Liệu trái phiếu doanh nghiệp có là phiên bản mới của sở hữu chéo gây nợ xấu?

- Quảng Cáo -

Nguyen Khan

Đầu thập kỷ trước nền kinh tế Việt Nam rúng động vì đại họa sở hữu chéo ngân hàng do các ông lớn ma giáo gây ra, vụ án bầu Kiên là một trong những ví dụ điển hình.

Thời ấy, những đại gia sở hữu nhiều cổ phần ngân hàng, và những đại gia chủ các dự án bất động sản cấu kết lách luật phù phép thổi giá đất bong bóng, sử dụng cổ phần đang sở hữu, hoặc dự án bất động sản bong bóng làm giá trị thế chấp để vay được nhiều vốn ngân hàng, sử dụng vốn vay này mua cổ phần ngân hàng khác, sau đó thế chấp cổ phần vừa mua để vay vốn mua cổ phần ngân hàng khác nữa v.v… Tạo ra sở hữu chéo giúp các đại gia vay được nhiều vốn dựa trên các dự án bất động sản được thổi giá bong bóng.

Khi bong bóng bất động sản vỡ, các ngân hàng ôm trọn nợ xấu vì không thể thanh lý tài sản thế chấp thu hồi nợ theo giá bong bóng cao ngất ngưởng so với giá trị thật, khiến những dự án bất động sản bong bóng bị trùm mền, trở thành nghĩa địa chôn nợ xấu ngân hàng. Công ty mua bán nợ xấu được nhà nước thành lập, ngân hàng nhà nước phải mua nhiều ngân hàng cổ phần với giá không đồng… Nhưng không dễ khắc phục hậu quả nợ xấu do đại họa sở hữu chéo gây ra, tác động nặng nề và dai dẳng cho nền kinh tế.

- Quảng Cáo -

Thì nay, nhìn ma trận trái phiếu của tập đoàn Sunshine mà báo nhân dân đăng, không khỏi giật mình, nó giống một chút mô hình đa cấp, một chút mô hình sở hữu chéo. Tập đoàn mẹ phát hành trái phiếu, chưa bàn đến giá trị thực thế chấp của trái phiếu, chưa bàn đến ngân hàng bảo lĩnh phát hành trái phiếu, chỉ bàn đến chuyện các đại gia phát hành trái phiếu và sử dụng vốn trái phiếu không đúng với mục đích huy động ban đầu, sử dụng vốn huy động cho mục đích khác. Trả nợ chẳng hạn, hoặc mua lại hay thành lập công ty thành viên mới, sử dụng chính công ty thành viên mới ấy làm căn cứ phát hành trái phiếu… Cứ thế phình to tập đoàn, phình to phát hành trái phiếu như một ma trận… Cho đến khi đổ vỡ như 9 lần phát hành trái phiếu lừa đảo của Tân Hoàng Minh. Và dĩ nhiên FLC cũng không ngoại lệ, dẫu Trịnh Văn Quyết chỉ mới bị khởi tố tội gian lận bán chui cổ phiếu.

Giờ đây dư luận đang chờ công an điều tra xướng nhiều tên doanh nghiệp bất động sản đình đám khác, trong đó có hai cái tên đầu tàu của ngành địa ốc, Vạn Thịnh Phát và Vingroup. Cả hai đều ít nhiều tham gia chống dịch cúm. Vạn Thịnh Phát nhập VX TC, Vingroup nhập thuốc kháng virus và có dính líu xa gần gì đó đến kít Việt Á ? Liệu Vingroup có tên trong nhóm doanh nghiệp bị thanh tra trái phiếu ?

Vạn Thịnh Phát hoạt động âm thầm hơn trong lãnh vực bất động sản nhưng chưa chắc kém cạnh ai. Vingroup ồn ào hơn, từng bán những dự án cho nước ngoài thu số tiền khủng, từng iPO doanh nghiệp xe con bên Singapore, và hiện đang được tổng thống Mỹ Biden khen vì đầu tư 4 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất xe điện bên Mỹ.

Điều gây nhức nhối là các doanh nghiệp địa ốc không làm ra sản phẩm giá trị nào xuất khẩu đem ngoại tệ về cho đất nước, chỉ như những con gà què quanh quẩn cối xay, cạp đất, ma giáo thổi giá đất và giá địa ốc kiếm tiền khủng, dùng tiền ấy mua đô la mà những doanh nghiệp gia công xuất khẩu, các ngành xuất khẩu thủy hải sản, nông nghiệp v.v… Và những người đi xuất khẩu lao động nhặt nhạnh mang về dưới dạng kiều hối. Những đồng ngoại tệ quý hiếm cả đất nước bương chải mang về kiến quốc, đã bị vơi một phần không nhỏ cho những con gà què bất động sản mua lại để nhập khẩu thiết bị, nguyên vật liệu, và để Vingroup gom hàng tỷ USD qua Mỹ đầu tư tạo công ăn việc làm cho người Mỹ.

Hiện tại, theo báo chí, 19% số trái phiếu doanh nghiệp, khoảng 266 ngàn tỷ, đã đến hạn thanh toán cho các trái chủ, nhiều nghi ngờ không rõ các doanh nghiệp có thanh toán nổi cho các trái chủ với số tiền khổng lồ nói trên, trong bối cảnh chính phủ đang thắt chặt kiểm soát trái phiếu, không còn dễ cho các doanh nghiệp ma giáo đảo nợ phát hành trái phiếu mới trả nợ trái phiếu cũ. Khả năng vỡ bóng đang chực chờ?

Tuy Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhanh tay ngăn chặn và chấn chỉnh thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, qua đó thanh tra và kiểm soát chặt chẽ trái phiếu doanh nghiệp, song có vẻ đã hơi chậm để các doanh nghiệp gây hậu quả đáng kể, vụ án gian lận và lừa đảo cổ phiếu và trái phiếu của FLC và Tân Hoàng Minh là những ví dụ. Và sắp tới đây chắc còn không ít ông lớn bị phanh phui.

Vấn đề chưa rõ là lần này các ngân hàng có gây ra nợ xấu? Hay chỉ những nhà đầu tư ôm trọn quả đắng vì sở hữu những cổ phiếu và trái phiếu của những doanh nghiệp lửa đảo?

NK

- Quảng Cáo -