Trạng thái hết động lực – buông xuôi?

- Quảng Cáo -

Nguyen Khan|

Ngày 14/5/1973. Trạm không gian đầu tiên của Mỹ, Skylab, được phóng lên không gian.

Sau 6 năm hoạt động, NASA buông bỏ, Skylab không còn được nuôi dưỡng nên hết động lực, quỹ đạo bay thấp dần, đến ngày 11/7/1979, Skylab rơi xuống vùng biển Australia.

Khi không còn động lực, mọi sự vật hay sự việc thường rơi vào trạng thái buông xuôi, phó mặc, ra sao thì ra…

- Quảng Cáo -

Cũng như trong kinh tế học, người ta đưa ra khái niệm “cái bẫy thu nhập trung bình”, vì hầu hết các nước đang phát triển, phát triển đến một điểm tới hạn nào đó sẽ hết động lực tăng trưởng. Nếu lúc ấy những nhà lãnh đạo quốc gia không cải cách thể chế kịp thời tạo ra những động lực mới tinh tế khả dĩ, thì dù cố gắng đến mấy cũng không thể thành nước phát triển. Khi ấy hầu hết các nước buông xuôi giấc mơ tiền tiến công nghiệp, chỉ loay hoay “giật gấu vá vai” làm ăn qua ngày… Người ta gọi trạng thái ấy là sập bẫy thu nhập trung bình.

Sở dĩ gọi là cái bẫy, vì không khó để nhận ra, nhưng lại rất khó để tránh, và khi không tránh được thì việc thoát bẫy trở nên xa vời.

Trong vài thập kỷ qua, trong vùng Á Châu Thái Bình Dương, ngoài Nhật Bản và Hongkong đã giàu có, chỉ ba con rồng Á Châu là Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, được xem là ba nước xuất sắc vượt qua cái bẫy thu nhập trung bình, thành nước phát triển. Riêng Việt Nam, bà Phạm Chi Lan dẫn lời ví von của các chuyên gia ngân hàng thế giới (WB) về danh hiệu chưa từng có tiền lệ, và chắc sau này cũng chẳng có nước nào theo lệ… Là… ” Nước không chịu phát triển”. Nếu bà Phạm nói đúng, thì Việt Nam chẳng ngán gì cái bẫy thu nhập trung bình.

Như vậy, cái gì cũng có giới hạn của nó, khi nỗ lực tới hạn mà không đạt ý nguyện sẽ rơi vào trạng thái buông xuôi, xìu xìu ễnh ễnh, tới đâu thì tới. Có té xuống biển như Skylab hay dính bẫy thu nhập trung bình cũng mặc kệ khi lực đã bất tòng tâm.

Cũng như con bò kéo xe nặng bị mắc lầy, sau khi rướn hết sức vẫn không vượt được lầy, con bò sẽ buông xuôi không kéo nữa, có đánh chết nó cũng chịu chết chứ không kéo, hạ hết tải trên xe nó cũng ù lì chịu đòn chứ không nhúc nhích. Nhưng nếu tháo ách ra khỏi cổ, con bò sẽ rời vũng lầy rất nhanh.

Câu chuyện na ná chuyện giáo sư tiến sĩ Tạ Điền của trường kinh doanh Aiken, Đại học Nam Carolina nói về phong trào nằm ngửa của người Trung Quốc có thể lật đổ đảng cầm quyền Trung Cộng, được tờ trithucvn. org ghi lại.

Thoạt nghe cứ ngỡ là chuyện tiếu lâm, song đọc kỹ mới thấy, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc, đất nước Trung Cộng bị phân hóa giàu nghèo quá lớn, thiểu số giai cấp cầm quyền và thân hữu rất giàu, nhiều người giàu “nứt đố đổ vách”. Đại đa số còn lại là thường dân thu nhập trung bình, rất nhiều người nghèo khổ.

Nhà nước kiểm soát chặt chẽ mọi sinh hoạt chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục v.v… của người dân, cùng với dịch cúm Trung Cộng và thương chiến với Mỹ khiến việc làm ăn Ngày thêm khó khăn. Một thành phần không nhỏ lao động không còn động lực vươn lên, vì cơ hội dành cho họ ngày càng ít, họ buông xuôi, làm lương công nhật vài ngày kiếm đủ sống tối thiểu, sau đó nằm ngửa nghỉ, ăn hết, làm vài ngày rồi lại nằm ngửa nghỉ.

Không biết có phải đây là sản phẩm của CNXH đặc sắc Trung Quốc? Vì họ không còn quan tâm đến xã hội, không quan tâm đến chính trị, người trẻ sống dựa vào cha mẹ, không thiết tha làm ăn, không nghĩ đến việc xây dựng gia đình.

Nhà nước có chủ trương hay vận động gì cũng mặc, có chiến tranh với nước nào cũng kệ, có đàn áp ai cũng chẳng quan tâm, ai có chống nhà nước cũng mặc xác.

Theo giáo sư Tạ Điền, Trung Cộng đang ở thời kỳ năng động rất cần đội ngũ lao động cật lực để trỗi dậy mạnh mẽ, vậy mà trong giới lao động đã hình thành phong trào nằm ngửa buông xuôi, là một vấn nạn nan giải không dễ vượt qua.

Bởi thành phần này đã hết động lực vươn lên, điều họ muốn làm thì nhà nước cấm, điều nhà nước khuyến khích thì họ không muốn làm, vì đã làm theo nhà nước bao năm mà chẳng được gì, niềm tin đã giảm, thì nằm ngửa buông xuôi kiếm ăn qua ngày là giải pháp khả dĩ cuối cùng của họ.

Giáo sư Tạ Điền cho rằng, nếu nhà nước Trung Cộng không vực dậy được thành phần nằm ngửa này thì Trung Cộng khó bề trỗi dậy, không khéo phong trào nằm ngửa lan rộng, chỉ cách phong trào đấu tranh bất bạo động của thánh ôn hòa Gandhi một bước chân, có thể làm sụp đổ đảng cầm quyền.

Xem ra cái nào cũng có cái giá của nó. Trung Cộng kiểm soát gắt gao chính trị xã hội, trao cho giai cấp cầm quyền và thân hữu nhiều đặc quyền đặc lợi, khiến cơ hội và ý thức đấu tranh trong đại bộ phận thường dân bị bóp nghẹt, tạo ra một sản phẩm con người đặc sắc, là nằm ngửa buông xuôi, sống lây lất qua ngày, không còn động lực vươn lên… Trừ phi tháo ách ý thức hệ như tháo ách khỏi cổ con bò kéo xe bị mắc lầy./.

#ngườitrungquốc #phongtràonằmngửa

- Quảng Cáo -