Cứ nhắm vào đầu dân mà đổ

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà|

Mỗi ngân hàng thương mại khi huy động tiền gởi, họ phải trích ra một khoản tiền gọi là dự trữ bắt buộc để chuyển về cho Ngân hàng Nhà nước giữ. Ví dụ nếu Ngân hàng nhà nước quy định dự trử bắt buộc là 10% thì với 100 đồng tiền gởi, ngân hàng chỉ có thể cho vay tối đa là 90 đồng thôi, còn lại 10 đồng là Ngân hàng Nhà nước giữ. Khi Ngân hàng nhà nước tăng dự trữ bắt buộc thì điều đó có nghĩa Ngân hàng Nhà nước đang hạn chế lượng tiền cho vay của các ngân hàng thương mại. Vì thế, việc tăng dự trữ bắt buộc đồng nghĩa với hạn chế lượng tiền ra ngoài thị trường, ngược lại, nếu giảm dự trữ bắt buộc thì lượng tiền được bơm ra thị trường nhiều hơn. Đây cũng là một trong những công cụ mà Ngân hàng nhà nước dùng để điều tiết tăng giảm lượng cung tiền.

Ngày đầu năm 2020 trên báo infonet có bài viết “Hơn 40 nghìn tỷ đồng dự trữ bắt buộc có thể được “giải phóng” sau Thông tư 30” đã cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang giảm dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng thương mại, điều đó mang ý nghĩa rằng Ngân hàng nhà nước CS muốn bơm thêm tiền ra ngoài thị trường nhiều hơn nữa. Còn nhớ, hồi tháng 11/2019, Ngân hàng Nhà nước đã hạ trần lãi suất để bơm tiền làm nên giá cả hàng hóa tăng phi mã hồi tháng 12/2019 và chắc chắn giá cả hàng hóa sẽ leo thang vào tháng 01/2020 này. Vậy thì chúng ta thấy, khi giá cả hàng hóa leo thang thì Ngân hàng Nhà nước không những không kìm hãm việc cung tiền để chống lạm phát mà ngược lại, họ còn bơm thêm để dân vốn cạn túi giờ lại thêm sạch túi, mặc dù miệng của họ lúc nào cũng nói đang kìm hãm lạm phát “ở mức thấp nhất” trong nhiều năm qua.

Ngày 30/12/2019, ông thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã lên báo chí trấn an nhân dân rằng “Mua 20 tỷ USD trong 2019 nhưng không tác động đến lạm phát”, đây rõ ràng là câu nói lừa gạt để ổn định tâm lý nhân dân mà thôi. Việc có mua được 20 tỷ đô hay không thì không ai chứng thực được, vì rõ ràng theo quan sát, hiện nay đô la trên thị trường không hề có dấu hiệu khan hiếm. Như vậy là ông Lê Minh Hưng miệng thì nói không lạm phát nhưng tay thì cứ bơm tiền, tức nói một đằng làm một nẻo. Và kết quả là giá cả hàng hóa đã và đang tăng phi mã làm nhân dân phải khốn đốn.

- Quảng Cáo -

Câu hỏi đặt ra là, tại sao giá cả đang tăng phi mã mà Ngân hàng Nhà nước không rút tiền về mà lại bơm thêm tiền ra thị trường thông qua hành động giảm dự trữ bắt buộc? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này thì tôi xin nhắc lại là vào ngày 20/12/2019 tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s đã hạ bậc tín nhiệm của 18 ngân hàng thương mại Việt Nam. Điều đó cho thấy các ngân hàng thương mại Việt Nam đang trong tình trạng có chiều hướng ngày một xấu đi, mặc dù trên báo chí nhà nước thì hàng loạt ngân hàng đang báo cáo rằng tất cả bọn họ đều có lãi tốt. Như vậy là đã rõ, Ngân Hàng Nhà nước giảm dự trữ bắt buộc là để cứu các ngân hàng thương mại, mặc dù việc giảm dự trữ bắt buộc để bơm tiền ra thì trường như thế sẽ làm cho nhân dân phải gánh thêm đợt trượt giá mạnh hơn vào những tháng đầu tiên của năm 2020 này. Nhà nước đã hy sinh nhân dân để ưu ái cho các ngân hàng thương mại đang làm ăn bết bát.

Việc Moody’s hạ bậc tín nhiệm của 18 ngân hàng thương mại cộng thêm là Ngân hàng Nhà nước giảm dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng thương mại đã nói lên tất cả. Chính điều này đã tự tố cáo rằng, các ngân hàng thương mại Việt Nam đang dính nợ xấu tồi tệ hơn trước. Mà đã là nợ xấu thì làm sao thu hồi tiền để cho vay? Cho nên Ngân hàng Nhà nước đã buộc phải hạ mức dự trữ bắt buộc để cho các ngân hàng yếu kém này có thêm một lượng tiền bù vào phần nào khối tiền đang bị mất do nợ xấu ấy.

Có một chi tiết đáng chú ý trong bài viết “Hơn 40 nghìn tỷ đồng dự trữ bắt buộc có thể được “giải phóng” sau Thông tư 30” có đề cập đến khoản 3 của Thông tư 30 do Ngân hàng Nhà nước ban hành có nói như sau, xin trích: “tổ chức tín dụng được chấp thuận giải thể hoặc có quyết định mở thủ tục phá sản hoặc có quyết định thu hồi Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền”. Nghĩa là rất có thể, sau đợt hỗ trợ bằng cách giảm dự trữ bắt buộc mà một số ngân hàng yếu kém không thể vượt qua nổi thì cho phá sản luôn chứ Ngân hàng Nhà nước không ôm của nợ đó bằng cách mua lại 0 đồng nữa. Nếu thực sự điều này xảy ra thì dân lại càng khốn khổ hơn nữa. Một khi ngân hàng bị phá sản thì dù cho bạn gởi trăm tỷ hay ngàn tỷ thì cuối cùng cũng chỉ được một khoản bồi thường là 75 triệu đồng mà thôi.

Mọi chính sách của Ngân hàng Nhà nước đều phản ánh sức khỏe nền kinh tế đất nước, và qua cách làm này đã cho thấy nền kinh tế Việt Nam như một con bệnh. Nếu Ngân hàng Nhà nước chữa khỏi thì dân cũng gánh hậu quả, mà nếu Ngân hàng Nhà nước không chữa nổi và để ngân hàng thương mại phá sản thì cuối cùng cũng dân gánh. Tất cả họ đều lấy đầu dân ra mà đổ hết mọi khó khăn mà thôi. Dân cậy đảng lo thì đảng lo như thế đấy!

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://infonet.vn/hon-40-nghin-ty-dong-du-tru-bat-buoc-co-…

https://vietnambiz.vn/ngan-hang-nha-nuoc-giam-tiep-lai-suat…

http://vneconomy.vn/thong-doc-mua-20-ty-usd-trong-2019-nhun…

https://news.zing.vn/18-ngan-hang-viet-bi-moody-s-ha-bac-tr…

https://tuoitre.vn/gui-tien-ti-ngan-hang-pha-san-boi-thuong…

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here