Ngoại giao căn cứ hải quân Cam Ranh: tại sao không?

Tàu ngầm Kilo ở vịnh Cam Ranh.
- Quảng Cáo -
Nguyễn Hiền – (VNTB) – Trung Quốc có sự đột phá kinh tế như ngày hôm nay đến từ ngoại giao bóng bàn với Mỹ, vậy tại sao Việt Nam không tạo ra sự kiện ngoại giao hải quân với Washington (qua cảng Cam Ranh) để có tầm nhìn phát triển hơn?
 
***
Quan hệ ngoại giao của hai quốc gia Việt – Mỹ có những tiến triển về cơ bản tốt. Và có những dấu hiệu cho thấy, quan hệ quân sự đang nối bước theo sau.
Trong lời chúc mừng quốc khánh của Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã đề cập đến “sự tăng trưởng vượt trội của quan hệ đối tác song phương”, trong đó ông nhấn mạnh “mối quan hệ đối tác mạnh mẽ và cam kết chung của chúng ta đối với hòa bình, an ninh, độc lập có chủ quyền và thịnh vượng trong khu vực.”
Và cũng vào đúng ngày quốc khánh Việt Nam (2.9), cuộc tập trận chung trên biển đầu tiên giữa Mỹ và khối ASEAN sẽ bắt đầu ở khu vực ngoài khơi Vịnh Thái Lan và mở rộng cho tới vùng Cà Mau ở cực nam của Việt Nam. Và Hà Nội sẽ tham gia cuộc tập trận này Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng xác nhận chiều 22.8.
Trong khi đó, theo một tin tức mới nhất từ SCMP ngày 30.8 cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, nước này muốn đầu tư vào nhiều căn cứ hơn ở châu Á-Thái Bình Dương.
SCMP dẫn lời Patrick Cronin, từ Học viện Hudson, cho rằng, Mỹ có thể mở rộng sự hiện diện quân sự ở một số khu vực của Đông Nam Á. Bởi ngay cả Việt Nam, quốc gia theo đuổi chính sách quốc phòng không liên minh quân sự hay cho quân đội nước ngoài đóng quân trên đất liền, thì gần đây đã tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ trong bối cảnh tranh chấp leo thang với Bắc Kinh trên Biển Đông.
Hiện, Mỹ có hơn 40 căn cứ quân sự trong khu vực, nhiều trong số đó thuộc lãnh thổ của các đồng minh chủ chốt như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Nhưng nếu là căn cứ tạm thời nhằm điều động linh hoạt quân đội và phù hợp với chiến lược của Mỹ, thì ngoài Manila ra, Hà Nội là một điểm đến không tồi.
25 năm bình thường hóa quan hệ với Mỹ trong năm 2020 sẽ là thời điểm tối ưu nhất để thúc đẩy mạnh điều này, và Cam Ranh sẽ một lần nữa được nhắc tên.
Căn cứ Cam Ranh vẫn là nơi đón tiếp các tàu hải quân chiến lược các nước khi ghé thăm Việt Nam, và Mỹ cũng không ngoại lệ.
Vào giữa tháng Tư, Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã đến thăm tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, ông bày tỏ ý định muốn thấy tàu sân bay và lực lượng Hải quân Mỹ đến thăm tỉnh này trong tháng Chín. Điều này đồng nghĩa, sẽ có một tàu chiến sẽ ghé Cam Ranh trong năm nay. Trước đó, vào năm 2017, tàu chiến đổ bộ hải quân Mỹ USS San Diego đã ghé Cam Ranh. Nếu điều này xảy ra, thì đây là lần thứ hai, Mỹ được phép đưa tàu quân sự đi vào căn cứ Cam Ranh. Trước đó vào năm 2017, tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS John S. McCain và tàu ngầm ngầm lớp Emory S. USS Frank Cable  đã đến vịnh Cam Ranh. Chuyến thăm của các tàu chiến Mỹ – chuyến thăm đầu tiên của các tàu chiến của Hải quân Mỹ tới Vịnh Cam Ranh kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam năm 1975 – diễn ra sau khi Hà Nội và Washington kỷ niệm 21 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 2016.
Rõ ràng, chừng nào Trung Quốc còn tỏ thái độ hung hăng tại vùng Biển Đông, và khi các đảo nhân tạo của Bắc Kinh bắt đầu được lấp đầy bởi trang thiết bị quân sự và lính thì Mỹ vẫn sẽ còn để mắt đến cảng Cam Ranh như là một thành phần trong mở rộng quân sự ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Không chỉ Washington, ngay cả Ấn Độ cũng đang dòm ngó Cam Ranh. Và với quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đã phát triển đáng kể về các vấn đề an ninh và thương mại khu vực, cũng như là “đối tác chiến lược” của Hà Nội, thì khả năng sử dụng cảng quân sự này trở nên lớn hơn rất nhiều. Nhất là khi, vào năm 2010, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký với Ấn Độ một thỏa thuận liên quan đến việc, New Delhi sẽ hỗ trợ Hà Nội mở rộng khả năng hậu cần hải quân và huấn luyện quân đội trong chiến tranh.
Giống như Mỹ, Ấn Độ cũng thể hiện một vai trò lớn trong đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển và chia sẻ mối lo ngại với Hà Nội về việc Trung Quốc hành xử tiêu cực tại Biển Đông. Việt Nam nhìn thấy một đối tác ở Ấn Độ, cũng như Mỹ, trong kiềm chế Trung Quốc.
Việt Nam có thể mạnh dạn hơn, trong tiến hành hợp tác với các quốc gia trong khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông, và tất nhiên, không cần thiết phải lo sợ trước mối đe dọa của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi có một đồng minh quân sự thực tế. Cũng như Cam Ranh phải là biểu tượng của sự hợp tác cao nhất về mặt quân sự của Mỹ và Ấn Độ.
Cam Ranh phải nên được sử dụng như một hình thức ngoại giao hải quân để đạt được nhiều mục tiêu như thể hiện ý định, trấn an đối tác và răn đe kẻ thù. Và dịp kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang hành động vô pháp luật trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì đón chào một tàu sân bay và đoàn hải quân Mỹ là một biểu tượng cho sức mạnh và tinh thần ngoại giao, hợp tác an ninh giữa hai nước. Thể hiện đúng mực hình thức ngoại giao hải quân, mở đường cho sự hợp tác quốc phòng chuyên sâu hơn, tiến tới là đồng minh.
Lý do cơ bản cho sự cổ vũ Việt – Mỹ là đồng minh, vì cả hai có cùng chung một đối tượng cần phải kiềm chế. Và giống như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đề cập sau Hội nghị Bộ trưởng Asean-Mỹ trước đây tại Bangkok. Thì, Washington không yêu cầu các quốc gia Ấn Độ-Thái Bình Dương chọn phe, và sự tham gia của Mỹ trong khu vực này chưa và sẽ không bao giờ là một trò chơi có tổng bằng không. Đó đơn giản là “hội tụ một cách tự nhiên với lợi ích chung của chúng ta”.
Việt – Mỹ đã cùng tìm thấy một lợi ích chung đầy thực tế ở Biển Đông, trong duy trì chủ quyền theo luật pháp hàng hải quốc tế cũng như đảm bảo một tinh thần tự do hàng hải. Vậy thì không cứ gì Hà Nội phải từ chối chủ nghĩa thực dụng của Mỹ, cùng chơi trò chơi mà nơi đó, lợi ích sẽ được chia đôi.
Trung Quốc có sự đột phá kinh tế như ngày hôm nay đến từ ngoại giao bóng bàn với Mỹ, vậy tại sao Việt Nam không tạo ra sự kiện ngoại giao hải quân với Washington (qua cảng Cam Ranh) để có tầm nhìn phát triển hơn?
Vịnh Cam Ranh có một vị trí đặc biệt thuận lợi trong quan sát toàn bộ Biển Đông, nó nằm ở vị trí cách các đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đảo Hải Nam tương ứng khoảng 323 hải lý, 430 hải lý và 462 hải lý. Gần với eo biển Malacca và Trung Quốc.
- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here