10 sự kiện nổi bật trên thế giới trong năm 2019

- Quảng Cáo -

Năm 2019 sắp qua đi với nhiều biến động trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Mời quý bạn đọc theo dõi 10 sự kiện nổi bật trên thế giới trong năm qua, do Ban Biên Tập Web Việt Tân bình chọn.

Ban Biên Tập Web Việt Tân

***

Hơn 1 triệu người Hong Kong chống Dự Luật Dẫn Độ, bảo vệ dân chủ

Năm 2019 được coi là năm mà người Hong Kong tô đậm trang sử hào hùng trong cuộc chiến đấu bảo vệ dân chủ tại thành phố cảng. Khởi đi từ việc chống Dự Luật Dẫn Độ do chính quyền Hong Kong đề xuất vào Tháng Hai 2019, làn sóng đấu tranh đã bắt bùng nổ vào Tháng Ba và leo thang dần với số người tham gia từ vài trăm ngàn lên đến nửa triệu người và cao điểm là hơn 1 triệu người xuống đường vào ngày 23 Tháng Sáu, khiến chính quyền Hong Kong phải tuyên bố rút lại dự luật.

- Quảng Cáo -

Mặc dù các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, nhưng lực lượng cảnh sát đã dùng hơi cay, dùi cui, vòi rồng và cả súng bắn đạn cao su để đàn áp cuộc biểu tình, người biểu tình cũng đáp trả lại bằng gạch đá, bom xăng. Với mức độ đàn áp leo thang, nhiều vụ bạo động đã xảy ra và có hàng ngàn người biểu tình đã bị cảnh sát bắt giữ.

Phong trào biểu tình tại Hong Kong có một phong thái rất đặc biệt là cách thức tổ chức rất uyển chuyển, luôn luôn thay đổi địa điểm, thành phần tham gia cũng đa dạng, biểu tình theo ngành nghề, tuổi tác, mặc dù thành phần chủ lực vẫn là giới trẻ sinh viên, học sinh. Ngoài ra, không có người nào giữ vai trò thủ lãnh của phong trào. Mọi sự điều động được thông qua mạng lưới internet, và được mọi người tuân thủ một cách rất kỷ luật.

Cao điểm của phong trào biểu tình là cuộc chiếm đóng các trường đại học. Đại Học Bách Khoa đã bị chiếm đóng lâu nhất, rất nhiều sinh viên đã bị bắt và đưa đi đâu không biết nhưng phần lớn đều an toàn về nhà. Hiện phong trào biểu tình đang lắng xuống nhưng không hứa hẹn gì là sẽ chấm dứt khi những yêu sách của người Hong Kong chưa được chính quyền đáp ứng toàn vẹn.

Thắng lợi lớn nhất của phong trào là họ đã giành được, gần như tuyệt đối, số ghế trong kỳ bầu cử ủy viên hội đồng quận vào ngày 24 Tháng Mười Một vừa qua. Phe dân chủ đã chiếm 17 trên 18 quận thuộc Đặc Khu Hong Kong.

Cuộc thương chiến Mỹ-Trung ngày càng khốc liệt

Mặc dù chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chỉ mới bắt đầu vào năm 2018, tuy nhiên mức độ khốc liệt đã khiến nền kinh tế Trung Quốc lao dốc nhanh và thị trường chứng khoán nước này cũng đã suy thoái.

Hoa Kỳ phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc bởi ba lý do chính: 1) Giảm việc Trung Quốc đang có thặng dư thương mại rất lớn với Mỹ – khoảng 420 tỷ USD năm 2018; 2) Trung Quốc đã lợi dụng hệ thống thương mại tự do để tích lũy thặng dư thông qua biện pháp trợ cấp phi thị trường và không minh bạch; 3) Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ và buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ.

Tình thế khó khăn đã buộc lãnh đạo Trung Quốc phải nhượng bộ Hoa Kỳ bằng cách tích cực thúc đẩy đàm phán, cam kết tăng mua hàng nông sản, năng lượng, các sản phẩm chế biến – chế tạo, và dịch vụ của Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc còn dỡ bỏ lệnh áp thuế đối với xe hơi nhập khẩu từ Mỹ, nối lại nhập khẩu đậu tương Mỹ, hứa sẽ mở rộng cửa hơn cho đầu tư nước ngoài, và soạn thảo một dự luật về ngăn chặn ép buộc chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên, những cam kết của Trung Quốc vẫn chưa thể khiến giới chức Mỹ hài lòng. Tổng Thống Donald Trump muốn bất kỳ thỏa thuận thương mại nào giữa hai nước, cần phải bao gồm các biện pháp thực thi và kiểm chứng, vì không tin Bắc Kinh giữ lời hứa. Ông Trump cũng liên tục kêu gọi các công ty Hoa Kỳ rút ra khỏi Trung Quốc quay về Hoa Kỳ hoặc đi làm ăn với các nước khác.

Cho đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa thấy triển vọng về viễn cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sớm chấm dứt. Và dù giữa Mỹ và Trung Quốc có đạt được một số thỏa thuận kinh tế đi nữa, mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ không bao giờ trở lại như xưa. Lý do là sự bất đồng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã vượt xa lĩnh vực thương mại. Những năm gần đây Trung Quốc đã lợi dụng thế giới thương mại tự do để tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự để qua mặt Hoa Kỳ, chiếm vị trí số một thế giới.

Hiện tượng Greta Thunberg

Greta Thunberg là một thiếu nữ Thụy Điển 16 tuổi, được Tạp chí Time của Hoa Kỳ bầu chọn là Nhân vật năm 2019 nhờ vào những hoạt động mạnh mẽ bảo vệ môi trường xanh và sạch cho trái đất. Chẳng những vậy, Greta còn đứng trong Top 10 người có ảnh hưởng nhất năm 2019 do Tạp chí Nature của Anh bình chọn.

Greta Thunberg được mô tả là người đã có những nỗ lực liên tục trong việc kêu gọi hành động giải cứu môi trường và bảo vệ trái đất qua hiện tượng nóng lên của trái đất do con người gây ra. Greta Thuberg được biết đến như một biểu tượng của sức mạnh tuổi trẻ, đã tham dự Hội Nghị Liên Hiệp Quốc về Biến Đổi Khí Hậu (COP 24) năm 2018 tại Ba Lan.

Hội nghị COP 24 được tổ chức nhằm thúc đẩy việc thi hành Hiệp Định Paris năm 2015 về Biến Đổi Khí Hậu một cách thực tế, như hạn chế hiệu ứng nhà kính và giữ cho trái đất chỉ tăng nhiệt độ trong khoảng từ 1,5 đến 2 độ C cho đến cuối thế kỷ 21.

Đầu năm 2019, trước các doanh nhân hàng đầu của thế giới tại Diễn Đàn Kinh Tế Davos, Thụy Sĩ, cô Greta Thunberg đã lên tiếng một cách mạnh mẽ rằng: “Một số cá nhân, một số công ty, một số người đưa ra quyết định họ biết chính xác về những thứ vô giá trị mà họ bất chấp để kiếm những khoản tiền khổng lồ,” và “Đã có nhiều người nhận ra tình trạng hiện tại đang kinh khủng như thế nào… nhưng lại không ai làm điều gì để ngăn chận nó”.

Sự xuất hiện của Greta Thunberg đã thật sự thu hút sự quan tâm của báo chí và đông đảo giới trẻ trên khắp thế giới, trở thành một hiện tượng toàn cầu. Kết quả lời kêu gọi của Greta Thunberg, đã có 1.769 nơi tại 112 quốc gia trên toàn thế giới hưởng ứng và lên kế hoạch tham gia vào phong trào bãi khoá chống biến đổi khí hậu toàn cầu, còn gọi là “Ngày Thứ Sáu Vì Tương Lai”.

Điều rất buồn là khi Thủ đô Hà Nội và Sài Gòn bị ô nhiễm không khí trầm trọng, một số người trẻ sẵn sàng tham gia để tạo ý thức chung cho mọi người, công an lại tìm cách ngăn chặn, ngoài những hoạt động cô đơn của Tổ chức Green Trees.

Cộng ty Huawei bị đưa vào hồ sơ đen

Sau khi yêu cầu chính quyền Canada bắt giữ bà Mạnh Văn Châu (Meng Wanzhou), Phó Chủ Tịch đặc trách về Tài Chánh của công ty Huawei tại phi trường Vancouver BC vào ngày 1 Tháng Mười Hai, 2018 để dẫn độ về Hoa Kỳ xét xử vì bà Mạnh bị cho là vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ đối với Iran, thì 5 tháng sau Hoa Kỳ đưa công ty Huawei vào sổ đen, nghiêm cấm mọi quan hệ giao dịch với công ty này trên nước Mỹ vì lý do an ninh từ ngày 17 Tháng Năm, 2019.

Microsoft là một trong những đại công ty Mỹ đầu tiên ngưng bán laptop Huawei trên mạng. Đến 19 Tháng Tám, 2019, Mỹ gia hạn thêm 3 tháng và đưa tiếp 46 công ty con của Huawei vào danh sách đen. Quan trọng nhất là Hoa Kỳ cấm công ty Google hợp tác làm ăn với Huawei, đồng nghĩa Huawei không thể mua quyền sử dụng Android và các ứng dụng liên quan cho thiết bị bán ở Châu Âu – thị trường lớn thứ hai của Huawei chỉ sau Trung Quốc.

Song song, công nghệ 5G của Huawei bị cấm ở Mỹ đã đành, đồng minh Mỹ ở Âu Châu cũng bị khuyến cáo không dùng kỹ thuật 5G của Huawei. Tân Tây Lan, Úc và Anh đã quyết định theo lời khuyên của Mỹ. Với quyết định của Tổng Thống Donald nói trên đã khiến cho doanh thu của Huawei, đặc biệt là điện thoại thông minh bị giảm đáng kể vì người tiêu dùng sợ không được dùng các dịch vụ của Hoa Kỳ như Google, Facebook, Youtube, …

Lãnh đạo Huawei luôn luôn phủ nhận cáo buộc của Hoa Kỳ rằng Huawei thu thập thông tin theo lệnh của Bắc Kinh. Các quốc gia Âu Châu còn chần chừ vì chưa có bằng chứng rõ ràng về việc Trung Cộng theo dõi người tiêu dùng qua sản phẩm của Huawei, dù một số chính khách đã nhiều lần lên tiếng mạnh mẽ cảnh báo chính phủ về mặt an ninh.

Những ai hiểu rõ bản chất của nhà cầm quyền Trung Quốc đều không tin là Bắc Kinh không chi phối hoạt động của một công ty có tầm vóc thế giới như Huawei.

Hoa Kỳ ban hành đạo luật Dân Chủ và Nhân Quyền Hong Kong

Vào ngày 27 Tháng Mười Một 2019, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chính thức ký ban hành Luật Dân Chủ và Nhân Quyền Hong Kong (Hong Kong Human Rights and Democracy Act) sau khi Dự luật này được cả Thượng Viện và Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua.

Theo luật này, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ được yêu cầu xem xét hàng năm mức độ tự chủ của Hong Kong trước các động thái can thiệp của Trung Quốc vào đặc khu này. Đó sẽ là căn cứ áp dụng các quy chế thương mại đặc biệt của Hoa Kỳ dành cho Hong Kong. Bên cạnh đó, luật cũng bắt buộc có các lệnh trừng phạt đối với quan chức Hong Kong và Trung Quốc được xác định có hành vi xâm phạm nhân quyền.

Bắc Kinh đã chỉ trích việc Tổng Thống Trump ký thành luật là “can thiệp nghiêm trọng vào chuyện của Hong Kong, chuyện nội bộ của Trung Quốc, và vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế và các tiêu chuẩn cơ bản trong quan hệ quốc tế.” Trước đó, Bộ Ngoại Giao Trung Cộng đã hai lần triệu Đại Sứ Mỹ để trao công hàm “phản đối mạnh mẽ” và cảnh báo Mỹ sẽ “chịu mọi hậu quả” nếu không rút Dự Luật Dân Chủ và Nhân Quyền Hong Kong 2019.

Tiếp theo phong trào dù vàng hay còn được gọi là “Cách mạng ô dù” tại Hong Kong năm 2014 bao gồm những cuộc biểu tình, phản biểu tình và những hành động như trưng cầu dân ý trên mạng đòi hỏi quyền dân chủ thực thụ, cụ thể là quyền được bầu trực tiếp chức Đặc Khu Trưởng mà không phải thông qua quyết định của ủy ban bầu cử, do Bắc Kinh điều khiển.

Ngoài ra, người dân Hong Kong cho rằng càng ngày Bắc Kinh càng gia tăng sức ép chính trị lên lãnh đạo đặc khu và không giữ lời hứa sẽ để cho Hong Kong có quyền tự trị trong 50 năm kể từ khi được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Vì thế mà tính cho đến cuối năm 2019, người dân Hong Kong vẫn kiên trì tham gia các cuộc biểu tình quy mô lớn và đầy sáng tạo không chỉ là nhằm phản đối dự luật dẫn độ, mà là để bảo vệ quyền tự do, nói lên tiếng nói của mình và điều này như đã ăn vào máu của họ.

Nhà thờ Notre Dame Paris bị cháy

Nhà thờ Notre Dame Paris, Pháp Quốc đã phát cháy dữ dội vào lúc 18 giờ 40, ngày 15 Tháng Tư, 2019. Notre Dame là nhà thờ chính của Tổng giáo phận Paris, bắt đầu xây dựng từ năm 1160 và chính thức hoàn tất vào năm 1350. Đây là một di tích nổi tiếng được ghé thăm nhiều nhất ở Paris với khoảng 12 triệu người viếng thăm hàng năm.

Nhà thờ bị phát hỏa bắt đầu từ mái nhà và suốt 15 tiếng đồng hồ, ngọn lửa đã làm thiệt hại nghiêm trọng, phần lớn trần đá bị sụp đổ, mái nhà bằng gỗ sồi từ thế kỷ 13 bị phá hủy, tháp biểu tượng bị thiêu hủy hoàn toàn. Mọi thứ bên trong nhà thờ gần như bị thiêu hủy, các cấu trúc bằng gỗ từ thời Trung cổ đã bị phá hủy nhưng rất may là các di vật linh thiêng, các tác phẩm nghệ thuật (Vòng gai vương miện, tượng Trinh nữ Maria và em bé Jesus…) đã được mang ra khỏi đám cháy kịp thời. Ngọn lửa đựợc dập tắt sau 15 giờ và đã cứu được hai tòa tháp phía Tây của nhà thờ.

Nhà thờ Notre Dame không chỉ là kho lưu trữ lịch sử và tôn giáo mà nó còn có giá trị không nhỏ trong trái tim của mọi người dân Pháp. Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron đã viết: “Giống như tất cả đồng bào của chúng ta, tối nay tôi rất buồn khi thấy một phần nhà thờ Đức Bà Paris của chúng ta bị cháy.”

Nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn có thể liên quan tới hoạt động trùng tu nhà thờ đang diễn ra lúc đó. Người đứng đầu lực lượng cứu hỏa Paris, ông Jean-Claude Gallet cho biết cấu trúc chính của công trình đã được bảo toàn đã ngăn được ngọn lửa không cho lan tới tòa tháp chuông phía Bắc. Điểm đặc biệt trong vụ hỏa hoạn này là không có người nào thiệt mạng, nhưng có một trong số 400 lính cứu hỏa tham gia quá trình dập lửa đã bị thương.

Người Pháp lúc đầu rất đau buồn khi nhìn thấy ngọn lửa đang thiêu hủy nhà thờ trên màn ảnh tivi. Nhưng chính sự đau buồn về một di tích lịch sử đã bị ngọn lửa xóa sạch, đã kích thích mọi người bung ra vận động quyên góp để xây dựng lại ngôi nhà thờ nổi tiếng này, trong đó phải kể đến tỷ phú Pháp Francois-Henri Pinault đóng góp 113 triệu Euro. Việc phục hồi lại nhà thờ Notre Dame sẽ tốn rất nhiều tiền bạc và có thể kéo dài đến hàng chục năm.

Tổng Thống Donald J. Trump bị luận tội

Ngày 18 Tháng Mười Hai, 2019, Tổng Thống thứ 45 Donald J. Trump đã trở thành tổng thống thứ 3 bị Hạ Viện luận tội trong lịch sử 240 năm của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Tổng Thống Trump bị cáo buộc lạm dụng quyền lực  khi yêu cầu Tổng Thống Ukraine điều tra cựu Phó Tổng Thống Joe Biden, một đối thủ chính trị trước bầu cử 2020, và sau đó cản trở cuộc điều tra của Quốc Hội.

Hạ Viện Mỹ đã biểu quyết luận tội Tổng Thống Trump trên 2 điều khoản: Thứ nhất là tội “Lạm dụng quyền lực” với 230 phiếu thuận và 197 phiếu chống; Thứ hai là tội “Chống lệnh Quốc Hội” với 229 phiếu thuận và 198 phiếu chống.

Cuộc điều tra luận tội Tổng Thống Donald Trump đã diễn ra trong một thời gian kỷ lục 3 tháng, kể từ ngày 13 Tháng Chín 2019 khi Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Adam Schiff công bố nhận được báo cáo của “người thổi còi cảnh báo” (whistleblower), và kết thúc bằng cuộc bỏ phiếu luận tội Tổng Thống Doanld Trump vào ngày 18 Tháng Mười Hai, 2019.

Tiến trình điều tra và luận tội thành công là nhờ 17 giới chức chính phủ và chuyên gia đã đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết, ra khai báo với Quốc Hội về những điều mà họ cho là sai trái, nguy hiểm tới an ninh quốc gia và phạm pháp.

Việc một tổng thống bị luận tội là điều rất hiếm hoi trong lịch sử Hoa Kỳ. Chỉ có 3 người trong số 45 đời tổng thống bị luận tội vào thế kỷ 19, 20 và 21; đó là Tổng Thống Andrew Johnson (1868); Tổng Thống Bill Clinton (1999) và bây giờ là Tổng Thống Donald Trump.

Luận Tội được ghi trong Hiến Pháp Hoa Kỳ như một quyền của Lập Pháp để kiềm chế sự lộng quyền của Hành Pháp và là yếu tố nền tảng để duy trì nền Dân Chủ trong đó quyền lực được phân chia và kiểm soát giữa hành pháp, tư pháp và lập pháp.

Tổng Thống Trump có bị truất phế hay không còn phải chờ sự phán quyết của Thượng Viện Hoa Kỳ vào đầu năm 2020. Điều quan trọng là, cho dù là tổng thống, là quan chức hay là dân đều phải bình đẳng trước pháp luật. Xử phạt phân minh, không bao che, công lý ở xứ tự do không cho phép ỷ lại chức quyền để phạm tội… Điều này không xảy ra ở những xứ độc tài xã hội chủ nghĩa.

Brexit: Cuộc chia tay UK và EU đầy rối rắm

Từ khởi thủy, “mối tình duyên” giữa Vương Quốc Anh (United Kingdom – UK) và Liên Minh Âu Châu (EU) đã có nhiều trắc trở, để rồi miễn cưỡng sống chung, và rồi lại “anh đường anh, tôi đường tôi”. Vào năm 1973, UK tham gia vào Cộng Đồng Kinh Tế Âu Châu (European Economic Community) và được người dân Anh bỏ phiếu thuận chính thức thông qua vào năm 1975. Nhưng liền sau đó, và liên tiếp trong các thập niên tiếp theo, Đảng Lao Động Anh Quốc đã chủ động trong việc kêu gọi UK rút ra khỏi EU.

Vào Tháng Sáu 2016, qua cuộc trưng cầu dân ý, dân nước Anh đã bỏ phiếu thuận việc UK rút ra khỏi EU, Brexit (Britain Exit khỏi EU). Thủ Tướng David Cameron, Đảng Bảo Thủ, người chống Brexit, từ chức, và bà Theresa May lên thay thế, xúc tiến thi hành Brexit và đàm phán UK-EU bắt đầu từ Tháng Ba 2017. Dự thảo về thoả thuận Brexit giữa UK và EU do chính phủ của Thủ Tướng May soạn thảo liên tục bị Hạ Viện Anh bác bỏ 3 lần từ Tháng Một cho đến Tháng Ba 2019, dẫn đến việc Thủ Tướng May từ chức và ông Boris Johnson, cũng thuộc Đảng Bảo Thủ, lên thay thế.

Khi dự định tiến hành nhanh chóng Brexit không được ủng hộ, Thủ Tướng Boris Johnson tổ chức ngay một cuộc bầu cử toàn quốc vào ngày 12 Tháng Mười Hai 2019. Kết quả cuộc bầu cử đã mang lại sự tín nhiệm rộng rãi cho chính phủ của Thủ Tướng Boris Johnson. Tiếp theo đó, bản thoả thuận Brexit giữa UK và EU của ông Johnson được Hạ Viện Anh thông qua, bao gồm một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài trong suốt năm 2020, từ khi UK rời EU vào đầu năm 2020. Trong thời gian này, UK tiếp tục các quan hệ thương mại song phương với các quốc gia trong EU để tránh xáo trộn có thể xảy ra nếu thay đổi quá nhanh.

Tương lai quan hệ giữa UK và EU chưa biết sẽ ra sao, ít ra là Brexit cũng đã gây ra xáo trộn to lớn trong chính trường UK và EU, và đã khiến 2 thủ tướng phải ra đi và để lại một tương lai khá bất định.

Khủng hoảng kinh tế ở Venezuela

Được sự ủng hộ của dân, ông Hugo Chávez Frias, tổng thống xứ Venezuela bắt đầu cổ động và tiến hành xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội thế kỷ 21. Hugo Chávez quốc hữu hóa 15 ngàn công ty lớn cũng như 5 triệu mẫu đất. Mãi tới 10 năm sau, khi giá dầu trên thị trường bắt đầu tụt giảm, người ta mới thấy rõ hậu quả của việc xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội thế kỷ 21 hoàn toàn thảm bại. Venezuela rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Người kế nhiệm Hugo Chávez là ông Nicolás Maduro cũng không có khả năng đưa đất nước thoát ra khỏi sự khủng hoảng triền miên này. Tình trạng siêu lạm phát và thiếu hụt nhu yếu phẩm ngày càng trầm trọng dẫn đến bất mãn của người dân đối với chính phủ. Vào năm 2015, lần đầu tiên kể từ năm 1999, phe đối lập đã được bầu và chiếm đa số trong Quốc Hội.

Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử Tháng Năm 2018, phe đối lập đưa ra nhiều bằng chứng thuyết phục cho thấy ông Maduro gian lận bầu cử. Vì thế vào Tháng Tám 2018, Quốc Hội tuyên bố kết quả cuộc bầu cử trước đó không có giá trị.

Ngày 23 Tháng Giêng 2019, chính trị gia Juan Guaidó, đương kim Chủ Tịch Quốc Hội tuyên bố ông kiêm nhiệm tổng thống lâm thời để tổ chức bầu cử lại và được Quốc Hội đồng ý.

Sau khi Quốc Hội thống nhất để ông Juan Guaidó làm tổng thống lâm thời, dân chúng tràn xuống đường ủng hộ ông Guaidó. Có những cuộc biểu tình lên cả triệu người. Sau đó lập tức 22 quốc gia công nhận chính quyền của ông Guaidó và tới nay con số đã tăng lên 50 quốc gia.

Khủng hoảng kéo dài cho đến ngày 30 Tháng Tư 2019, nhà lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó – khi đó được một số binh sĩ ủng hộ – đã đứng lên kêu gọi người dân Venezuela và quân đội nước này tham gia lật đổ chế độ Maduro.

Nguyên nhân đưa đến cuộc khủng hoảng kinh tế tại Venezuela là do người lãnh đạo, ông Hugo Chávez, đã đưa đất nước vào quỹ đạo Chủ Nghĩa Xã Hội. Venezuela từ một đất nước dồi dào tài nguyên thiên nhiên, nhất là về dầu và khí đốt đã trở thành địa ngục trần gian. Ở đó khan hiếm mọi thứ hàng hóa và nhiều người dân phải bới rác tìm thức ăn.

Dân tộc Duy Ngô Nhĩ bị Trung Cộng diệt chủng

Trung Cộng hiện đang xây khoảng 1.200 trại cải tạo và từ 100 đến 200 nhà tù khắp lãnh thổ Tân Cương và có ít nhất 900.000 người đang bị giam giữ trong các trại này kể từ mùa xuân năm 2017.

Đó là những con số mà các tài liệu mật của Trung Quốc vừa được tổ hợp các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) gồm 17 cơ quan báo chí trên thế giới công bố hôm 24 Tháng Mười Một, 2019, đã vạch trần tình trạng ngược đãi tù nhân trong hệ thống trại cải tạo ở Tân Cương. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền thẩm định có hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị ép đi cải huấn trong hàng trăm trại tập trung.

Không chỉ nhắm vào người lớn, Trung Cộng còn nỗ lực biến trẻ em Duy Ngô Nhĩ thành người Hán. Trẻ con bị tách rời khỏi gia đình, không được nói bằng tiếng mẹ đẻ, bị xúi giục phản bội lại người thân. Những trẻ em này bị nhốt trong các trại cải huấn nhưng Bắc Kinh lại gọi dưới mỹ từ trường tiểu học và mẫu giáo, và bao bọc chung quanh bằng những hàng rào điện 10.000 volt.

Theo nhà dân tộc học Sabine Trebinjac của CNRS nhận định: “Trung Quốc muốn tạo ra những trẻ em người Hoa hoàn hảo. Việc tách rời các em khỏi gia đình là nhằm mục đích cắt đứt khỏi nền văn hóa dân tộc, tăng cường việc diệt chủng”. Mục đích của Bắc Kinh là buộc trẻ em chối bỏ bản sắc của mình, một số bé còn quên luôn tiếng mẹ đẻ.

Trung Cộng luôn luôn chối bỏ các bằng chứng phạm tội diệt chủng của họ đối với dân tộc Duy Ngô Nhĩ. Nhưng gần đây, Hạ Viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật chống lại tình trạng “giam giữ tùy tiện, tra tấn và quấy rối” người Hồi Giáo Uighur ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc. Dự luật còn kêu gọi trừng phạt một số thành viên của chính phủ Trung Quốc – và đặc biệt nêu đích danh Chen Quanguo, Bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc ở khu tự trị Tân Cương.

Sự kiện Tập Cận Bình và lãnh đạo Trung Cộng, tiến hành các biện pháp tẩy não đối với dân tộc Duy Ngô Nhĩ chẳng khác nào hành động tội ác mà Đức Quốc Xã đã làm đối với người Do Thái, trong những năm trước Thế Chiến Thứ Hai.

Không ngờ đến thế kỷ 21 mà nhân loại lại chứng kiến sự việc lặp lại những gì đã xảy ra thời Đức Quốc Xã.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here