Ba Không – Một chính sách phản động

Chính sách "3 Không" và hệ quả.
- Quảng Cáo -

nguyenngocgia’s blog|

Chính sách Ba Không được luật hóa trong Luật Quốc Phòng. Tại khoản 3 điều 4 “Chính sách của nhà nước về quốc phòng” đã viết:

Thực hiện đối ngoại quốc phòng phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chống chiến tranh dưới mọi hình thức; chủ động và tích cực hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đối thoại quốc phòng, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; không tham gia lực lượng, liên minh quân sự của bên này chống bên kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của Việt Nam để chống lại nước khác; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Phép ngụy biện dựa vào dân chúng (Fallacy of argumentum ad populum)

Chính sách Ba Không trong Luật Quốc Phòng được nhìn thấy rõ lâm vào phép “ngụy biện dựa vào dân chúng”.

- Quảng Cáo -

Sai lầm của phép ngụy biện này là cách mà người Cộng Sản Việt Nam (CSVN) kêu gọi về tình cảm, đặc biệt kêu gọi dân chúng bằng khái niệm “lòng yêu nước” và “yêu hòa bình, ghét chiến tranh”.

Phép ngụy biện này được người CSVN sử dụng nhằm hướng người dân Việt Nam đến một kết quả (ngỡ rằng tốt đẹp) bằng tình cảm hơn là lý trí.

Thử hỏi cả thế gian này, có mấy ai dám nói không với “yêu hòa bình” và có dân tộc nào không có “lòng yêu nước” (?)

Nguy hại của phép ngụy biện này ở chỗ: “Lòng yêu nước” sẽ lấn át hết lý trí và dễ dàng hướng con người đến cuồng nộ mù quáng, khi bất kỳ ai đó động chạm vào tình cảm được coi là thiêng liêng và bất diệt. Nó dễ dàng đem lại sự chấp nhận thiếu suy nghĩ của con người đối với những ý kiến được trình bày theo những cách khác nhau.

Sự kêu gọi dân chúng về lòng ái quốc dễ dẫn đến những hành động theo bản năng của số rất đông. Đặc biệt bản năng bạo loạn sẵn sàng bộc phát trong nhiều trường hợp đã được thực tế thế giới chứng minh, như người Trung Hoa đập phá tan nát [1] những cửa tiệm, tài sản của người Nhật Bản vào năm 2012. Cuộc bạo loạn này được đánh dấu như là mức kỷ lục về sự cuồng nộ của “lòng yêu nước” mà người Trung Hoa cho rằng người Nhật Bản “dám động đến”, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1972.

Thực tế tại Việt Nam cũng đã chứng minh sự nguy hại của phép “ngụy biện dựa vào dân chúng” bằng khái niệm “chiến tranh nhân dân” kéo dài từ thời Pháp đến thời Mỹ và cho cả đến thời kỳ chống Trung Quốc (nhưng người CSVN chỉ dám gọi là “chiến tranh biên giới” – Đây lại là phép “ngụy biện đánh tráo khái niệm”). Cũng từ phép “ngụy biện đánh tráo khái niệm” mà sinh ra những danh xưng rất lố lăng và bất xứng như: “kháng chiến chống Pháp”, “kháng chiến chống Mỹ” nhưng không có “kháng chiến chống Tàu” hoặc giả, có “liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ” nhưng không có “liệt sĩ chống Tàu”.

Phép ngụy biện nước đôi (Fallacy of amphiboly) & phép ngụy biện dựa vào bạo lực (Fallacy of argumentum baculinum)

Phép “ngụy biện nước đôi” luôn luôn cố tình lập luận sao cho đưa tới kết luận mơ hồ trong nội dung như người ta nhận thấy của cả khoản 3 điều 4 trong Luật Quốc Phòng.

Điều này được phân tích tại đoản văn: “… giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi…”.

Hãy xem, tình hình Bãi Tư Chính nói riêng và Biển Đông nói chung, suốt nhiều tháng qua, dư luận trong và ngoài nước không hề thấy một động thái rõ rệt nào của nhà cầm quyền CSVN đối với hành động xâm lấn mạnh mẽ của Trung Quốc, ngoài những câu chữ rất mơ hồ, rất chung chung như Nguyễn Phú Trọng nói [1] : “… vấn đề Biển Đông phải đặt trong tổng thể, xử lý hài hòa giữa việc giữ quan hệ, giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; đồng thời phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…”

Để củng cố thêm cho phép “ngụy biện nước đôi”, Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nói [1]: “… “Nếu anh hung hăng đánh nhau, thắng thì tốt nhưng thua thì hậu quả sẽ ra sao? Không phải dọa đâu mà đây là tính toán lợi ích quốc gia, dân tộc. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta nhân nhượng bất cứ thứ gì vô nguyên tắc…”

Ý kiến trên cho thấy Nguyễn Phú Trọng, không chỉ lâm vào phép “ngụy biện nước đôi” mà còn sa vào phép “ngụy biện dựa vào bạo lực”.

Lập luận của Nguyễn Phú Trọng sẽ dễ dàng được chấp nhận bởi tính hăm dọa đến từ chết chóc (do Trung Quốc nhất định gây ra cho người Việt Nam nếu có chiến tranh). Điều này tỏ ra mâu thuẫn tột cùng với ngay trong Luật Quốc Phòng, bởi khoản 3 điều 4 luôn nêu cao tinh thần hòa bình và đối thoại trong mọi trường hợp. Hơn thế, lối ngụy biện của Trọng vô hình chung bộc lộ sự bất lực đến tận cùng của ĐCSVN trong việc (đã) sử dụng tất cả các biện pháp ôn hòa đối với ĐCSTQ.

Mặt khác, người Việt Nam đòi hỏi các chính sách quốc phòng của nhà cầm quyền CSVN thật rõ ràng để “bảo quốc an dân”, điều đó không có nghĩa người Việt Nam “đòi đánh nhau”.

Kết luận

Với các phép ngụy biện để bao che cho tư tưởng bạc nhược, hành vi yếm thế  trước mộng bá đồ vương của hoàng đế Tập Cận Bình, người CSVN không thể chối bỏ – chính họ đã phản bội lại “Ba Không” khi nhắc lại việc can thiệp quân sự vào Campuchia, tròn 40 năm trước, Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng cho rằng [3]: “… Chúng ta buộc phải bước vào chiến tranh vì sự sinh tồn của chính nhân dân mình, vì sự sống còn của miền Tây Nam đất nước và để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trước tuyên bố rất ngạo mạn của Polpot là “ở đâu có cây thốt nốt, ở đó là đất Campuchia…”.

Polpot tuyên bố “ở đâu có cây thốt nốt, ở đó là đất Campuchia”có khác gì Trung Cộng tuyên bố “đường lưỡi bò” một cách vô căn cứ mà cả thế giới chê cười (?!)

Các phép ngụy biện nói trên sẽ dễ dàng “che mắt” người dân, một khi “lòng yêu nước nồng nàn” (mà phải dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của ĐCSVN) được đưa lên “đỉnh cao chói lọi” nhằm sử dụng số đông dân chúng, lúc thì “lao vào” để  “giữ gìn bờ cõi”, lúc khác lại “lao ra” để “bảo toàn đại cục”, tất cả chỉ nhằm phục vụ cho sự trường trị của chế độ độc đảng toàn trị mang tên Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Và nếu Nhật Bản, Hàn Quốc hay vùng lãnh thổ Đài Loan cũng dùng chính sách “vĩ đại” mang tên “Ba Không” của người CSVN làm kim chỉ nam cho quốc gia họ, e rằng thế giới đại loạn từ lâu.

Hong Kong, sau hơn 20 năm được trở về trong vòng tay mẫu quốc, họ đang mong muốn và yêu cầu gì (?)…

Những chính sách mang danh “ái quốc, an hòa” nhưng vẫn để người dân đối mặt với nguy hiểm và chết chóc như ngày 2/11/2019 RFA cho hay [4]: “Một ngư dân bị bắn chết gần quần đảo Trường Sa”, tất thảy đó là chính sách phản động.

___________________________

Nguyễn Ngọc Già

[1] https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/dan-trung-quoc-qua-khich-dap-pha-dot-nh…

[2] https://thanhnien.vn/thoi-su/khong-nhan-nhuong-ve-doc-lap-chu-quyen-toan…

[3] https://tuoitre.vn/thuong-tuong-nguyen-chi-vinh-cuoc-chien-vi-hoa-binh-t…

[4] https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/viet-fisherman-shot-deat…

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here