Vì sao công an phường lạm dụng ‘quyền lực cá nhân bất chấp pháp luật’?

Công an ngang nhiên xem thường pháp luật. Ảnh: AFP
- Quảng Cáo -

RFA

Chỉ trong tháng 4/2022, hàng chục công an phường tại TP.HCM và Bình Dương đã bị truy tố, điều chuyển công tác do lạm dụng quyền lực cá nhân bất chấp pháp luật. Cụ thể là 13 công an tại phường Phú Thọ Hoà, Quận Tân Phú đã nhận tiền của nhóm người vi phạm trong việc mua bán, tàng trữ sử dụng chất ma tuý và một trung uý tại Công an phường Tân An, tỉnh Bình Dương tự lập chốt “bắt” người vi phạm giao thông “chi tiền” cho mình.

Do buông lỏng quản lý & lạm quyền

Đó chỉ là hai trong số các vụ công an phường tự “làm luật” với dân bị truyền thông phanh phui gần đây và ắt hẳn còn không ít vụ việc công an “bắt chẹt” dân chưa được truyền thông loan tải.

Vì sao công an phường lộng quyền, coi thường pháp luật như vậy? Cựu Đại úy Võ Minh Đức khi trả lời RFA từ TP.HCM hôm 2/5, nhận định:

- Quảng Cáo -

“Lực lượng công an hiện nay mặc nhiên cho là họ thay mặt chính quyền, thay các cơ quan chức năng khác xử lý mọi vấn đề về trật tự an toàn xã hội, vi phạm hành chính của người dân… Cộng với sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo chính quyền, tôi có cảm giác giống như họ cố tình buông lỏng để công an ra tay. Từ chỗ đó công an ảo tưởng rằng họ có quyền trong mọi lĩnh vực, nên vụ việc nào họ cũng làm rất cảm tính, nhiều khi không nằm trong khuôn khổ pháp luật. Đến khi sự việc quá đà, bung bét ra xã hội, dư luận biết hết, thì lúc đó họ lấp liến dùng đủ biện pháp che chắn…”

Theo cựu Đại úy Võ Minh Đức, không chỉ lãnh đạo công an che chắn cho công an vi phạm mà chính quyền cũng bao che, dung túng cho những vi phạm đó. Ông Đức nói tiếp:

“Cụ thể vụ việc ở phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú chỉ là một điển hình thôi, chứ không phải chỉ công an phường như vậy đâu, mà rất rất nhiều lực lượng khác thuộc ngành công an. Như lực lượng cảnh sát giao thông cũng vậy, cảnh sát kinh tế cũng thế… Thậm chí lực lượng công an phòng cháy chữa cháy là lực lượng ít tai tiếng nhất trong ngành công an cũng có những cái lạm quyền theo cảm tính, không dựa trên khung pháp luật nào cả. Họ làm nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy, nhưng họ kiêm luôn công tác kiểm tra phòng cháy chữa cháy của người dân, doanh nghiệp, cơ quan công sở… nên họ sử dụng quyền đó để lạm quyền. Nhưng nói chung lực lượng công an lạm quyền rất nhiều.”

Cũng trong tháng 4/2022, hình ảnh một cảnh sát giao thông ‘đạp’ vào mặt một người tham gia giao thông trong video lan truyền trên mạng xã hội cũng khiến nhiều người bức xúc.

(Video: RFA)

Đây không phải là lần đầu tiên tình trạng công an lộng quyền được dư luận biết đến. Vào năm 2018, trên mạng xã hội xuất hiện một video clip cho thấy cảnh một thiếu tá công an Phường Tân Phú, TP.HCM mạnh mẽ thách thức người dân đòi ‘cởi áo, hẹn địa điểm’ để sát phạt nhau. Nhưng sau đó lãnh đạo phường Tân Phú chỉ giải thích vị thiếu tá công an có hành xử như thế vì do ‘kích động’ trong lúc làm nhiệm vụ.

Cũng với cách hành xử tương tự, vào năm 2020, ba công an phường Thanh Xuân Nam đã bị Tòa án Nhân dân quận Thanh Xuân thành phố Hà Nội tuyên án bảy năm tù vì đã nhận tiền hối lộ và trả lại ma túy cho người nghiện.

Anh Đệ, một người dân hiện sinh sống ở Sài Gòn nói với RFA hôm 2/5 về những sự việc nêu trên:

“Công an phường bắt ma túy mà không lập biên bản giao lên cho quận, cho thành phố mà tự động gọi người nhà tới phạt vạ thì rõ ràng là sai. Đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe, đặc biệt là sử dụng cái đám dân phòng không hề biết luật pháp là gì, cứ bắt người là bắt. Bắt người là phải có vi phạm gì, phải có trát của tòa… Muốn vô nhà dân cũng phải có trát tòa, có lệnh tòa án thì mới vô nhà lôi người ta đi. Như vụ dịch vừa qua, họ chẳng có quyền hạn gì mà phá cửa vô nhà lôi người ta đi test, như vụ cô giáo ở Bình Dương. Đó là một điển hình, họ đâu có quyền xâm phạm gia cư bất hợp pháp, trong khi ở Việt Nam việc xâm phạm gia cư bất hợp pháp như vậy là thường tình. Vi phạm pháp luật như vậy là thường tình, muốn bắt ai là bắt, muốn giam ai là giam… không cần trát tòa hay lệnh khám xét.”

Lộng quyền có hệ thống

Những hành xử sai trái, không đúng chuẩn mực của cán bộ, lực lượng công khi bị báo chí phanh phui, hay bị đăng tải trên mạng xã hội… thường được các cơ quan chủ quản từ phía công quyền luôn có giải trình có lợi cho người công an vi phạm, và sai trái thường do từ dân mà ra. Đây được cho chính là nguyên nhân khiến công an dù chỉ là cấp phường xã cũng lộng quyền như vậy.

Cựu Đại úy Võ Minh Đức nhận định thêm:

“Công an lạm quyền như thế, nhưng chính quyền thì buông lỏng quản lý, lãnh đạo chính quyền thì giống như dung túng. Tôi đánh giá là để đến khi có vấn đề gì đụng chạm đến quyền điều hành xã hội của chính quyền, của lãnh đạo… thì họ sẽ dễ dàng sử dụng công an hơn. Kể cả những cái công an lợi dụng chức năng quyền hạn của mình để đầu tư bảo kê cho những việc làm ăn phi pháp vẫn xảy ra không công khai, chính quyền biết nhưng không xử lý. Như cảnh sát giao thông đầu tư vận chuyển hàng hóa, hay công an phường đầu tư karaoke nhạy cảm, mát-xa và các dịch vụ khác, rất nhiều.”

Luật sư Hà Huy Sơn, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này thì cho rằng, tình trạng công an lộng quyền bắt nguồn từ việc thiếu độc lập của ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp:

“Các cơ quan tư pháp và lập pháp chưa độc lập, chưa đối trọng với cơ quan hành pháp, chưa phải là cơ quan giám sát cơ quan hành pháp nên tất yếu nó sẽ dẫn đến tình trạng lạm quyền và lộng quyền của cơ quan hành pháp. Cụ thể là lực lượng công lực, là lực lượng công an.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A trong một lần trả lời RFA trước đây cho rằng, đảng Cộng sản Việt Nam là một chế độ vốn đã lộng quyền, nên những người được đảng cử làm cán bộ công an hiển nhiên cũng sẽ lộng quyền theo.

Nguồn: RFA

- Quảng Cáo -