Quảng Cáo

Không lối thoát!

Quảng Cáo

Phạm Minh Vũ

Những ngày vừa qua đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo khủng khiếp, đã bộc lộ rõ những yếu kém trong sự kiểm soát dịch bệnh, không những thế, những mục tiêu phát triển kinh tế, mà ghi cả trong văn kiện đại hội lần thứ 13 của ĐCS chốt mới đây thôi, chỉ là hư ảo.

Sự mất cân bằng của chính sách vĩ mô đã đẩy nạn di Dân từ các làng vùng quê nghèo vào các đô thị lớn gây ra một cuộc di Dân ồ ạt suốt hàng thập kỷ. Ngoài miền Trung có các ngôi làng bỏ hoang, không một bóng người.

Không một kế hoạch phát triển kinh tế rõ ràng, chẳng hoạch định đường lối chiến lược, đảng cầm quyền đã dẫn dắt đất nước bước vào kỷ nguyên mù, cả người Dân và đất nước gần như vô định, không ai thấy tương lai phía trước.

Thay vì dịch chuyển kinh tế hài hoà, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên dồi dào, sẽ là đòn bẫy tốt cho sự phát triển kinh tế vùng, địa phương, thì tất cả đều rơi vào tay tư bản thân hữu. Các tập đoàn tư bản đỏ mọc lên với sự chống lưng của những ủy viên bộ chính trị đã áp-phe họ thâu tóm sạch tài nguyên đất vàng và ban những chính sách có lợi cho lợi ích nhóm.

Nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào gia công cho các ngành công nghiệp và bán tài nguyên làm trụ đỡ chính.

Các khu công nghiệp tập trung chủ yếu phía các khu đô thị lớn, nhờ thị trường lao động giá rẻ. Việt Nam không có nền công nghiệp quyết định để định hình nền kinh tế quốc gia, thì Việt Nam đã bị động trước những diễn biến của toàn cầu hoá khi các doanh nghiệp đó tìm nơi nào có nhân công rẻ hơn. Tuy vậy, trước dịch bệnh, lao động Việt Nam đứng trước sự bất công khi chính họ là nguồn lao động chính cũng bị bỏ rơi không một sự hỗ trợ giúp đỡ nào từ chính phủ.

Khi sự thiếu cân bằng trong dịch chuyển kinh tế, đẩy người nghèo vào các khu đô thị lớn để kiếm việc làm, với sự thiếu minh bạch trong chính sách đã tạo ra sự chênh lệch giàu nghèo vô cùng lớn, các tập đoàn tư bản đỏ lợi dụng sự thiếu minh bạch trong chính sách cùng với quan hệ đã luồn lách làm giàu bất hợp pháp, người lao động cứ thế mà nghèo đi khi bị bóc lột. Bất bình đẳng trong mặt chính sách người Dân nghèo gần như nằm dưới đáy xã hội.

Chưa kể, thuế phí là một gánh nặng vô cùng lớn là mối đe dọa trực tiếp với Dân thu nhập thấp, khi lương càng ngày càng bèo bọt do tình trạng lạm phát càng cao không đủ đảm bảo mức sống tối thiểu. Mua quả trứng hay đổ lít xăng cũng đóng hàng chục loại thuế phí kiểu trấn lột cách trắng trợn.

Dịch xảy ra không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới. Nhưng sự tháo chạy của người Dân như ở Việt Nam thì không nơi nào có. Vì lẽ:

– Chính phủ hỗ trợ tối đa với chính sách minh bạch được giám sát bởi phe đối lập và Nhân dân.

– Doanh nghiệp không bị chi phối hay ràng buộc nhiều với chính quyền do họ là doanh nghiệp đúng nghĩa chứ không phải tư bản đỏ.

Nên người Dân đã ổn định bình tĩnh và dần vượt qua dịch bệnh. Còn Việt Nam, chính phủ đang loay hoay như gà mắc tóc, không lối thoát, cho tới giờ, kịch bản mục tiêu kép gần như thất bại, sụp đổ hoàn toàn, thất bại không phải do Virus phức tạp mà do sự ngạo nghễ và huyễn hoặc tự hào vào sự lãnh đạo tuyệt đối toàn diện.

Ngoài trung, có những ngôi làng mấy chục năm nay không có tiếng trẻ thơ khóc vì chẳng có thanh niên mà thay vào đó những chuyến đưa ma, không trống không kèn, chẳng mấy ai đưa tiễn. Chuyến xe đông lạnh nghiệt ngã đông cứng 39 người Việt đa số Miền trung chết tại UK hay cậu thanh niên người Việt chết bên Nhật mới đây, tất cả họ đều cố chạy thoát khỏi một đất nước hoang tàn để tìm sự sống. Đương nhiên, họ vẫn có điều kiện hơn so với những người đang chạy xe máy này, ở đây cuộc đào thoát trở về quê lòng buồn với câu hỏi mai rồi sẽ ra sao? Chẳng lẽ cứ thế này mãi?

Dịch bao giờ qua và liệu còn dịch nào khác sẽ đến với họ, một đám mây đen bao phủ, lơ lửng cứ treo trên đầu họ. Một tương lai mịt mờ không hứa hẹn phía trước một điều gì tốt đẹp.

Ta có thể trông chờ gì một chính phủ mà quan chức xem trọng xây tượng đài, hơn bệnh viện? Nơi đó họ ăn mày quá khứ để vay nợ tương lai. Trên đất nước hoang tàn ấy, chỉ Dân đen gánh hết, quan chức chỉ biết vinh thân phì gia và sau cùng là cũng tháo chạy sang Mỹ sang trời Âu. Cũng là tháo chạy nhưng quan chức có phần chủ động hơn vì họ ngồi trên đống tài sản vơ vét được, còn Dân đen thì ngồi trên đống nợ công khổng lồ của quan để lại. Sự tương phản có phần ngạo nghễ thay.

Chạy xe mệt đấy, nhưng cũng buồn hơn, vì câu hỏi chẳng có câu trả lời!

“Mai này rồi sẽ ra sao?”

PMV

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux