Từ sai lầm của cha ông

- Quảng Cáo -

Chu Mộng Long

Chịu khó đọc hết bài báo, có thể tóm phát ngôn của Bộ trưởng Trần Hồng Hà trong 2 giải pháp chống ngập cho Hà Nội:

1) Giải pháp ngắn hạn: “Tại các trường học, sân vận động, cánh đồng, nếu có thể điều chỉnh van trong hệ thống để dẫn nước vào những nơi này, trở thành nơi chứa nước tạm thời để tránh ngập cho những nơi xung yếu”.

2) Giải pháp dài hạn: “Dưới đường giao thông cần xây dựng hệ thống các tầng chứa nước, thùng rất lớn để chứa nước. Đó là giải pháp mà các nước làm, tất nhiên là đắt đỏ, nhưng quan trọng là tầm nhìn, thiết kế và đầu tư hạ tầng và phải đồng bộ”.

- Quảng Cáo -

Xem ra, phát ngôn của ông nghiêm túc chứ không hài hước như dân mạng đã mang ra đùa.

Tuy nhiên, theo hình dung bất cần chuyên môn của tôi, cả hai giải pháp của ông đều bất khả thi.

– Biến cánh đồng, trường học, sân vận động thành nơi chứa nước tạm thời thì chẳng khác “giải pháp cái lu” của Tiến sĩ Phan Thị Hồng Xuân, TP Hồ Chí Minh. Chỉ khác là từ tiểu lu nâng cấp thành đại lu. Tiểu lu thì không thể chứa hết dù mặt đường chỉ ngập 5cm, còn bơm nước vào đại lu thì… chẳng lẽ mỗi khi có mưa thì biến dân và trẻ con thành cá? Tính mạng dân, nhà cửa, vườn tược, hoa màu, súc vật và các loại tài sản của dân ở khu vực cánh đồng ven Hà Nội không đáng giá sao? Rồi tính mạng của trẻ con, các loại trang thiết bị dạy học ở trường học phải hy sinh cho những vùng “xung yếu” là nhà giàu, công sở? Chỉ được mỗi sân vận động là có vẻ khả thi, không bị gọi là bất nhân. Nhưng Hà Nội có bao nhiêu sân vận động để chứa đủ lượng nước ngập cao đến cả mét?

– Xây dựng hệ thống các tầng chứa nước theo các tuyến giao thông là điều không chỉ thế giới làm mà Việt Nam cũng đã làm. Nhưng cách này chỉ có hiệu quả khi mặt bằng thành phố cao hơn sông hoặc mực nước biển. Nếu thấp hơn, ắt trời không mưa, các bể nước dù khổng lồ ấy vốn cũng đã đầy nước do mạch nước ngầm, nước thải. Mặt bằng Hà Nội thấp hơn rất nhiều so với mực nước sông Hồng, chẳng lẽ hàng ngày phải bơm nước từ bể ngầm lên con sông để có khoảng không chứa nước mỗi khi trời mưa?

Xem ra, sự sai lầm đã có từ thời cha ông ta. Trên thế giới, thường những vùng sâu, trũng, từ thời cổ đại, người ta đã biết cách đào thêm kệnh, rạch, thậm chí mở thêm các nhánh sông nhân tạo để thoát nước. Trong khi cha ông ta thì đắp đê cao dần như núi để chặn. Giả định, nếu không có con đê cao ngất đó, sau mỗi lần lũ, Hà Nội sẽ được bồi đắp cao dần lên. Trong khi do con đê mà mặt bằng nơi dân cư sinh sống thì giữ nguyên hoặc thấp xuống, còn đáy sông thì cứ đầy lên và cao dần. Không biết vua Lý Thái Tổ nhìn thế đất “rồng bay” kiểu gì mà dời đô về đây rồi biến thành một di sản không còn có thể cải tạo được!

Nói Hà Nội thì phải nói đến Sài Gòn. Sai lầm của Sài Gòn không thuộc quá khứ mà thuộc thời đại “tấc đất tấc vàng” kích thích dục vọng của các “đỉnh cao trí tuệ”. Sài Gòn vốn chằng chịt kênh rạch, lẽ ra cần được khai thông và khơi thêm, gần đây lại lấp gần hết để phân lô bán nền. Hậu quả, không cần mưa, chỉ cần triều cường thì nước đã theo các ống cống trào lên thành lũ. Có loại lu nào to hơn các ống cống, các bể chứa khổng lồ mà đòi dùng lu chứa?

Đây là bài học cho cả những thành phố khác. Nguy cơ sắp tới không chỉ Hà Nội, Sài Gòn. Các thành phố có quy hoạch theo cung cách đào núi lấp sông đều phải sống chung với lũ. Huyền thoại các dân tộc đều dạy rằng, lòng tham quá đáng của con người đều phải trả giá bởi quy luật cân bằng của tự nhiên, nhưng các giáo sư trong các sách giáo trình, giáo khoa đều phán rằng, đó là “tư duy ngây thơ”, “ấu trĩ”!

Chu Mộng Long

- Quảng Cáo -