Sự ảnh hưởng của nền kinh tế Trung cộng lên nền kinh tế VN thời kỳ dịch cúm COVID-19

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà|

Hiện nay ĐCS Việt Nam đang dẫn dắt đất nước bằng cách xây dựng nền kinh tế và thể chế chính trị dựa trên những gì Trung Cộng đã làm ở chính quốc rồi sau đó chỉ dạy cho chư hầu. Mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc không giống với bất kỳ mối quan hệ láng giềng nào của Trung Quốc với các nước của nó. Mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc dưới thời CS này là mối quan hệ bất tương xứng. ĐCS Việt Nam đã cột số phận dân tộc vào nước Tàu để rồi một cái hắc hơi phương Bắc, thì phương Nam phải trả bằng một cái giá không hề rẻ chút nào. Khi kinh tế Trung Quốc khủng hoảng thì kinh tế Việt Nam cũng khốn đốn, khi chính trị Trung Quốc gặp khốn đốn thì chính trị Việt Nam cũng lung lay.

Dịch cúm COVID-19 đang làm cho kinh tế Trung Quốc thiệt hại nặng nề. Mọi sự giao thương buôn bán đều bị hạn chế. Khi nền kinh tế Trung Quốc đã tiệm cận với bẫy thu nhập Trung Bình thì tốc độ tăng trưởng GDP khựng lại. Năm 2019 tốc độ tăng trưởng của Trung Cộng chỉ có 6,1%, thấp nhất trong 30 năm qua. Việc nền kinh tế số 2 thế giới tăng trưởng giảm là điều không nằm ngoài dự đoán của các nhà kinh tế. Hiện nay, vấn đề thể chế chính trị đang là rào cản lớn nhất làm cho Trung Quốc khó lòng vượt qua được bẫy thu nhập Trung Bình.

Vừa lúc tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm thấp kỷ lục vào cuối năm 2019, thì mới bước qua năm 2020 cơn đại dịch mang tên COVID-19 lại ập xuống. Nó như là một cú đánh bồi mà tạo hóa đã giáng xuống đầu quốc gia hung đồ này. Hiện nay dịch bệnh đang ngày càng lan nhanh và đã làm chết hàng ngàn người, điều đó làm cho vấn đề giao dịch kinh tế bị hạn chế đi rất nhiều. Được biết, theo ông Hyman – Chủ tịch Evercore ISI đã nói trên CNBC rằng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 0% trong quý 1 năm 2020.

- Quảng Cáo -

Đấy! Chúng ta thấy sự tác động của cơn đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế nó mạnh như thế nào? Nếu sang những quý tiếp theo của năm 2020 mà Trung Quốc chưa dập được dịch thì tốc độ tăng trưởng những quý đó cũng dậm chân tại chỗ như quý 1 là điều khó tránh khỏi. So với dịch SARS, dịch COVID-19 nguy hiểm hơn nhiều. Bệnh dịch mới này nó gây nhiễm nhanh hơn, nó gây chết nhiều người hơn và khó kiểm soát hơn SARS. Như ta biết, cách đây 17 năm, cả thế giới phải mất 1,5 năm mới dập được dịch SARS. Như vậy, xem ra khả năng Trung Quốc dập được cơn đại dịch COVID-19 ngay trong quý 1 năm 2020 là chuyện hoang đường. Mà nếu không dập được dịch sớm thì các quý tiếp theo sẽ kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc rơi tự do ngay trong năm 2020 và tạo điều kiện cho cuộc suy thoái toàn diện.

Như ta biết, ĐCS đã đưa nền kinh tế Việt Nam dính chặt vào nền kinh tế Tàu trong suốt hơn 3 thập kỷ qua. Nay nền kinh tế Tàu gặp cơn bạo bệnh thì nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ lao đao, đó là điều khó tránh khỏi. Khi bệnh cúm bùng phát, ngành thiệt hại đầu tiến đó là ngành du lịch. Được biết, hầu hết khách du lịch phương Tây đến Việt Nam 1 lần rồi không quay lại nữa bởi vì ngành du lịch Việt Nam nó đang tồn tại nhiều vấn đề cố hữu như văn hóa người dân thấp, công ty du lịch làm ăn chụp giật, các khu du lịch bẩn thỉu, vấn đề an toàn cho du khách không được đảm bảo vv… Nhưng đó là vấn đề lớn với xứ văn minh, còn với khách du lịch Trung Quốc thì văn hóa – chính trị – xã hội của Việt Nam khá tương đồng. Chính vì thế ngành du lịch Việt Nam phụ thuộc vào khách Trung Quốc rất lớn. Năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt thì riêng khách đến từ Trung Quốc lên đến 5,8 triệu lượt rồi, chiếm gần 30% tổng lượng khách quốc tế. Các địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang đang là nơi chào đón khách Trung Quốc ra vào tấp nập trong nhiều năm qua.

Sự phụ thuộc ngành du lịch vào Trung Quốc như thế, nên khi dịch cúm ập đến, lượng khách đến từ Trung Quốc giảm đột biến kéo theo bất động sản nghỉ dưỡng cũng ế ẩm. Điều đó đưa đến những khó khăn lớn cho những doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này như FLC, Vingroup, Sungroup hay Novaland vv… Riêng Novaland đang là doanh nghiệp nợ như chúa chổm, và đang đối diện với khả năng mất thanh khoản vì món nợ lên đến hơn 2 tỷ đô la.

Dịch cúm nổ ra, thị trường Trung Quốc cũng khép lại với hàng xuất khẩu Việt Nam làm hàng loạt hàng hóa bị kẹt ngay tại cửa khẩu không thể buôn bán được. Điều đó làm ngành nông nghiệp Việt Nam điêu đứng ngay tức thì: trái dưa hấu đang kêu cứu, trái thanh long cũng vậy và con gà gặp điều tương tự vv… rất nhiều ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam đang lâm vào cảnh khốn cùng. Chưa hết, cơn đại dịch này nổ ra cũng làm cho nguyên vật liệu của nhiều ngành sản xuất ở Việt Nam cũng lâm vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng. Vì ĐCS Việt Nam đã quyết định cho nền kinh tế nước nhà sống bằng ống thở ô xy của Trung Cộng từ năm 1990, nên khi nền kinh tế Trung Cộng gặp khủng hoảng thì ngành nông nghiệp, ngành du lịch, ngành công nghiệp và dịch vụ của Việt Nam đã phải thấy khó thở vì thiếu ô xy.

Ngày 15/02/2020 trên tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn có bài viết “Rủi ro kinh tế 2020: Cẩn trọng với nợ doanh nghiệp” đã thống kê con số làm chúng ta phải giật mình. Theo con số thống kê trong bài báo này thì năm 2017, các doanh nghiệp đang làm ăn trên lãnh thổ Việt Nam có tổng cách khoản nợ là 472,6% GDP. Nếu tra Google chúng ta sẽ có con số nợ chính phủ năm 2017 sẽ là 61,3%GDP. Như vậy tính tổng các khoản nợ của cả nền kinh tế thì chúng ta sẽ có một con số khổng lồ 533,9% GDP. Khủng khiếp!

Được biết khối doanh nghiệp nhà nước có khoản nợ đến 153,92% GDP, nếu cộng với khoản nợ chính phủ thì tổng số nợ công thực tế phải là 215,22% GDP. Như vậy, với khoản nợ đến 215,22% GDP tiền lãi nó cũng sẽ ngốn hết khoản tăng trưởng 7% GDP là chắc chắn. Nền kinh tế Việt Nam được cấu thành từ kinh tế cá thể, doanh nghiệp và chính phủ, thế mà chính phủ thì nợ đầm đìa lại còn bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước vay. Khối doanh nghiệp nhà nước thì được ưu đãi đủ thứ nhưng phá nhiều hơn làm sinh lợi. Còn khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì cũng chẳng khả quan gì cả. Cũng theo bảng thống kê đó, thì khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam đang gánh 243,99% GDP, thế nhưng khối doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng góp có 10% GDP (theo bài “Đóng góp 40% GDP nhưng kinh tế tư nhân đang mang nghịch lý lớn” trên báo Hải Quan). Như vậy tính ra, khối kinh tế tư nhân của Việt Nam hiện nay chẳng khác nào con lừa đang thồ trên lưng một khối lượng gấp 24 lần trọng lượng bản thân nó. Thồ nặng như thế, nên chỉ cần chất lên lưng nó vài cân nữa, nó sẽ ngã khụy. Cuối cùng nền kinh tế Việt Nam chỉ có nhóm FDI là khá nhất. Nhóm này rất ít nợ, họ chỉ nợ 74,5% GDP trong khi đó họ làm ra đến 70% giá trị hàng hóa xuất khẩu.

Qua những số liệu trên, chúng ta thấy rằng, khi mà Trung Quốc gặp khó khăn vì cúm thì nền kinh tế Việt Nam lập tức thiếu ô xy. Mà nền kinh tế thiếu ô xy nghĩa là cả doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều thiếu cả. Khi ô xy cho nền kinh tế thiếu thốn thì chắc chắn, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ cướp lấy phần ô xy ít ỏi của khối doanh nghiệp tư nhân đưa vào mũi các ông doanh nghiệp quốc doanh để đảm bảo những đứa con cưng mình đủ dưỡng khí, còn lại những đứa con ghẻ – doanh nghiệp tư nhân sẽ phải chết ngọp hàng loạt mà thôi.

Vâng! Đấy là viễn cảnh mà các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam đang phải đối mặt. Nền kinh tế Việt Nam đang như một lâu đài xây trên cát. Một tập đoàn chính trị vốn thiếu tri thức quản trị, một tập đoàn chính trị chỉ quen chém giết nhân dân nhằm tìm kiếm chiến thắng để tự sướng thì họ chỉ biết làm như vậy thôi. ĐCS đã tự cột cổ dân tộc Việt Nam vào khối đá tảng Trung Cộng, để rồi khi khối đá ấy hở chân rơi xuống vựt sâu thì nó cũng kéo cổ dân tộc Việt Nam ngã nhào theo nó. Vậy đó! ĐCS chỉ có khả năng “lo” cho nhân dân chúng như thế mà thôi!

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://news.zing.vn/kinh-te-trung-quoc-se-tang-truong-0-tr…

https://cafeland.vn/…/dich-cum-vu-han-se-tac-dong-the-nao-d…

https://www.thesaigontimes.vn/…/nhung-chu-no-cua-novaland-l…

https://www.thesaigontimes.vn/…/rui-ro-kinh-te-2020-can-tro…

https://haiquanonline.com.vn/dong-gop-40-gdp-nhung-kinh-te-…

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here