Ép học sinh lớp 9, ép trẻ con, họa từ đó mà ra

Một lớp học ở trường Núi Thành, Đà Nẵng. Hình minh họa.
- Quảng Cáo -

Thiên Hạ Luận – VOA

“Phải nói thẳng ra là tình trạng này chẳng có gì mới cả, cho dù đã từng có cuộc chiến chống bệnh thành tích trong giáo dục.”

Trân Văn

Chuyện sử dụng quyền “công nhận tốt nghiệp phổ thông cơ sở” để ép những học sinh lớp 9 mà học lực không bảo đảm có thể vượt qua kỳ thi vào lớp 10 thuộc hệ thống phổ thông trung học (cấp ba) công lập “tự nguyện rút lui” để cả giáo viên lẫn trường phổ thông cơ sở (cấp hai) đạt hoặc giữ được “thành tích cao” đã lan từ mạng xã hội sang hệ thống truyền thông chính thức và trở thành một scandal mới.

- Quảng Cáo -

Scandal vừa kể bùng lên từ tố cáo của ông Thái Hạo trên mạng xã hội sau khi ông nhận được ảnh chụp cuộc trò chuyện của 67 phụ huynh ở Hà Nội về việc họ và con cái – những đứa trẻ đang học lớp 9 mà học lực không đủ tốt, không bảo đảm sẽ vượt qua kỳ thi vào các trường cấp ba công lập – bị “ép” phải chuyển trường hoặc phải ký “cam kết không nộp hồ sơ dự thi vào các trường cấp ba công lập”. Tuy đã đọc ảnh chụp cuộc trò chuyện ấy, Thái Hạo vẫn không dám khẳng định “có chuyện ‘động trời’ ấy hay không”?

Lý do Thái Hạo hoang mang vì hành vi được kể rằng đã xảy ra ở nhiều trường cấp hai khác nhau này tại Hà Nội vừa “ngang ngược”, vừa “phi lý”, xâm hại “quyền học tập” là quyền hiến định tại Việt Nam và đã được Việt Nam cam kết tôn trọng, thực thi khi tham gia Công ước về quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc: Không lẽ chuyện tày đình này lại diễn ra giữa ‘thanh thiên bạch nhật’ ngay trong lòng Hà Nội? Chưa nói tới việc giáo dục là sứ mạng duy nhất của các trường học, nếu cứ tìm cách đuổi học sinh học yếu đi để giữ thành tích thì những trường ấy tồn tại trên mặt đất này để làm gì, giữa thủ đô, trung tâm văn hóa – chính trị – giáo dục, không phải trong rừng sâu núi thẳm, sao lại có thể công khai diễn ra những hành vi phản nhân văn, phản giáo dục và vi phạm pháp luật trắng trợn như vậy được?

Thái Hạo còn buồn và thất vọng khi được biết, phần lớn phụ huynh có con rơi vào trường hợp này không dám phản ứng dù chính họ và con cái bị trường mời hợp riêng để dễ cưỡng bức. Cho dù không dám khẳng định thực hư nhưng “với một thời gian đi dạy và sống trong môi trường giáo dục đủ dài, nay lại có con đang đi học, tôi hiểu rằng những chuyện như thế không phải là chuyện không thể xảy ra ở ta”. Ông kêu gọi cả ngành giáo dục lẫn công an điều tra (1).

Không may – giống như vô số chuyện… không may khác vẫn xảy ra hàng ngày với dân chúng Việt Nam vì chính sách và thực thi chính sách – thực trạng khiến Thái Hạo và nhiều người nghi ngại lại… có thật! Một giáo viên cấp hai ở Hà Nội đã gửi thư riêng, kể thêm cho Thái Hạo biết về những điều đã xảy ra ở trường của giáo viên này từ lâu: Cưỡng bức trẻ con và phụ huynh những đứa trẻ mà học lực không tốt “tự nguyện từ bỏ việc nộp hồ sơ thi vào các trường cấp ba công lập” được gọi là… “công tác hướng nghiệp”. Lý do là vì cách tính điểm thi đua của ngành giáo dục: Lấy tổng điểm thi vào lớp 10 chia cho tổng số học sinh dự thi vào lớp 10 của một trường để xác định thứ hạng của trường đó trong… bảng tổng sắpThứ hạng của trường sẽ tăng nếu tổng điểm thi vào lớp 10 cao, tổng số học sinh dự thi ít và… ngược lại!

Giáo viên yêu cầu ẩn danh kể thêm: Trường dùng đúng cách vừa kể để phân loại, xếp hạng giáo viên (lấy tổng số điểm chia cho tổng số học sinh trong lớp dự thi vào trường cấp ba công lập như thước), giáo viên chịu thỏa hiệp với phương thức này sẽ có thứ hạng cao, tiếp tục được… dạy lớp 9 – vốn nền tảng của việc tăng thu nhập qua… luyện thi)! Ngược lại thì không có… cửa! Cũng theo giáo viên yêu cầu ẩn danh, sở dĩ phụ huynh “ngậm đắng, nuốt cay” vì họ sợ con không được công nhận tốt nghiệp cấp hai. Dù sao “Đơn xin tự nguyện không thi vào 10” vẫn còn hướng ra tốt hơn không được công nhận tốt nghiệp cấp hai – vào các trường tư dành cho cấp ba, vào các trường dạy nghề vừa học nghề – vừa học bổ túc văn hóa, có thể sẽ có bằng tốt nghiệp cấp ba còn hơn là không có gì nếu không được công nhận tốt nghiệp cấp hai (2)…

***

Khó mà có thể kể hết phản ứng của người sử dụng mạng xã hội trước những thông tin như đã lược thuật. Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là điều đó có thật hay không? Hôm 21/4/2022, tờ Lao Động giới thiệu một video clip ghi lại tố cáo của bà Lê T.H.H – phụ huynh của một đứa trẻ từng là học sinh của trường Trung học cơ sở Vĩnh Hưng, tọa lạc tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Bà H vừa “uất”, vừa “đau” vì “bất lựcvừa tiếc vì đã không lên tiếng sớm hơn, không mạnh mẽ tranh đấu đến cùng để không phải ký vào tờ đơn xin cho con không thi vào lớp 10 (3).

Trước trận bão dư luận, Sở Giáo dục – Đào tạo (GDĐT) Hà Nội phát hành văn bản… “chỉ đạo không được ép học sinh bỏ thi vào lớp 10, nếu kiểm tra phát hiện giáo viên nào ép học sinh không được thi vào lớp 10 thì xử lý nghiêm”. Chính quyền thành phố Hà Nội cũng ra… “công văn hỏa tốc”, yêu cầu… “xác minh các thông tin phụ huynh phản ảnh và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có)”. Bộ GDĐT tuyên bố… “đã nhận được thông tin phản ánh về trường hợp học sinh lớp 9 tại Hà Nội có học lực không tốt bị yêu cầu cam kết không thi vào lớp 10” và… “đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh, làm rõ sự việc, yêu cầu địa phương xử lý nghiêm nếu có tình trạng trên” (4).

Chẳng riêng mạng xã hội, trên diễn đàn của các cơ quan truyền thông chính thức, không chỉ phụ huynh mà nhiều người khẳng định tình trạng “cưỡng bức trẻ con” từ bỏ thử sức trên con đường học hành bình thường để duy trì và nâng cao “thành tích” vốn “đã xảy ra từ lâu và ở nhiều nơi”. Có người như Đào Tuấn huỵch toẹt: Phải nói thẳng ra là tình trạng này chẳng có gì mới cả, cho dù đã từng có cuộc chiến chống bệnh thành tích trong giáo dục (5)! Chạy theo thành tích tới mức bất nhân, vô đạo như thế từ đâu mà ra? Xét cho đến cùng, không phải từ giáo viên, không phải từ trường học, cũng không phải từ các cơ quan quản lý giáo dục.

Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không xem “thành tích” như một thứ công cụ để chứng minh cả “tâm”, lẫn “tầm”, chắc chắn sẽ chẳng có sức ép nào trên các cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, giáo viên và thúc từ dưới lên trên tìm mọi cách để có… “thành tích”. Bởi phải “theo chỉ tiêu, đạt thành tích” đã trở thành nếp trong mọi lĩnh vực nên mới có chuyện cả phụ huynh lẫn những đứa trẻ xem việc phải “ngậm đắng, nuốt cay” là đương nhiên. Vì sao trong một thời gian dài không ai phản kháng, không ai đứng lên tố cáo? Điều đó chính là bằng chứng cho thấy công dân Cộng hòa XHCN Việt Nam không tin họ có đầy đủ các quyền vốn có của một con người thành ra họ không dám đòi.

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=379991384007887&id=100059910855657

(2) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=380060197334339&id=100059910855657

(3) https://laodong.vn/video/phu-huynh-co-con-bi-ep-khong-thi-vao-lop-10-toi-khong-the-im-lang-duoc-nua-1036513.ldo

(4) https://tuoitre.vn/ha-noi-giao-vien-ep-hoc-sinh-khong-thi-vao-lop-10-vi-hoc-dot-20220420104114985.htm

(5) https://www.facebook.com/tuan.dao.9828/posts/5139823836040157

- Quảng Cáo -