Chúng tôi vẫn còn đây

- Quảng Cáo -

Phạm Minh-Tâm

Vào buổi chiều muộn giữa tháng Tư 1975, một người anh trong họ – Trung-tá Hoàng Mộng Cậy, thuộc Phòng Ba Biệt-khu Thủ-đô – ghé nhà . Anh đứng tại cửa, ngắn gọn dặn chúng tôi từng ý đứt quãng…hai đứa không cần tính gì hết, cứ ở nhà…tình-hình không đến nỗi bi-quan đâu, cùng lắm họ chỉ đến vĩ-tuyến 13 thôi…Bây giờ anh phải vào đơn-vị trực, nhớ không đi đâu hết… Hai vợ chồng tôi chỉ kịp chạy theo nhìn anh trong bộ binh-phục với “botte de saut” gom cao ống quần trên cái dáng cao lênh-khênh. Chiếc xe “Jeep” đang nổ máy chờ trước ngõ…Vừa khi người tái-xế nhấn ga, anh em tôi còn kịp vẫy tay chào nhau và không ai ngờ đó là giây phút cuối chúng tôi cùng được thở chung bầu khí tự-do của Miền Nam. Không phải vì nghe lời anh tôi nói, nhưng trong những ngày cuối tháng Tư này, tôi thật sự lúc nào cũng thấy mênh-mang buồn, hồn vía cứ như đi đâu mất. Tôi thấy chán nghe từng tin-tức qua Đài Phát-thanh, đọc trên báo-chí hàng ngày vừa loan tin vừa “bình loạn” cũng như dư-luận tứ phía đủ lời đồ-đoán… mà chắc chẳng ai nghĩ sẽ là ngày 30-4 đầy u-uất. Giữa lúc dân-tình hoang-mang thì tôi cứ bần-thần suy nghĩ. Nghĩ đến từng trang sử thời lập-quốc xa-xăm. Nghĩ đến những giai-đoạn Bắc-thuộc xen kẽ với những thời-kỳ toàn dân vùng lên dựng nền tự-chủ. Nghĩ đến những năm dài người Pháp đặt nền đô-hộ và máu nóng của bao nhiêu người Việt-Nam chân-thành yêu nước đã đổ ra…Và nhất là nghĩ đến nỗi lòng Mẹ Việt-Nam đau xót biết bao với những đứa con nghiệp-chướng đã trở thành thảm-họa cho con cháu của Mẹ. Đó là đảng cộng-sản Việt-Nam và tập-đoàn lãnh-đạo Miền Bắc. Nhà tôi ở trên đường Phạm Hồng Thái, suốt đêm 29-4-1975 tôi nằm chờ sáng trong tiếng súng xa-xa phía Hóc-môn – Bà Điểm vọng về và đếm từng tiếng hoả-tiễn của Việt-cộng pháo-kích bừa-bãi nổ đây đó trong thành-phố. Bốn chữ “pháo-kích bừa-bãi” đã thành một thành-ngữ dành chỉ một trong các việc làm của Việt-cộng là từng đêm họ cố gắng làm sao để bắn vô-tổ-chức được mấy trái hoả-tiễn vào Sài-gòn, không cần chấm toạ-độ chính-xác. Bởi vì, mục-đích của họ là chỉ cần khủng-bố tinh-thần dân chúng nên có gây được tannát và đau-thương cho người dân là đạt mục-đích “bác” của họ muốn rồi. Mới tờ-mờ sáng hôm sau, 30-4-1975, ngoài đường đã rộn tiếng người và tiếng xe qua lại. Tôi ra Ngã Ba Ông Tạ mua vội ít ổ bánh mì để đem “tiếp
tế” cho hai bên gia-đình dùng đỡ lúc đó và thấy quân-đội ở đâu nhiều quá, những người lính Nhảy-dù bình-thản di-chuyển dọc hai bên đường. Ba má tôi ở phía sau khu hồ tắm Cộng-hoà. Khi nghe nhà tôi cho biết các binh-sĩ Nhảy-dù đang dàn quân, ba tôi suy đoán nếu lực-lượng Nhảy-dù đã đổ từ Ngã Ba Ông Tạ tiến về hướng Bà Quẹo thì chắc là để chặn đường quân cộng-sản từ phía Tây-ninh kéo về…Như vậy “bọn nó” chắc-chắn lại pháo-kích nhiều hơn và sẽ có giao-tranh nặng. Chắc mình cũng nên tạm tránh khỏi đây thôi. Ba tôi vừa nói dứt câu thì một tiếng nổ xé không-gian phía ngoài đường chính. Chúng tôi hối-hả ra về, tới đầu ngõ đã thấy cảnh nhốn-nháo sau khi trái hoả-tiễn rơi xuống bên đường, may không ai thiệt mạng và bị thương nặng. Sau khi thu vén vội những thứ cần thiết dồn vào một cái túi nhà binh (sac marin militaire), hai vợ chồng tôi cùng đứa con nhỏ hơn hai tuổi định đến tạm-trú tại Trụ-sở Phong-trào Thanh-niên Công-giáo Đại-học ở Quận Ba. Chiếc xe Honda dame vừa ra đến đầu ngõ thì cái túi “gia-sản” văng xuống đất. Tôi xuống xe, chưa kịp làm gì thì một người lính đã đến giúp và nhẹ-nhàng bảo…Cứ bình-tĩnh đi, chúng tôi vẫn còn đây mà…Tôi sượng-sùng lí-nhí cám ơn anh mà rưng-rưng muốn khóc. Sượng-sùng vì thật sự trong lòng tôi đang đầy bối-rối vì sợ-sệt và muốn khóc vì bùi-ngùi với chút tự-ti khi trong những giờ phút nghiêm-trọng của Đất Nuớc như thế này thì hai chúng tôi, bìnhthường vẫn nói hay như trạng, lại cũng từng vênh-vang là trí-thức với bằng nọ cấp kia, giờ hấp-tấp đi tìm nơi trú-ẩn an-toàn; còn anh lính “vô-danh tiểu-tốt” này đứng lại đây, bình-tĩnh trong tinh-thần chiến-đấu, đặt định-mệnh đời mình theo vận-mệnh của Đất Nước, dù chưa biết thế nào… Trên đuờng đi, chúng tôi ghé nhà người cô út sống một mình ở ngõ chùa Định Thành để đưa bà cùng đi. Ngang qua khu trại Nguyễn Trung Hiếu của binh-chủng Nhảy-dù, vẫn còn vẻ nghiêm-trang của người lính đứng gác. Tôi đang cố thuyết-phục bà cô ra đi thì nghe tiếng xe “mobylette” của đứa em trai đang tòng-sự tại Căn-cứ 60 Truyền-tin ở Gò-vấp. Nghe nhà tôi cho biết tin về ba má tôi và các em xong thì nó lại hấp-tấp quay xe ra đi liền. Cô tôi chạy ra chặn lại bảo…sao không cùng mọi người tìm chỗ tạm lánh mà còn đi đâu lúc này….Câu trả lời của đứa em làm tôi giật mình… Lúc này là lúc nào, đơn-vị cháu đánh nhau với Việt-cộng suốt cả đêm rồi, cháu chỉ xin chạy về thăm nhà chớp nhoáng rồi bây giờ phải trở lại chứ….Cả đơn-vị vẫn còn đó. Lại “vẫn còn”, song chữ này vừa thốt ra từ miệng đứa em trai mình, khiến vợ chồng tôi, dù đang lúc vội-vã “chạy giặc”, cũng biểu đồng-tình nhìn nhau trong sự vô cùng ngạc-nhiên . Bởi vì, nó là một người mà có lẽ từ lúc vào quân-đội đến buổi sáng hôm đó vẫn bị gia-đình tôi xem là loại “lính kiểng”. Vừa nhập-ngũ thì mẹ tôi đã đi vái tứ phương nên ra trường thì được về Bộ Tổng-tham-mưu nhập với một đám con ông cháu cha chẳng ra thể-thống gì. Được ít tháng, các ông lớn ngại chạm nhau và né nhau thế nào mà cậu em tôi
lại bị chuyển ra đơn-vị Tác-chiến Điện-tử ngoài đảo Cam-ranh. Sau mùa hè đỏ lửa mới chuyển về Căn-cứ 60 Truyền-tin. Rồi cứ thế mà tà-tà mang bộ quânphục lúc nào cũng bắt con em gái phải nhúng hồ và là ủi thẳng nếp, “phục-vụ” quân-đội theo tác-phong sáng đi trễ chiều về sớm với các “mánh” để tránh quân-cảnh. Linh-mục Thiện Cẩm, tuyên-uý Phong-trào Thanh-niên Công-giáo Đạihọc, ra mở cổng cho chúng tôi với câu nói bồn-chồn…Tình-hình rối loạn quá, chẳng biết có đến nỗi như Campuchia không…Sau khi cất cái túi nhà binh vào góc phòng, nhà tôi ngồi lại với ông, còn tôi bỏ ra ngoài, phần muốn cùng cô tôi trông đứa con gái cho qua giờ, phần không muốn ngồi nghe đài phát-thanh loan tin nữa. Khoảng 10 giờ 30 phút, linh-mục Thiện Cẩm đi ra, hai tay buông thõng nói với tôi ……Văn-kiện đầu hàng vừa đọc lúc 10 giờ 29…nếu rồi cũng để đến nước này thì tốn thêm mấy chục năm xương máu làm gì… Chúng tôi cùng lẳng-lặng đi vào trong nhà, ngồi bất-động nhìn mônglung mỗi người một hướng, không ai nói thêm với ai lời nào cho đến khi cô tôi vào gọi ra mở cổng cho em trai tôi. Tôi có cớ nhẹ-nhõm ra khỏi không-gian nặng-nề đó. Em trai tôi mặt xanh xám, phờ-phạc hơn hồi sáng sớm, nói như khóc…Đầu hàng rồi, chị biết chưa? Em chạy xe lên đến Trung-tâm Tiếp-huyết thì không đi tiếp được, người ta ở đâu chạy đến đông nghẹt đường. Rồi nghe tin đầu hàng, người ta còn chạy đông hơn… Cô tôi nghe chuyện xong cũng ngơ-ngẩn góp thêm…Năm 54 còn chạy được vào Nam, bây giờ chạy đi đâu đây… Mấy người chúng tôi cùng vào cả trong nhà. Cha Thiện Cẩm góp ý: – Bây giờ là lúc hỗn quân hỗn quan, lại thêm tù-nhân sẽ được thả ra nữa cho nên phải ngồi tạm đây chờ chứ chưa về được đâu. Nhà tôi nhìn đứa em trai, hỏi: – Có nên thay bộ đồ này không? Bây giờ mặc nó ra đường hơi nguy hiểm đấy. Cha Cẩm đi vào phía trong lấy ra bộ quần áo đưa cho em tôi và khẳngđịnh: – Bây giờ mà tụi nó gặp là bắn ngay vì vừa sẵn lòng căm-thù lại vừa thoả-mãn tâm-lý kẻ thắng. Cậu em tôi cầm bộ quần áo đi ra ngoài. Chờ mãi không thấy nó trở lại nên tôi đi ra, tìm thấy nó đứng bên góc tường, khóc nức-nở. Nó bảo tôi…Em không cam-tâm chị ơi…Tôi quay vội vào nhà vì không muốn khóc theo nhưng tâm-hồn được bình-an một chút vì thấy em tôi bây giờ đã thực-sự trưởng-thành trong tâm-thức một thanh-niên Việt-Nam. Quá xế trưa, chúng tôi ra về. Dọc đường Phạm Hồng Thái lúc đi la-liệt xác dân lành thiệt mạng vì những trái hoả-tiễn Việt-cộng pháo-kích rải đường. Còn dọc đường Trần Quốc Toản lúc về là những quân-nhân Miền Nam, chắc
không cam-tâm buông súng theo lệnh đầu hàng, đã nằm sấp trên lá cờ Quốcgia trải rộng, tử-tiết bằng lựu-đạn. Tôi nhìn từng thi-thể trên lá cờ vàng lênh-láng máu đỏ tươi, thì-thầm khấn-nguyện…người lãnh-đạo thì đầu hàng, cấp chỉ-huy đã ra đi, chỉ còn các anh ở lại với định-mệnh sống và chết cho Quê-hương thống-khổ này… Ba giờ chiều chúng tôi mới về tới nhà, vừa dắt xe vào thì nghe tiếng súng vang giòn-giã rất gần. Tôi vội-vàng đóng kín cửa lại vừa kịp lúc một đám trên chục lính Việt-cộng vác đủ thứ súng ống kềnh-càng chạy ùn-ùn vào ngõ nhà tôi, vừa xô đẩy nhau nằm rạp xuống theo bờ tường vừa oang-oang văng tục kiểu Miền Bắc trước mỗi câu nói. -….tao thấy rõ mấy thằng lính dù Ngụy trên cái cao ốc bắn xuống mà, nhưng sao lại linh-tinh để mình sống hết mọi thằng… -….nó không linh-tinh đâu, chắc tại đông dân đang đi trên đường nên bắn chỉ thiên ra cái điều bọn ông còn đây để doạ mình thôi. Nếu không, đám mình cũng dăm thằng toi đời… – ….ai tin được, Nguỵ gặp Việt-cộng mà không bắn vì tránh dân – ….hấp như vậy thua là phải… Thấy không có tiếng súng tiếp, bọn họ kéo nhau đi. Chúng tôi nhìn qua màn cửa sổ đếm được 15 người. Tôi cứ thắc-mắc mãi, “quân-đội nhân-dân anh-hùng” là đây sao? Họ đang là kẻ thắng đi vào vùng chiếm đóng đã đầu hàng mà sao chỉ nghe tiếng súng vu-vơ đã lếch-thếch nhốn-nháo rủ nhau chạy trốn thay vì phản-ứng trong tư-thế ứng-chiến của người lính… Từ thái-độ của những kẻ “thắng” này, tôi nghĩ đến tác-phong các người “bại” đã gặp trong cùng một ngày lịch-sử. Tiếp đến là những người chưa bại đã nhanh chân chạy và nhiệm-vụ đáng nói nhất của ông tướng Dương Văn Minh, một thời vang danh “anh-hùng Rừng Sát” có lẽ là làm Tổng-thống để đọc vănkiện đầu hàng. Đã 45 năm qua, trong cuộc sống chập-chờn giữa đau và hận khởi đi từ ngày 30-4-1975, tôi vẫn nhớ câu nói của người lính-chiến Nhảy dù vào buổi sáng anh thật bình-tĩnh trong ý-thức về nhiệm-vụ chiến-đấu cho sự tồn-vong của Đất Nước đến giây phút cuối cùng. Hôm nay, tôi vẫn tin lời anh nói …chúng tôi vẫn còn đây…Vâng, hàokhí các anh vẫn còn cùng với nhiều những tâm-hồn Việt-Nam trong sáng, yêu nước bằng tấm lòng, bằng trái tim chứ không phải bằng tham-vọng, bằng sân-si vọng-động. Hoặc tệ hơn nữa, bằng những tranh-chấp thị-phi và chia rẽ chỉ vì từng “cái tôi” không những đáng ghét mà còn đáng bỉ khi vô-ý-thức và vô-cảm trước vận nước điêu-linh song rất nhảy-cảm chạy theo cái quá-khích và cựcđoan của bản-thân được đánh bóng bằng thẻ-bài chống cộng. 30-4-2020

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here