Chợ Tết của nhà nghèo

- Quảng Cáo -

Long Đức (VNTB)

Người ta vẫn hay gọi buổi chợ cuối cùng của tháng Chạp là ‘chợ nhà nghèo’…

Trước thềm xuân, từ nhiều năm qua thường có những chương trình mua sắm Tết thiện nguyện, mang đến các phần quà cho bà còn nghèo khó ăn Tết, như các phiên chợ 0 đồng, phiên chợ Tết cho công nhân…

Mỗi độ từ 1-2 tuần nữa là Tết đến, không khí mua đồ sắm sửa cho ngày xuân lại trở nên nhộn nhịp. Các mặt hàng còn tồn đến ngày cuối cùng của tháng Chạp thì giá đã rẻ hơn mấy ngày trước nhiều lắm rồi, nên không ít người cám cảnh nghĩ rằng buổi chợ này đích thị thích hợp cho những túi tiền ở gia đình khốn khó.

- Quảng Cáo -

Điều này không hẳn là sai, khi mà với người nghèo làm lụng suốt cả năm để lo toan các chi phí sinh hoạt, con cái, nhà cửa… bằng nguồn thu nhập ít ỏi thì cũng khiến họ khó mà dư dả nhiều. Chưa kể với một số trường hợp những người xa quê, họ thường dành một ít tiền được trích ra từ tiền lương để gửi về quê nhà cho ông bà, cha mẹ. Vậy nên lượng tiền còn lại để dùng trong dịp Tết của họ đã bị cắt giảm đi khá nhiều.

Với người nghèo khó thì việc mua sắm ngày xuân để dùng trong dịp Tết hay cúng ông bà thì cũng cần suy đi tính lại cho hạn chế, tiết kiệm trong khả năng có thể. Không phải họ ki bo từng đồng từng cắc, mà là bởi đồng tiền có giới hạn. Chính vì vậy, khác với các trường hợp có đủ điều kiện kinh tế đã chọn lựa cho mình những món hàng tươi đẹp từ sớm, người nghèo khó thường chọn đến ngày sát đón giao thừa sẽ đi mua các vật phẩm.

Đây là thời điểm giá cả có thể phù hợp với túi tiền của nhiều người lao động nghèo. Một chậu bông, một trái dưa hấu hay một đòn bánh tét sẽ không còn giữ giá cao như những ngày đầu dọn hàng bán Tết.

Một phần với một số người nghèo sinh sống tại các xóm trọ cũng quan niệm rằng mâm cơm cúng ông bà chủ yếu là tấm lòng, không quá quan trọng vẻ thịnh soạn. Vì vậy, mặc dù món hàng mua được từ ngày cuối cùng của tháng Chạp có phần kém sắc, nhưng với lòng thành, toàn tâm toàn ý bày biện cúng kiến trong khả năng thì chẳng ông bà nào lại so đo trách cứ con cháu có lòng.

Giờ thì sắp qua theo đúng nghĩa thời gian của 3 ngày Tết, thế nhưng đọng lại trong tôi vẫn là bồi hồi của buổi chợ chiều 29 Tết ở cách đây vài hôm thôi.

Buổi chợ 29 Tết, vẫn những gương mặt vội vã, tranh thủ bán mớ rau, mớ hành ngò lứa cuối để còn về nhà sửa soạn mâm cơm rước ông bà gia tiên về ăn Tết cùng con cháu, giọng các bác, các dì không ngừng mời gọi: “Con ơi mua gì không? Rau tươi xanh không một xíu thuốc, mua giùm dì…”.

Tối hôm mồng 2 Tết, đứa bạn qua nhà chơi, nó kể hôm đi chợ 29 Tết vừa rồi thấy lạ ở chỗ là ít ai trả giá. Bà chị của nó giải thích rằng người quê mình cứ nhắc nhau năm Covid mà, mấy đứa nhỏ được bình an về quê ăn Tết là mừng lắm rồi, tưởng rằng năm nay còn không có Tết nữa kìa. Giá nhiều món dẫu có cao hơn các năm, nhưng dù nhà có nghèo khó đến đâu, vẫn không ngại ngần chi. Bởi với nhiều gia đình thì được người thân trở về nhà sau một năm Covid-19 đầy bất an, là niềm hạnh phúc lớn nhất rồi còn gì…

Đứa bạn còn khoe là hôm 29 Tết, bà chị rủ nó đi chợ để phụ xách giỏ, đến sạp nào chị nó cũng bổ bã “thằng em tôi ở Sài Gòn nè, nó được về quê ăn Tết rồi đó…”. Phiên chợ 29 Tết vừa qua, vì lẽ đó nên dù có hối hả, có vội vội vàng vàng cho kịp giờ về cúng mâm cơm cuối năm, vẫn không thiếu được nụ cười chân chất của cả người bán lẫn người mua, kèm theo đó là câu nói như ra mắt con em mình với nhau nhưng thực chất là để khoe niềm hạnh phúc khi con em đã trở về sau tháng ngày dịch giã, đối mặt phân ly…

Chợ ngày 29 Tết, có lẽ với nhiều gia đình, đó là buổi chợ của đoàn viên./.

- Quảng Cáo -