Tương lai nào cho chúng ta?

- Quảng Cáo -

Đỗ Cao Cường|

Hồi học đại học, tôi có mở quán bún đậu mắm tôm, bánh đa cua Hải Phòng ở Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Gian thương trong chợ tư vấn cho tôi là nếu muốn lãi nhiều thì phải mua cua chết, nhưng tôi từ chối vì cua chết có chứa histidine gây ngộ độc, còn muốn ninh xương trong khoảng 15 phút mềm như ninh 8 tiếng thì mua bột soda với giá 30 nghìn/kg giúp “tan xương nát thịt” kể cả là xương người, đó là thứ bột được sử dụng trong công nghiệp tẩy rửa, ghi bằng chữ Trung Quốc.

Họ bảo tôi khùng vì nhiều người bán hàng đều như vậy, họ nói có nơi dùng cả bún huỳnh quang phát sáng, mỡ dầu siêu bẩn chiên đi chiên lại nhiều lần, mì chính cân siêu rẻ không rõ nguồn gốc… nhưng nấu chín là ăn ngon hết.

Vậy là, trong 1 km2 ở thủ đô có rất nhiều tên lừa đảo và trong 1 tô bún có rất nhiều hoá chất độc hại.

- Quảng Cáo -

Tôi cũng mới tới nhiều ngôi làng “chết” vì tôi nhận ra rằng muốn xã hội thay đổi phải đến những nơi tăm tối, ô nhiễm ấy, phải làm điều gì đó mới mong nhiều người thay đổi. Chứ chỉ ngồi một chỗ viết cho những người đã biết, rồi chửi bới, tung hô, trao thưởng cho nhau cũng chẳng phải dấn thân, cuộc đời mất đi ý nghĩa tốt đẹp.

Hai trong nhiều ngôi làng tôi vừa tới là làng bún Phú Đô (Hà Nội) và làng bún Khắc Niệm (Bắc Ninh), đây là hai ngôi làng cung cấp sản lượng bún nhiều nhất cho thị trường miền bắc.

Nhưng, đáng buồn thay, trước mắt tôi là những kênh, mương đã chết không tôm cá nào sống nổi, tôi đã bị nôn mửa ở làng bún Khắc Niệm – nơi chứa đầy nước thải sủi bọt trắng, vàng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc với COD, BOD, vi khuẩn coliform… cao gấp nhiều lần cho phép ngấm vào cánh đồng, nguồn nước ngầm.

Hầu hết chất thải từ làng bún Khắc Niệm vẫn xả trực tiếp ra môi trường, con kênh dài gần 10km chảy từ khu Tiền Trong qua 4 xã, đổ vào sông Sào Khê đã bị ô nhiễm, bốc mùi hôi thối.

Tôi nhận ra rằng Phú Đô, Khắc Niệm cũng như nhiều ngôi làng tôi vừa qua, quá ô nhiễm. Ai sẽ trả lại những dòng sông đã chết?

Tôi nhận ra rằng người dân đang mất phương hướng, từ những chiếc xe đạp lê lết, cọt kẹt rong ruổi khắp nơi cùng những thúng bún rong, bây giờ họ đã có tất cả, nhưng dường như họ lại không có gì.

Đến sức khoẻ, mạng sống của bản thân, gia đình họ còn không coi trọng thì họ coi trọng điều gì?

Trong vai người học việc, tôi mới biết bún làm theo kiểu truyền thống được làm bằng gạo nguyên chất, sợi bún có màu trắng đục, miết hai đầu ngón tay dính nhiều, dễ đứt gãy, bị chua, mùi tinh bột gạo, ngâm ủ trong khoảng 50 – 75 giờ.

Nhưng hiện nay, có nơi bị phát hiện chỉ ngâm gạo trong vài tiếng để rút ngắn quy trình, pha các hóa chất độc hại như huỳnh quang, hàn the làm bún trắng bóng, sáng óng ánh, dai và giòn hơn, ít dính và để qua đêm không bị chua như bún thường, có thể phát sáng trong đêm tối.

Những thứ đó sẽ làm chậm tiêu, viêm loét ruột, dạ dày, rối loạn các tế bào, hư gan, thận, gây ung thư…

Nói chung, càng đi nhiều, càng tìm hiểu nhiều tôi càng cảm thấy bế tắc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế, nhưng tôi sợ rằng với thực trạng môi trường cũng như mô hình quản lý nhà nước theo kiểu cảm tính hiện nay, rất nhiều đứa trẻ sẽ không còn cơ hội đón bình minh trên đất nước, tôi sợ rằng ngày chúng sinh ra cũng là ngày chúng lìa đời./.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here