Cựu thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liệu có vô can?

- Quảng Cáo -

Út Sài Gòn – (VNTB) – Thời xảy ra vụ án kit test Covid, người đứng đầu Chính phủ là ông Nguyễn Xuân Phúc với những chuyến bay dán nhãn nhân đạo được gọi là “giải cứu”…

Nếu không tính đến đợt bùng dịch lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cũng như các tỉnh khu vực Nam Bộ nói riêng, nếu không kể đến hình ảnh “anh hùng chống dịch”Vũ Đức Đam, có lẽ, người được nhắc nhiều thứ hai, chính là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ấy.

Không như bác Đam thời điểm đó, mỗi khi nhắc đến tên là khen, là năng nổ trong chống dịch, là đường lối đúng đắn trong chống dịch. Nói đến ông Phúc, đa chiều hơn, có ý kiến khen, cũng có ý kiến cho rằng, nói được nhưng chưa làm được. Tiền hỗ trợ Covid là một ví dụ.

Tuy nhiên, nếu nói đến ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi ban đầu dịch giã, có lẽ, không quá xa lạ với khẩu hiệu ra rả: “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Cũng chính vì lẽ đó, Thủ tướng Phúc rất “chăm chỉ” trong việc tập trung vào các chuyến bay nhân đạo, giải cứu đồng bào từ khu vực các nước có dịch về Việt Nam.

- Quảng Cáo -

Trang thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của  Cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam viết: “…Việc tổ chức chuyến bay cứu hộ này vừa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, vừa thể hiện tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Chỉ vài ngày sau đó, với tinh thần bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân ngay từ những ngày đầu chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tổ chức ngay chuyến bay cứu hộ công dân tại Guinea Xích đạo.

Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tổ chức chuyến bay hồi hương cho đến khi máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài, thời gian chưa đến 3 tuần, có thể nói đây là một chiến lược “thần tốc” trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”….”

Một hành động đẹp đẽ như vậy, một nghĩa cử cao đẹp như vậy, vậy mà tại họp báo Chính phủ chiều 4-6 rồi, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, có gần 2.000 chuyến bay giải cứu trong các đợt dịch vừa qua. Một chuyến bay “giải cứu” người Việt từ nước ngoài về sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về đến vài tỷ đồng, theo Trung tướng Tô Ân Xô.

Trong một diễn biến tương tự, theo thông tin từ một cơ quan truyền thông nước ngoài thì thời điểm đó: “…Tuy không mất phí dịch vụ “giải cứu” nhưng chị phải trả 2000 USD để mua vé máy bay “giải cứu” một chiều của Vietnam Airlines.

Trước dịch Covid-19, giá vé máy bay hai chiều của hãng chỉ khoảng 1.000 USD. Như vậy giá vé máy bay “giải cứu” đắt gấp bốn lần giá vé máy bay thông thường trước dịch…”.

Phận dân đen, biết gì đâu. Hồi đó cứ thấy hình ảnh bay giải cứu như vậy, rồi cái gì mà than lỗ này nọ, tưởng vì tinh thần tương thân tương ái, nghĩa đồng bào. Đến khi báo chí đưa tin, mới biết, không hẳn là như vậy.

Có thể nói, trong thời gian ấy, với vai trò là Thủ tướng, thêm vào đó, ông rất chú ý và quan tâm đến các chuyến bay giải cứu, quan tâm nó còn hơn tình hình vắc-xin phòng chống Covid-19 khi ấy, thì làm sao lại để xảy ra tình trạng “phết phẩy”? Phải chăng, ông đã tắc trách?

Tóm lại, liệu rằng “không để ai bị bỏ lại phía sau” nhưng lại lùm xùm câu chuyện các chuyến bay giải cứu “bị thu lợi vài tỷ đồng”, vậy thì câu hỏi được đặt ra, liệu rằng trong suốt những đợt dịch vừa qua, cựu Thủ tướng/ đương nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có thật sự quan tâm đến “đồng bào” thời điểm đó đã bị “móc túi” ra sao hay không?

Tham khảo:

https://covid19.gov.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-tam-dung-cac-chuyen-bay-thuong-mai-tu-nuoc-ngoai-1717183237.htm

- Quảng Cáo -