Phân tích, dự báo tình hình Biển Đông: có muộn quá hay không?

Nhóm nhân sỹ mang Tuyên bố Biển Đông đến Quốc hội đứng trước tòa nhà Bộ Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội hôm 8/8/2019. (Ảnh chụp video đăng trên Facebook Nguye
- Quảng Cáo -

Mặc Lâm – VOA

Người quan tâm tới cục diện chính trị của Việt Nam có lẽ không thể bỏ qua những tin tức về các kỳ Hội nghị Trung ương vì tại Hội nghị này mọi chủ trương chính sách sẽ được mở ra, thảo luận và được báo chí loan tải cho mục tiêu phải đạt được của Đảng trong các vấn đề mà đất nước phải đối diện.

Trên nguyên tắc là như vậy nhưng qua nhiều Hội nghị Trung ương chưa bao giờ người dân nghe tin Hội nghị bàn bạc tới vấn đề Biển Đông mặc dù năm nào Trung Quốc cũng không nhiều thì ít có những hành vi quậy phá, gây hấn thậm chí tấn công vào vùng biển mà Việt Nam có đặc quyền kinh tế. Mọi biến động ấy không được Hội nghị Trung ương nhắc tới tuy người dân vẫn quan tâm theo dõi có khi còn sâu sát hơn các cơ quan trách nhiệm của nhà nước.

Lần này thì khác. Chính Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã lên tiếng trong bài diễn văn khai mạc sáng ngày 7 tháng 10 mở đầu cho Hội Nghị Trung ương 11, ngoài những chỉ đạo xem xét về kinh tế, xã hội cũng như quản lý nhà nước, ông Trọng còn nhấn mạnh “phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua.”

- Quảng Cáo -

Nếu theo dõi tình hình Bãi Tư Chính, nơi Trung Quốc nhúng tay vào từ đầu tháng 7, Trung Quốc đã điều tàu khảo sát Hải Dương 8 đến vùng nước rõ ràng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, để tiến hành các khảo sát trái phép. Cho tới hôm nay, ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 11, Trung Quốc đã đem vào Bãi Tư Chính nhiều đợt thăm dò như khu vực này thuộc chủ quyền của Trung Quốc trong đường chín đoạn của họ. Nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng sở dĩ Trung Quốc ngang nhiên tiến hành việc đưa tàu vào vùng biển Việt Nam cho tới ngày hôm nay, toàn bộ đảng viên cao cấp nhất Việt Nam dự Hội nghị Trung ương 11, để xem thái độ của những người Cộng sản Việt Nam, hay chính xác hơn là của ông Nguyễn Phú Trọng như thế nào trước khi có những bước khác trong mục tiêu thôn tính Biển Đông.

Và câu trả lời của Ông cho thấy Biển Đông sẽ được phân tích và dự báo một cách nghiêm túc không còn bị âm thầm bỏ qua như những lần trước.

Trước hành vi bị xâm lấn chủ quyền lãnh thổ thì bất cứ một quốc gia nào cũng phải có phản ứng. Mạnh thì tập hợp quân đội, kêu gọi quần chúng chuẩn bị chiến tranh, yếu thì lên án, kêu gọi quốc tế giúp sức hay ít ra cũng nhờ đến Liên Hiệp Quốc can thiệp…chỉ có Việt Nam là hành xử theo cung cách rất đặc biệt của mình: đợi đến ba tháng sau mới phân tích hành vi của kẻ xâm lược và dự báo xem chúng sẽ tiếp tục làm gì thì thật là ngoại hạng.

Tuy nhiên, trên mạng xã hội lẫn các trang báo chính thống thì động thái này của Tổng bí thư, Chủ tịch nước là một bước ngoặt đáng kể, nó cho thấy phương án đối phó với Trung Quốc tuy nhẹ nhàng, mềm mỏng nhưng kiên trì và phù hợp với thế yếu của mình trước một đối phương hung hăng và đầy tham vọng bành trướng. Dư luận không quên chuyến đi Mỹ của ông Trọng sắp tới và phát biều của ông chính là thông điệp gửi cho Trung Quốc về mức chịu đựng của Việt Nam đã quá giới hạn mặc dù thông điệp này được thu nhỏ tới mức tối đa, chỉ trong khuôn khổ dự báo và phân tích.

Dư luận còn chú ý tới một hình ảnh được xem là dấu chỉ của sự thay đổi tư duy của Hội Nghị Trung ương, đó là chiếc bục mà ông Trọng đứng phát biểu không có lẳng hoa như thường lệ. Mạng xã hội bàn tán hình ảnh này với sự phấn khích không cần che giấu nhưng không ai quan tâm tới sự liên quan giữa một cụm hoa với những phát biều có tính trấn an cả nước trước một việc hệ trọng là Bãi Tư Chính sắp mất vào tay Trung Quốc.

Trước Hội nghị Trung ương một ngày, sáng 6/10/2019, tại Hà Nội, Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển tổ chức Tọa đàm về chủ đề bảo vệ Biển Đông. Buồi tọa đàm mang tên: “Vùng biển Tư chính và Luật pháp Quốc tế”.

Buồi tọa đàm quy tụ hầu như gần hết các khuôn mặt đấu tranh cho chủ quyền biển đảo trong nhiều năm qua, theo BBC trong số các diễn giả, chuyên gia và khách mời tham dự, có các vị như Vũ Ngọc Hoàng, Thang Văn Phúc, Chu Hảo, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Nguyễn Khắc Mai, Trần Thị Băng Thanh, Đặng Văn Sinh, Hoàng Quốc Hải, Phạm Huy Thông, Nguyễn Xuân Hãn, Nguyễn Đình Cung, Nguyễn Trung, Nguyễn Nguyên Bình, Nguyễn Đình Cống, Hoàng Việt, Trần Ngọc Vương, Đinh Hoàng Thắng, Vũ Hùng, Nguyễn Vi Khải, Nguyễn Văn Cương, Trần Thanh Vân, Nguyễn Quang Dy, Nguyễn Xuân Diện, Hoàng Ngọc Giao, Lê Mã Lương, Đào Tiến Thi, Phạm Viết Đào.

Nhiều phát biểu quan trọng được mang đến buổi tọa đàm và người theo dõi nhận ra một điều cuộc tọa đàm tuy được Ban Tuyên giáo bật đèn xanh nhưng do thời gian quá cấp bách nên cử tọa chưa phác họa được những liên quan sống còn giữa luật pháp quôc tế và biều hiện vi phạm của Trung Quốc sẽ bị luật pháp ấy xử lý như thế nào nếu Việt Nam tập hợp được tất cả các yếu tố vi phạm đặc quyền kinh tế của Việt Nam bị Trung Quốc vi phạm một cách thô bạo.

Hội thảo có lẽ thành công trong vai trò phân tích và dự báo như sự mong muốn của TBT Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Về phân tích, nhiều phát biểu chỉ rõ hành động của Trung Quốc không nằm ngoài ý đồ biến vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành nơi tranh chấp để từ đó tiến hành cuộc chiến tranh có thể họ gọi là “bảo vệ chủ quyền bất khả tư nghị”. Về dự báo, không thể bỏ qua ý kiến của tướng Lê Mã Lương, một danh tướng đúng nghĩa của Việt Nam khi nói rằng “mất Bãi Tư Chính thì Việt Nam xem như mất tất cả các đảo bao gồm Trường Sa nơi Việt Nam đang đóng quân và xác định chủ quyền của mình”

Dù sao thì việc lên tiếng của người đứng đầu cả nước về một vấn đề quan trọng nhất hiện nay cũng cho thấy mức độ lo sợ của Bộ Chính trị trước viễn ảnh mất trắng vào tay Trung Quốc đã gần kề. Chỉ có điều lên tiếng là một lẽ phần còn lại quan trọng nhất là cách đối phó với mối nguy ấy bằng cách nào mới là điều người dân mong đợi.

Cũng giống như cách hành xử rất thận trọng đôi khi bị xem là chậm chạp của Bộ Chính trị dân chúng Việt Nam xem ra rất an tâm với những gì mà người đứng đầu đất nước biểu hiện, chằng hạn không có hoa trên bục phát biểu là một thay đổi ấn tượng, và ấn tượng này là tiền đề cho nhiều người tin rằng sẽ có một thay đồi lớn mặc dù niềm tin tương tự như vậy từng nhiều lần bị hụt hẫng.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here