Bóng ma lạm phát

- Quảng Cáo -

Hàn Lam (VNTB)

Bóng ma lạm phát đã lảng vảng khi nền kinh tế tài chính – tức bất động sản và chứng khoán – trở nên sôi động đến tận các địa phương…

Đồng tiền Việt Nam sẽ mất giá

Con số gần 350 ngàn tỉ đồng cho gói hỗ trợ nền kinh tế Quốc hội vừa thông qua ở kỳ họp bất thường tuần rồi, so với con số cách đây 3 tháng Bộ Tài chính dự toán – gần 800 ngàn tỉ đồng – phản ánh phần nào thực trạng bức tranh tài chính và kinh tế năm 2022 và các năm tiếp theo.

- Quảng Cáo -

350 ngàn tỉ đồng này được chia thành hai phần. Phần của chính sách tài khóa – nôm na là điều chỉnh giảm thuế, các khoản phí và tăng chi đầu tư công – là 290 ngàn tỉ đồng.

Theo lý thuyết kinh tế công, đây là trạng huống của chính sách tài khóa mở rộng, tức Nhà nước chấp nhận chi nhiều hơn thu để thúc đẩy tăng trưởng, và đương nhiên chấp nhận một cái giá phải trả là đồng tiền mất giá và tình trạng lạm phát cao hơn mức thông thường.

Cơ quan thống kê quốc gia cho biết, giá xăng dầu, giá gas trong tháng 12-2021 giảm theo giá nhiên liệu thế giới; dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước; học phí học kỳ I năm học 2021-2022 tiếp tục được miễn, giảm tại một số địa phương là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2021 giảm 0,18% so với tháng trước và tăng 1,81% so với tháng 12-2020. Bình quân năm 2021, CPI tăng 1,84% so với năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 12 tháng tăng 0,81%.

Lạm phát tăng cao khi kiểm soát được dịch giã

Bước sang năm 2022, áp lực lạm phát được đánh giá là rất lớn. Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát trong năm 2022, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng lên; lạm phát sẽ chịu tác động của vấn đề tăng giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới như xăng dầu, than và giá cước vận chuyển. Việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát.

Bên cạnh đó, giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng sẽ tác động vào giá thực phẩm. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở được tính trong CPI cũng sẽ tăng theo giá nguyên liệu dùng trong xây dựng.

Giá dịch vụ giáo dục tăng trở lại do một số địa phương kết thúc thời gian được miễn, giảm học phí năm học 2021-2022 và ảnh hưởng của việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ giáo dục trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Ngoài ra, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí tăng trở lại cũng tác động không nhỏ tới CPI chung.

Bóng ma đang lảng vảng rồi…

Do Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới nên khả năng nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào rất lớn.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, lạm phát năm 2021 ở Việt Nam có yếu tố liên quan đến nhập khẩu lạm phát, thậm chí có thể được chuyển sang năm 2022.

Lạm phát năm 2021 cũng không phải là lạm phát tiền tệ do chính sách lãi suất, chính sách tỉ giá hối đoái và chính sách tín dụng vì cung tiền vẫn được kiểm soát. Lạm phát cơ cấu, lĩnh vực cá biệt có dấu hiệu xuất hiện và sẽ tác động tới lạm phát năm 2022 khi CPI năm 2021 tăng thấp, song giá tài sản như chứng khoán, vàng và bất động sản lại tăng cao.

Bên cạnh đó, lạm phát tâm lý đã xuất hiện từ cuối năm 2021 rất có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 dưới 4% nhất là khi tổng cầu tiêu dùng phục hồi kéo CPI đi lên.

Nếu như những tính toán ở trên là chỉ là dự báo, thì bóng ma lạm phát đã lảng vảng khi nền kinh tế tài chính – tức bất động sản và chứng khoán – trở nên sôi động đến tận các địa phương…./.

- Quảng Cáo -