Tấn Vinh – Thới Bình – (VNTB) – Xin hãy là Sài Gòn, thành phố hoa lệ chứ không phải là thành phố hoa cho một số ít người và lệ cho nhiều người khác.
***
Vì sao có những thảm cảnh ở Sài Gòn hoa lệ?
Chúng ta cứ nghe mãi giai cấp công nhân là giai cấp tiên phong, có sứ mệnh lịch sử là vai trò lãnh đạo cách mạng trong thời kỳ mới, là lực lượng quyết định diện mạo của chính trị thế kỷ XXI…
Thế nhưng TP.HCM đã lo cho giai cấp công nhân của mình như thế nào để hàng vạn công nhân trong các khu công nghiệp phải tháo chạy về quê? Đi bộ, bằng xe máy, bằng mọi phương tiện, thậm chí phải quỳ lạy cán bộ để được đi qua chốt. Bồng bế, dắt díu cả con nhỏ với chút tài sản ít ỏi trên ba lô, trong túi xách, đội mưa để về lại quê hương tìm chốn nương thân, dẫu biết quê nghèo cũng khó khăn và lầm than không kém.
Vì sao có những thảm cảnh đó? Sài Gòn hoa lệ đâu rồi?
Có lẽ vì họ đã quá thất vọng vào những lời hứa đẹp đẽ: “TP.HCM sẽ không bỏ ai lại phía sau, sẽ có an sinh xã hội cho công nhân, sẽ hỗ trợ tiền ăn tiền thuê trọ, sẽ có vaccine, sẽ…”, và nhiều tháng nay lời hứa của các cấp cứ trôi theo những cơn mưa mà gia đình công nhân cứ sống leo lắc, không tiền, không nhà ở, con cái nheo nhóc thì thà đi bộ, đèo đúm nhờ bá tánh dọc đường để về quê nương nhờ cha mẹ qua ngày.
TP.HCM và cả cấp cao nhất phải tìm mọi cách để vực dậy niềm tin của nhân dân lao động bằng các Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Công đoàn và các nguồn lực khác để hỗ trợ công nhân và gia đình họ. Phải giải quyết ngay và luôn để níu kéo những người còn ở lại và về lâu dài có chính sách thu hút người lao động quay về nhà máy xí nghiệp.
Không thể để số dư các quỹ bảo hiểm xã hội trên 728 ngàn tỉ đồng đang được đầu tư vào trái phiếu, cho vay gửi tại các ngân hàng thương mại trong khi công nhân đang khó khăn đói khổ.
Không thể để Quỹ Công đoàn tích luỹ đến 29 ngàn tỉ đồng đang cho vay hoặc đầu tư vào lĩnh vực khác, trong khi lực lượng công nhân mà mình đang đại diện lâm vào cảnh bần cùng.
Không giải quyết ngay và luôn đời sống công nhân và người lao động trong thời điểm này thì một hệ luỵ bi thảm cho nền kinh tế sẽ tới một khi các doanh nghiệp FDI chuyển doanh nghiệp ra khỏi Việt Nam dời sang nước khác, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam mất thị trường vì không có lực lượng lao động… Đó sẽ là một kịch bản tồi tệ cho nền kinh tế.
Hãy biến lời nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thành sự thật chứ không nói suông: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thật sự vì con người chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người” ở bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Khi nào thì dùng chuyên cơ bay thẳng vào tâm dịch đón 30 đồng bào về nước để chăm sóc? Khi nào thì bỏ bê hàng vạn công nhân vạ vật ở cửa ngõ Sài Gòn?
Xin hãy là Sài Gòn, thành phố hoa lệ chứ không phải là thành phố hoa cho một số ít người và lệ cho nhiều người khác.
Vì sao lại thế Sài Gòn ơi?
Câu trả lời ở đây đó là vì Việt Nam bắt chước Trung Quốc trong chuyện theo đuổi mục tiêu ‘zero Covid’, tức loại bỏ virus hoàn toàn khỏi đời sống. Điều này có nghĩa để không còn F0 cộng đồng, đòi hỏi phải tập trung những nguồn lực vô cùng lớn. Chiến lược này đồng thời chấp nhận hy sinh những lợi ích kinh tế, xã hội và dân sinh cũng to lớn không kém để dập dịch.
Tư duy này sẽ đúng với hai điều kiện. Thứ nhất, các ca nhiễm không nhiều và được phát hiện sớm, nhờ đó việc khoanh vùng hẹp, thời gian phong tỏa để dập dịch ngắn. Thứ hai, đất nước phải đóng cửa cách biệt với thế giới bên ngoài (vì hiện nay hầu hết các nước khác đều chấp nhận sống chung an toàn với Covid).
Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Sĩ Dũng, cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thì “Rất tiếc, trong đợt bùng phát thứ tư, với biến chủng Delta, Việt Nam không hội đủ bất kỳ điều kiện nào để thực hiện zero Covid”.
Ông Dũng cho rằng còn sống chung an toàn với Covid, đó là cách tư duy của việc hiểu đây là một hiện tượng tự nhiên, muốn hay không muốn nó đang hiện hữu trong đời sống. Vì vậy, phải chấp nhận Covid như một phần của đời sống, dù là phần không mong muốn.
“Mục tiêu của chúng ta là tìm mọi cách giảm thiểu tác hại của nó trên các mặt, bao gồm về sức khỏe, kinh tế, xã hội. Không thể chỉ tập trung giảm thiểu tác hại về sức khỏe.
Tôi cho rằng Chính phủ cần sớm làm rõ khuôn khổ của khái niệm chung sống an toàn với Covid. Trên cơ sở đó, cần ban hành khung cho mô hình bình thường mới bao gồm cả phòng chống dịch, mở cửa kinh tế và khôi phục mọi mặt đời sống xã hội.
Các địa phương chỉ được cụ thể hóa trong phạm vi khung chung mà Chính phủ đã ban hành. Mọi biện pháp hay sự ‘sáng tạo’ của các địa phương đều không được phép vượt ra khỏi bộ khung quy định chung đó” – ông Nguyễn Sĩ Dũng kiến nghị.
Đề xuất của cựu viên chức chính phủ Nguyễn Sĩ Dũng, còn là nhằm để giải quyết tình cảnh dỡ khóc, dỡ cười mà chính phủ Phạm Minh Chính đang lúng túng: gần 20 địa phương đã gửi phản hồi cho Cục Hàng không Việt Nam về kế hoạch mở lại đường bay nội địa. Trong đó, vẫn chỉ có 3 địa phương từ chối mở lại đường bay là Hà Nội, Hải Phòng và Gia Lai.
Các địa phương từ chối mở đường bay chỉ chiếm thiểu số, nhưng trong đó có Hà Nội, thủ đô của cả nước đồng thời là đầu mối huyết mạch của mạng bay nội địa.
Theo Luật Hàng không dân dụng, Hà Nội không có thẩm quyền đóng cửa cảng hàng không Nội Bài. Nhưng bằng những chính sách nhằm ngăn F0 xâm nhập, chính quyền thủ đô đang gián tiếp kéo dài chuỗi ngày ‘ế khách’ của sân bay lớn thứ 2 cả nước.
… Lại đang những ngày người ta nhớ nhạc Phạm Duy, nhân 100 năm ngày sinh của ông mà “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi… Nước ơi!”