Việc thực thi giãn cách ở Hà Nội hiện thời đưa đến nhiều điều phải “nghĩ thật”.
- QUAY LẠI THỜI BAO CẤP LẠC HẬU
Vào thời đại nền công nghiệp 4.0 ở thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 mà phải lập các chốt, dừng người đi đường để kiểm tra chứng minh thư nhân dân, giấy đi đường theo mẫu ban hành, lịch trực, lịch làm viêc, văn bản phân công tác, xác nhận của phường – là cách quản lý lạc hâụ thời bao cấp. Không có lý do nào có thể biện hộ.
- NHỮNG HỆ LUỴ
Phương thức kiểm soát giãn cách nêu trên đưa đến nhiều hệ luỵ tiêu cực. Trong số đó có:
– Gây ách ùn tắc lưu thông trên đường
– Tăng khả năng lây nhiễm Covid -19.
– Phí phạm thời gian của người đi đường
– Tốn công sức của người thi hành
– Giảm hiệu quả lao động của toàn xã hội
– Gây phiền hà cho dân
– Làm ức chế tinh thần.
- CÔNG NGHỆ Ở ĐÂU?
Rất cần lưu ý là hiện nay, Mỹ và cả Trung Cộng có thể theo dõi mỗi bước đi của bạn. Đối với tội phạm khủng bố và gián điệp, các nước đều sử dụng công nghệ để theo dõi, chứ không lập chốt kiểm soát, dừng mọi người dân đi đường để tra xét giấy tờ.
Hãy sử dụng công nghệ trong giãn cách tại Hà Nội. Đây là lúc mà Bộ TT&TT và Sở TT&TT Hà Nội được thoả sức thể hiện công nghệ quản lý kỹ thuật số. Đây là vấn đề thực tiễn cụ thể – là nội dung tốt cho các diễn văn hay.
- ĐỀ XUẤT NHỮNG NGUYÊN TẮC CỐT LÕI ĐỂ KIỂM SOÁT GIÃN CÁCH
4.1. Sử dụng công nghệ điện tử
Mọi đăng ký, xin phép và cấp phép đều thực hiện qua hình thức điện tử – thuận lợi, đơn giản và tối thiểu. Mọi sự kiểm soát đều thực hiện qua công nghệ điện tử. Đây là yêu cầu tiên quyết. Công nghệ cho phép làm điều này. Đây là lúc ứng dụng nền công nghiệp 4.0.
4.2. Tối thiểu hoá thủ tục. Ít phiền hà nhất cho người dân
Tương tự như một sản phẩm phải tiện lợi nhất cho người sử dụng, thì thuật toán giãn cách phải được nghĩ ra sao cho ít phiền hà nhất đối với người dân, và phải sử dụng ít thao tác nhất trong thủ tục thực thi giãn cách. Xuất phát từ những mục đích vì dân như vậy mới nghĩ ra được quy trình giãn cách khoa học, tiện lợi, hiệu quả.
4.3. Không dừng để kiểm tra trên đường. Không được ngừng lưu thông
Đây là nguyên tắc cốt lõi. Nguyên tắc này đảm bảo cho mạch sống không bị đứt quãng. Khi lưu thông trên đường tuân thủ giãn cách thì không gây lây nhiễm. Dừng lại kiểm tra mới gây nguy cơ lây nhiễm. Cho nên trong khi người dân lưu thông trên đường thì không dừng để kiểm tra. Điều này Chính phủ đã chỉ đạo cho lưu thông liên tỉnh. Lãnh đạo Hà Nội không thể không biết đến.
4.4. Kiểm soát đầu cuối
Không ngừng lưu thông trên đường mà chỉ theo dõi kiểm soát khi người lưu thông đến điểm cuối. Nhưng là theo dõi và kiểm soát qua phương tiện điện tử.
4.5. Tự do giao nhận hàng. Không tiếp xúc khi giao nhận hàng
Người giao hàng (shipper) và người nhận hàng không tiếp xúc. Giao và nhận hàng qua địa điểm trung gian. Trong siêu thị, trong chợ, trong cửa hàng… điều thực thi cách giao nhận qua địa điểm trung gian để thực thi giãn cách. Cách giao nhận này phổ dụng trong thực tiễn ở nhiều nơi, nhiều nước.
Thực hiện phương thức giao nhận hàng qua địa điểm trung gian, các shipper không bị chặn lại kiểm soát ở trên đường đi, mạch lưu thông không bị đứt quãng.
4.6. Giãn cách trong cơ quan
Thực thi giãn cách trong các cơ quan, xí nghiệp. Quy trách nhiệm cho lãnh đạo cơ sở. Kiểm soát qua camera và theo dõi nhờ công nghệ.
Thực thi các điểm nêu trên, người dân không bị dừng lại kiểm tra ở các chốt kiểm soát, lưu thông, sản xuất, thương mại – không bị ngừng trệ. Mạch sống không bị phá vỡ.
- SAO KHÔNG THAM KHẢO CÁC NƯỚC?
Các nước cũng thực thi giãn cách trong tình trạng còn nặng nề hơn Việt Nam. Tại sao không tham khảo các chính sách vài quy trình của các nước?
- CẦN NGHĨ LẠI QUY TRÌNH THỰC THI GIÃN CÁCH
Chúng ta quen quản lý theo cách quân phiệt. Nên cứ theo thời bao cấp mà ngăn sông cấm chợ, tra xét giấy tờ. Người dân cũng quen chịu đựng sự quản lý quân phiệt mà lầm lũi chấp nhận.
Đặt chốt dừng người đi đường để kiểm tra giấy tờ khắp nơi, thậm chí rào đường vào ngõ phố là quy trình giãn cách không khoa học – gây ra hệ luỵ tiêu cực cho đời sống của người dân, bất lợi cho doanh nghiệp, làm giảm sự phát triển của kinh tế quốc gia.
Quy trình giãn cách phải được đề xuất bởi chính lãnh đạo cao nhất TP Hà Nội, chứ không đẩy xuống cho cấp dưới suy nghĩ hay chuyển sang cho bên công an. Đây là lúc cần tự mình nghĩ thật.
Phải kiềm chế lây lan dịch bệnh. Nhưng phải nghĩ lại phương thức giãn cách. Chưa chết vì Covid thì đã thân bại vì cách ly. CÓ DOANH NGHIỆP VÌ GIÃN CÁCH KHÔNG ĐƯỢC HOẠT ĐỘNG, CHẬM TRẢ NỢ MỚI 20 NGÀY, ĐÃ BỊ NGÂN HÀNG QUY VÀO NỢ XẤU NHÓM 1, RỒI ÁP ĐẶT TĂNG LÃI SUẤT TẤT CẢ CÁC KHOẢN VAY LÊN 1%. Có đau xót không?
Đặt mình vào thế bị trình diện các giấy tờ, phải lên phường xin xác nhận, bị tăng lãi suất vay, đối mặt với phá sản – thì sẽ có một phương thức giãn cách khác. Đó là bản chất khác biệt của 2 góc nhìn về quy trình giãn cách./.
#csvnchốngdịch #giảncáchhànội
Leave a Comment