Người lao động ở Sài Gòn cần “Tìm hiểu 90 năm vẻ vang của đảng cộng sản Việt Nam” để làm gì?

- Quảng Cáo -

Minh Châu (VNTB)|

Liên đoàn Lao động TP.HCM vừa triển khai kế hoạch tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm vẻ vang của đảng cộng sản Việt Nam”. 

Câu hỏi đặt ra, nếu công nhân không còn thấy đảng vẻ vang thì sao?

Đảng có thực sự bảo vệ người lao động?

Câu trả lời là “không”. Dẫn chứng, vào chiều 28-10 ông Hồ Quang Minh, giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Tĩnh đã nói rằng, “Việc một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin Sở Ngoại vụ lập đường dây nóng, cũng như công bố số điện thoại của giám đốc sở để giúp đỡ các gia đình nghi có người thân mất tích nghi nằm trong số 39 người chết ở Anh là không chính xác”.

- Quảng Cáo -

Theo ông Hồ Quang Minh, tính đến thời điểm hiện tại thì Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh mới dừng lại ở chuyện đã làm việc với Sở Thông tin và truyền thông tỉnh, để chấn chỉnh về nội dung như trích dẫn ở trên.

Trước đó, vào chiều 26-10, Văn phòng Chính phủ đã phát đi thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến thông tin 39 người chết trong container tại Anh hôm 23-10, trong đó có thể có người Việt Nam, “Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, các địa phương và cơ quan liên quan khẩn trương xác định, làm rõ vụ việc để có các biện pháp phù hợp theo quy định của pháp luật; điều tra phát hiện các vụ việc đưa công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm”.

Qua thông tin từ báo chí về số đường dây nóng Bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Anh +44 7713 181501, và số điện thoại của Tổng đài Bảo hộ công dân +84981 8484 84, theo ghi nhận từ các nhóm phóng viên, nhiều gia đình ở Hà Tĩnh và Nghệ An có thân nhân nghi mất tích liên quan đến vụ việc, đã chủ động nhờ sự giúp đỡ.

Báo chí cũng đã phỏng vấn vấn đề thời sự này với Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, và ông Nguyễn Đắc Vinh đã trả lời chung chung rằng, các tổ chức, gia đình, cá nhân có thông tin liên quan về vụ việc, báo cáo với các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương và liên hệ với Sở Ngoại vụ theo số điện thoại: Phòng Lãnh sự Người Việt Nam ở nước ngoài: 02383.560.726; Ông Nguyễn Hải Dương – Giám đốc Sở Ngoại vụ: 0963.632.609; Ông Trần Khánh Thục – Phó giám đốc Sở Ngoại vụ: 0912.292.617.

Là quan chức cấp cao nhất của Nghệ An, ông Nguyễn Đắc Vinh lại yêu cầu người dân phải ‘báo cáo’, và quy lỗi ở đây thuộc về người lao động, “Đây là sự việc rất đáng tiếc. Chúng tôi nghĩ rằng hiện nay ta đang đẩy mạnh xuất khẩu lao động, cũng có nhiều việc làm theo con đường chính  thống.

Chúng tôi thực sự mong muốn công dân của chúng ta nên đi theo những con đường chính thống, đi xuất khẩu lao động một cách hợp pháp, được Nhà nước bảo trợ, chính quyền sở tại hỗ trợ và bảo trợ theo luật pháp của các nước sở tại”. [xem thêm *]

Thế nào là chính thống? Tại sao cũng là con người, nhưng công dân của nhiều quốc gia, kể cả công dân nhiều lân bang, có thể đi gần như bất kỳ đâu, bất cứ khi nào họ muốn, còn người Việt thì không, ngay cả mưu cầu hạnh phúc cũng phải chui nhủi, thậm chí đổi mạng lấy cơ hội?

Có thật là vẻ vang suốt 90 năm?

Câu trả lời là “không thật”. Hiến pháp 2013, Điều 4.1 nói rằng đảng cộng sản Việt Nam là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân.

Nếu hiểu người lao động nói chung là ‘công nhân’, thì những lợi ích của người Việt Nam khi làm việc ở xứ người có được đảng cộng sản Việt Nam ‘trung thành bảo vệ’? Qua vụ việc thời sự của nghi vấn lao động Việt Nam thiệt mạng trong container tại Anh hôm 23-10, cho thấy đảng cộng sản Việt Nam dường như đã phủi tay chối bỏ về vai trò ‘đại biểu trung thành’.

Tạm gác qua chuyện ‘đấu tranh giai cấp’, nếu như là ‘đại biểu trung thành’ của người lao động, thì chắc hẳn các quan chức đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam là Bộ Chính trị hiểu rất rõ rằng công nhân hiện nay đang cần gì, muốn gì?

Trở ngược thời gian. “Hỡi đồng bào cả nước! Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mở đầu bằng hai câu trích dẫn nguyên văn bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. “Life, liberty and the pursuit of happiness”.

Nhưng tức khắc, Tuyên Ngôn của Việt Nam đi thẳng vào đích: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Từ tháng 9-1945 đến nay, những người nhân danh đảng cộng sản Việt Nam đã làm gì để người dân nói chung, người lao động nói riêng có được ‘quyền mưu cầu hạnh phúc’ như tuyên ngôn?.

Có thể về mặt tuyên giáo hồ hỡi ngợi ca chương trình phát triển ‘tam nông’, nông dân – nông thôn – nông nghiệp, nhưng trên thực tế thì ‘tam nông’ đã đẩy nhiều người tuyệt vọng khi bế tắc, phải ly nông, ly hương.

Tương tự, có thể những quan chức ở Bộ Chính trị hết sức vừa ý với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo đúng định hướng được cho là ‘nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa’; nhưng nhiều người lại không chút hài lòng khi công nhân mang tiếng có nghề nghiệp ổn định song ‘ăn như tu, ở như tù’, sức khỏe suy kiệt, làm quần quật mà lương vẫn không đủ nuôi thân.

Xét trong bối cảnh của những điều ‘có thể’ kể trên, cho thấy nếu đã vỗ ngực xưng danh là ‘đại biểu trung thành lợi ích’, xem ra đảng cộng sản Việt Nam không thể nào ‘vẻ vang suốt 90 năm’ như cuộc thi đang được phát động của Liên đoàn Lao động TP.HCM.

Thay lời kết

Người viết bài này không muốn được ru ngủ mà cũng không muốn ru ngủ ai bằng mơ mộng, khẩu hiệu hay lý tưởng.

Nếu người ta có thể mường tượng ra được thế nào là hạnh phúc của một dân tộc, thì ai có thể định nghĩa hạnh phúc của mỗi cá nhân là gì? Và nếu có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu cách quan niệm về hạnh phúc và có bấy nhiêu cách đi tìm hạnh phúc khác nhau.

Điều duy nhất chính quyền có thể làm là tạo một khung cảnh pháp lý được mọi người thỏa thuận, để việc theo đuổi hạnh phúc của mỗi người được tự do. Còn thế nào là hạnh phúc, điều đó chỉ có thể tìm thấy trong trái tim của mỗi con người.

Sự kiện 39 người thảm tử trong container được phát giác vào sáng 23-10 ở Anh là quyền của mỗi cá nhân, nhưng rõ ràng, lựa chọn của 39 người đó cho thấy họ đã không cảm thấy hạnh phúc ở nơi họ sinh ra, lớn lên. Họ chấp nhận trả giá đắt, chấp nhận đem sinh mạng của mình ra làm vật đặt cược để đạt đến hạnh phúc theo quan niệm của họ.

Và như vậy nếu tiếp tục yêu cầu người lao động ở Sài Gòn phải tin vào sự vẻ vang suốt 90 năm của đảng cộng sản Việt Nam, là áp đặt khiên cưỡng./.

+ Chú thích:

[*] http://www.vietnamthoibao.org/2019/10/vntb-lao-ong-viet-lieu-de-xuat-khau.html

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here