Tham nhũng ở Việt Nam có phải do cơ chế?

Thứ Trưởng Bộ Y Tế Trương Quốc Cường bị truy tố liên quan vụ buôn bán thuốc trị ung thư giả tại Công ty VN Pharma. Ảnh: Đời Sống 365
- Quảng Cáo -

Hiếu Chân – Người Việt

Tham nhũng ở Việt Nam là “chuyện xưa như trái đất,” càng ngày càng có nhiều vụ tham nhũng gộc bị đưa ra ánh sáng đến mức người dân không còn cảm thấy ngạc nhiên nữa. Ấy thế nhưng Quốc Hội trong kỳ họp đang diễn ra lại bàn cãi sôi nổi chung quanh câu hỏi “các cán bộ y tế vừa bị bắt và khởi tố có phải do ‘thể chế’ hay không” và đòi “cần phải rút ra bài học và giải pháp từ vấn đề này”(!).

Sự việc bắt đầu khi Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) ngày 4 Tháng Mười Một thông báo kết luận kỷ luật về mặt đảng các tập thể, cá nhân tại Bộ Y Tế, trong đó có cả những người đang giữ trọng trách chống dịch. Thông báo này được đưa ra sau khi cơ quan điều tra Bộ Công An đã khởi tố ông Trương Quốc Cường, thứ trưởng Bộ Y Tế, để điều tra những sai phạm liên quan vụ án nhập thuốc giả của công ty VN Pharma thời ông là cục trưởng Cục Quản Lý Dược. Vài ngày sau, Bộ Công An tiếp tục truy tố và bắt giam một số lãnh đạo các bệnh viện có hành vi nâng khống giá thiết bị và vật liệu y tế để trục lợi cá nhân.

Cùng bị kỷ luật với ông Cường còn có nhiều cá nhân là lãnh đạo ngành y tế, gồm cựu Bộ Trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ba Thứ Trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trương Quốc Cường, Cao Minh Quang, nhiều cục trưởng, vụ trưởng, nhiều lãnh đạo các bệnh viện công như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Tim, bệnh viện thành phố Thủ Đức… Và, theo kết luận này của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương, ủy ban sẽ tiếp tục xem xét những đối tượng có liên quan đến “vụ kỷ luật mang tính hệ thống ngành y tế” nêu trên. Danh sách các “quan tham y tế,” hành vi và tội danh của họ đã được báo chí trong nước miêu tả cụ thể.

- Quảng Cáo -

Đặc biệt gây xôn xao dư luận là việc bắt giam và khởi tố Bác Sĩ Nguyễn Quang Tuấn, bí thư Đảng Ủy, giám đốc bệnh viện Bạch Mai, cựu giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội, bị bắt ngày 21 Tháng Mười; và Bác Sĩ Nguyễn Minh Quân, giám đốc bệnh viện thành phố Thủ Đức, bị bắt và khởi tố ngày 8 Tháng Mười Một.

Ông Quân và ông Tuấn đều vi phạm cùng một hành vi “nâng giá vật tư, hóa chất, thiết bị y tế” gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước. Nhiều người băn khoăn vì ông Tuấn, ông Quân – và trước đó là ông Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc Trung Tâm Kiểm Soát Dịch Bệnh CDC Hà Nội, bị bắt năm ngoái và bị kết án 10 năm tù giam cũng do hành vi trên – được cho là “những cá nhân xuất sắc trong ngành y, từng tạo nên những hiện tượng trong ngành.”

Từ hiện tượng hàng loạt quan chức y tế bị xộ khám, có nhiều người đổ lỗi cho cái gọi là “thể chế y tế,” đưa những bác sĩ có trình độ cao, tay nghề giỏi lên giữ các chức vụ về quản trị như giám đốc bệnh viện, làm những công việc mà họ không được đào tạo để làm, không có kinh nghiệm và do vậy họ dễ phạm “sai lầm khuyết điểm,” lâm vào con đường tù tội và làm đất nước mất đi “những tài năng” quý giá! Có thật như vậy không?

Trước tiên, không ai có thể bị ép làm lãnh đạo, làm giám đốc nếu bản thân họ không muốn. Trong hoàn cảnh Việt Nam, bệnh tôn sùng chức tước và coi khinh trí thức, cũng như máu làm quan đã ăn sâu vào lý tưởng sống “trị quốc, bình thiên hạ” kiểu Khổng Giáo thì việc một số bác sĩ giỏi trở thành lãnh đạo bệnh viện không phải là chuyện lạ. Ở các lĩnh vực khác cũng vậy, giáo sư giỏi thì cố “phấn đấu” lên làm hiệu trưởng; nhà báo có chút tên tuổi thì cố ngoi lên làm tổng biên tập… hầu như không ai an phận với công việc chuyên môn luôn bị coi là tầm thường, quyền rơm vạ đá…

Có thể nói ngay rằng, để ngồi vào vị trí lãnh đạo trong tình hình “ghế ít đít nhiều,” chính các “bác sĩ giỏi” và “những tài năng” này đã phải tốn nhiều công sức, tiền của chạy chọt đủ các cửa, từ chạy để vào đảng CSVN khi còn trẻ cho đến chạy vào ghế lãnh đạo khi đã có tiền bạc rủng rẻng và quan hệ rộng rãi với cấp trên. Rồi khi đã yên vị ở chức vụ lãnh đạo, hầu như ai cũng tận dụng quyền lực của chức vụ để tham nhũng, “thu hồi vốn,” vun quén cho cá nhân và gia đình bằng mọi cách thức thủ đoạn. Đổ lỗi cho cái gọi là “thể chế y tế” chỉ là một cách ngụy biện.

Nhưng khẳng định những vụ án vi phạm pháp luật ở Bộ Y Tế “không phải do cơ chế” như ý kiến của ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An, trong phiên thảo luận chiều ngày 10 Tháng Mười Một, cũng không thuyết phục được ai. Tô Lâm là người mới đây đã nổi tai tiếng toàn thế giới trong vụ ăn miếng thịt bò dát vàng có giá hàng ngàn đô la trong nhà hàng của Salt Bae tại London, Anh, và video “đớp” của ông ta gây chấn động mạng xã hội.

Để có được lối sống vương giả như vậy, chắc chắn Tô Lâm phải là một ông trùm tham nhũng mà các hành vi phạm luật của các quan chức y tế nêu trên có thể chẳng thấm vào đâu so với ông ta. Ấy vậy mà tại diễn đàn Quốc Hội, ông Tô Lâm vẫn lớn tiếng: “Các vụ việc vừa qua đều có tình trạng lợi dụng tình hình khó khăn, lách luật để vi phạm… Trước khi xử lý hình sự, với cơ quan điều tra, chúng tôi đều có yêu cầu cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, chứng minh yếu tố tư lợi, tham ô, tham nhũng.”

Ô hay, lợi dụng “tình hình khó khăn, lách luật để vi phạm” thì ở đâu chẳng có, vì lòng tham là một thuộc tính căn bản của tâm lý con người, chỉ khi nào con người tu luyện thành bồ tát, thành Phật, “diệt dục” hoàn toàn mới may ra từ bỏ được lòng tham. Chính vì thế, xã hội loài người đã mất hàng ngàn năm tiến hóa để xây dựng một thể chế chính trị kiềm chế những tác hại của lòng tham, khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh. Trong nhà nước pháp quyền, pháp luật cũng thường xuyên được ban hành, được cập nhật để lấp các khe hở, loại bỏ dần các thủ đoạn lạm dụng quyền lực, lợi dụng tình hình để tư lợi.

Ở Việt Nam, từ khi Cộng Sản cầm quyền, quyền lực và tài sản quốc gia bị tập trung vào tay một nhóm người ngự trị trên chóp bu của đảng CSVN và lòng tham từ đó tác oai tác quái không được kiểm soát, không được kiềm chế khiến cho không chỉ ngành y tế mà toàn xã hội bị đẩy vào một vực thẳm tha hóa, biến chất, trở nên gian trá, điếm xảo, xa rời truyền thống nhân văn của dân tộc.

Trong thể chế Cộng Sản, các chức vụ lãnh đạo không do người dân bầu lên mà do đảng CSVN chỉ định, người hành xử quyền lực không phải chịu trách nhiệm giải trình với cử tri mà chỉ thuận theo ý thích của cấp trên; Quốc Hội về hình thức có bầu bán hẳn hoi nhưng chỉ là con rối do đảng giật dây điều khiển; báo chí truyền thông nằm trong tay đảng và cả ngành tư pháp với tòa án các cấp cũng phải hành xử theo chỉ thị của các đảng ủy. Trong cái thể chế đó không có chỗ đứng cho những người trung thực và tài giỏi.

Trở lại vụ án ngành y tế, các Bác Sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Minh Quân và Nguyễn Nhật Cảm nói trên có thể là những người giỏi trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Nhưng một khi đã thỏa hiệp với chế độ toàn trị, gác công việc của một bác sĩ để làm một quan chức lãnh đạo trong guồng máy Cộng Sản thì họ đã tự nguyện bị “tha hóa,” bị biến thành những tên tội phạm tiềm năng, sớm hay muộn hành vi tham nhũng của họ cũng sẽ bị lột trần trước công chúng. Bây giờ họ phải trả giá bằng những năm tháng tù ngục và đó là điều hợp lý.

Những ý kiến kiểu như của bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc Hội đơn vị Sài Gòn: “Bản thân tôi là người trong ngành y tế, tôi rất đau lòng và chính người dân sẽ phải trả giá về việc đó;” hay của ông Nguyễn Công Long (Đồng Nai): “Không có gì đau xót hơn khi pháp luật phải xử lý những người được gọi là tinh hoa của đất nước” nghe rất chói tai! Hãy dành nỗi đau xót đó cho những bệnh nhân, gia đình bệnh nhân đã vướng căn bệnh hiểm nghèo, đã ở trên lằn ranh sinh tử mà còn phải điều trị bằng dược phẩm giả, phải tán gia bại sản vì lòng tham vô đáy của các quan chức y tế của chế độ.

Nếu cần rút ra bài học từ “cơn ác mộng” của Bộ Y Tế, thì bài học lớn nhất là cần nhanh chóng giải thể chế độ Cộng Sản độc tài toàn trị để từ đó làm tiệt nọc nạn tham nhũng đã thâm căn cố đế trong xã hội Việt Nam.

Đừng ngây thơ tin vào cái gọi là “đốt lò” của ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng. Công cuộc chống tham nhũng trong một chế độ độc đảng độc tài chỉ là một từ ngữ hoa mỹ để che giấu các vụ đấu đá và thanh trừng nội bộ vì tranh giành quyền lực; phe nào “nghịch” thì bị điều tra, bắt bớ, giam cầm, phe nào “thuận” thì cứ tiếp tục ăn trên ngồi trốc, tiếp tục vơ vét; chẳng may có bị lộ ra ngoài thì cũng chỉ giơ cao đánh khẽ như vụ án tay trùm tình báo Nguyễn Duy Linh ăn hối lộ của ông Phan Văn Anh Vũ mới vừa kết thúc xét xử sơ thẩm.

Cũng đừng quá tin vào những thông tin “chống tham nhũng tiêu cực” của truyền thông trong nước bởi vì báo chí do đảng CSVN kiểm soát chỉ được đăng những gì mà đảng cho phép, phục vụ cho các mục tiêu tuyên truyền của đảng từng thời điểm, không có báo chí độc lập làm công việc giám sát của người dân.

Chỉ khi nào quyền lực được kiểm soát bằng thể chế dân chủ, cử tri được chọn người đại diện cho mình trong guồng máy quản trị đất nước thông qua bầu cử tự do và công bằng; bằng chế độ tam quyền phân lập, trong đó các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp kiểm soát lẫn nhau để ngăn chặn việc lạm dụng quyền lực; bằng báo chí tự do và có các đảng đối lập chính trị đấu tranh trong nghị trường để ngăn chặn việc một đảng tự đặt mình lên trên luật pháp thì khi đó tệ nạn tham nhũng mới có thể thuyên giảm và bị loại trừ.

Dù sao, vài khối ung nhọt trong ngành y tế – một ngành nghề được xã hội Việt Nam coi trọng – bị bục ra cũng là một cơ hội để người dân nhìn thấy rõ hơn bản chất thối nát tận cùng của một thể chế chính trị đã mục ruỗng và gây bao thảm họa cho đất nước!

- Quảng Cáo -