Gạc Ma, ghi ơn ai và nguyền rủa ai?

Thảm sát Gạc Ma 14.03.1988
- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà|

Người ta nói số phận con người không thể vượt qua được số phận của một quốc gia, thì cũng có thể nói tinh thần của chiến sỹ không thể vượt qua được tinh thần của tư lệnh. Vâng! Một khi người tư lệnh cao nhất mà có tinh thần chủ bại thì không bao giờ binh sỹ có tinh thần chiến thắng. Và trận chiến Gạc Ma của 32 năm về trước cũng mang hình ảnh đấy, tinh thần chủ bại của người tư lệnh tối cao đã đẩy 64 binh sỹ phải chết thảm.

Chắc chắn một điều rằng, khi mạng xã hội chỉ trích tinh thần chủ bại của lãnh đạo trung ương thì chắc chắn chính quyền CS sẽ phủ nhận. Khi một thế lực chính trị đang nắm quyền mà có dã tâm tạo ra một ban chuyên tuyên truyền tô vẽ những thứ đẹp đẽ cho nó, thì làm sao nó có thể chấp nhận được những chỉ trích từ phía những người không thuộc thành phần nô bộc của nó? Nói cho cùng, nhiệm vụ của ban tuyên giáo là những gì đẹp 1 thì vẽ cho nó đẹp 10, những gì xấu xa thì vẽ cho nó đẹp lại để nhào nặn ra một thứ lòng tin mù quáng cho toàn xã hội. Và nhờ đó, ĐCS phè phỡn hưởng thụ trên sự u mê của xã hội đó. Chính vì thế, những vết nhơ, những  toan tính bẩn thỉu đằng sau hành động không chống trả của binh sỹ ngày ấy là những thứ mà ban tuyên giáo luôn tìm cách phủ nhận.

Sự kiện mất bãi cạn Gạc Ma năm 1988 là một sự kiện lịch sử. Đảo thì đã mất về tay kẻ thù, tuy nhiên điều đáng nói ở đây là cách để mất đảo như thế nào? Đứng trước kẻ thù hơn mình về mọi mặt thì việc bị mất đảo ấy lịch sử sẽ không khắt khe, tuy nhiên, điều mà lịch sử không thể tha thứ, đó là tinh thần chủ bại của những kẻ ngồi trên thượng tầng chính trị muốn đổi chác một thứ quyền lợi riêng nào đấy cho một nhóm người. Việc mất đảo vào tay kẻ thù truyền kiếp không chỉ xảy ra ở thời CS mà nó cũng đã từng xảy ra dưới thời VNCH. Tuy nhiên 2 thất bại này hoàn toàn khác nhau về bản chất.

- Quảng Cáo -

Hành động đầu hàng của binh sỹ có 2 loại: loại thứ nhất là binh sỹ sợ chết nên buông súng đầu hàng để được sống; loại thứ 2 là họ đầu hàng theo mệnh lệnh của chỉ huy. Tư tưởng đầu hàng xuất phát từ ai thì người đó phải chịu trách nhiệm trước lịch sử. Binh lính đầu hàng theo mệnh lệnh cấp trên thì binh lính không có lỗi. Hình ảnh “anh hùng” Nguyễn Văn Bé của CS sợ chết buông súng đầu hàng trước binh sỹ VNCH và được tha chết là hình ảnh tự ý đầu hàng, còn hình ảnh 64 binh sỹ giữ đảo Gạc Ma không chống trả là hành động theo mệnh lệnh. Được biết, 64 binh sỹ lúc đó không được trang bị vũ khí. Nghĩa là cấp trên đã có ý đồ chủ bại trước khi cuộc nổ súng xảy ra. Đây rõ ràng hành động đầu hàng đáng nguyền rủa của những kẻ đã ban ra cái mệnh lệnh đó.

Để truy ngược về những mệnh lệnh quái đản kia thì chúng ta không thể tìm thấy bất cứ sự thừa nhận nào từ phía CS, vì đơn giản, đó là vết nhơ với lịch sử thì không đời nào họ chịu thừa nhận. Nhưng họ không thừa nhận không có nghĩa là chúng ta không thể biết. Từ những dấu hiệu bất thường cộng với sự phân tích hợp lí thì chúng ta hoàn toàn có thể phanh phui được những gì mà ĐCS muốn che giấu. Như ta biết, người đứng đầu Bộ Quốc Phòng ngay thời điểm mất Gạc Ma đó chính là ông Lê Đức Anh. Nếu xét mặt đảng thì người đứng đầu quốc phòng không phải là bộ trưởng bộ quốc phòng mà là tổng bí thư. Theo cách phân chia cấp bậc trong ĐCS thì tổng bí thư kiêm luôn chức chủ tịch quân ủy trung ương, còn bộ trưởng bộ quốc phòng là phó chủ tịch quân ủy trung ương. Mà tổng bí thư lúc đó chính là Nguyễn Văn Linh. Nói cho dễ hiểu là Nguyễn Văn Linh là cấp trên của Lê Đức Anh. Nguyên tắc là, chủ tịch quân ủy trung ương ra chủ trương, còn bộ trưởng bộ quốc phòng sẽ thi hành chủ trương đó. Nghĩa là Nguyễn Văn Linh không phải chỉ đạo trực tiếp các tướng tá trong Bộ Quốc Phòng mà ông ta chỉ có chỉ đạo một mình Lê Đức Anh mà thôi. Chính vì thế, những gì liên quan đến những mệnh lệnh cao nhất trong bộ quốc phòng thì người chịu trách nhiệm không chỉ là bộ trưởng mà cả tổng bí thư nữa.

Chủ quyền là một vấn đề hệ trọng, không một ai được phép ra lệnh buông súng ngoại trừ người tổng tư lệnh quân đội. Như ngày 30 tháng 04 năm 1975, người ra lệnh buông súng đầu hàng là tổng thống kiêm tổng tư lệnh quân lực VNCH – Dương Văn Minh. Tương tự như vậy, mệnh lệnh cho 64 binh sỹ không mang vũ khí và không được chống trả thì chắc chắn không ai khác, đó chính là người tổng tư lệnh. Người chịu trách nhiệm trực tiếp cho hành động chủ bại đó chính là tướng Lê Đức Anh và người liên đới chịu trách nhiệm là Nguyễn Văn Linh.

Được biết vào năm 2017 trong cuộc tọa đàm kỷ niệm cuộc chiến Gạc Ma do Trung tâm Minh triết tổ chức, Tướng Lê Mã Lương đã nói rằng: “Nó có một câu chuyện như thế này: Có đồng chí lãnh đạo cấp cao ra lệnh bộ đội ta không được nổ súng nếu như đánh chiếm cái đảo Gạc Ma hay bất kỳ đảo nào ở Trường Sa. Không được nổ súng! Và sau này nó có một câu chuyện và nó đã được ghi vào tài liệu mà ta đã rõ rồi là khi trong một cuộc họp của Bộ Chính Trị, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đập bàn và nói là ai ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng?”

Vâng! Đấy là một sự thừa nhận chua chát của một vị tướng có tâm với đất nước. Tướng Lê Mã Lương muốn ám chỉ ai chắc không khó để mọi người đoán ra. Như ta biết, sau cuộc thảm sát ấy 2 năm, chính Nguyễn Văn Linh đã dẫn đầu đoàn lãnh đạo chủ chốt gồm ông ta, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng sang Thành Đô gặp Giang Trạch Dân, Lý Bằng và đã ký ta những gì mà nhân dân không hề được biết nội dung. Chỉ biết rằng, kể từ đó Việt Nam ngày một phụ thuộc Trung Cộng mà không tài nào thoát được. Thảm sát Gạc Ma, nhân dân sẽ không quên công ơn 64 chiến sỹ đã huy sinh tính mạng, nhưng nhân dân cũng đời đời nguyền rủa những kẻ đã dùng 64 mạng mạng sống binh sỹ và chủ quyền biển đảo bằng thứ tư tưởng chủ bại, thuần phục ngoại bang để mua lấy sự an toàn cho một nhóm người chuyên ăn tàn phá hại đất nước hôm nay./.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/people_stories/who-order-no-fire-at-jonhson-reef-03132018094556.html

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here