Hiểu và áp dụng phương pháp dạy học lấy học trò làm trung tâm ra sao?

- Quảng Cáo -

Trần An-Bee – VOA

Để tối ưu hoá hiệu quả của việc học, các nhà sư phạm tại các nước có nền giáo dục phát triển thường dựa trên các học thuyết và phương pháp sư phạm lấy học trò làm trung tâm. Một trong các học thuyết đó là học thuyết dạy học dựa trên vùng phát triển gần của con người, có tên tiếng Anh là The zone of proximal development (ZPD). Học thuyết này được phát triển bởi tâm lý gia Lev Vygotsky, người Liên Xô (1896 – 1934).

Học thuyết này được triển khai qua phương pháp “dàn giáo” – scaffolding. Phương pháp sư phạm này đặt nền tảng trên việc xây dựng kiến thức và kỹ năng theo từng bước từ thấp đến cao, từ dễ đến khó và điều quan trọng nhất là dựa trên những khả năng riêng của từng học sinh. Hình ảnh chiếc dàn giáo trong khoa kiến trúc là một hình ảnh rất tượng hình để hình dung ra từ chân móng cho đến mái nhà cao chót vót phải được xây từng bước một với nền móng vững chắc. Thầy cô hay người hướng dẫn cũng giống như các kiến trúc sư từng bước một lập dàn giáo để xây toà nhà kiên cố từ chân móng cho đến điểm cao nhất của toà nhà. Thầy cô cố gắng phát huy tối đa tiềm năng của học trò dựa trên việc phát hiện và phát huy vùng phát triển gần trong nhận thức của từng cá nhân học trò. Phương pháp này cho rằng tất cả mọi người đều có cách tiếp thu vấn đề khác nhau. Đó chính là biểu trưng của quá trình dạy và học, và không có việc chạy theo thành tích, theo phong trào hay đốt cháy giai đoạn.

Học trò là nhân vật trung tâm của giáo dục. Các em là người làm chủ bản thân mình, làm chủ những gì mình tư duy, khám phá dưới sự hướng dẫn của các thầy cô. Các em đóng một vai trò chủ đạo trong tiến trình giáo dục này. Các em vừa là chủ thể để hoạt động giáo dục được diễn ra, vừa là người tham gia cách chủ động trong việc tạo nên quá trình và lượng giá của việc dạy và học. Vì không bị lệ thuộc, nhưng được hướng dẫn để tự do hơn, độc lập hơn trong phát huy sở trường, sở đoản và những gì mà mình quan tâm yêu thích, người học có được động lực và nguồn sáng tạo cho việc học. Đó chính là bước khởi đầu minh định rõ nét tính tự do và độc lập của những chủ nhân tương lai của đất nước.

- Quảng Cáo -

Có nhiều người đã lo lắng cho ‘tính tự do, độc lập’ của việc dạy học theo cách này sẽ gây khó khăn cho giáo viên trong vấn đề chấm điểm và phân loại. Thực ra, tiêu chí của việc rèn luyện hay giảng dạy một kiến thức nào đó vẫn giữ nguyên. Vẫn có mục tiêu chung cho từng lứa tuổi, từng cấp học và từng đề tài cụ thể.

Ví dụ như để dạy về số học cho lứa tuổi mẫu giáo, mục tiêu đề ra vẫn là: “vào cuối năm học, học trò sẽ biết cách nhận diện, gọi tên và viết các chữ số từ 0-10 và trên đó; các em cũng biết phân nhóm theo số lượng; so sánh và đối chiếu các nhóm theo số lượng nhiều ít v.v.

Vậy mục tiêu cuối cùng là như đã nêu và học trò được giáo viên hướng dẫn để đạt các mục tiêu đó. Cách thức để đi đến mục tiêu là tuỳ mỗi giáo viên, mỗi học trò. Nhưng đến cuối năm học đó học trò sẽ đạt mục tiêu ở mức độ, như: vượt qua yêu cầu của mục tiêu; đạt đến mục tiêu; hay đạt một số yêu cầu của mục tiêu đề ra, hoặc cần xem xét để hỗ trợ v.v. Vở sạch chữ đẹp hay các yêu cầu khác chỉ là thuộc về phạm trù “khuyến khích để đạt…”, vì nội dung và đích mà chương trình nhắm đến ở đây vẫn thuộc phạm vi của môn toán học, do đó những điều không thuộc phạm vi nhưng vẫn muốn đạt tới thì thuộc về những phạm trù khác như: hành vi, thái độ, kỹ năng vận động v.v.

Giáo dục không thể tách rời khỏi cuộc sống của con người. Nó cần có sự thống nhất trong toàn thể. Hiểu và quan tâm đến sự phát triển tâm sinh lý của người học cũng chính là quan tâm đến kết quả của giáo dục.

Vì tin tưởng rằng mỗi người đều có một não bộ phát triển khác nhau cũng như có sự phát triển tâm, sinh lý khác nhau, do đó, dựa vào vùng phát triển gần trong sự phát triển tâm sinh lý của người học để giúp họ, sẽ cho họ sự tự tin cần thiết để đạt đến điều họ có thể đạt được.

Có thể kể ra một ví dụ rất đơn giản để cho thấy sự khác biệt trong việc tiếp thu kiến thức và giải quyết vấn đề của học trò, đó là việc giáo viên dạy một phép tính trong một lớp học. Cùng một bài giảng nhưng cách tiếp thu vấn đề của từng em là rất khác nhau. Có em ngay lập tức hiểu, có em hiểu và còn có thể liên hệ đến rất nhiều các tình huống thực tế. Có em nghe thầy cô giảng nhưng tất cả lời thầy cô chỉ như “nước đổ đầu vịt”. Các con số hay biểu tượng được thầy cô nói đến đều không có ý nghĩa gì hay nối kết gì với cuộc sống của em. Vậy phải làm gì để bài học đó trở nên có ý nghĩa và được tiếp nhận cách tốt nhất cho từng em? Vâng, phải nói là tốt nhất cho từng em, chứ không phải là tốt nhất cho điểm thi đua của trường.

Phương pháp “dàn giáo” cũng được áp dụng trong việc để học sinh được thể hiện chính mình. Từ mẫu giáo, khi học đến một chữ cái, giáo viên chỉ là người hướng dẫn để các em nhận ra chữ cái đó trong rất nhiều từ. Âm tiết được phát ra khi đọc chữ cái riêng lẻ và khi chữ cái đó được tìm thấy trong từ là như thế nào. Bài tập của các em là suy nghĩ và tìm kiếm, viết, vẽ xuống tất cả những gì các em nghĩ hoặc tìm thấy có liên quan đến chữ cái đó. Với một bài tập đơn giản như thế, có em có khả năng nghe và phân biệt âm tiết, nhưng không biết viết xuống như thế nào, các em sẽ được khuyến khích vẽ xuống theo cách mà em nghĩ hay nhìn thấy, và giáo viên sẽ giúp em viết xuống điều mà em nghĩ. Có em khác thì thích viết hoặc muốn tự mình viết, copy những từ mà em thấy qua những gì xung quanh. Mặc dù chữ viết nguệch ngoạc, không ngay hàng thẳng lối, sai chính tả, nhưng điều quan trọng ở đây không phải là vở sạch chữ đẹp, mà là kiến thức các em học được. Chữ nào em viết sai sẽ được giáo viên giúp nhận ra cái sai và tự em sẽ sửa lại. Càng tự mình thể hiện những suy tư, cảm nghĩ, hình ảnh mà các em thấy được trong cuộc sống bao nhiêu, các em càng yêu thích được thể hiện nó và yêu thích việc học. Bởi vì tất cả những điều các em vẽ, viết xuống này đến từ chính sự khám phá của các em. Mỗi em sẽ cho ra đời một sản phẩm rất riêng, dù là thể hiện cùng một chủ đề học tập.

Từ bước đầu tiên của “dàn giáo” này, giáo viên biết được sở thích, khả năng nhận biết chữ, khả năng đọc chữ, khả năng hội hoạ, khả năng cầm bút, tô màu, đặt câu hỏi, và giải quyết vấn đề của từng em. Bài tập này chính là bước đệm tiếp theo để giáo viên đặt câu hỏi, nêu yêu cầu, mở rộng vấn đề hay điều chỉnh những giới hạn cho những bước tiếp theo với từng em học sinh.

Nếu đặt ra câu hỏi này trước, trong và sau quá trình giảng dạy, đó cũng là lúc giáo viên bắt đầu lưu tâm đến việc nhìn đến khả năng và sự phát triển tâm sinh lý của từng học sinh. Đây cũng là khởi đầu cho việc tìm kiếm phương pháp thích hợp để giúp học trò đạt đến mục tiêu. Các bài tập của các em, dù là toán, văn, địa, khoa học hay nghệ thuật đều có những nét rất riêng của từng em và không bao giờ có sự so sánh, xét đoán và phân biệt mang tính loại trừ.

Thời điểm này các trường ở Úc đã bắt đầu nghỉ hè. Trước khi nghỉ hè, các đồng nghiệp và tôi cùng nhìn lại chương trình giảng dạy cho năm tới đồng thời xem xét lại danh sách cũng như đặc điểm tâm lý, khả năng và thái độ học tập, phương pháp học tập của từng em học sinh mà mình sẽ dạy trong năm tới. Chúng tôi cũng ngồi xuống trao đổi với các giáo viên đã dạy các em trong năm nay để nghe họ báo cáo về từng em học trò một. Quá trình trao đổi này luôn được ghi chú cẩn thận để có thể giúp giáo viên vừa có cái nhìn tổng quát và vừa có thể có kế hoạch phù hợp với từng em học sinh, đặc biệt là những em có những khó khăn trong các vấn đề như: tự kỷ, khó khăn trong học văn, học toán, khó khăn về diễn đạt, khó khăn về giao tiếp, hay não bộ, tai nghe, vận động tay chân hoặc rất nổi trội về môn nào đó nhưng có xu hướng không hay khó làm việc nhóm v.v. Những buổi họp như thế này diễn ra cách chính thức và không chính thức nhiều lần trong năm, nhưng đặc biệt là vào cuối năm học, trong buổi họp chuyển giao lớp.

Tôi thường tham gia trong các buổi họp và dịch thuật cho một số phụ huynh hiểu về chương trình giảng dạy và những gì liên quan cụ thể đến con cái của họ. Có rất nhiều phụ huynh không kiềm được nước mắt khi được giải thích về chương trình mà nhà trường soạn thảo cho con của họ. Họ nói: họ không thể nghĩ là con của họ có thể có một chương trình được điều chỉnh sao cho phù hợp với sự phát triển não bộ, khả năng kết hợp tay-mắt hay để giúp phát triển thái độ và tâm lý học tập nào đó của con họ. Mọi thứ đều quá khác biệt so với kinh nghiệm học tập và làm việc của họ. Bản thân quý phụ huynh này cũng không biết phải giúp con mình ra sao trong sự yếu kém hay thiếu hụt kiến thức hoặc kỹ năng của con họ. Họ chỉ đốc thúc và cho rằng con họ lười biếng, nhút nhát hoặc là một đứa trẻ không giỏi bằng con người khác trong khi chúng đã có nhiều điều kiện và cơ hội tốt hơn bản thân họ.

Làm thế nào để học sinh nhận biết được điểm mạnh của mình để phát huy, để giúp học sinh không tự mãn khi giỏi dang, không tự ti khi thua kém, không mặc cảm vì mình khác biệt về thể chất hay khả năng? Làm thế nào để học trò biết nhìn vào mặt tốt của bản thân, và chấp nhận mình khác biệt với người khác với một thái độ sống tích cực, đó là điều quan trọng hơn điểm số và thành tích mà các nhà giáo cần quan tâm. Lấy học trò làm trung tâm của giáo dục cần phải được khởi đi từ việc chúng ta muốn thấy điều gì trong tương lai của thế hệ mà mình đang đào tạo. Giáo dục không phải là để làm đầy tham vọng hay để làm dài bảng thành tích của người thầy.

Câu hỏi còn lại được đặt ra là chúng ta muốn nền giáo dục của chúng ta phát triển như thế nào? hay chúng ta vẫn muốn làm dài bảng thành tích của mình bằng việc chỉ chấp nhận đào tạo học sinh trở nên những phiên bản lỗi thời của chúng ta.

- Quảng Cáo -