Biến cố Đồng Tâm báo hiệu rất xấu cho Đại hội 13! (Phần 1)

- Quảng Cáo -

Âu Dương Thệ – (VNTB) – Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc mở cuộc hành quân “giết dân” trong tư thế đồng sàng dị mộng, trở thành con tin của các nhóm lợi ích

Phần 1: Từ mượn tạm thành chiếm luôn làm của riêng. Hay Nguyên nhân của mọi nguyên nhân

Với chữ kí của chính mình trên ba văn kiện sau biến cố Đồng Tâm nên cả ba Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc và Tô Lâm đã tự xác nhận là những người chỉ đạo và ra lệnh cuộc hành quân của công an (CA) và quân đội (QĐ) gây ra thảm trạng Đồng Tâm đêm 8 rạng sáng 9.1.2020.

Trong khi các đơn vị quân đội bảo vệ để xây tường tại sân bay Miếu Môn thì trên 3.000 cảnh sát cơ động bao vây xã Đồng Tâm ngay sát Hà nội. Vì chỉ một hai ngày sau đó cũng chính Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng đã vội vã nhân danh Chủ tịch nước (CTN) kí “Truy tặng huân chương Chiến công hạng nhất“ cho ba công an đã thiệt mạng; Nguyễn Xuân Phúc nhân danh Thủ tướng (TT) cũng hấp tấp kí quyết định “Cấp Bằng Tổ quốc ghi công“ cho “ba liệt sĩ“ và Tô Lâm, Bộ trưởng Công an (BTCA), kí lệnh thăng hàm và tổ chức lễ tang lớn chẳng khác nào như cấp Nhà nước cho ba công an này từ ngân sách quốc gia do tiền thuế đóng góp của nhân dân.

- Quảng Cáo -

Đứng về mặt pháp lí thì khi đặt bút kí vào ba quyết định trên cả ba người đã xác nhận rằng, chính họ là thủ phạm gây ra thảm trạng Đồng Tâm và đã dẵm lên các qui trình luật pháp trong các việc này! 

Tham quyền trở thành cuồng vọng khiến ba nhân vật này đã đánh mất lương tri, khiến họ vô cảm trước cái chết thật vô cùng thảm thương cho cụ Lê Đình Kình trên 84 tuổi và gần 60 tuổi đảng, gây thương tích cho nhiều thân nhân của cụ và nhân dân Đồng Tâm; đồng thời còn bắt báo chí lề đảng mở phong trào kết án, mạ lị các nạn nhân và mở cuộc khủng bố nhiều người dân ở Đồng Tâm và nhiều nhân sĩ, trí thức và những người dân chủ trên toàn quốc!

Suốt mấy tuần vừa qua hàng triệu người Việt ở trong và ngoài nước – từ những người dân bình thường, tới các nhân sĩ, trí thức, cả nhiều đảng viên tiến bộ, có cả một số cán bộ tên tuổi và đại biểu Quốc hội – vừa rất đau lòng, xúc động, vừa rất bất bình với thảm họa Đồng Tâm. Họ rất đau lòng và xúc động, vì một số người dân lành và đảng viên đã bị thiệt mạng, bị thương, bị cưỡng bức phải khai trước truyền hình và nhiều người còn đang bị giam giữ và khủng bố. Họ rất bất bình vì tại sao một cuộc tranh chấp đất đai kéo dài bao nhiêu năm nhưng những người và cơ quan có trách nhiệm không giải quyết dứt khoát, công khai và minh bạch, để cuối cùng lại sử dụng bạo lực với những người dân lương thiện và đảng viên có uy tín, qua việc tung cả mấy ngàn Cảnh sát cơ động võ trang đầy mình đánh úp một số gia đình nông dân vào ban đêm vào dịp gần Tết.

Không những thế sau những hành động bất nhân và tàn bạo, để tìm cách đánh lừa dư luận trong và ngoài nước, các nhân vật này đã lạm dụng quyền lực bắt các cơ quan đảng và nhà nước bóp méo, đổi trắng thay đen trong việc thông tin về thảm trạng Đồng Tâm. Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, quốc hội và chính quyền nhiều nước cũng lên tiếng chỉ trích những chà đạp nhân quyền của chế độ toàn trị CSVN đã gây ra thảm trạng Đồng Tâm.

Từ mượn tạm thành chiếm luôn làm của riêng. Hay Nguyên nhân của mọi nguyên nhân

Đứng về phương diện luật pháp thì cuộc tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm là cuộc tranh chấp dân sự. Trong một xã hội dân chủ thực sự, trong trường hợp này các cơ quan chính quyền phải giữ thái độ trung lập và độc lập, để các cơ quan pháp luật đưa vụ tranh chấp ra xét xử công khai minh bạch theo luật pháp công minh. Vì chính quyền trong các xã hội này đứng trên các cuộc tranh chấp dân sự. Do đó các cơ quan đứng đầu Nhà nước như quốc trưởng, thủ tướng và chủ tịch quốc hội phải giữ vai trò độc lập.

Vụ tranh chấp đất đai liên quan tới 59 ha (590.000m²) ở Đồng Tâm lúc đầu chỉ liên quan giữa hai bên là dân làng Đồng Tâm và đơn vị quận đội quản trị sân bay Miếu Môn nằm ngay cạnh đó. Cuộc tranh chấp này khởi đầu từ Đảng nhân danh Chính phủ mượn tạm đất của dân để xây phi trường trong thời chiến tranh. Nhưng các thập niên sau này quân đội không chịu trả đất lại cho nông dân, lại còn âm thầm nhập nhèm bàn giao cho Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Viettel của Quân đội. Đây là một Tập đoàn kinh tế của Nhà nước rất nhiều tiền bạc (có khi còn mạnh hơn các Tập đoàn dầu khí Petro VN), được một số tướng lãnh có thế lực dựa dẫm vào quân đội, một cột trụ chính của chế độ toàn trị, để tổ chức kinh doanh. Vài năm gần đây do những quyền lợi phe nhóm, nên Tập đoàn Viettel đã đặt quan hệ tốt với Chủ tịch UBND Hà nội Nguyễn Đức Chung, xuất thân từ một tướng CA, để đẩy thành phố có các quyết định lợi cho Viettel trong các dự án địa ốc trên các khu đất vàng ngay ngoại ô Thủ đô có thể hốt hàng tỉ Dollar! Uy thế của Viettel mạnh đến nỗi mới đây Nguyễn Xuân Phúc phải triệu tập cuộc họp bất thường của Thường trực Chính phủ ngày 24.12.2019 để bàn về „tình hình triển khai hệ thống thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng“ [cho các trạm thu phí giao thông rất bất công – BOT]. Ông Phúc đã quyết định giao cho Bộ Quốc phòng (BQP) để “Viettel cần thiết nắm giữ tối thiểu 50% vốn điều lệ trong Doanh nghiệp Dự án“ BOT (Thông báo 8/TB-VPCP 9.1.2020). Ông Chung đã còn có những hành động thiếu trách nhiệm bị người dân Hà nội phản đối trong các vụ nước dùng sông Đà, công ti Nhật Cường, làm sạch sông Tô lịch…

Nếu theo dõi nghiêm túc các vụ tranh chấp đất đai ở VN từ khi ĐCS chủ trương đất đai tuộc quyền sở hữu của Nhà nước thường có diễn tiến chung: Trong thời chiến tranh Đảng nói “mượn tạm“ của người dân nhà, đất để cho cán bộ hoặc đơn vị sử dụng. Khi đó dân tin nên nghĩ rằng, sau chiến tranh Đảng sẽ trả lại dân. Nhưng khi chiến tranh chấm dứt, Đảng nắm quyền đã lờ lời hứa trước đây. Đảng giao lại các căn nhà, biệt thự và các khu đất chiếm hữu cho các đơn vị đang trú đóng tại đó (quân đội-QĐ, công an-CA…) dùng luôn vô hạn. Sau này các chủ nhân những ngôi nhà, biệt thự hay các khu đất đòi Nhà nước trả lại, nhưng chính quyền CS làm lơ, cứ để cho cán bộ, tướng tá ở luôn, nhà nước không đền bù và cũng không trả tiền thuê nhà đất. Nhà nước, ở đây là Đảng, đã ăn quỵt, đánh lừa dân! 

Cho nên mới có những phong trào tố cáo rất nhiều cán bộ cao cấp và trung cấp có thế lực lấy “nhà công, đất công chiếm luôn thành nhà ông, đất ông“! Những vụ tranh chấp nổi tiếng như chiếm biệt thự của ông bà Trịnh Văn Bô, một gia đình giầu có ở Hà nội đã từng giúp đỡ che chở cho HCM và nhiều nhân vật CS; vụ chiếm biệt thự công của cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà nội (UBND) Hoàng Văn Nghiên thời Nguyễn Phú Trọng làm Bí thư Thành ủy Hà nội. Tình trạng mượn tạm đất rồi chiếm luôn, dùng làm nhà ở, khu buôn bán cho cán bộ bỏ túi riêng cũng rất phổ biến ở mọi nơi trong toàn quốc. Những khu đất Đảng “mượn tạm“ của tư nhân thời chiến tranh để xây dựng các khu vực quân sự (doanh trại, phi trường cho các đơn vị QĐ,CA…). Nhưng sau chiến tranh thì lại chiếm hữu thành đất riêng của QĐ, CA… dưới danh nghĩa “đất đai là thuộc sở hữu của nhà nước“.

Sau chiến tranh nhiều khu đất này không sử dụng hết, nhưng lợi dụng quyền lực nên những người chỉ huy các doanh trại này, tùy theo lớn nhỏ, cắt những khoảnh đất để xây chung cư cho các gia đình bộ đội, hay giành riêng cho các sĩ quan cao cấp. Như một phần lớn đất thuộc phi trường Tân sơn nhất đã được xếp thành “đất quốc phòng“, nhưng lại sử dụng để xây sân golf, biệt thự, cư xá, các cửa tiệm…Trong đó các sĩ quan cấp tướng, tá có máu mặt chiếm hữu luôn, hoặc cho thuê lại và chia nhau riêng tiền thuê làm lợi tức riêng trở nên giầu có nhanh.

Mượn tạm của dân rồi để cán bộ có quyền chiếm luôn đã trở thành thói quen tập quán của đảng cai trị. Trong các thập niên gần đây tệ trạng này còn vươn xa khủng khiếp hơn nữa, từ lạm dụng cho cán bộ trở thành lạm dụng cho tập thể, ở đây là các nhóm lợi ích đang núp danh Đảng và Nhà nước để công khai cưỡng bức tài sản của nhân dân và bòn rút trắng trợn ngân sách Nhà nước! Những cách làm giầu bất chính rất phổ biến công khai từ khi áp dụng chủ trương mô hình “Kinh tế Thị trường định hướng XHCN“ (KTTTĐHXHCN) thời gọi là “đổi mới“!

Nhiều khu đất nông nghiệp của nông dân bị trưng dụng trở thành các khu công nghiệp, khu chế suất cho các công ti nước ngoài thuê (FDI), hay xây các khu gia cư, khu du lịch ở cạnh các thành phố lớn như Hà nội, Sài gòn, hay các trung tâm du lịch như Đà nẵng, Nha trang, Hạ long, Phú quốc…Những khu đất, bãi biển đẹp hay những ngọn đồi này bỗng chốc trở thành những khu đất vàng. Giá đất từ vài ngàn đồng/m² tăng giá lên cả trăm ngàn hay nhiều triệu đồng/m². Đây là thời kì tung hoành của các đại gia đỏ lợi dụng quyền lực để buôn bán địa ốc đầu cơ trục lợi. Họ cấu kết với các cán bộ cao cấp có thế lực mạnh ở trung ương và các địa phương trong nhiều ngành Quân đội, Công an, Tổ chức, Kế hoạch, Tuyên giáo….để dựng lên các dự án dưới danh nghĩa của Nhà nước.

Nhờ thế họ trở thành sân sau của các Doanh nghiệp Nhà nước hay cơ quan Nhà nước trúng thầu và trở thành chủ nhân các khu đất nông nghiệp của nông dân biến thành những nơi xây nhà cao tầng, biệt thự, khu du lịch… Nhờ những hoạt động đầu cơ này chỉ sau vài năm họ đã mau chóng trở thành các nhà triệu phú, tỉ phú Dollar. Nay họ đang dùng các món tiền khồng lồ do làm ăn bất chính này để mua chức, bán quyền và gây dựng thanh thế trong đảng, chính phủ….

Vì thế trong xã hội VN hiện nay đang xuất hiện các nhóm lợi ích hoạt động với mục tiêu thủ lợi riêng cho bản thân và vây cánh, không đếm xỉa tới lợi ích chung và đạp lên luật pháp. Các vụ làm giầu bất chính và tham nhũng nổi tiếng do sự cấu kết của những cán bộ có quyền lực trong đảng, chính phủ, công an, quân đội, như các Bộ trưởng Thông tin Truyền thông (4 T) cấu kết với đại gia Phạm Nhật Vũ trong việc mua bán Mobifone-AVG. Vụ mua bán nhà đất của Phan Anh Vũ (Út trọc) với sự tiếp tay của nhiều tướng Công an. Vụ tranh chấp đất đai ở Thủ thiêm đã kéo dài trên cả 10 năm. Một số lãnh đạo thành phố HCM đã lạm dụng quyền lực toa rập với nhau chiếm khu đất 160ha được dành để xây dựng nơi tái định cư cho người dân, nhưng họ đã biến thành khu kinh doanh làm giầu riêng, trong khi đó hàng chục ngàn dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất! Vài năm trước cũng đã diễn ra các vụ tham nhũng cực lớn như Tập đoàn đầu khí Petro VN, Vinashin, PMU 18… Nay là vụ toa rập giữa những người có thế lực của Tập đoàn Viettel với UBND Hà nội trong vụ chiếm đất ở Đồng Tâm.

Tình trạng dùng sức mạnh của đồng tiền và quyền lực đang làm xã hội vô kỉ cương ngày càng gia tăng dưới chế độ toàn trị chống tham nhũng kiểu Nguyễn Phú Trọng. Đầu tháng 11.2019 Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã hân hoan dự lễ kí kết giữa công ti Vinfast với Chính phủ. Theo đó Vinfast sẽ “cho mượn miễn phí” 393 xe hơi mới loại đặc biệt để chính phủ dùng trong việc đưa đón các thượng khách tham dự các Hội nghị Asean ở VN năm 2020. Vì năm nay VN là Chủ tịch luân phiên của ASEAN.

Chủ Tập đoàn Vinfast là nhà tỉ phú Dollar Phạm Nhật Vượng giầu nhất VN hiện nay. Có ai tin được một đại gia sẵn sàng cho Chính phủ “mượn miễn phí“ 393 xe hơi mới loại đặc biệt? Tiền trao cháo múc! Bên này cho “mượn xe miễn phí“ thì chắc chắn bên kia phải cho “mượn quyền thả cửa“! Dư luận nêu ra câu hỏi, để được sử dụng gần 400 xe hơi mới thì các cơ quan Chính phủ, các cơ quan Đảng… phải đáp ứng những yêu sách nào và trong những lãnh vực nào cho Vinfast không chỉ hiện nay mà còn cả trong tương lai? Vì sao Đảng và Chính phủ phải gia công đánh bóng cho một Tập đoàn tư nhân? Như thế luật pháp và công lí còn giá trị gì, lương tâm và đạo đức của những người lãnh đạo ra sao ?

Qua đó thấy rất rõ dưới chế độ toàn trị, tâm lí phát triển từ mượn tạm tới chiếm luôn ở những người có quyền lực. Tâm lí về lòng tham càng bùng nổ nếu người đó có quyền lực và nếu là tài sản có giá trị lớn. Chuyện Đảng mượn đất, nhà đã phát triển đúng theo tâm lí lòng tham này. Ở đây nó được khuyến khích và kéo dài cả mấy chục năm, cho nên nó trở thành một thói quen mà người mượn tự thấy như người chủ thực sự và họ đã hành xử đúng như người chủ sổ hữu thực sự. Bởi vì họ là người có quyền và lại được lòng tham khuyến khích!

Nhiều báo cáo trong các Đại hội (ĐH) Đảng đã xác nhận có tới 70-80% những sự tranh chấp và khiếu kiện giữa nhân dân và đảng liên quan trực tiếp tới đất đai. Nhiều cuộc biểu tình đổ máu đã diễn ra ở nhiều nơi. Nguyên nhân chính là đảng đã độc quyền sở hữu đất đai. Nhưng trong thực tế lại để cho các cán bộ có thế lực từ trung ương tới đia phương lợi dụng và thao túng biến đất công thành đất ông và nhà công thành nhà ông! Chính thái độ tư túng, không sòng phẳng, minh bạch đã làm nhân dân mất niềm tin và sự bất bình ngày càng gia tăng.

Chế độ độc đảng không có luật pháp nghiêm minh và không có các cơ chế kiểm soát và chế tài chặt chẽ quyền lực, nhưng lại áp dụng KTTTĐHXHCN –tức là trong thực tế giao tiền bạc và các phương tiện cho các cán bộ bất tài nhưng tham lam quản trị các Tập đoàn và Tổng công ti Nhà nước- vì thế bệnh tham nhũng ngày càng gia tăng, như chuột sa chĩnh gạo. Cùng với nạn tham nhũng còn đang bùng nổ sự cấu kết của các nhóm lợi ích ở ngay trong lòng các cơ quan đảng, chính phủ và ngoài xã hội.

Tệ trạng tha hóa đạo đức của cán bộ từ trung ương tới địa phương ngày càng bùng nổ, đặc biệt dưới thời Nguyễn Phú Trọng làm TBT gần 10 năm qua, đồng thời làm Trưởng ban Chỉ đạo TU phòng chống tham nhũng. Bởi vì nguyên nhân gay ra tệ trang tham nhũng và cửa quyền là chế độ độc đảng và KTTTĐHXHCN vẫn dược duy trì. Dưới thời Nguyễn Phú Trọng còn được củng cố. Như thế trong tư cách TBT và CTN nên Nguyễn Phú Trọng là người phải chịu trách nhiệm trực tiếp! Hiện nay theo kết quả điều tra và xếp loại thì chế độ chính trị ở VN gần như đứng đầu trên thế giới và tệ trạng tham nhũng.

Cho nên những lời đường mật của Nguyễn Phú Trọng như: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay“ không thể đánh lừa và ru ngủ được ai! Các giải pháp “nhốt quyền lực“, “chống tham nhũng không có vùng cấm“ chỉ như nước đổ đầu vịt! Chẳng những thế Nguyễn Phú Trọng còn là người ngăn cản những đòi hỏi đổi mới cả trong chính trị lẫn kinh tế. ĐH 11 ra quyết định từ bỏ nhà nước độc quyền đất đai, hay có Hội nghị TƯ đòi đổi mới cả hệ thống chính trị thì Nguyễn Phú Trọng lại dùng thủ đoạn làm lơ và ngoan cố tuyên bố “đổi mới nhưng không đổi mầu! và kết án các đảng viên tiến bộ và biết quí lòng tự trọng là “tự chuyển biến“, “tự chuyến hóa“!

Sau mấy thập niên thực hiện mô hình đổi mới theo công thức: Chế độ độc đảng + KTTTĐHXHCN giành độc quyền kinh doanh trong nhiều lãnh vực then chốt cho các Tập đoàn và Tổng công ti nhà nước + chiều chuộng các công ti nước ngoài (FDI) + đất đai độc quyền của nhà nước. Mô hình này đang dẫn tới hậu quả rất nguy hiểm cho đất nước và cũng rất tai hại cho Đảng. Trong các cơ quan đảng và nhà nước đang hình thành một số nhóm lợi ích cấu kết với các Tập đoàn và Tổng công ti nhà nước, các FDI và các đại gia đỏ. Rõ ràng nhất là các nhóm lợi ích đang có thế lực rất mạnh trong CA, QĐ, Tuyên giáo và Doanh nghiệp Nhà nước. Vì theo đuổi quyền lợi ích kỉ là quyền-tiền, nên các nhóm lợi ích ở trong đảng và ngoài xã hội khi thì cấu kết lợi dụng nhau, khi thì chống lại nhau. Nói chung họ giành giật nhau các mối lợi trong các dự án lớn tới nhỏ từ trung ương tới địa phương.

(còn tiếp)

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here