Cú nhảy lầu của một nô lệ

Nhẩy lầu tự tử
- Quảng Cáo -
Một cậu bé tuổi vị thành niên, vừa nhảy lầu tự tử từ tầng 28 một chung cư, tại Hà Nội – vào hôm 01 tháng Tư năm 2022 – ngay trước mặt người cha, gây nỗi thảng thốt bàng hoàng cho dư luận. Trước khi nhảy lầu, cậu đã để lại cho cha mình những dòng chữ chất chứa nỗi niềm u uất, nó như là nguyên nhân, khiến cậu bé chọn cho mình cách giải thoát mọi phiền lụy, đang bủa vây cuộc đời non nớt! Người cha đọc xong những dòng chữ đó – vội nhìn ra balcony – trong sự bất lực và chết điếng, trước tích tắc gieo mình qua lan can của cậu bé!
Đã từ lâu lắm rồi, vô số bài phân tích chỉ ra nguyên nhân – hậu quả hình thành nhân cách và phẩm giá cho trẻ em Việt Nam, từ nền văn hóa – giáo dục của nhà cầm quyền CSVN. Gần như, suốt hơn 25 năm qua, tính từ thời điểm Việt Nam dần dần hòa nhập với thế giới trên mọi lãnh vực nhưng mọi cải cách gọi là “giáo dục” của nhà cầm quyền CSVN gần như không có gì tiến triển, theo chiều hướng “giải phóng” cho trẻ em Việt Nam, trước áp lực gia đình và xã hội, cũng như trước ngưỡng cửa tâm lý – sinh lý đang hình thành, theo chiều hướng chông chênh và nghiêng ngả của nền giáo dục định hướng XHCN (!). Chưa dám lạm bàn về những hậu quả xung quanh của việc chủng ngừa đang gây nhiều hoài nghi, bất an cho rất nhiều phụ huynh có trẻ đã tiêm phòng.
Dư luận rất đông vừa đau lòng vừa phẫn nộ, trách cứ cha mẹ cậu bé đã đặt lên vai, đã gieo trong não cậu học trò tội nghiệp đó những gì mà đến nỗi, chàng trai mới 16 tuổi đầu, đành chọn cách quyên sinh?!
Các trang báo trong nước cho biết thêm, cậu bé học tại một trường chuyên nổi tiếng nhứt nhì tại Hà Nội, như là chuẩn mực của “con ngoan – trò giỏi” thời nay (!).
Không rõ từ bao giờ, chỉ biết là lâu lắm rồi, khi nhắc đến danh giá của một học trò, người ta hay nói về những ngôi trường: Amsterdam, Lê Hồng Phong, Phổ Thông Năng Khiếu v.v… nơi vốn có vẻ tạo ra những con gà chọi trong các kỳ thi cấp quốc gia và quốc tế, hơn là đào tạo những “công dân tương lai”. Thậm chí, những công dân tương lai đó được dựa trên những nền tảng nào, cũng tỏ ra rất mơ hồ và khó hiểu theo chiều sâu hun hút từ tòa chung cư cao cấp – hiện đại và cao chót vót, nơi cậu bé đã nhảy xuống (!).
Cho đến nay, nhà cầm quyền CSVN với Ban Tuyên giáo và Bộ Giáo dục – Đào tạo – nơi nắm gần như trọn vẹn phần hồn của giới sinh viên – học sinh, góp cùng Đoàn Thanh niên CSVN và Đội TNTP, vốn có mạng lưới hoạt động chi chít và chằng chịt, trong tất cả các ngôi trường nhưng những “trò giỏi – con ngoan” gần như chỉ được nhìn thấy những thành đạt của họ, chủ yếu đến từ đấng sinh thành với nỗi hân hoan, khi con mình đoạt giải cấp thành phố (tỉnh), cấp quốc gia cho chí quốc tế. Thấp thoáng trong những khuôn mặt rạng ngời với thành công, nếu quan sát một chút, dễ nhận ra, bọn trẻ thiếu hẳn sự trong sáng – ngây thơ của lứa tuổi, lẽ ra cần lắm, để tạo một “HỒN NGƯỜI”. Thay vào đó, sự rạng rỡ của một tinh thần chỉ biết “chiến thắng” mang đầy chất ngạo nghễ, như những trận đá banh “dù thua vẫn ngẩng cao đầu” (!) Nó mang dáng dấp của sự kiêu mạn không cần thiết, cho những mầm non nên được sống tự nhiên – hiền hòa như cây như cỏ, chứ không phải là những vòng nguyệt quế, dù hào nhoáng nhưng đầy chất hãnh hão, pha trộn sự lòe loẹt đội lên đầu trong phút đăng quang, vốn chỉ dành cho quảng bá thương hiệu, hơn là vinh danh thật sự lại giản dị, đối với một học trò xuất sắc.
Nền giáo dục XHCN vốn chưa bao giờ có 2 yếu tố căn bản nhứt và quan trọng nhứt mà lẽ ra Ban Tuyên giáo cùng Bộ Giáo dục – Đào tạo nên xác định và nhìn nhận từ lâu: Triết Lý Giáo Dục và Cứu Cánh Giáo Dục là gì [1]. Hai yếu tố này như là những “nguyên liệu chính” để cho “ra lò” những “sản phẩm” gọi là học sinh.
Dư luận đa số lại có xu hướng “con dại cái mang”, “rạng danh dòng tộc” v.v… khi đứa trẻ nên-hư-tốt-xấu, đều trút gần hết trách nhiệm cho gia đình. Cha mẹ đứa học trò – chính họ – lại tự nguyện mang vác những áp lực ghê gớm không kém, từ “dòng tộc” cho đến “làng nước – láng giềng”. Để làm gì? Vâng! Tự họ buộc phải chứng minh “gia đình chất lượng cao” theo cái cách phủ đầy hang cùng ngõ hẻm các khẩu hiệu, các bằng khen mang tên “gia đình văn hóa” đầy sáo rỗng nhưng rộng khắp dải đất tội nghiệp này – Một thứ hàng mã không hơn không kém! Cũng chính từ những bậc phụ huynh đó, họ không thể làm nên những “vinh quang chói lọi” khi còn trẻ với đủ lý do “tại-bị-bởi vì”, để giờ đây trút gánh nặng lên cho con mình. Trong vô thức hay trong tiềm thức, nó hóa thành khao khát cháy bỏng thuở còn xanh tóc mà mình không làm được, để buộc con mình làm thay. Và khắc nghiệt nhứt, phải làm cho thật giỏi mà thời trẻ, đấng sinh thành ra chúng không tài nào làm cho ra hồn!
Các bậc phụ huynh, nhìn chung với tâm lý phổ biến, luôn muốn con mình giỏi hơn con người ta. Vô hình chung, nó đã tạo áp lực cho trẻ và hình thành tính bon chen, vượt lên trước theo kiểu “dẫn đầu”, đầy kiêu hãnh của một vị thống soái, với khẩu hiệu rất kiêu căng “không để ai bị bỏ lại phía sau”, kéo dài từ thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc [2] cho đến đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính [3], thay vì nói với trẻ về “bổn phận” và “trách nhiệm” ngay từ chính cuộc sống của chúng với công việc tự chăm sóc bản thân hàng ngày – những điều nghiễm nhiên và giản dị – gần như vắng bóng trong đời sống thực tại. Thế cho nên, việc “đổ thừa”, “đổ lỗi” xảy ra rộng khắp trong xã hội, trên mọi lãnh vực, không chỉ riêng môi trường học đường, với bằng hữu của những đứa học trò tội nghiệp, vốn phải luôn luôn vâng lời như là “khuôn vàng thước ngọc”, trở thành căn cứ cho mọi hành vi, mọi phát ngôn cho đến mọi suy nghĩ! Cậu trai tuổi vị thành niên trước khi nhảy lầu, há chẳng phải để lại những dòng chữ cũng phải “đổ thừa” nốt cho cha mẹ mình đấy sao?! Làm sao trách cậu bé, khi việc “đổ trách nhiệm” lan rộng và ăn sâu trong toàn xã hội ngày nay! Nó xuất phát từ đâu? Hãy nhìn gần hết những quan chức tai to mặt lớn, đứng trước vành móng ngựa – đó là địa chỉ “đáng tin cậy” cho câu trả lời.
Tự do tư tưởng bị bóp chết, khiến ngay cả thầy cô cũng loay hoay với việc làm cho các giáo án, bài giảng trở thành lối mòn khô cứng, chai lì và lạc hậu suốt hàng chục năm qua.
Song song đó, nền giáo dục NHỒI SỌ dạy con cái kính trọng cha mẹ theo cách, khiến đứa trẻ trở thành một NÔ LỆ (cha mẹ nói gì nghe nấy, biểu gì làm đó, cha mẹ làm bậy (tham nhũng, trộm cướp, đánh nhau, say xỉn, lừa đảo, giết người v.v…) thì làm thinh, thậm chí còn tiếp tay cha mẹ). Hiện trạng xã hội suốt gần nửa thế kỷ qua, cho thấy rõ người dân, từ già đến trẻ, đều trở thành NÔ LỆ, thông qua hình ảnh cha – mẹ như một MÓN NỢ TRUYỀN KIẾP, không bao giờ đứa con trả nổi. Cả xã hội là một bầy nô lệ. Người người nô lệ. Nhà nhà nô lệ. Cả dân tộc là nô lệ chính từ đó – từ cái nền giáo dục NHỒI SỌ mà ra!
Cú nhảy lầu với độ cao hơn trăm thước của cậu học trò tội nghiệp, để kết thúc MÓN NỢ TRUYỀN KIẾP với thân phận một nô lệ. Đau đớn nhứt! Chàng nô lệ thiếu niên đó không hề đi vay. Đó là tấn thảm kịch đẫm máu và mờ mắt, không chỉ cho các bậc phụ huynh – những con người cũng tội nghiệp nốt, khi họ cũng là những NÔ LỆ, ngay trước những mũi kim tiêm chủng đầy nghi hoặc về hiệu quả và hậu quả của chúng.
Nô lệ mãi mãi chỉ là nô lệ. Con cái của nô lệ cũng là nô lệ. Đã là nô lệ, tất chỉ biết vâng lịnh chủ nhân. Đã là nô lệ, ắt không cần hiểu nhân cách hay phẩm giá. Đã là nô lệ, hẳn chỉ để số phận trôi theo dòng đời. Chàng nô lệ nhỏ bé và đoản mệnh kia đã hết… nợ!
Bầu trời u hoài, nhuốm đầy nét xanh xao, vàng võ của một con bịnh trầm kha…
___________________
[1] https://www.rfavietnam.com/node/6793 (tham khảo Triết Lý Giáo Dục là gì và Cứu Cánh Giáo Dục là gì)
- Quảng Cáo -