Putin đã đẩy ngành năng lượng của nước Nga vào ngõ cụt – và Trung Quốc cũng sẽ không giúp gì được

- Quảng Cáo -

Lưu Thủy Hương

Thế giới phương Tây đang từng bước chấm dứt nhập khẩu nguyên liệu thô của Nga. Giờ đây Putin và các nhà tài phiệt của ông ta phải tìm kiếm khách hàng mới. Nhưng việc xuất khẩu dầu, khí đốt và than đá gặp nhiều khó khăn hơn dự tính.

*

Nga cần gấp khách hàng mới. Bởi vì phương Tây không còn muốn đi mua sắm trong cửa hàng nguyên liệu của Putin. Từ vài tuần nay, EU đã ngừng nhập khẩu than đá từ Nga, và theo sau đó, cũng sẽ ngừng nhập dầu và khí đốt tự nhiên. Ở những nơi khác trên thế giới người ta cũng có thể mua được những thứ này. Trong khi đó, Ủy ban EU tại Brussels đang tiến tới việc phát triển năng lượng xanh.

- Quảng Cáo -

Nếu con đường xuất khẩu sang châu Âu chấm dứt, Nga sẽ mất mỗi ngày một tỷ euro thu nhập. 60% doanh thu quốc gia của Nga (mà có thể còn nhiều hơn) là từ xuất khẩu nguyên liệu hóa thạch.

Triển vọng thu nhập của Putin và giới tài phiệt Nga sẽ rất kém

Chế độ đạo tặc thống trị – kleptocracy* – của Nga sống nhờ vào việc bán nguyên liệu thô. Vladimir Putin và các nhà tài phiệt, những kẻ đang điều hành và thống trị nhà nước Nga không có gì khác để bán ngoài khí đốt, dầu mỏ và than đá – không có xe hơi, không có máy tính, không có tuabin gió, không có máy móc.

Các khách hàng mua nguyên liệu đã rời khỏi nước Nga, từ khi có chiến tranh. Than đá từ mỏ khai thác lộ thiên cũng có thể mua với giá rẻ ở Colombia, Nam Phi, Australia và Indonesia. Dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên cũng được khai thác với số lượng lớn ở Chiemgau (Đức – Bayern) hoặc ở Trung Đông. Thế giới phương Tây đang chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để bảo vệ khí hậu, chiến tranh Ukraine làm xu hướng này phát triển mạnh mẽ thêm. Như vậy, triển vọng thu nhập của các nhà tài phiệt của Nga sẽ rất kém.

Bởi vậy mà cái nhìn của ban lãnh đạo Nga tại Điện Kremlin sẽ hướng đến phía Nam là Ấn Độ và phía Đông là Trung Quốc. Cả hai cường quốc này đều không lên án vụ tấn công Ukraine và cũng không tham gia trừng phạt Nga. Trong tương lai, Trung Quốc và Ấn Độ dự tính sẽ mua nhiều hơn khí đốt và dầu của Nga. Tuy nhiên, cái “trong tương lai này” chính xác là lúc nào thì không ai biết. Sẽ rất khó xảy ra trong năm nay, vì nhu cầu nguyên liệu hóa thạch ở Trung Quốc và Ấn Độ đã có đủ nguồn cung cấp và các hợp đồng với nhà cung cấp hiện tại vẫn tồn tại.

Năm tới cũng vậy, thỏa thuận thương mại lớn giữa Moscow, Bắc Kinh và New Delhi sẽ vẫn khó khăn. Sẽ không có đường ống nào đủ khả năng đưa khí đốt từ Nga đến Ấn Độ hoặc đến Trung Quốc. Nguồn dầu của Nga thì đang phải bán với giá rẻ mạt cho các doanh nghiệp nhỏ của Ấn Độ và Trung Quốc, vì không bán được cho ai khác.

Tuy nhiên, lịch trình chở dầu từ Nga đến Ấn Độ mất khoảng một tháng, nên không thích hợp và không kinh tế. Một vài nhà nhập khẩu Ấn Độ hiện đang tăng cường mua dầu Ural vì nó quá rẻ vào thời điểm hiện tại. Nhưng ngoài chuyện mua bán nhỏ này, trên đoạn đường leo dốc còn lại của Putin không có bất kỳ cuộc chuyển giao dài hạn nào ở quy mô đáng kể.

Trong sản xuất khí đốt hóa lỏng, Nga đứng sau các đối thủ

Chuyên gia Fernando Ferreira, nhà phân tích “Rủi ro địa chính trị” tại công ty tư vấn năng lượng Rapidan cho biết trên Deutsche Welle: “Tôi không nghĩ rằng, sẽ có bên đối tác nào muốn ngưng hoàn toàn nguồn dầu Trung Đông để chuyển sang các thùng dầu của Nga.” Ferreira nhìn thấy một vấn đề khác cho Nga. Các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ làm cho Nga gần như không thể mua thiết bị khai thác dầu: “Nga sẽ khó mà duy trì được dòng sản phẩm nếu không tiếp cận với công nghệ của phương Tây”.

Việc bán khí đốt tự nhiên của Nga sẽ còn khó khăn hơn nữa. Ở đây, cái mà nhóm các nhà tài phiệt của Putin cần hơn cả là đường ống để vận chuyển. Bên cạnh đó, trong ngành sản xuất khí đốt hóa lỏng, Nga thua xa các đối thủ cạnh tranh. Phải đến năm 2025, một trạm cung ứng khí đốt hóa lỏng lớn ở Vladivostok mới được khởi động theo dự kiến.

Nga sẽ mất vị thế cường quốc năng lượng

Vào đầu tháng 2, Nga và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận rằng, bên cạnh dầu mỏ, thì khí đốt tự nhiên với khối lượng tương đương 100 tỷ euro cũng sẽ chảy sang Bắc Kinh, trong vòng 25 năm tới. Nhưng nguyên liệu thô này sẽ được vận chuyển như thế nào, vẫn còn chưa rõ. Ngoài ra, khối lượng xuất khẩu theo kế hoạch này chỉ là một phần nhỏ so với khối lượng mà Putin hiện đang mất trên các thị trường bán sang phương Tây.

Cho đến nay, chỉ mới có đường ống “Power of Siberia” dẫn đến Trung Quốc. Một tuyến đường thứ hai đang được lên kế hoạch, nhưng sẽ không hoàn thành trước năm 2030. Từ đây cho đến lúc đó, Nga khó có thể cung cấp nhiều khí đốt cho Trung Quốc hơn. Và liệu Gazprom có thể tài trợ cho một dự án xây dựng đường ống khác trong vài năm tới hay không, cũng là một câu hỏi được đặt ra. Với các lệnh trừng phạt của phương Tây và sự sụt giảm doanh số bán hàng, Nga đang trở nên cực kỳ khó khăn để thu hút các nhà tài chính nhiệt tình đầu tư cho một dự án hàng tỷ đô la như vậy.

Về dài hạn, người Nga sẽ không còn là một đấu thủ quan trọng trên thị trường năng lượng toàn cầu, Ferreira tin chắc: “Đơn giản là, họ sẽ không còn là cường quốc năng lượng như bây giờ. Không phải vì họ không có tài nguyên, mà vì họ không có thị trường, cũng như không có công nghệ để khai thác nhiên liệu dưới lòng đất.”

VTP-LTH dịch

Nguồn:

https://www.focus.de/…/russlands-neue-kundschaft-ural…

Chú thích:

(*) Chế độ đạo tặc trị, tiếng Anh kleptocracy, (từ tiếng Hy Lạp: κλέπτης – kleptēs, “trộm cắp”) là một chế độ chính trị tham nhũng, nơi mà chính phủ tồn tại để làm giàu cá nhân và gia tăng thế lực chính trị của các thành viên chính phủ cũng như giới thống trị trên xương máu của đa số quần chúng. Họ thường giả vờ là do dân, vì dân. Những tham nhũng của chính phủ trong chế độ này thường, bằng cách này hay cách khác, là các việc biển thủ ngân quỹ quốc gia. Từ này ban đầu hay được dùng bởi ông Patrick Meney, để mô tả tình trạng ở Liên Xô vào cuối thời của chế độ Cộng sản và ở Nga lúc đầu khi Boris Nikolayevich Yeltsin nắm quyền.[3] Các chế độ đạo tặc thường cũng là các chế độ độc tài, hay dính líu tới việc ưu tiên về chính trị và kinh tế cho người trong nhà (Nepotism).

Chính quyền của Mobutu Sese Sekos Regierung ở Cộng hòa Dân chủ Congo hay của Marcos ở Philippines có thể được dùng là những ví dụ cho một chế độ đạo tặc trị. Ngay cả Nigeria cũng có thể được xem là một chế độ đạo tặc trị, bởi vì đa số dân chúng không được hưởng lợi gì từ việc bán dầu khí.

Nguồn: https://vi.wikipedia.org/…/Ch%E1%BA%BF_%C4%91%E1%BB%99…

- Quảng Cáo -