Hợp đồng tầu ngầm giữa Úc và Pháp bị hủy bỏ

Thủ Tướng Úc Scott Morrison bảo vệ quyết định hủy hợp đồng đóng tàu ngầm với Pháp. Ảnh: AP
- Quảng Cáo -

Kỹ Sư Nguyễn Ngọc Bảo – Việt Tân

Bối cảnh

Ngày 16 tháng Chín, 2021, Thủ Tướng Úc Scott Morrison bất ngờ thông báo hợp đồng tầu ngầm “Attack” trị giá 35 tỷ Euro, nhằm đóng 12 tầu ngầm diesel giữa Úc và Pháp bị hủy bỏ. Quyết định này đã khiến tương quan ngoại giao giữa Pháp một bên và bên kia gồm 3 nước đồng minh trong Liên Minh AUKUS (Úc-Anh-Hoa Kỳ)  rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Nhiều buổi họp cao cấp song phương về quốc phòng giữa Pháp và Anh bị hủy bỏ, Pháp triệu hồi đại sứ tại Hoa Kỳ và Úc về để bày tỏ thái độ giận dữ trước sự đối xử quá tệ bạc và không tôn trọng các cam kết giữa các đồng minh Tây phương lâu đời. Hợp đồng nhằm đóng 12 tầu ngầm chạy bằng diesel trong vòng 30 năm trời tại Úc, đã được hai bên thông qua năm 2016 và chính thức ký kết vào năm 2019.

- Quảng Cáo -

Quyết định này gây nhiều ảnh hưởng về mặt nhân dụng cho Pháp và vấn đề bảo vệ bản quyền các kỹ thuật đóng tàu, vì hãng đóng tầu chiến Pháp Naval Group đã biệt phái từ nhiều năm nay hàng trăm kỹ sư đến làm việc tại công xưởng đóng tầu Adelaide, bên Úc. Đồng thời tại các quân cảng tại Pháp, hơn 500 nhân viên được chuyển qua làm việc trong hợp đồng của thế kỷ này.

Theo tổng giám đốc của Naval Group, việc hủy bỏ hợp đồng rất quan trọng này, sẽ có ảnh hưởng đến tổng số thương vụ trong vòng hàng chục năm tới, nhưng không quá trầm trọng, vì còn có các hợp đồng khác với hải quân Pháp như chương trình đóng các khu trục hạm, lớp tiếp nối loại FREMM (Fregate European Multi Mission), các tầu ngầm nguyên tử tấn công lớp Barracuda, các tầu ngầm nguyên tử mang hỏa tiễn liên lục địa SLBM (submarine-launched ballistic missile) thế hệ thứ ba, hàng không mẫu hạm nguyên tử thứ nhì sau chiếc Charles de Gaulle, các chương trình chế tạo các thiết bị không người lái trên biển và dưới mặt nước… Và mới đây, Hy Lạp sau nhiều năm trời thương thuyết, đã ký một biên bản ghi nhớ (Memorandum) với Pháp cho việc đóng 3 khu trục hạm, trị giá tổng cộng 3 tỷ Euro, nhằm gia tăng khả năng hải quân, bảo vệ các đảo, và đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, dư luận không khỏi thắc mắc, tại sao một hợp đồng trị giá 35 tỷ Euro đã được nghiên cứu thật chi tiết, với chuyển nhượng kỹ thuật và đóng ngay tại Úc, mà trong đó, chỉ khoảng một nửa số tiền sẽ do các hãng Pháp nhận được trong 30 năm tới, lại bị hủy bỏ một cách đột ngột như vậy. Có những lý do chiến lược, tài chánh, kỹ thuật tiềm ẩn nào, đằng sau vụ này  hay không?

Hủy bỏ hợp đồng vì nhu cầu chiến lược

Người ta chắc chắn là sự hình thành của Liên Minh AUKUS trước đó 1 ngày (15/09/21) đã ảnh hưởng đến việc hủy bỏ hợp đồng đã ký kết giữa Úc và Pháp. Thay vì sẽ có 12 tầu ngầm loại chạy bằng diesel, Úc muốn có 8 tầu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, như các tầu ngầm tấn công lớp Astute (Anh), Virginia (Hoa Kỳ) hay Barracuda của Pháp, dù rằng Úc sẽ còn phải học hỏi rất nhiều về mặt bảo trì các lò nguyên tử, bảo trì các tầu ngầm chạy bằng nguyên tử lực và còn phải mất hơn 10 năm nữa Úc mới tiếp nhận chiếc tầu ngầm nguyên tử đầu tiên với kỹ thuật và hệ thống võ khí do Hoa Kỳ chuyển nhượng.

Qua hình thức phát triển tầu ngầm mới này, Úc sẽ là quốc gia đồng minh thứ hai sau Anh có được tầu ngầm nguyên tử do Hoa Kỳ hỗ trợ. Và trở thành một quốc gia trong danh sách rất giới hạn các quốc gia trên thế giới xử dụng tầu ngầm nguyên tử (Hoa Kỳ, Nga, Trung Cộng, Anh, Pháp, Ấn Độ (thuê tầu ngầm của Nga), Úc). Trong lúc trong khuôn khổ hợp đồng 2016 Úc-Pháp, các tầu ngầm lớp Attack có hình thù và trọng lượng vận chuyển quan trọng (hơn 4500 tấn) tương tự như lớp Barracuda, với hệ thống kiểm báo và võ khí của Hoa Kỳ, nhưng không chạy bằng nguyên tử lực. Với kỹ thuật mới AIP (Air-independent propulsion), các tầu ngầm Pháp sẽ chạy lâu hơn dưới nước mà không cần nổi lên mặt nước thường xuyên để lấy không khí bên ngoài. Hiện nay với kỹ thuật tiền tiến này, Pháp đã ký được hợp đồng bán tầu ngầm cho Brasil (tháng 12/2008 trị giá 6,7 tỷ Euro), nhưng đã không chấp nhận giúp Brasil đóng các tầu ngầm nguyên tử, để tránh vi phạm Công Ước TNP (Treaty on the Non-Proliferation of Nuclear Weapons – Chống Phát Tán Võ Khí Nguyên Tử).

Bên phía Pháp, hãng đóng tầu chiến và chính phủ Pháp đã hoàn toàn tuân thủ các điều khoản về thời điểm, tài chánh, kỹ thuật đề ra trong hợp đồng đã được ký kết và cũng như đã trở thành đối tác chiến lược với Úc qua hợp đồng tầu ngầm này. Qua Liên Minh AUKUS, Hoa Kỳ muốn vận dụng sự tham gia tích cực và thường xuyên của quân đội các nước đồng minh nhằm chống lại sự bành trướng mạnh mẽ của quân đội Trung Cộng về mọi mặt, đặc biệt về hải quân trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Muốn tham gia vào việc săn lùng tầu ngầm Trung Cộng, bảo vệ vùng duyên hải với hơn 8,1 triệu cây số vuông cho vùng Kinh Tế Đặc Quyền (EEZ – Exclusive Economic Zone) của Úc, cần phải có những tầu chiến có tầm hoạt động rộng lớn, có khả mang mang nhiều võ khí săn tầu ngầm, đối hạm (anti-ship), và nhiều phương tiện viễn thám tinh vi (long range acoustic, thermal, electromagnetic detection sensor).

Và về những phương diện này, không có gì hoàn hảo hơn là loại tầu ngầm chạy bằng nguyên tử lực. Các tầu ngầm chạy bằng nguyên tử lực có tầm hoạt động hầu như vô giới hạn, vì không cần nổi lên mặt nước, có thể lặn sâu đến hàng trăm mét dưới mặt đại dương, và hoạt động im lặng để do thám hàng tháng trời dưới lòng đại dương. Hiện nay Úc chưa có khả năng tự chế tạo hay có đủ thủy thủ đoàn được huấn luyện để chạy các tầu ngầm nguyên tử.

Liên minh quân sự Úc, Anh, Hoa Kỳ (AUKUS)

Sau Bộ Tứ (Quad) gồm Nhật, Úc, Ấn Độ và Hoa Kỳ, với sự hợp tác về quân sự ngày càng mật thiết giữa các đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ như Nhật, Úc và một quốc gia rất quan trọng về mặt địa dư, dân số và kinh tế, mà trước đây đã mua nhiều võ khí của Liên Xô rồi Nga là Ấn Độ. Với nhiều cuộc tập trận giữa các hải quân Nhật, Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ thường xuyên tại Ấn Độ Dương, Biển Đông, Biển Hoa Đông, nhằm đối phó với chính sách bành trướng của Trung Cộng, bất chấp công pháp quốc tế (tự vẽ đường lưỡi bò 9 điểm, đơn phương xác nhận chủ quyền trên 80% diện tích của Biển Đông, đe dọa xâm chiến Đài Loan, lấy lại quần đảo Điếu Ngư của Nhật).

Cũng cần nhắc lại là 3 nước này cũng đã tham gia trong Nhóm Ngũ Nhãn (Five Eyes) do Hoa Kỳ cầm đầu, cùng 2 nước khác là Canada và New Zealand, với một hệ thống do thám các phương tiện viễn thông rất tinh vi trải rộng trên toàn thế giới (Internet, liên lạc điện thoại, điện thư,…)

Mục đích của Liên Minh AUKUS nhằm chia sẻ các thông tin, tình báo, kỹ thuật quân sự tiền tiến. Giúp tân trang các phương tiện chống lại các cuộc tấn công vào hệ thống thông tin (cyber attack), phát triển Trí Tuệ Nhân Tạo (Artificial Intelligence) và bảo vệ chuỗi cung ứng các nguyên vật liệu tối cần thiết cho công nghệ tiền tiến.

Một trong những quyết định đầu tiên của AUKUS là giúp Úc tân trang hải quân với 8 tầu ngầm nguyên tử, thay vì 12 tầu ngầm diesel trong hợp đồng với Pháp. Trong cương vị một cường quốc cấp vùng, Úc cần đóng góp vào nỗ lực chung nhằm chống lại ảnh hưởng và các âm mưu tranh đoạt đất đai, nguồn nhiên liệu dầu hỏa, đất hiếm (rare earth) trong vùng Tây Thái Bình Dương của Trung Cộng.

Với một diện tích khoảng 75 triệu cây số vuông, với một bề dài khoảng 8.300 cây số, Ấn Độ Dương đã và đang trở thành một vùng biển chiến lược cho việc xây dựng Con Đường Tơ Lụa (Road and Belt Initiative) của Trung Cộng đến Trung Đông và Âu Châu, cũng như chuyên chở dầu hỏa và nguyên liệu từ Trung Đông, Phi Châu và Âu Châu đến Trung Cộng. Hiện Trung Cộng đã xây dựng nhiều hải cảng và quân cảng chung quanh Ân Độ Dương cho tuyến đường Tơ Lụa phía Nam qua Ấn Độ Dương. Một số quốc gia như Sri Lanka sau khi nhận tín dụng của Trung Cộng để xây dựng hạ tầng cơ sở (xa lộ, phi trường, hải cảng, kho tồn trữ,…) đã trở thành nạn nhân về nợ của Trung Cộng. Để trả nợ, đã phải chấp nhận cho Trung Cộng thuê các quân cảng, hải cảng trong 99 năm. Các cứ điểm này đã đương nhiên trở thành các đầu cầu cho hải quân Trung Cộng và các lực lượng dân quân, tình báo trá hình dưới dạng nhân viên xây dựng.

Đảo Diego Garcia thuộc quần đảo Chagos, thuộc chủ quyền Anh, là một quân cảng và phi trường chiến lược nằm tại trung tâm Ấn Độ Dương, cách bờ biển phía Tây của Úc khoảng hơn 5000 cây số (Diego Garcia – Darwin), cách lục địa Ấn Độ khoảng 2000 cây số và quần đảo Maldives 1200 cây số về phía Nam. Với các tầu ngầm nguyên tử, có căn cứ tại Darwin hay Perth, hải quân Úc có khả năng tuần tiễu trên khắp Ấn Độ Dương và can thiệp một cách nhanh chóng khi cần, với một trạm tiếp liệu quan trọng là quân cảng Diego Garcia.

Với 8 tầu ngầm, Úc sẽ luôn với từ 2 đến 3 tầu ngầm có sự hiện diện thường trực tại Ấn Độ Dương, một phần Tây Nam Thái Bình Dương và phía Bắc, lên đến Biển Đông, nhằm hỗ trợ cho hải quân Hoa Kỳ, bảo vệ các tuyến đường vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu cho vùng Đông Nam Á, Đài Loan, Nhật Bản.

Tóm lại, việc hủy bỏ hợp đồng phát triển tầu ngầm đã ký kết giữa Úc và Pháp, đến từ việc thành lập Liên Minh quân sự AUKUS. Người ta có thể trách cứ chính phủ Úc đã không thông báo, và giải thích thỏa đáng cho sự hủy bỏ một hợp đồng chiến lược đã được ký kết và nhất là giữa 2 quốc gia đồng minh. Nhưng khó có thể nói gì khi chủ quyền của Úc bị đe dọa và Úc hầu như không có khả năng đối phó thích nghi khi không có các tầu ngầm tấn công nguyên tử.

Liên Minh quân sự AUKUS đã được thành lập nhằm đối phó với mối đe dọa của Trung Cộng và giúp Úc trang bị tầu ngầm nguyên tử. Hiện nay hai bên đang thương thuyết nhằm đạt đến những bồi thường thỏa đáng cho phía Pháp.

Kỹ Sư Nguyễn Ngọc Bảo

- Quảng Cáo -