Mùa xuân kể chuyện xưa: Ra Lý Sơn vọng Hoàng Sa

Share on print Ông Nguyễn Ngọc Đức trong chuyến viếng thăm đảo Lý Sơn năm 2010. Ảnh do tác giả Nguyễn Ngọc Đức cung cấp.
- Quảng Cáo -

Nguyễn Ngọc Đức – Web Việt Tân

Tết đến, tôi lại nhớ Tết 10 năm trước, đã làm một chuyến đi đảo Lý Sơn, nơi gần Hoàng Sa nhất của nước ta.

Một chuyến đi có nhiều kỷ niệm khó quên. Cùng một người bạn rành Lý Sơn, chúng tôi đến cảng Sa Kỳ của Quảng Ngãi. Hôm đó là mùng 3 Tết. Thật ngỡ ngàng khi bến cảng người đông như kiến. Hỏi thăm mới biết vì ngày Tết, nhiều công ty, đơn vị tổ chức đi tham quan Lý Sơn. Quầy vé đông nghịt người, mạnh ai nấy lấn để giành mua vé. Bạn tôi vào trong một lúc lâu, quay ra mồ hôi như tắm, lắc đầu “hết vé rồi, chắc mình phải ở lại Sa Kỳ 1 đêm, mai mới hy vọng có vé”. Tôi hỏi “Không có cách nào sao?” Bạn tôi lau mồ hôi, lắc đầu “vô phương, chịu thua thôi!”

Máu xã hội chủ nghĩa trong tôi bỗng nổi lên, mặc dù sống ở nước ngoài đã khá lâu. Tôi đi ngược vào phòng vé để tìm mối. Chợt thấy một người ăn mặc khá lịch sự từ trong bước ra, tôi tiến tới chận hỏi “Anh ơi, tôi từ nước ngoài về và không có nhiều thời gian, anh có cách nào giúp tôi đi Lý Sơn hôm nay không?”

- Quảng Cáo -

Cách ăn nói của tôi có lẽ giúp khẳng định tôi từ nước ngoài về, nên anh ta gật gật cái đầu “Cách thì có đấy, nhưng phải trả gấp đôi nhé”. Sau khi thanh toán khoản “phụ trội”, anh ta dẫn chúng tôi đi đến cổng vào. Bên ngoài người chờ xuống tàu hàng hàng lớp lớp. Anh đi đến đâu, cảnh vệ vạch người ra đến đó. Thế là chúng tôi xuống tàu gần như đầu tiên, chọn chỗ tốt nhất ngồi. Bạn tôi nhìn tôi thán phục “Ông ra ngoài đã lâu, mà máu chợ đỏ chợ đen còn nguyên.”

Người xuống tàu mỗi lúc một đông. Nhiều người không có chỗ, nên nằm trên hàng hóa, hành lý của họ, hoặc ngồi trên các bậc thang. Ngoài boong tàu cũng người là người. Tôi nhớ lại hình ảnh tôi vượt biển ngày nào. Tôi hỏi bạn “Sao nhiều người và hàng quá vậy, liệu có quá tải không?” Bạn tôi cười “Mày đi lâu nên quên rồi, hai từ ‘quá tải’ không có trong từ điển Việt Nam mà.”

Con tàu ì ạch chạy, rồi cũng đến đảo Lý Sơn, còn gọi là Cù Lao Ré. Có người nói rằng vì trên cù lao này có nhiều cây Ré. Nhưng vì sống ở Pháp nên tôi có một giả thuyết khác. Pháp có 1 cù lao nhỏ, tương tự như Lý Sơn, có tên gọi là Île de Ré. Dịch ra tiếng Việt là Cù Lao Ré. Khi Pháp sang Việt Nam, thấy đảo này tương tự như Île de Ré, nên đã gọi là Cù Lao Ré.

Lý Sơn là một đảo rất nhỏ, diện tích chưa đầy 10 km vuông. Bạn tôi quen biết nhiều ngư dân ở đây, nên chúng tôi có chỗ tá túc, nếu không, tôi lại phải trổ nghề giang hồ xã hội chủ nghĩa, vì tất cả khách sạn, phòng ngủ đều đầy ngập khách đổ ra tham quan vào dịp Tết.

Ghé thăm. trò chuyện cùng một số ngư dân đảo Lý Sơn. Ảnh do tác giả Nguyễn Ngọc Đức cung cấp.
Ghé thăm, trò chuyện cùng một số ngư dân đảo Lý Sơn. Ảnh do tác giả Nguyễn Ngọc Đức cung cấp.

Bạn tôi tổ chức một cuộc gặp gỡ tại nhà một ngư dân đã từng bị Trung Quốc phá tàu nhiều lần. Tại đó, tôi đã được nghe những mẩu tâm sự đầy máu và nước mắt. Bà con ngư dân cho biết là chung quanh đảo Lý Sơn không còn nhiều tôm cá để đánh bắt. Vùng biển giữa Lý Sơn và Quảng Ngãi cũng cạn kiệt nguồn hải sản. Một phần là sự ô nhiễm vùng biển ở đây, phần khác là thiếu các tiêu chuẩn quy định rõ ràng về kích cỡ lưới cá và các loại cần cấm, nên nguồn hải sản chung quanh Lý Sơn không còn nữa. Muốn có cá tôm, phải đi xa hơn, lý tưởng là ra Hoàng Sa.

Nhưng kể từ năm 1974, khi hải quân Trung Quốc lần lượt chiếm hết các đảo ở Hoàng Sa, thì vùng biển ở đây, nằm dưới quyền sinh sát của các đội tuần duyên Trung Quốc. “Biết nguy hiểm, nhưng không đi không được anh ơi!” Một anh ngư dân khẳng định với tôi như vậy. Vì chỉ ở đó mới cho cá nhiều và có những loại bán nhiều tiền, nên Hoàng Sa luôn luôn là vùng hấp dẫn đối với ngư dân sống trên Cù Lao Ré này. Ngoài ra, “đó là biển của mình mà, sao bỏ không cho tụi nó được.” Lời nói tuy mộc mạc, nhưng đậm tình yêu nước.

Hai anh ngư dân dùng xe máy chở chúng tôi đi tham quan quanh đảo. Khi đó, Lý Sơn còn hoang sơ lắm. Nhưng chính cái nét hoang sơ này, hòa cùng vẻ đẹp tự nhiên của bờ biển, vách núi, hang động, Lý Sơn rất có triển vọng trở thành một điểm du lịch quốc tế tầm cỡ. Tôi có chia sẻ ước mơ này với các bạn Lý Sơn và nói đùa “Biết đâu 10 năm sau, mấy ông thành mấy ông chủ nhà hàng, hotel nổi tiếng ở đây, tàu bè cho lên bờ để mối ăn hết cũng không thèm quan tâm.”

Ước mơ đó của tôi đang thành sự thật, khi năm 2019, tạp chí Forbes đã bình chọn đảo Lý Sơn trong 10 bãi biển đẹp nhất Việt Nam. Tôi không biết các bạn ngư dân 10 năm trước giờ ra sao. Tôi vừa mong họ thật sự giàu có nhờ khai thác du lịch trên Cù Lao Ré, lại vừa mong họ vẫn lên tàu ra khơi hướng về phía đông, phía Hoàng Sa, vì “đó là biển của mình mà, sao bỏ không cho tụi nó được.”

Cuối năm con heo, viết mấy giòng này mà nhớ đến ông bạn thân đã cùng tôi ra Lý Sơn vọng Hoàng Sa, nhớ các bạn ngư dân năm nào đã cùng tôi ăn nhậu trên sàn nhà của anh L. Tôi vẫn giữ mấy cái vỏ sò, vỏ ốc của các anh mang từ biển Hoàng Sa về và tặng cho tôi. Tôi vẫn còn nhớ mùi hương tỏi 1 tép mà các bạn đã cho tôi nếm thử với niềm tự hào là “tỏi Lý Sơn ngon nhất nước”. Tôi chia sẻ với các bạn Lý Sơn về niềm tự hào này. Cũng như tôi, dù lưu lạc đâu, luôn tự hào “Việt Nam vẫn là số một”.

Nguyễn Ngọc Đức

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here