Nhìn thẳng vào sự thật: không thể đi theo đường cũ

- Quảng Cáo -

Nguyen Ngoc Chu

  1. PHÉP TOÁN XÁC SUẤT CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN VÀ CÁCH XÁC ĐỊNH CHẤT LƯỢNG CÁN BỘ

Các mô hình tường minh của toán xác suất có từ khoảng thế kỷ 8, và được phát triển như một chuyên ngành toán học ở thế kỷ 20. Nhưng ứng dụng của toán xác suất thì xa hơn rất nhiều, từ nhiều ngàn năm trước, hầu như đồng thời gắn liền với sự mưu sinh của con người.

Còn xa hơn cả tử vi, là cách người nông dân Việt Nam xác định hạt lúa khô để cất giữ. Từ khi biết trồng lúa, sau khi gặt lúa thì trục lúa (đập lúa) để lấy hạt, rồi đem phơi hạt lúa dưới nắng, sau đó là xay giã thành gạo và thổi cơm. Để xác định hạt lúa đã đủ độ khô hay chưa, người nông dân bốc một nắm nhỏ hạt lúa giữa mẻ lúa đang phơi dưới nắng, cắn vào hạt. Nếu vỏ hạt lúa bóc nhanh khỏi hạt gạo, hạt gạo khô rang là lúc (lúa khén) có thể đem lúa đổ vào bồ vào chum để cất giữ. Lúa đã phơi khén có thể đem xay giã gạo, hay cất giữ nhiều tháng.

Người nông đân không biết chữ, không biết toán xác suất, nhưng họ biết sử dụng toán xác suất. Chỉ cần bốc một nắm thóc nhỏ giữa cả mẻ thóc lớn đang phơi trên sân, là biết toàn bộ thóc đã khô khén hay chưa.

- Quảng Cáo -

Nay, không phải một tướng, mà những 11 tướng cảnh sát biển của Bộ Quốc phòng tham nhũng phải kỷ luật, thì theo cách sử dụng phép toán xác suất của người nông dân, có thể đánh giá được tình trạng toàn bộ cán bộ của Bộ Quốc phòng.

  1. NHỮNG NỖI LO LỚN

Tổng thể hơn, cũng theo cách sử dụng phép toán xác suất của người nông dân, nhìn vào hàng ngũ cán bộ bị kỷ luật:

– 5 UV BCT

– hơn chục UVTƯ Đảng,

– hơn chục tướng lĩnh quân đội,

– hơn chục tướng lĩnh công an,

– hơn chục Bí thư và Phó bí thư tỉnh thành,

– hơn chục thứ trưởng,

– nhiều ngàn lãnh đạo cấp huyện, xã…

thì có thể đánh giá được toàn bộ hệ thống cán bộ của bộ máy quản trị quốc gia.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật mà các Đại hội Đảng không ngừng kêu gọi, thì phải thừa nhận rằng toàn bộ bộ khung của ngôi nhà quản trị quốc gia, đâu đâu cũng bị mối mọt. Tai hại hơn, là mối mọt ngày càng nhiều, mối mọt không thể chống đỡ, ngoài cách xây mới.

Thời sự VTV 19 h ngày 03/10/2021 đã có một bình luận khá dài về sự thái hoá của hàng ngũ cán bộ cao cấp với nỗi lo về Đảng và nỗi lo về sự tồn vong của chế độ.

Nhưng còn một nỗi lo khác, nỗi lo về sự an nguy của đất nước trước một kẻ thù mạnh đang ngày đêm không ngừng lấn chiếm biển đảo của Việt Nam.

Ngay trong ngày 24/9/2021, vào lúc TBT Nguyễn Phú Trọng và TBT Tập Cận Bình đang điện đàm với những lời chúc mừng, hứa hẹn thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị, thì ở Trường Sa TBT Tập Cận Bình làm ngược lại với những điều cam kết trong điện đàm với TBT Nguyễn Phú Trọng. Cụ thể

“Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định, phía Trung Quốc coi trọng cao độ quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống với Việt Nam; mong muốn và sẵn sàng cùng với Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam tiếp tục tăng cường quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội; nhất trí về việc tăng cường trao đổi cấp cao, đi sâu hợp tác thực chất trong các lĩnh vực, phối hợp tại các diễn đàn đa phương, xử lý thỏa đáng các vấn đề trên biển”.

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ về quản lý, bảo vệ biên giới, thực hiện nghiêm túc các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền giữa hai nước, xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển”

(https://moh.gov.vn/…/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-ien…).

Nhưng trên thực tế thì Trung Quốc điều máy bay vận tải Y-20 tới các đá Vành Khăn, Xu Bi, và Chữ Thập, xâm phạm quần đảo Trường Sa của Việt Nam (https://vtv.vn/…/viet-nam-phan-doi-may-bay-y-20-cua…).

Vẫn biết phải cắn răn làm lành với Trung Quốc, nhưng không thể dùng quan hệ hai Đảng làm vũ khí để chống lại sự xâm lược biển đảo từ Trung Quốc. Việt Nam đã kiên trì chiến lược này nhiều năm mà không thể ngăn được Trung Quốc từng bước xâm chiếm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Phải quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, nhưng phải bằng một chiến lược khác.

Nói đến nỗi lo lắng lớn là vì trước một Trung Quốc lấy sức mạnh quyết định biên giới trên biển, thì 11 tướng lĩnh tối cao của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam tham nhũng, nhận hối lộ, bị kỷ luật. Chỉ huy mà mục nát thì quân lính làm sao có thể tinh nhuệ? Tin cậy vào ai để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam?

Đó là những nỗi lo khác nhau.

  1. NHÌN THẲNG VÀO SỰ THÂT: KHÔNG THỂ ĐI THEO ĐƯỜNG CŨ

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi đương chức Thủ tướng nhiệm kỳ trước đã từng nói “Đi mãi đường cũ thì không thể phát triển” (https://www.baogiaothong.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-di…).

Hôm nay, 04/10/2021 tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII, TBT Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Nhìn thẳng vào sự thật, không bi quan, không tô hồng”

(https://vietnamnet.vn/…/tong-bi-thu-nhin-thang-vao-su…).

Nhìn thẳng vào sự thật thì tuyển chọn nhân sự không thể đi theo đường cũ. Nhân sự Đại hội XIII “làm kỹ” mà 2 UV BCT mới phải kiểm điểm, 1 UVTƯ bị khai trừ, hàng loạt tướng lĩnh bị kỷ luật. Đừng biện hộ bằng “chính trị là phải thế’.

Nhìn thẳng vào sự thật của hàng loạt cán bộ cấp cao và tướng lĩnh bị kỷ luật, nếu tuyển chọn nhân sự tiếp tục đi theo đường cũ thì số lượng cán bộ bị tha hoá sẽ không thuyên giảm, rất khó bảo vệ uy tín của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Nhưng trên tất cả là an ninh của Quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc./.

- Quảng Cáo -