Đánh Nhàn, không cẩn thận “vỡ bình”

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế AIC, người vừa bị "khởi tố vụ án và ra lệnh bắt giam" gần đây. Ảnh: Vietnam Business Insider
- Quảng Cáo -

Tân Phong – Việt Tân

Danh sách các đại gia đã “vào lò” như Quyết FLC, Dũng Tân Hoàng Minh, Phương Hằng… được nối dài thêm bởi một tên tuổi lớn là bà Viện Sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn – AIC. Nhưng không giống như các đại gia đã bị “lượm như lượm củi,” bà Nhàn đã cao chạy xa bay từ lâu. Khi Bộ Công An quyết định khởi tố bắt giam, bà Nhàn có lẽ đang bận đi spa làm đẹp ở một viện thẩm mỹ xứ Hàn, thủng thỉnh uống trà và để lại một bức tâm thư dài mùi mẫn như chuyện ngôn tình, kể lể công lao với đất nước, giãi bày nỗi oan Thị Màu của bà cho đám fan trên mạng xã hội chia xẻ, cùng lời chào thân ái Việt Nam.

Giống như bà Hồ Thị Kim Thoa, bà Nhàn đã có sự chuẩn bị hết sức chu đáo cho ngày hôm nay. Hẳn nhiên, bà đã có quốc tịch khác và cũng giống như nhiều ủy viên trung ương đảng CSVN, bà Nhàn có những biệt thự nho nhỏ bên bờ biển ở xứ tư bản giãy chết. Nghe giọng điệu trong bức tâm thư của bà Nhàn thì có lẽ bà viện sĩ sẽ quay lại xứ Đông Lào sau khi “hiệp thương” được với các phe cánh quyền lực đang cắn xé nhau trước thềm Hội Nghị Trung Ương 5. Cho nên, bà viện sĩ chỉ “tạm biệt” chứ không phải là từ biệt.

Chuyện tương tự như vậy đã từng xảy ra với chị em tỷ phú Đặng Thị Hoàng Yến, Đặng Thành Tâm. Sau khi phe cánh của Tư Sang thất thế, bà Yến đã phải ngậm ngùi chia tay với anh Tư, ẩn thân ở xứ Cờ Hoa gần 10 năm và tìm kiếm niềm vui thú ở tuổi hồi xuân với những người tình trẻ mới.

- Quảng Cáo -

Hệ thống an ninh mật vụ dày đặc và đông đảo nhất Đông Nam Á đã từng lập những “chiến công hiển hách” như sang tận CHLB Đức để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngang nhiên như bọn trộm chó ở Saigon… lại một lần nữa để xổng mất con cá bự Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Trước đó, có rất nhiều các con “cá” khác cũng đã lọt lưới. Có vẻ như “cá lọt lưới” là ở phe nào thôi chứ với tài cán mật vụ “giỏi nhất thế giới” như công an Việt Nam thì muốn bắt “cá” nào cũng dễ ợt. Cứ xem vụ Trịnh Xuân Thanh thì rõ vòi bạch tuộc của hệ thống an minh mật vụ liên kết với xã hội đen và buôn người trải khắp các quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ… ghê gớm đến như thế nào.

Mặc dù không xuất hiện thường xuyên trên truyền thông với những dự án bất động sản đình đám hay cách chơi ngông ồn ào thể hiện đẳng cấp như các đại gia ở xứ Đông Lào, nhưng AIC thực sự là một con “khủng long bạo chúa,” một tập đoàn đa ngành nghề phủ sóng trên rất nhiều lĩnh vực, chủ yếu là xuất khẩu lao động, thiết bị y tế, môi trường, bất động sản, giáo dục, hạ tầng và giải pháp công nghệ thông tin… Trong đó, lĩnh vực cốt lõi mang lại lợi nhuận khổng lồ từ việc xuất khẩu lao động gần như độc quyền trong 15 năm kể từ 2000 tới 2015 đem lại cho AIC tiềm lực tài chính có khả năng mua đứt phân nửa Bộ Chính Trị CSVN. Nếu đem FLC của Trịnh Văn Quyết và Tân Hoàng Minh của Đỗ Anh Dũng so với AIC của bà viện sĩ Nhàn thì chẳng khác gì đem mấy con ếch so với một con anaconda Nam Mỹ.

Không thể phủ nhận tài năng xuất chúng của bà Nhàn nhưng với xuất thân không phải con ông cháu cha như bà Nhàn, một tay gây dựng cơ đồ tỷ đô nếu không có “anh em nương tựa, chị em kết nghĩa” ở cái xứ XHCN này thì đó là câu chuyện hoang đường.

Như một nhà văn từng nói “đằng sau một gia sản lớn bao giờ cũng là những tội ác,” việc làm giàu của bà Nhàn nổi tiếng từ khi AIC tung hoành ở xứ Hải Dương và nhanh chóng bao trùm các tỉnh phía Bắc về việc buôn người từ nhiều thập kỷ trước. Đến khi lĩnh vực chịu nhiều tai tiếng này ngày một bị cạnh tranh nhiều hơn, bà Nhàn vươn tay sang các lĩnh vực khác cao cấp hơn, “sạch sẽ hơn” và đương nhiên cũng béo bở hơn như y tế, giáo dục, môi trường, công nghệ thông tin và đặc biệt là buôn vũ khí.

Tờ Haaretz của Israel mới đây có bài “Israel-Vietnam Arms Deals at Risk After Arrest Warrant Against Key Middlewoman” đã hé lộ vai trò “key person” của bà Nhàn khiến cộng đồng mạng trong nước xứ Đông Lào sửng sốt. Và cũng theo nhận định của tác giả bài báo, bà Nhàn đang là mục tiêu công kích bởi cuộc tranh giành quyền lực giữa Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính và Tô Lâm. Những bê bối từ việc liên quan tới Việt Á – công ty mà bà Nhàn sở hữu tới 80% cổ phần, cũng như các sai phạm từ việc mua bán thiết bị, đấu thầu ở Sở Y Tế Đồng Nai chỉ là cái cớ ban đầu.

Như nhận định của người viết, Tô Lâm, bộ trưởng công an đầy tham vọng là người mà ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng phải dựa vào trong công cuộc “đốt lò” để thâu tóm quyền lực đảng, đã chủ động khoét sâu vào vụ Việt Á. Còn nhớ ông Tô Lâm đã lớn tiếng răn đe sẽ “vạch trần những kẻ đạo đức giả” trên nghị trường sau khi ông ta bị các phe cánh công kích sau vụ “đớp bò dát vàng.” Có thể nói, ông tổng Trọng đã rơi vào một thế lương nan. Ông Trọng không thể không xử vụ Việt Á vì vụ án mang tính chất đạo đức chính trị và tính chính danh của thể chế. Đó là một tội ác kinh hoàng và thao túng chính sách cực kỳ vô lương và tàn bạo. Nhưng nếu ông Trọng không khéo thì sẽ làm “vỡ bình” vì tính chất cực kỳ phức tạp, phạm vi các đối tượng liên quan gồm rất nhiều các quan chức cỡ bự, kể cả ở cấp cao nhất trong tứ trụ.

Việt Á, phía sau đó là Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cấu kết với hầu như tất cả các chóp bu chính trị trong nội các Phạm Minh Chính. Người đàn bà mà như báo chí Israel mô tả là “key person” trong các thương vụ hàng tỷ Mỹ Kim giữa các tập đoàn sản xuất vũ khí Isarel với Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng Việt Nam từ hàng thập kỷ trước có một mạng lưới quan hệ chóp bu dày đặc từ thời triều đại Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Thị Kim Ngân. Ngay cả khi, “anh em nương tựa, chị em kết nghĩa” của Nhàn về hưu thì bà viện sĩ kịp thời đầu tư một dàn “cầu thủ dự bị” với những tên tuổi như ông Phạm Minh Chính – khi đó là bí thư tỉnh Quảng Ninh; Phạm Thị Thanh Trà – khi đó là chủ tịch hội đồng nhân dân Yên Bái; Trần Bình Minh khi đó là tổng giám đốc Đài Truyền Hình Việt Nam; Nguyễn Xuân Thắng – khi đó mới là chủ tịch Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam – tiền thân của “lò ấp tiến sĩ siêu hạng” Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, một tổ chức bán bằng cấp và hợp pháp hóa học hàm, học vị cho giới chức CSVN…

Những mối quan hệ khăng khít với đám chóp bu chính trị giúp bà Nhàn luôn dành được những dự án béo bở trong lĩnh vực y tế, giáo dục, xuất khẩu lao động, hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử, đô thị thông minh… khắp từ Bắc chí Nam. Cần lưu ý, giai đoạn 2010 – 2015 là giai đoạn Bộ Công An Việt Nam đã mua sắm rất nhiều trang thiết bị tình báo và vũ khí từ Isarel thông qua trung gian là AIC của bà Nhàn. Giai đoạn này, ông Phạm Minh Chính khi đó là tổng cục trưởng Tổng Cục Hậu Cần – Kỹ Thuật do ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm vào tháng Hai, năm 2010. Sau khi ông Chính về tỉnh Quảng Ninh, tỉnh này cũng lập tức triển khai các dự án công nghệ thông tin, chính phủ điện tử, đô thị thông minh, y tế, môi trường… mà nhà thầu không phải ai khác là AIC.

Còn nhớ khi cơn dịch bệnh lần thứ 3, lần thứ 4 bùng phát vào năm 2021, báo chí truyền thông liên tục đưa hình ảnh chỉ đạo sốt sắng của ông Chính, ông Đam về việc khoanh vùng, phân loại F0 – F1 – F2…, bắt cách ly tập trung và ngoáy mũi xét nghiệm hàng chục triệu lượt xét nghiệm. Hình ảnh chiếc áo kaki màu rêu cũ đẫm mồ hôi của ông Chính trong cơn dịch lần thứ 4 ở Sài Gòn quả thực đã có một tác động mạnh tới cảm xúc người dân. Khi đó, người viết băn khoăn một câu hỏi: Ai là người đã tạo ra những kịch bản PR chính trị hoàn hảo đến từng chi tiết như vậy? Một tổng đạo diễn có thể quan tâm lựa chọn cho ngài thủ tướng một chiếc áo kaki cũ, màu rêu, thẫm đẫm mồ hôi… có tác dụng hơn cả ngàn lời nói.

Kết quả nỗ lực “thần tốc khoanh vùng, thần tốc xét nghiệm” của ông Chính đã tiêu tốn hàng chục ngàn tỷ tiền ngân sách và góp phần quyết định gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất kể từ nạn thuyền nhân cho tới nay. Hàng triệu người lao động bị mất việc, hàng trăm ngàn gia đình phải tháo chạy khỏi các tỉnh phía Nam bởi những cuộc phong tỏa kéo dài nhiều tháng. Hàng vạn người đã chết vì không được chăm sóc y tế, không có vaccine.

Khi lượng người chết nhiều tới mức kẹt cứng các lò thiêu ở Bình Hưng Hòa lúc đó giới chóp bu CSVN mới nháo nhào lên đi xin viện trợ vaccine, hô hào đóng góp tiền để mua vét vaccine khắp thế giới. Những chính sách chống dịch ngu dốt và hỗn loạn, với nhiều khuất tất của nội các Phạm Minh Chính đã phát huy tối đa sức phá hoại đối với nền kinh tế èo uột và làm sụp đổ hệ thống dân sinh, y tế công cộng vốn dĩ hết sức yếu kém. Hậu quả của cơn ác mộng Covid-19 sẽ còn di chứng lại nhiều năm cùng cơn suy thoái kinh tế kéo dài cả thập kỷ.

Bên cạnh chính sách chống dịch kiểu “phong tỏa, khoanh vùng, ngoáy mũi” của ông Chính thì các chính sách điều hành về ngân hàng, tài chính, thị trường chứng khoán đã tạo ra bong bóng bất động sản khổng lồ, tạo điều kiện cho hàng loạt những cá mập ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản cùng với Ủy Ban Chứng Khoán cấu kết để phát hành những núi trái phiếu doanh nghiệp dưới chuẩn, lừa đảo nhà đầu tư thu về hàng triệu tỷ đồng trong vòng 2 năm dịch bệnh. Báo chí trong nước mới đây thừa nhận rủi ro về quả bom Nợ hơn 700.000 tỷ của trái phiếu 3 Không khó có giải pháp tháo gỡ khi có những doanh nghiệp phát hành trái phiếu có số Nợ lớn gấp 40 lần vốn sở hữu. Trong khi phần lớn các doanh nghiệp này hoạt động kinh doanh thực tế rất tệ hại.

Vòng xoáy Lập dự án bất động sản – Xin chủ trương cấp phép đầu tư – Huy động vốn xây dựng từ việc bán căn hộ, nhà ở hình thành trong tương lai – Cấu kết với ngân hàng định giá sản phẩm cao – Thế chấp dự án để rút tiền và tiếp tục vòng quay… đã khiến cả Việt Nam trở thành một quĩ đầu tư mạo hiểm theo mô hình Ponzi mà các ngân hàng thương mại bị biến thành những con lợn đất cho các nhà đầu tư bất động sản tha hồ cấu kết với giới chức ngân hàng để rút ruột, chia chác. Những cảnh báo của Viettan.org cách đây đúng 2 năm trước, giờ đám báo chí cách mạng trong nước đang lặp lại y chang như những con vẹt.

Sau hàng loạt vụ bắt bớ và thanh trừng nội bộ, chứng kiến một số đại gia đã được vỗ béo và đã vào “lò,” VNindex đã có đà rơi tự do, có lúc mất gần 200 điểm. Khi đó, ông Chính đã liên tục phát tín hiệu “không hình sự hóa các giao dịch kinh tế, dân sự” như là một lời đảm bảo cho đám doanh nghiệp, ngân hàng, Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước sau cuộc “áp phe thế kỷ” bán giấy lộn thu về chục tỷ Mỹ Kim, có thể yên tâm chia chác mà không sợ bị “hình sự hóa.”

Cũng như vậy, vụ Việt Á, ông Chính là người liên tục phát tín hiệu “khoanh vùng” xử lý chứ không điều tra mở rộng. Không khó khăn gì nhìn thấy vai trò của ông Chính cũng như lời lẽ mập mờ chỉ đạo truyền thông và các cơ quan chức năng cho “chìm xuồng” những tội ác tày trời và sai phạm khủng khiếp của bộ máy “ăn không từ một thứ gì của dân.”

Mới chỉ có nửa nhiệm kỳ, nhưng Phạm Minh Chính ngày càng bị lộ ra quá nhiều sai phạm và yếu kém trong công tác chỉ đạo kinh tế vĩ mô, an ninh năng lượng và chính sách chống dịch Covid-19. Trong khi đó, tham vọng của Chính là thay thế ông Tổng Tịch. Nhiều khả năng, Bộ Trưởng Tô Lâm đang bị dồn ép đến mức phải chơi đòn “được ăn cả, ngã về không.” Chỉ có cách lột hết được những cái mặt nạ “đạo đức giả” của rất, rất nhiều các đồng chí cỡ bự trong thời gian tới, thì mới có cơ hội cho Tô Lâm an toàn.

Cuộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin tuy rằng Tô Lâm nhận được sự tin tưởng của ông Trọng nhưng đổi lại cơ hội để trở thành 1 trong 4 tứ trụ là bất khả thi vì hình ảnh xấu xí của ông ta trước quốc tế. Đến khi nhận ra điều này, Tô Lâm giờ mới thấy “cay.” Không những không thể đạt được ghế Cửu Ngũ như mộng tưởng, mà giờ đây ông ta phải nỗ lực để không bị “vắt chanh bỏ vỏ.” Thói đời, “không ăn được thì đạp đổ” chứ nhất định không có chuyện “cốc mò, cò xơi.”

Cuối cùng thì Hội Nghị Trung Ương 5 đang che màn họp kín với cuộc gió tanh mưa máu chốn hậu trường. Tội ác thế kỷ liên quan tới Việt Á – AIC – nội các Phạm Minh Chính cũng như những cuộc áp phe thế kỷ chia nhau hàng chục tỷ Mỹ Kim của giới bất động sản – ngân hàng – chứng khoán và đương nhiên có bàn tay của những kẻ vẽ ra những chính sách hủy hoại quốc gia này sẽ được xử lý ra sao? Đó thực sự là một thách thức với ông Trọng. Đụng tới Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC có thể là một hòn đá ném vào cái bình đang chứa nhung nhúc một đàn chuột bự bên trong. Và nhiều khả năng, ở cái tuổi gần đất xa trời, ông không đủ thời gian nữa.

Tân Phong

- Quảng Cáo -