Đình công và mạng xã hội

- Quảng Cáo -

nguyenvubinh’s blog

Trong thời gian ngắn vừa qua, trước và sau Tết Nguyên đán, ở Việt Nam đã xảy ra 28 cuộc đình công của công nhân, mà báo chí và quan chức cộng sản gọi tránh đi là “ngừng việc tập thể”. Điển hình là vụ việc 5000 công nhân công ty Việt Glory ở Nghệ An hôm 7/2 vừa qua đình công đòi tăng lương cơ bản và các khoản trợ cấp. Đến ngày 14/2, các công nhân đình công đã đạt được mục đích, công ty Việt Glory đã đồng ý tăng 6% mức lương cơ bản, bổ sung tiền thâm niên, tăng một số khoản phụ cấp khác như tiền xăng xe, tiền ăn và phụ cấp con nhỏ…

Về nguyên nhân cơ bản của hầu như tất cả các cuộc đình công, đó chính là vấn đề thu nhập của người công nhân, quá thấp không đủ tái tạo sức lao động. Nguồn gốc của thu nhập thấp, chính là mức lương tối thiểu, mức lương cơ bản của Việt Nam quá thấp, mà nhà nước Việt Nam dùng làm lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, vấn đề đình công của công nhân vẫn sẽ là vấn đề thường trực của người công nhân trong toàn bộ quá trình lao động của mình. Việc đình công của công nhân từ trước tới nay luôn gặp trở ngại, ngoài lãnh đạo các công ty muốn giữ nguyên mức thù lao và các điều kiện đãi ngộ công nhân, còn là công đoàn các công ty và hệ thống chính trị luôn đứng về phía giới chủ đàn áp công nhân. Mặc dù vậy, người công nhân vẫn luôn đấu tranh cho những quyền lợi chính đáng của mình. Trong thời gian gần đây, các cuộc đấu tranh của công nhân đã có thêm một yếu tố hỗ trợ quan trọng, đó là các hệ thống mạng xã hội, như facebooks và zalo…

Sự hỗ trợ của các mạng xã hội đối với người công nhân là rất nhiều vấn đề, những vấn đề rất quan trọng và cần thiết. Nhưng tựu trung lại, có ba vấn đề mà mạng xã hội đem lại cho người công nhân, từ đó người công nhân có thể tự tin đứng lên đòi hỏi những quyền lợi chính đáng của mình.

- Quảng Cáo -

Trước hết, đó là sự hỗ trợ về tinh thần. Thông qua mạng xã hội, người công nhân thấy được những tấm gương đấu tranh trong rất nhiều lĩnh vực. Đó là những người đấu tranh cho tự do, dân chủ, đó là những người đấu tranh cho môi trường… và quan trọng nhất, những người đấu tranh cho quyền lợi của bản thân, gia đình và làng xóm của họ như  là những người dân oan mất đất. Đã có rất nhiều dân oan đấu tranh nổi tiếng như những người dân oan Dương Nội, Đồng Tâm, Thủ Thiêm,… Mặt khác, cuộc đấu tranh của những người công nhân khi được công khai trên các trang mạng xã hội, đều được cộng đồng mạng và người dân ủng hộ. Có nhiều nơi còn được kết nối với người dân để hỗ trợ, giúp đỡ người công nhân đấu tranh gặp hoạn nạn…

Thứ hai, hỗ trợ về kiến thức và kinh nghiệm. Cộng đồng mạng là nơi có rất nhiều người có trình độ, có kinh nghiệm thực hiện việc phân tích, bình luận chủ trương, đường lối chính sách của đảng và nhà nước, phân tích những điều dối trá, bịp bợm trong các đường lối chính sách. Họ luôn lên tiếng cảnh báo trước các vấn đề mà nhà cầm quyền thực hiện đi ngược lại với những điều tuyên truyền. Các kiến thức vừa lý luận, vừa thực tế từ cái chung cho đến việc riêng đều được phân tích, bình luận, trao đổi. Kinh nghiệm cho việc đấu tranh đủ các loại hình, hình thái và lĩnh vực được chia sẻ hàng ngày, hàng giờ. Tóm lại, mạng xã hội là một kho kiến thức và kinh nghiệm cho rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là việc đấu tranh cho quyền lợi con người nói chung, và cộng đồng, cuối cùng là xã hội. Người công nhân sẽ rút tỉa được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm từ cộng đồng mạng hiện nay.

     Thứ ba, mạng xã hội là diễn đàn trao đổi và phương tiện liên lạc cho việc đấu tranh của người công nhân. Có thể nói, đây là vai trò quan trọng bậc nhất của mạng xã hội đối với việc đấu tranh, đình công của công nhân. Hiện nay, các mạng xã hội đều có thể hình thành các nhóm, các diễn đàn để trao đổi các vấn đề. Nếu người công nhân tận dụng được ưu thế này, họ sẽ ngày càng có nhiều kiến thức, kinh nghiệm và sự tự tin khi đòi hỏi các quyền lợi chính đáng, đối đầu với bạo quyền. Khi cần thông báo, liên lạc với các cá nhân khác, hoặc thậm chí một nhóm người, mạng xã hội cũng thực hiện một cách vô cùng nhanh chóng và hoàn hảo. Tính lan tỏa của mạng xã hội cũng là một lợi thế lớn cho các cuộc đấu tranh, đình công.

Với việc người công nhân hiện nay hầu như ai cũng có điện thoại thông minh, hi vọng việc tận dụng lợi thế của mạng xã hội cho công cuộc đấu tranh đòi hỏi quyền lợi chính đáng của người công nhân sẽ ngày càng hiệu quả. Việc cần thiết nhất hiện nay, người công nhân cần tự lập ra các nghiệp đoàn cơ sở ở công ty, nhà máy của mình, điều mà nhà cầm quyền Việt Nam đã phải đồng ý cho phép người công nhân thực hiện, trước sức ép quốc tế. Khi đã có các nghiệp đoàn độc lập của mình, việc đòi hỏi quyền lợi của công nhân sẽ hiệu quả hơn rất nhiều lần hiện nay./.

N.V.B

- Quảng Cáo -