũng xin nói thêm, vậy các thầy chính trị là ai? Xin thưa, ngoài ông Nguyễn Phú Trọng và một số nhà nghiên cứu Cộng sản có số có má, chuyên thỉnh giảng cao cấp, số còn lại cũng là cán bộ, nhà nghiên cứu Mác – Lê Nin, và họ là những người có tư duy bảo thủ, độc tôn, suy tôn Mác Lê, không cần biết chủ nghĩa Tư Bản là gì. Nếu muốn biết, thì họ sẽ tìm hiểu “cái sự man rợ” hay “cái sự lạc hậu, giãy chết” của “cái thứ chủ nghĩa này”. Điều này dễ hiểu, vì quyền lợi, vinh thân phì gia của các thầy đều nằm ở đây, các thầy chỉ có mỗi việc “ăn cơm chúa múa tối ngày” này, nếu không làm xong thì biết phải làm gì?!

Cũng may là trong thời gian ngắn gần đây, nhờ vào những website, chương trình vượt tường lửa và giấu IP máy chủ mà các giáo viên, thậm chí cán bộ đã lén lút vào mạng để đọc, tìm hiểu, mở rộng tầm nhìn mà không còn lo âu, sợ sệt bị phát hiện. Nhưng nói cho cùng thì số người dám vào đọc các trang mở, các trang tự do, trang mang hơi hướm tư bản còn chiếm tỉ lệ rất thấp. Bởi ngay cả một giáo viên dạy văn cấp ba rất trẻ, dùng internet đường truyền mạnh nhưng khi nói chuyện, cô ta vẫn khẳng định mình là “con người xã hội chủ nghĩa”. Tôi ngạc nhiên, hỏi lâu nay cô đã đọc gì, quan tâm gì trên mạng thì cô bảo hầu hết là dùng để ship hàng, từ hoa hồng cho đến những bài văn mẫu bán cho cán bộ tại chức. Mỗi mùa hè, chỉ riêng việc dạy văn cho cán bộ để họ lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông không thôi cô kiếm cũng được vài chỉ vàng!

Nói vậy để thấy tương lai giáo dục Việt Nam sẽ về đâu và bị điều khiển bởi thứ gì. Nói vậy để thấy tại sao Việt Nam có nhiều giáo sư, tiến sĩ vừa giỏi về kiến thức, chuyên môn lại vừa giỏi làm quản lý nhưng Phùng Xuân Nhạ nói ngọng líu lo (níu no), phát biểu không đâu vào đâu, quản lý kém vẫn cứ an trụ vị trí Bộ Trưởng Giáo dục. Bởi Nhạ tuy ngọng về ngôn ngữ, ngọng nhiều thứ nhưng xét về bằng cấp chính trị, Nhạ lại rất sáng, rất “zõ zàng” và đủ sức để đạp qua mọi thứ bằng cấp khác. Nói vậy để thấy trong tương lai, đừng mơ hồ chúng ta sẽ sống trong bầu không khí cởi mở, dân chủ. Bởi nhiệt huyết tuổi trẻ càng cao, khi bị nhồi sọ chính trị thì độ găng tơ càng mạnh và chúng sẵn sàng đánh đổi, đạp đổ bất kì thứ gì trái khoáy đối với chúng. Và, chúng ta đang cận kề những thứ mà thế giới tiến bộ luôn phải há hốc mồm vì ngạc nhiên, kinh hãi…!

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here