Chính phủ thuế (kỳ cuối)

- Quảng Cáo -

Nguyễn Thông

Tại sao lại cuối, bởi chán chả thèm biên thêm nữa. Nói có người nghe thì còn hứng, chứ họ cứ nhắm mắt bịt tai làm liều, vậy viết thêm chi cho phí chữ phí nhời. Họ có quyền hành, quyền cai trị, còn mình chỉ có cái chữ, mà chữ, cũng như lời than vãn của dân chúng (chứ không phải lời than vãn của bà Trưng Trắc) đối với họ chẳng ý nghĩa gì. Bằng chứng là báo chí mậu dịch sáng nay (30.6) đều dự báo đen tối rằng xăng lại sắp… điều chỉnh. Bằng chứng là bà thống đốc ngân hàng quốc gia Nguyễn Thị Hồng hôm qua hôm kia soi mói tiền trong dân còn nhiều (vụ ngó túi dân này sẽ có tút riêng, chứ cũng cáu sườn lắm rồi)…

Quay về chuyện thuế phí áp cho xăng dầu. Sau lời kể của ông đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta ở Mã Lai (Malaysia), bung bét ra sự thực giá xăng bên Mã chỉ bằng 1/3 giá xứ ta. Thiên hạ xôn xao thắc mắc, Mã nó là thiên đường hay sao mà chơi sang thế. Mã tiến lên chủ nghĩa cộng sản, bỏ qua thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội từ bao giờ vậy. Chính phủ Mã, nhà nước Mã chả bao giờ gân cổ hô bảo đảm an sinh xã hội, của dân vì dân mà lại chăm chút từng li từng tí quyền lợi của dân. Có nhẽ đâu thế.

Mã Lai cũng như ta, có nhiều tương đồng, nhiều nét chung. Cùng ở khu vực Đông Nam Á, cùng khối ASEAN, cùng có tài nguyên dầu khí và đã nhiều năm khai thác món này “để phục vụ nhân dân và phát triển đất nước”. Mã cũng từng bị đế quốc Anh đô hộ, nhưng do không ưa bạo lực nên không rơi vào bi kịch đánh thắng đế quốc to nào, không nội chiến nồi da xáo thịt, không bị lôi kéo vào cuộc tương tàn ý thức hệ trả giá bằng núi xương sông máu. Dân Mã chắc cũng hiền lành thông minh như dân ta. Đất đai Mã rộng bằng nước ta cũng “ở xứ nóng, khí hậu tốt, rừng vàng biển bạc, đất phì nhiêu”…, thế thì kém cạnh chi nhau, do đâu mà lại giá xăng hai nước (cao, thấp) gấp 3 lần nhau, mà lại “người về đỉnh cao, người về vực sâu” như thế?

- Quảng Cáo -

Lý do lý trấu thì nhiều, túm lại cơ bản do sự khác nhau giữa hai chế độ, hai thể chế. Mã Lai từ khi độc lập đã nhất quán bước trên con đường mà hầu hết quốc gia văn minh, dân chủ đã đi, không mơ màng viển vông đoái hoài gì tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Họ hiểu, đó là đường cụt, đường chết, ảo tưởng, không bao giờ tới đích. Và điều quan trọng nhất, thứ lối đi quanh co vớ vẩn ấy chỉ đem lại quyền lợi cho thiểu số, cho nhóm cai trị là chính, chứ không vì đông đảo nhân dân. Nó không phục vụ nhân dân. Theo làm gì. Chính quyền Mã không gào không hô không trưng khẩu hiệu “của dân vì dân” như người ta, nhưng việc làm nhỏ nhất của họ cũng chỉ cốt vì dân, mà giá xăng là ví dụ hết sức cụ thể, thuyết phục. Họ thực sự vì dân, không chơi cái kiểu vì dân suông.

Cùng là nước khai thác dầu khí, xuất khẩu dầu mỏ nhưng Mã khai thác, moi tài nguyên lên với mục đích trước hết đem lại lợi ích cho dân. Dân Mã có thể mua bột mì với giá cao bởi nước Mã không trồng được lúa mì, nhưng không có lý gì dân phải mua xăng với giá đắt đỏ khi tài nguyên dầu khí là của họ. Từ quốc vương, thủ tướng cho tới người dân bình thường, giá xăng không phân biệt đối tượng.

Đâu có như ở xứ An Nam, tài nguyên dầu khí là của chung quốc gia, còn sự giàu có từ dầu khí lại có chọn lọc. Một bộ phận không nhỏ, gồm cả người trực tiếp khai thác lẫn đám lãnh đạo ăn theo, đã giàu nứt đố đổ vách. Hình như họ nghĩ dầu khí là của riêng họ, trời ban cho họ, đảng thương ai thì người ấy được nhờ. Không phủ nhận việc khai dầu khí, xuất khẩu dầu khí đã góp phần ngân sách rất quan trọng để phát triển đất nước, chỉ có điều người dân bị bóc lột tàn tệ bởi giá xăng dầu cao ngất ngưởng, càng ngày càng cao, là điều không thể chấp nhận.

Đã không học được người Mã trong chính sách giá xăng dầu (khi giá thế giới lên, họ lấy ngân sách bù vào để kìm giá, để người dân đỡ bị thiệt, lúc căng nhất cuối tháng 6 này họ tiếp tục kéo giá xuống, chỉ hơn 10.700 đồng/lít, tính ra tiền Việt), nhà cai trị An Nam còn làm ngược lại, lợi dụng té nước theo mưa, áp đủ loại thuế phí khiến giá xăng tăng vọt gấp đôi, dân lãnh đủ. Để nuôi một bộ máy tam tứ trùng khổng lồ, ối giời ôi, ngân sách biết bao nhiêu cho đủ. Dầu khí giả dụ có như túi dầu toàn thế giới tụ lại cũng chả đủ moi lên nuôi các ông bà ấy. Vậy thì họ đè ra áp thuế phí cho mỗi lít xăng, móc túi người tiêu dùng – dân chúng, một cách làm hiệu quả tàn ác để nuôi chính họ.

Tôi cũng can ông bà nào yêu đảng yêu chế độ bảo rằng tại sao chỉ so sánh với Malaysia, sao không so với xa thì Mỹ, Canada, Đức, Pháp, vừa vừa thì Nhật, Hàn, gần thì Sing, Thái, xem giá xăng của họ thế nào. Vâng, tôi thừa nhận, giá những nơi ấy cũng cao gần bằng An Nam, nhưng đề nghị các ông bà đừng cố tình lơ đi mức sống, mức thu nhập của người dân những nước ấy.

Mà cũng rất vớ vẩn ở chỗ, xứ ta xăng dầu nhập khẩu bị áp giá cao bằng thuế phí, còn xăng dầu sản xuất tại chỗ từ dầu mỏ tài nguyên cũng cứ đồng giá bán, chả hiểu các ông bà ấy tính toán kiểu chi chi.

Cứ thực sự vì dân ngay lúc này như chính quyền Mã đi đã, rồi hãy tính tầm nhìn tới năm 30, 45, hoặc năm 2.300. Rồi hãy khoe mặt trời rực rỡ, tiền đồ có bao giờ được thế này chăng.

Nguyễn Thông

Kỳ 1 – 7: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02cq8VtDcMECrf74q6R5dhyDJ4vHMKNW6sjEdmKX4R9NYfnYztdcuCRDqN9WcoJMAKl&id=100024722048900

- Quảng Cáo -