Trận Waterloo của hoàng đế Tập (Phần cuối)

Sáng kiến Một vành đai một con đường của Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg
Sáng kiến Một vành đai một con đường của Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg
- Quảng Cáo -

Tân Phong – Việt Tân |

Ai là chim sẻ, ai là thiên nga?

Trả lời trước câu hỏi của người dẫn chương trình CNN, Fareed Zakaria, về sự thay đổi trong chính sách với Trung Quốc của lưỡng đảng Hoa Kỳ, Đại Sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải đã có lời như sau:

“Tôi nghĩ mọi người phải nhận thức đầy đủ về những thực tế của thế giới ngày nay. Thật sự nền văn minh Trung Quốc đã tồn tại khoảng 5.000 năm, lâu hơn nhiều so với Mỹ. Nền văn minh Trung Quốc đang tiếp tục mạnh mẽ và người dân Trung Quốc vẫn đang nỗ lực hiện đại hóa đất nước của mình… Liệu nước Mỹ có sẵn sàng hoặc sẵn lòng sống chung với một quốc gia rất khác (một Trung Quốc hiện đại, mạnh mẽ, thịnh vượng) với nền văn hóa rất khác biệt, hệ thống chính trị và kinh tế rất khác biệt… trong hòa bình và hợp tác để giải quyết những thách thức ngày càng tăng của thế giới hay không?”

- Quảng Cáo -

Ông Khải nhắc về “nền văn minh 5.000 năm” của Trung Quốc và so sánh với lịch sử khiêm tốn hơn 300 năm như Hoa Kỳ với một sự tự mãn không hề che giấu. Vấn đề mà ông ta đưa ra là Hoa Kỳ (quốc gia non trẻ hơn nhiều) có thể “sẵn lòng sống chung” với những giá trị khác biệt của “đế chế Trung Tâm” của ông ta hay không mà thôi.

Tuy hình thức và nội dung diễn đạt có khác, nhưng tư tưởng nội hàm của thông điệp ông Khải rất giống với những gì mà vị Hoàng đế Trung Hoa vào năm 1863 đã viết cho Tổng Thống Abraham Lincoln “Với tất cả sự tôn kính, ta được mệnh Trời ủy thác cai trị vũ trụ này, cả hai chúng ta đều xem đế chế Trung Tâm (Trung Hoa) và các quốc gia bên ngoài là một gia đình, không có bất kỳ sự khác biệt nào.” Thậm chí, có thể thấy ý tứ của Thôi Thiên Khải còn khoa trương hơn ông hoàng đế kia nhiều.

Có thể, phần vì hoàn cảnh lịch sử Trung Hoa lúc đó bị đám “giặc Phiên” – một danh xưng khinh mạn của giới chức Mãn Thanh gọi các lực lượng Phương Tây – đang cùng nhau chia năm xẻ bảy “đế chế Trung Tâm,” còn giờ đây ông đại sứ Trung Quốc đang đầy tự tin vào sức mạnh của quốc gia với “5000 năm văn minh” mà ông ta đại diện. Những lời lẽ này thực ra còn “lịch sự chán” nếu so với ngôn từ thóa mạ, hạ cấp của Hoa Xuân Oánh khi nói giới chức Hoa Kỳ là “mất trí” và ví von không thể ngạo mạn hơn: Một con chim sẻ không thể hiểu nổi tham vọng của con thiên nga.

Mặc dù, trên thực tế thì “con chim sẻ” Hoa Kỳ đang chơi trên đầu “con thiên nga” Trung Quốc. Danh sách các tập đoàn Trung Quốc bị trừng phạt ngày một dài thêm, giới chức Trung Quốc liên quan tới đàn áp nhân quyền ở Tân Cương, Hong Kong, Pháp Luân Công… đang nơm nớp lo sợ với những thay đổi chính sách của Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng tới những tài sản lớn đang cất giấu ở quốc gia này.

Quan trọng nhất là Hoa Kỳ đã chính thức phủ nhận hoàn toàn yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Người Mỹ đã đổi vai từ người quan sát, trở thành “người cầm quân trắng” – nắm trong tay tính Chính nghĩa và Chính danh – ở bàn cờ Đông Nam Á thông qua tuyên bố ủng hộ luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, chủ quyền chính đáng của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Đó chẳng phải là việc “chiếm giữ vùng đất cao Đạo Đức” – một trong các nguyên tắc của chiến tranh phi truyền thống hay sao? Lời tuyên chiến đã được đưa ra và không gì có thể dừng lại bánh xe của thần Ares.

Ông chủ Nhà Trắng với một cá tính “nhớ lâu, thù dai” đã tung ra hàng loạt những đòn chí mạng vào nền kinh tế mũi nhọn của Trung Quốc với sự cay cú rất rõ ràng. Lý do vì ông cho rằng “con virus Tàu” đã hủy hoại thành quả kinh tế suốt nhiệm kỳ vừa qua của ông và đang giết chết hàng trăm ngàn người Mỹ là một “món quà ác ý” của Bắc Kinh. Thế nhưng, có thể Donald Trump không đọc Lỗ Tấn để có thể hiểu rằng, với một phép “chiến thắng tinh thần” kỳ lạ của người Trung Quốc, các hậu duệ AQ vẫn có thể tin rằng: “Chúng nó đánh mình khác gì đánh bố nó.”   

Và dù cho dân Trung Quốc có chết cả chục triệu người vì virus Vũ Hán, vì lũ lụt, thậm chí phải ăn cỏ vì đói kém mất mùa, thất nghiệp …thì cũng chẳng là cái đinh gì với giới chức cộng sản. Ở một quốc gia mà việc mổ sống cướp nội tạng hàng triệu người dân được coi là “bình thường,” thì có việc gì là lớn?

“Mộng Trung Hoa” và một Châu Á không bình yên

Lớp lãnh đạo Trung Quốc Cộng Sản đảng thời Tập Cận Bình đã bước ra khỏi đường lối phát triển và chính sách ngoại giao “thao quang dưỡng hối” mà Đặng Tiểu Bình đặt ra cách đây non 40 năm. Vào năm 2013, ông Tập bắt đầu nói về những “con đường tơ lụa” và “nhất đới, nhất lộ.” “Dự án thế kỷ” này của ông Tập được giới học giả và chính trị gia các nước phương Tây chỉ ra rằng nó được xây dựng dựa trên những hình ảnh gợi nhắc từ các tuyến giao thương cổ xưa của đế quốc Trung Hoa, lồng ghép với các ý tưởng mở rộng từ lý thuyết địa chính trị của Spykman và Mackinder (những lý thuyết gia đặc biệt được Hitler yêu thích, nghiên cứu và vận dụng vào chủ thuyết của ông ta). Điều đáng lưu ý là bao trùm toàn bộ tham vọng lớn lao này tư tưởng Đại Hán được gắn với những cái tên mới “xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Hoa” hay “Giấc mơ Trung Hoa.”

Xét về qui mô và tầm ảnh hưởng, tham vọng này của ông Tập rõ ràng lớn hơn nhiều so với Tần Thủy Hoàng (người được coi như Wilhelm Đại Đế của Trung Quốc) và người sáng lập ra Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Mao Trạch Đông. Ông Tập đã và đang cố gắng bước ra ngoài cái bóng quá lớn của những lãnh đạo tiền bối như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, cũng như từ chối một lộ trình được định sẵn bởi các “thượng hoàng” trong cơ chế tập thể lãnh đạo. Ông ta thậm chí còn đi xa tới mức sửa đổi hiến pháp vào nhiệm kỳ thứ 2 để có thể chấp chính suốt đời. Điều mà ngoài các đấng “thiên tử” trong suốt 5000 năm lịch sử Trung Hoa, chỉ có “hoàng đế đỏ Phương Đông” Mao Trạch Đông mới giữ đặc quyền tối thượng đó tới lúc chết.

Hôm nay, thế giới được nghe nhiều hơn những luận điệu đậm đặc thứ văn hóa bá quyền Đại Hán, sự tự tôn ngạo mạn, coi bản thân mình là “cái rốn của vũ trụ” được các viên chức Trung Quốc huênh hoang trên mọi diễn đàn quốc tế. Đó chính là điều mà Paul Bracken (giáo sư khoa học chính trị của Đại Học Yale và là thành viên của Council on Foreign Relations) từng cảnh báo rằng “chủ nghĩa dân tộc đã bị các nhà quan sát Phương Tây đánh giá thấp một cách nguy hiểm.” Thậm chí, nó còn bị coi như một phần của quá khứ lạc hậu, rồi sẽ tự biến mất trước những tiến bộ kinh tế và xã hội trong thời đại “toàn cầu hóa.” Paul Bracken nói “Vấn đề quan trọng nhất của thế kỷ XXI là làm sao hiểu được chủ nghĩa dân tộc sẽ kết hợp thế nào với những công nghệ hủy hoại xuất hiện mới đây ở Châu Á”.

Những quốc gia dù to lớn về kích thước nền kinh tế cũng như dân số, nhưng vẫn thuộc về “thế giới thứ ba” như Trung Quốc, Ấn Độ, thậm chí các quốc gia đói nghèo và kém phát triển như cả Pakistan, Bắc Hàn, Iran giờ đây đều có thể sở hữu những vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học và các nền tảng AI nguy hiểm.

Hãy thử hình dung một thế giới mà đầy rẫy những nhà độc tài, luôn sôi sục và bị thúc đẩy bởi tham vọng quyền lực, chất chứa thứ chủ nghĩa dân tộc đầy phẫn uất, lại luôn sẵn trong tay vô số món đồ chơi “hàng nóng” có khả năng giết người hàng loạt – những vũ khí mà đã trở thành totem mới của một tầng lớp dân cư đông đảo đã bị tẩy não và dễ dàng bị kích động theo ý muốn của các “lãnh tụ.” Đó là một viễn cảnh không lấy gì làm tốt đẹp cho tương lai của Châu Á, đặc biệt là vùng Đông Nam Á – nơi thường trực một vạc dầu đã âm ỉ sôi hàng thập kỷ qua.

“Lợi ích cốt lõi”

Những lợi ích lớn lao mà các dự án hạ tầng khổng lồ được Trung Quốc mời chào các quốc gia nằm trong “nhất đới, nhất lộ” với điều kiện vay tiền dễ dàng quả thực đã có một sức hấp dẫn ghê gớm. Giới chức của những quốc gia kém phát triển, nơi mà tệ tham nhũng phổ biến và thiếu vắng sự minh bạch trong cơ chế kiểm soát công nợ quốc gia như đàn ruồi ngửi thấy mùi mật, đã lao vào những dự án mà Bắc Kinh đem tới.

Nhiều quốc gia Trung Á, Châu Phi, Đông Nam Á dính chặt chân vào những “bẫy nợ” đã sập xuống. Bắc Kinh nhanh chóng chi phối và lũng đoạn giới chức của các quốc gia đã nằm trong móng vuốt của mình để tìm kiếm các lợi ích lớn hơn về tài nguyên, thương mại và quân sự.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự viễn chinh xa xôi bên ngoài lãnh thổ của mình như căn cứ hải quân Djibouti nằm trên vùng Sừng châu Phi; Căn cứ hải, lục, không quân trong tương lai Dara Sakor ở Cambodia và chuỗi những đảo nhân tạo phục vụ cho hải không quân ở biển Đông. Điều này, ngay cả thời đế quốc Đại Đường sở hữu một hạm đội khổng lồ, vượt xa về qui mô và tính năng kỹ thuật so với các hạm đội hùng mạnh nhất của cường quốc biển như Anh, Tây Ban Nha hàng trăm năm sau, cũng không hề có ý định.

Trong thời gian Tập Cận Bình chấp chính, ngay ở nhiệm kỳ đầu, các cơ sở quân sự ở biển Đông đã được xây dựng, hoàn thiện với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các nhiệm kỳ lãnh đạo trước đó. Hệ thống các cảng biển tước đoạt từ những “con nợ” và căn cứ viễn chinh hiện nay cho phép Trung Quốc có thể bố trí lực lượng hải quân của mình từ vịnh Eden đến Biển Đông, biển Nhật Bản, nghĩa là trên toàn bộ chiều dài duyên hải của RimLand theo học thuyết Mackinder.

Tuy nhiên, nếu đánh giá toàn bộ bản đồ “nhất đới, nhất lộ” và đi sâu vào ý nghĩa chiến lược của từng tuyến hải trình và con đường trên bộ của “dự án thế kỷ” này thì có thể thấy tuyến đường trên bộ sẽ tốn kém nguồn đầu tư cho hệ thống hạ tầng khổng lồ trong khi khả năng thu về lợi ích kinh tế, thương mại còn nhiều hạn chế và nhiều rủi ro khó lường. Sự khôi phục lại tuyến giao thương huyền thoại “con đường tơ lụa” có ý nghĩa nhiều hơn về chính trị.

Trong khi đó, quan trọng nhất và có ý nghĩa lợi ích trước mắt cũng như lâu dài vẫn là những tuyến hải trình qua vịnh Eden và Malacca. Vùng biển Đông náo nhiệt nơi sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào và những tuyến hải trình trị giá hơn 5000 tỷ USD/năm hiện nay có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Toàn bộ các tỉnh công nghiệp và trung tâm tài chính, thương mại thịnh vượng nhất Trung Quốc đều nằm ở bờ biển phía Đông và Đông Nam. Phần lớn xuất khẩu, giao thương của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới vẫn đi qua Biển Đông và eo biển Malacca. Con kênh đào Kra nhiều kỳ vọng sẽ thay đổi vị thế địa chính trị, kinh tế trong khu vực chưa thể hoàn thành trong ngắn hạn. Điểm đáng lưu ý là lộ khẩu chiến lược qua cảng Hải Phòng nằm trong một hợp phần của “nhất đới, nhất lộ” sẽ đóng vai trò ngày một quan trọng hơn. Nếu như “dự án thế kỷ” của Tập Cận Bình bị đình trệ, ngăn cản bởi Hoa Kỳ thì lợi ích cốt lõi của tham vọng “nhất đới, nhất lộ” vẫn là nuốt trọn Biển Đông, khống chế và kiểm soát eo biển Malacca hoặc thay thế bằng kênh đào Kra trong tương lai và thâu tóm cảng Hải Phòng. Đó là những vị trí chiến lược Bắc Kinh không bao giờ buông bỏ.

Mồ chôn “Mộng Trung Hoa”

Tuy nhiên, không rõ chiến lược và cách tiếp cận mục tiêu của Tập Cận Bình hiện nay là gì. Có vẻ như Bắc Kinh quá ảo tưởng sức mạnh của bản thân mình trong một thế giới ngày một chật hẹp vì lợi ích các quốc gia gắn bó khăng khít. Ảo tưởng sức mạnh đó đã khiến cho Bắc Kinh mổ phanh “con gà đẻ trứng vàng” Hong Kong và đóng lại cánh cửa nối với Phương Tây suốt 100 năm qua. Những cuộc đàn áp tàn bạo và luật an ninh mới mà Bắc Kinh áp đặt ở Hong Kong là một sự tái hiện lại thảm kịch Thiên An Môn ở thế kỷ 21, đánh dấu bước suy tàn của trung tâm tài chính và thương mại bậc nhất Châu Á.

Khó hiểu nhất là cuộc xung đột với một đối tác thương mại và công nghệ quan trọng, cũng đồng thời là láng giềng cựu thù lớn nhất: Ấn Độ. Những xung đột giữa lực lượng vũ trang trên vùng cao nguyên biên giới chỉ khiến cho thổi bùng lên ngọn lửa “dân tộc chủ nghĩa” đầy nguy hiểm ở Ấn Độ. Quốc gia có dân số tương đương với Trung Quốc này đang là một đối tác thương mại quan trọng và sở hữu một lực lượng lao động chất lượng cao cho các ngành công nghệ mũi nhọn quan trọng nhất như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, dược phẩm, vũ khí… mà các tập đoàn công nghệ lớn nhất của Trung Quốc như Huawei luôn thèm khát. Xung đột một dải đất nhỏ trên cao nguyên biên giới sẽ nhanh chóng làm mất đi một thị trường thương mại và công nghệ quan trọng nhất. Trung Quốc có thể lấn lướt Ấn Độ ở vài cuộc xung đột nhỏ lẻ nhưng đó thực sự là một “chiến thắng Pyrrhic.”

Trong khi hướng dư luận trong nước ra những xung đột bên ngoài để tạm quên những khó khăn kinh tế do thương chiến Mỹ-Trung và dịch bệnh đem đến, Bắc Kinh hình như đã đi quá xa với mục đích ban đầu mà không nhận ra tấm lưới khổng lồ người Mỹ đã âm thầm giăng ra. Giờ đây, tại mặt trận Biển Đông, nơi mà liên quân Phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã nhanh chóng giành thế chủ động, một thế trận Waterloo đã sẵn sàng chờ đợi Hoàng đế Tập Cận Bình. Biển Đông sẽ là nơi kết thúc và mồ chôn của “giấc mộng Trung Hoa” của họ Tập.

Tân Phong

XEM THÊM:

Phần 1: Trận Waterloo của hoàng đế Tập? – Bước leo thang nguy hiểm ở Tư Chính
Phần 2: Trận Waterloo của hoàng đế Tập? – Ai sẽ “chết” trong cuộc chiến tranh tiền tệ Mỹ Trung?
Phần 3: Trận Waterloo của hoàng đế Tập? – Khi “cái hộp Pandora” Hong Kong đã mở

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here