Vì sao CSVN phát động phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong báo chí?

Các quan chức cao cấp CSVN trong buổi lễ phát động “phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí .” Ảnh chụp báo mạng Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ
- Quảng Cáo -

Phạm Nhật Bình – Việt Tân

CSVN lấy ngày 21 tháng Sáu hàng năm, làm “ngày Báo Chí Cách Mạng” và tự hào chỉ có báo chí cách mạng mới là nền báo chí phục vụ nhân dân và dân tộc (sic), khác với báo chí tư sản, từ khi xuất hiện chỉ nhằm phục vụ cho giai cấp cầm quyền, hay nói khác đi là phục vụ cho chuyên chính tư sản(?). Nhưng đó không phải là lý do để Ban Tuyên Giáo Trung Ương phối hợp với một số cơ quan như Bộ 4T, Hội Nhà Báo Việt Nam, báo Nhân Dân tổ chức một lễ phát động “phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí.”

Không lý ông Trưởng Ban Tuyên Giáo Nguyễn Trọng Nghĩa, một người xuất thân từ ngành công an, nghĩ rằng báo chí cách mạng của đảng dầy công xây đắp lâu nay lại đang thiếu văn hóa trầm trọng? Đến nỗi ông phải phát động một phong trào thi đua xây dựng chuẩn mực văn hóa, đạo đức  cho người làm báo. Đây thật là một việc làm ỡm ờ theo kiểu treo đầu dê bán thịt chó.

Đọc kỹ nội dung mà ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, nơi nắm chặt về tư tuởng, đường lối của đảng thì mục tiêu của cái gọi là phong trào thi đua này không có gì khác hơn câu răn đe “nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của đảng và chính sách, pháp luật nhà nước.” Đảng vừa răn đe vừa khuyến khích báo chí không nên viết những điều tiêu cực, những chuyện làm tổn thương thanh danh của đảng như những vụ án tham ô, móc ngoặc hoặc sai lầm của các địa phương. Báo chí phải biết bảo vệ đảng trong mọi trường hợp để có thể tiếp tục tồn tại trong “môi trường văn hóa đạo đức” do Ban Tuyên Giáo đưa ra.

- Quảng Cáo -

Nói cách khác, do những phức tạp của xã hội hiện nay với nhiều vấn nạn nảy sinh, đảng không còn có thể che giấu được nữa. Mà báo chí dù là báo chí quốc doanh, phần nào cũng phải phản ảnh các quan tâm của xã hội về những gì xảy ra chung quanh mình. Nhưng nếu báo đăng tải toạc móng heo cả hệ thống tham nhũng trong bộ máy cầm quyền, hay trình bày quá nhiều điều tiêu cực trên mặt báo thì còn gì là thanh danh của đảng vốn đã lem luốc quá nhiều.

Do đó, để bộ máy công an xứng đáng là “lá chắn bảo vệ đảng,” tức là ngăn chặn những vụ nổi loạn của dân thì báo chí cũng phải góp phần cho xì bớt những phẫn nộ của dân. Đó là chủ đích thực sự của cái gọi là phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa đạo đức trong báo chí.

Trước đó, hôm 17 tháng Sáu, ông Nguyễn Phú Trọng và một số nhân vật trong Bộ Chính Trị đã đến chủ tọa một hội nghị với cán bộ công an và an ninh toàn quốc nhằm học tập Nghị Quyết 12 của Bộ Chính Trị. Đây là nghị quyết tăng cường sự trong sạch và sức mạnh của Bộ Công An nhằm đối phó với ba chuyển biến của tình hình an ninh nội địa:

1/ Xung đột thế giới và khu vực có thể làm bất ổn tình hình Việt Nam: Trong khi chiến tranh Ukraine-Nga ngày càng được đẩy mạnh, ở Á Châu, Trung Quốc cho hạ thủy hàng không mẫu hạm thứ ba đồng thời xây dựng mở rộng căn cứ hải quân Ream của Campuchia. Sự kiện ấy rõ ràng đặt Việt Nam trong thế gọng kềm nếu xung đột Mỹ-Trung biến thành chiến tranh. Đây là trường hợp mà Việt Nam buộc phải chọn phe không còn có thể “chọn chính nghĩa” như từng rêu rao, ngụy biện.

2/ Tham ô, nhũng lạm, suy đồi tư tưởng cán bộ trong hàng ngũ cán bộ cao cấp ngày càng táo tợn làm cho quần chúng phẫn nộ, mất niềm tin: Bộ máy cai trị của đảng ngày nay được người dân đánh giá là đã quá rệu rã, chỉ biết “ăn từ trên xuống dưới.” Sự phá sản của chiến dịch đốt lò chống tham nhũng của ông Trọng chỉ còn là vấn đề thời gian.

3/ Tội phạm xã hội cùng với sự rối loạn về kinh tế khiến quần chúng có thể nổi loạn: Đây là lúc Việt Nam phải lưỡng đầu thọ địch khi Trung Quốc phối hợp Campuchia khống chế Hà Nội. Liệu chính sách Bốn Không mà đảng đề cao như lá bùa hộ mạng, có bảo vệ được đất nước trước tham vọng bành trướng của Bắc Kinh?

Những cảnh báo nói trên của ông Trọng cho thấy tình hình Việt Nam đang bấp bênh nhưng đảng vẫn muốn “che giấu” và “muốn cho người dân an lòng” thì phải dùng báo chí để xoa dịu. Do đó, phong trào thi đua tạo môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí thực chất là dùng báo chí tô vẽ màu hồng lên chế độ trước những khó khăn hầu như nan giải hiện nay.

Phạm Nhật Bình

- Quảng Cáo -