Tôi ‘gặp’ Phan Văn Khải khi còn làm thủ tướng

AP – Sun Jun 19, 7:13 PM ET Dr.Chan Tran tells the protesters assembled across the street from the hotel where Vietnam Prime Minister Phan Van Khai is staying what he said in a news conference Sunday, June 19, 2005 in Seattle. The protesters oppose the Khai government for what they say are Human Rights issues. Khai is making the first U.S. visit by a Vietnamese prime minister since the war's end 30 years ago. Besides the Boeing visit, Khai is planning to talk business with Microsoft's Bill Gates, visit Harvard, and boost his country's bid to join the World Trade Organization. (AP Photo/John Froschauer)
- Quảng Cáo -

TS Trần Diệu Chân

Nhân chuyện ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) sắp viếng Mỹ, tôi muốn kể lại câu chuyện liên quan tới một nhân vật cao cấp khác của chế độ mà tôi đã có dịp “gặp” – không những một mà tới hai lần. Đó là Thủ tướng CSVN Phan Văn Khải khi ông đi vận động giao thương tại Úc Châu năm 1999 và tại Hoa Kỳ năm 2005.

Cuộc ‘gặp’ tại Melbourne, Victoria – Úc Châu ngày 31-3-1999

Ông Khải tới Melbourne để tham dự buổi nói chuyện ngày thứ Tư 31-3-1999 với giới kinh doanh, đầu tư và giới chức tài chánh của Úc do Bộ trưởng Tài chánh tiểu bang Victoria đứng ra tổ chức. Đây là điểm tới đầu tiên trước khi phái đoàn hùng hậu khoảng 40 người của ông ghé Thủ đô Canberra gặp thủ tướng Úc và thăm Sydney.

- Quảng Cáo -

Tôi ghé Melbourne một ngày trước đó, sau khi đã đi một vòng nước Úc để vận động chính giới Úc tại Quốc hội Liên bang và một số Tiểu bang về vấn đề nhân quyền cho Việt Nam, cũng như đi thăm và chia sẻ với đồng bào các nơi về công cuộc đấu tranh chung. Chặng dừng chân cuối cùng của tôi sau Melbourne là Brisbane để tham dự buổi sinh hoạt của Hội Chuyên Gia Việt Nam vào cuối tuần, với chủ đề trình bày của tôi là “Chảy máu chất xám,” một quan tâm đang càng ngày càng lớn đối với đất nước ta suốt bốn thập niên qua, chỉ vì nhân tài không được trọng dụng đúng mức, hay đúng ra là bị hoang phí với nền giáo dục lỗi thời, bất công.

Ủy ban tổ chức cuộc biểu tình hôm đó đã khéo léo dàn xếp để tôi có thể “lọt” qua hàng rào khám xét rất kỹ của ban tổ chức buổi đón tiếp PVK – từ ID tới khí giới, lục lọi xách tay v…v…, có lẽ vì họ thấy đồng bào tụ tập quá đông bên ngoài để biểu tình, với rừng cờ và biểu ngữ đòi “tự do, dân chủ, nhân quyền” cho VN cùng những tiếng hô vang dậy.

Trong phòng họp khoảng 100 người, ban tổ chức (BTC) đã cho dẹp đi hai microphones để sẵn cho cử tọa đặt câu hỏi, và yêu cầu mọi người đưa câu hỏi bằng giấy lên bàn chủ tọa. Họ cũng điều động sẵn mấy ông cảnh sát Úc cao lớn, tay dắt theo những con chó săn khổng lồ, đứng rải rác trong phòng, mặt đằng đằng sát khí.

Tôi ngồi ngay sau lưng một loạt cán bộ trong phái đoàn của ông Khải. Các ông không rõ mình đang ngồi bên cạnh “phản động” thứ thiệt (mà bên các xứ tự do họ gọi những người tranh đấu cho lẽ phải hoặc cho những thay đổi tốt đẹp trong xã hội bằng 3 chữ thân thiện là “nhà hoạt động”), nên đã thân mật thăm hỏi tôi và “chiêu dụ”: “Chắc cháu là sinh viên, thế học ngành gì?”; “Dạ, thưa bác kinh tế;” “Ồ, vậy tốt quá, mai mốt về giúp nước.” Tôi nghĩ bụng “Vâng, khi đất nước được tự do, hết độc tài, cộng sản, tôi sẽ về.”

Trong số những người tham dự, một dân biểu Úc gốc Việt Nam tị nạn nhưng nổi tiếng pro-Hà Nội đã nhận biết tôi là nhân vật đấu tranh, nên đã viết một mẩu giấy cho người chiến hữu của tôi trong đảng Việt Tân, dặn: “Nhớ nói chị Diệu Chân đừng vọng động.” Nhận được mẩu tin nhắn, tôi chỉ lặng lẽ mỉm cười.

Sau khi ông PVK trình bày bằng tiếng Việt và có người thông dịch sang tiếng Anh, cử tọa bắt đầu đặt câu hỏi qua giấy và các câu hỏi đã được chuyển tới cho một phụ nữ trên bàn chủ tọa. Tôi thấy những câu hỏi có vẻ như được chọn lọc để tạo cơ hội cho ông Khải tuyên truyền cho chế độ của mình, thí dụ: “Việt Nam có dân chủ không?”; “Ồ, đất nước của chúng tôi dân chủ lắm. Ở Việt Nam cứ mỗi lần có bầu cử là chúng tôi đi gõ cửa vận động, hỏi ý kiến từng nhà, từng người.”

Tôi thắc mắc, sao người phụ nữ này trông rất văn minh, xinh đẹp, nói tiếng Anh với accent Úc rất chuẩn, mà lại có vẻ thiên về chế độ độc tài thế nhỉ. Sau tôi được biết đó chính là vợ của Đại sứ Mỹ tại VN lúc bấy giờ là ông Pete Peterson. Lúc đó, bà đang là Đại diện Thương mại cấp cao của Úc. Thảo nào!

Tôi tự nhủ: “Mình không thể ngồi yên để chế độ tuyên truyền sai sự thật như vậy được. Dù có cảnh sát, chó dữ, và dù với sự e ngại tối thiểu của một người văn minh tự trọng, không muốn làm kẻ ‘phá rối’ vượt ra ngoài cung cách mà BTC đã yêu cầu, tôi vẫn phải nói lên được tiếng nói cho đồng bào tôi đang bị bịt miệng ở quê nhà. Không thể im lặng!”

Tôi nhìn quanh, suy nghĩ thật nhanh và tìm ra một cách. Tôi nhắn thầm với những người bạn (dù chỉ quen nhau trên Internet) và các thân hữu, chiến hữu Việt Tân ngồi gần: “Khi tôi đứng lên phát biểu, các bạn nhớ cùng đứng dậy nhé.”
Mưu tính xong, tôi đã lựa lúc thích hợp nhất đứng bật dậy cùng với các bạn, chỉ vào ông PVK nói thật lớn, nhanh, gọn, và đầy đủ ý nghĩa bằng Anh ngữ (để phòng hờ có thể bị mấy ông cảnh sát tới lôi đi nửa chừng): “Việt Nam không cần loại dân chủ giả hiệu như ông vừa nói. Hãy thả ngay Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang mà các ông vừa bỏ tù!”

Tôi vừa nói xong, bên hàng ghế phía tay trái của tôi bỗng một giọng nữ hô vang: “Human rights for Vietnam! Human rights for Vietnam!

Mặt ông Phan Văn Khải chợt tái sạm lại. Cử tọa sửng sốt. Ban tổ chức buổi hội thảo bị bất ngờ, lúng túng. Các bác “cán bộ” quay phắt lại nhìn con bé mà mình đã trò chuyện lúc nãy: tưởng “hiền lành” hóa ra lại “phản động” đến thế!

Trước sự sững sờ của toàn thể, 5 anh chị em chúng tôi thoải mái ngồi xuống.

Không thấy cảnh sát hay chó săn nghiệp vụ ào tới.

Chỉ thấy thật vui, thật hỉ hả vì đã nói được hộ đồng bào mình và các tù nhân lương tâm VN về nghịch cảnh của họ trước công luận thế giới.

BTC sau đó cố gượng như không có chuyện gì xảy ra, tuyên bố là “Your Excellency” phải rời phòng họp, và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá (ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VIII) sẽ ở lại để trả lời các câu hỏi của cử tọa. Nhưng không ngờ, ngay sau đó tất cả quan khách đã bỏ ra về. Tôi và các bạn là một trong số những người sau cùng rời phòng họp.

Ra tới bên ngoài, chúng tôi được đồng bào chào mừng vang dội. Một người bạn trẻ cho tôi biết, ông Bộ trưởng Bộ Tài chánh của tiểu bang Victoria, người đã đứng ra tổ chức buổi hội thảo, đã ra tận bên ngoài bắt tay và chúc mừng người biểu tình. Ông tuyên bố: “Chúng tôi đã nhận được thông điệp của quý vị.”

Chiều hôm đó, các báo, đài địa phương đã tường thuật lại buổi biểu tình tranh đấu của đồng bào mình để chống phái đoàn độc tài và đòi nhân quyền cho Việt Nam một cách đầy thiện cảm và ý nghĩa. Bản tin cũng đã được loan tải đi khắp thế giới.

Cuộc ‘gặp’ lần thứ hai – tại Seattle, Hoa Kỳ ngày 19-6-2005

Hơn sáu năm sau, tôi lại được dịp “tái ngộ” cùng ông PVK khi ông đặt chân tới Seattle, tiểu bang Washington trước khi tới Thủ đô Washington, D.C năm 2005. Lúc đó, ông PVK là nhân vật cao cấp nhất của đảng CSVN viếng thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên kể từ sau cuộc chiến Việt Nam, vì thế dư luận rất xôn xao, chú ý.

Và như thường lệ, không nơi nào, không lúc nào mà phái đoàn CSVN ra hải ngoại lại không bị đồng bào chúng ta biểu tình chống đối vì tội vi phạm nhân quyền trầm trọng, kiêm thêm tội lụy Trung, bán nước, tham nhũng, phá hoại môi sinh, đầy ải dân tộc, bỏ tù người yêu nước …

Buổi họp báo, do phái đoàn CSVN tổ chức tại một phòng sinh hoạt sang trọng của khách sạn Fairmont Olympic, với rất đông truyền thông ngoại quốc và một dàn ống kính đồ sộ của nhiều đài, nhiều hãng thông tấn quan trọng hiện diện. Tôi và mấy người bạn đã vào tham dự với tư cách phóng viên.

Sau phần trình bày tiếng Việt (có thông dịch) của ông PVK, cử tọa được quyền đặt câu hỏi trực tiếp. Tuy nhiên, tôi nhận xét thấy chỉ những người bên cánh trái hoặc chỉ những người có khuôn mặt không phải Á Đông ngồi bên cánh phải (cùng phía với tôi) mới được mời phát biểu. [Về sau tôi được biết bên trái tôi là khu vực của phóng viên từ Việt Nam, còn phía hải ngoại và người Mỹ được ấn định ngồi phía bên phải của hội trường].

Sau vài lần giơ tay mà không được mời phát biểu, anh bạn Huỳnh Quốc Bình (HQB) cùng đi với tôi đã không đợi được mời nữa mà vừa giơ tay vừa đứng lên. Anh chất vấn ông Khải là “Tại sao lại hành hung và bắt giữ các vị tu hành, lãnh đạo các tôn giáo? Có phải vì nhà nước CSVN không tôn trọng tự do tôn giáo và nhân quyền?”

Ông Khải đã chống chế là “Vì các ông không về Việt Nam nên không thấy được là đất nước đã tốt đẹp như thế nào. Chúng tôi chỉ bỏ tù những kẻ vi phạm luật pháp. Không hề có đàn áp tôn giáo.” Tức giận, ông HQB đã đứng bật dậy, chỉ vào PVK hét lớn: “You are a liar! (Đồ nói láo!)”

Ngay lập tức, các nhân viên trật tự người Mỹ và thành phần công an của chế độ đã ùa tới dẫn anh Bình ra khỏi phòng họp. Nhưng mới chỉ đi được vài bước, anh đã quay ngoắt lại, một lần nữa chỉ vào PVK thét lớn “You are liar, murderer! (Đồ nói láo! Đồ giết người!)” trước khi anh bị kéo đi.

Cuộc họp báo gượng gạo tiếp tục sau đó, với ông Khải cố phân trần thêm là “Người Việt hải ngoại cần phải về thăm Việt Nam để không hiểu sai, để thấy được trình độ tiến bộ của đất nước, không có sự kỳ thị tôn giáo hay chính trị …”

Tôi ngồi đó nghe những lời dối trá quá ngứa tai, nhất là lại càng không thể im lặng khi bạn mình vừa bị kéo ra khỏi phòng họp như vậy, bèn không thèm tôn trọng nguyên tắc lịch sự gì nữa, cũng chẳng cần giơ tay xin phát biểu hay đứng dậy, mà vừa ngồi vừa chỉ tay về phía ông Khải, ngắt lời ông với một câu hỏi móc bằng tiếng Anh thật lớn: “Nếu không vi phạm tự do tôn giáo thì tại sao chế độ của ông lại bị chính phủ Mỹ liệt kê vào danh sách CPC (Countries of Particular Concern – Các quốc gia Cần Quan tâm Đặc biệt)!”

Đáp lại là một sự thinh lặng đến ngượng người. Tôi nghe một vài cử động, phản ứng vớt vát, rồi buổi họp báo được tuyên bố chấm dứt. Ông Khải bước xuống khỏi bục sân khấu, hằn học trách thuộc cấp: “Sao không tống cổ con nhỏ đó ra!” Chẳng may, câu nói lỗ mãng của ông lại lọt vào máy thu âm của đài RFA, thế là họ phát thanh sau đó và RFA đã nhận được hàng ngàn những lời phê phán PVK của đồng bào khắp nơi gọi về, kể cả đồng bào trong nước; đồng bào cũng chia sẻ niềm vui về buổi họp báo đã bị “đóng cửa” sớm khiến chế độ mất cơ hội tuyên truyền.

Thay vào đó, chúng ta đã có một dịp lớn để tuyên dương chính nghĩa dân tộc trước diễn đàn quốc tế. Ngay sau khi buổi họp vừa được tuyên bố chấm dứt thì nguyên dàn ống kính truyền thông đã tràn về phía tôi để phỏng vấn. Chưa bao giờ mà tôi lại may mắn có cơ hội nói với thế giới một cách rộng rãi như vậy về thực trạng mất nhân quyền tại Việt Nam suốt từ năm 1975, và tại sao người VN ở khắp 3 miền đất nước vẫn đang phải tiếp tục đấu tranh để chấm dứt đau thương, tang tóc, và kêu gọi các quốc gia tự do hãy điều kiện hóa thương giao với CSVN trên căn bản tôn trọng nhân quyền và dân chủ hóa VN.

Sau cuộc phỏng vấn bên trong phòng họp, các phóng viên tiếp tục theo tôi ra ngoài để phỏng vấn đồng bào và anh HQB đang biểu tình trước Fairmont Olympic Hotel. Chúng tôi đã tường thuật lại các diễn biến và “chiến thắng” bên trong phòng hội cho bà con nghe giữa tiếng hò reo vang dội.

Chiều hôm đó, các cơ quan truyền thông khắp nơi đã đồng loạt đưa tin thật tuyệt vời cho chính nghĩa VN. Những bài tường thuật nằm trên mặt báo với hình ảnh đầy khí thế của đoàn biểu tình còn được những hotel “xịn” như Fairmont gởi tặng tận tay đến phái đoàn PVK đang trú ngụ trong hotel sang trọng này bằng cách để trước cửa mỗi phòng một tờ báo. [Theo AFP, phái đoàn của ông PVK kỳ này rất hùng hậu, có tới 200 người và 5 bộ trưởng. Số tiền thuế của dân chi vào chuyến đi “lịch sử” này chắc chắn không nhỏ]

Trần Diệu Chân
10/9/2019

http://ngothelinh.tripod.com/PhanVanKhai_met_angry_protests…

AP – Sun Jun 19, 7:13 PM ET
Dr.Chan Tran tells the protesters assembled across the street from the hotel where Vietnam Prime Minister Phan Van Khai is staying what he said in a news conference Sunday, June 19, 2005 in Seattle. The protesters oppose the Khai government for what they say are Human Rights issues. Khai is making the first U.S. visit by a Vietnamese prime minister since the war’s end 30 years ago. Besides the Boeing visit, Khai is planning to talk business with Microsoft’s Bill Gates, visit Harvard, and boost his country’s bid to join the World Trade Organization. (AP Photo/John Froschauer)

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here