Chuyến thăm Đài Loan của Nancy Pelosi

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi phát biểu tại cuộc họp với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại văn phòng tổng thống ở Đài Bắc, Đài Loan ngày 3 tháng 8 năm 2022.
- Quảng Cáo -

Phạm Phú Khải – VOA

Hoa Kỳ tôn trọng chính sách Một Trung Quốc, nhưng sẵn sàng bảo vệ Đài Loan? Nghe có vẻ rất mâu thuẫn, vì Trung Quốc muốn thống nhất bằng mọi giá. Cho nên Hoa Kỳ sẽ bảo vệ đến mức nào?

Cuối tháng 7 đầu tháng 8 vừa qua, truyền thông khắp nơi đưa tin, một cách dè dặt, rằng Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi có thể sẽ ghé thăm Đài Loan trong chuyến đi của phái đoàn quốc hội Hoa Kỳ đến một vài quốc gia châu Á.

Chuyến viếng thăm có thể của bà Pelosi xảy ra vào thời điểm tế nhị và phức tạp hiếm có.

- Quảng Cáo -

Cuộc chiến tại Ukraine, kéo dài gần 6 tháng qua, đã đụng đến nền tảng của trật tự quốc tế dựa trên quy luật, và tác động mạnh mẽ lên kinh tế toàn cầu, nhất là nạn lạm phát gia tăng chưa từng thấy trong vài thập niên qua. Không một quốc gia nào không bị ảnh hưởng, cách này hay cách khác. Nhưng dù sao, chiến tranh nóng hiện nay đang được ngăn chặn trong phạm vi Ukraine, chủ yếu ở vùng phía Đông.

Trải nghiệm qua tác động này, có lẽ không mấy ai muốn chiến tranh nóng này lan rộng. Và chắc cũng không ai muốn nó bùng phát tại một nơi khác. Nhưng chuyến viếng thăm của bà Nancy Pelosi đến Đài Loan đã rõ ràng gây thêm căng thẳng trong vùng. Bắc Kinh tuyên bố phản ứng mạnh với ai dám đùa giỡn với lửa, trong khi Pelosi, ngoài việc tái khẳng định sự cam kết vững chắc của Hoa Kỳ đối với hòn đảo tự chủ này, không muốn cho Bắc Kinh cảm nhận rằng sự viếng thăm của bà là quyền quyết định của họ.

Kevin Rudd, cựu Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Úc, cũng là một chuyên gia về Trung Quốc, đã bày tỏ thẳng thắn quan tâm của ông trước trong và sau chuyến đi. Trong những cuộc phỏng vấn với CNN, BBC, ABC, và CNBC, Kudd biện luận rằng chuyến viếng thăm của Pelosi không giúp ích gì thêm cho lợi ích an ninh của Đài Loan, mà còn có thể đổ dầu vào lửa; nó có thể làm cho cuộc xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có khả năng xảy ra hơn, và vì thế Kudd tin rằng hai nước cần có một khung sườn để quản lý cạnh tranh chiến lược; Rudd cũng biện luận rằng Trung Quốc cũng không được lợi gì nếu vì thế mà leo thang cuộc khủng hoảng này với Hoa Kỳ. Quan điểm mới nhất của Rudd về chuyến viếng thăm của Pelosi là tuy Cập Cận Bình của Trung Quốc không muốn một cuộc khủng hoảng hay chiến tranh trong tương gần chỉ vì cuộc viếng thăm này, ông e rằng những gì đang diễn ra cho thấy một sự dịch chuyển lâu dài và quan yếu trong quan hệ giữa hai nước đang diễn ra, mà sẽ có những hệ quả sâu sắc lên nước Úc.

Rudd không phải là người duy nhất, hay thiểu số, bày tỏ quan ngại về chuyến viếng thăm của Pelosi. Đọc một số bài bình luận tại những nước Nam Á và Đông Nam Á, như tại Thái Lan, Bangladesh, cho thấy họ lo ngại rằng chuyến thăm này không giúp ích được gì, mà còn làm gia tăng căng thẳng trong vùng. Nói chung nhiều bài viết phê bình rằng nó chỉ phục vụ cho mục đích chính trị riêng của Pelosi hay Đảng Dân chủ thôi.

Những nước Đông Nam Á không muốn căng thẳng hay leo thang chiến tranh là điều dễ hiểu. Nếu có gì xảy ra, nó xảy ra sát bên cạnh họ. Chiến tranh xa xôi như tại Ukraine mà đã gây khủng khoảng toàn cầu về mặt cung cầu, nhất là năng lượng, và bao nhiêu hệ quả dây chuyền. Tuy thế không có điểm nóng nào mà toàn thế giới quan ngại bằng Đài Loan trong một hai thập niên tới. Quan điểm nhất quán của Bắc Kinh là phải thống nhất Đài Loan với đại lục. Cho đến nay lập trường Đài Loan là chiến đấu bảo vệ lãnh thổ đến cùng. Như thế thì Hoa Kỳ sẽ không làm ngơ nếu Trung Quốc chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Hoa Kỳ tham chiến thì Úc và nhiều đồng minh của Hoa Kỳ sẽ không thể đứng ngoài cuộc. Trung Quốc có đồng minh nào không, có Nga hỗ trợ không, thì chưa rõ. Nhưng chừng đó cũng đủ để nó trở thành chiến tranh nóng, Thế Chiến III. Bài học về khả năng leo thang chiến tranh và lan rộng toàn cầu, qua Thế Chiến I và II, là điều đáng suy ngẫm cho mọi người.

Lãnh đạo chính trị tại Úc, quốc gia đồng minh hàng đầu của Hoa Kỳ, cũng rất quan ngại về chuyến viếng thăm của Pelosi tại Đài Loan. Cả hai Thủ tướng Anthony Albanese lẫn Ngoại trưởng Penny Wong khẳng định vẫn tiếp tục ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc/One China” mà Hoa Kỳ đã duy trì hơn 5 thập niên qua. Tuy nhiên chính sách này ngày càng có vẻ mơ hồ. Hoa Kỳ tôn trọng chính sách Một Trung Quốc, nhưng sẵn sàng bảo vệ Đài Loan? Nghe có vẻ rất mâu thuẫn, vì Trung Quốc muốn thống nhất bằng mọi giá. Cho nên Hoa Kỳ sẽ bảo vệ đến mức nào? Nhưng chuyến viếng thăm của Pelosi cho thấy phía lập pháp của Hoa Kỳ cam kết hơn trong lập trường bảo vệ Đài Loan, mặc dầu Nhà Trắng, phía hành pháp, muốn xác nhận tính độc lập của mỗi bên, do đó không muốn can thiệp. Dù sao thì dường như tất cả mọi bên đều thấy có nhu cầu làm rõ chính sách Một Trung Quốc này. Nhưng mọi bên đều như đang chơi bài xì tẩy/poker. Không có bên nào muốn công khai lá bài kín của mình. Nó như thể “bí mật quốc gia” hàng đầu. Nếu Trung Quốc biết lập trường chính thức của chính quyền Albanese, chẳng hạn, thì quan hệ giữa hai nước, và hệ quả của nó, sẽ vô cùng tệ hại. Cho nên tính mơ hồ chiến lược (strategic ambiguity) hiện nay như thế lại là điều hay (Nó chẳng khác gì “Tôi xin người cứ gian dối, cho tôi tưởng người cũng yêu tôi”).

Bắc Kinh đã tỏ vẻ rất nổi giận sau chuyến viếng thăm Đài Loan của Pelosi. Các cuộc tập trận, pháo kích của Trung Quốc xâm phạm vào không phận và hải phận của Đài Loan, và các cuộc đuổi bắt nhau, trong những ngày qua, là phản ứng mang tính leo thang nhưng kiềm chế. Điều dễ hiểu là Tập Cận Bình cần làm tất cả những gì có thể làm để cho người dân Trung Quốc, lẫn thế giới, thấy ông không yếu đuối. Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 20 vào cuối năm nay, và Tập muốn được tiếp tục bầu chọn làm Chủ tịch Đảng lần thứ ba. Do đó đối tượng Tập nhắm vào hiện nay và sắp tới, trên hết, vẫn là sự ủng hộ tuyệt đối của đảng viên.

Nước cờ kế tiếp của Tập đối với Đài Loan sau chuyến viếng thăm của Pelosi, trong Đại hội Đảng, và nếu được tiếp tục bầu chọn vai trò chủ tịch cuối năm nay, điều gần như chắc chắn xảy ra, là gì thì chưa ai rõ.

Nhưng điều rõ ràng, từ phía Hoa Kỳ, là phía hành pháp lẫn lập pháp, đều khẳng định bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc dùng vũ lực. Lập trường này có thay đổi không nếu bầu cử quốc hội Hoa Kỳ cuối năm nay cho ra kết quả là bên Cộng hòa chiếm đa số tại hạ viện hay thượng viện, hay cả hai? Liệu Hoa Kỳ vẫn tiếp tục cam kết bảo vệ Đài Loan nếu có sự thay đổi chính quyền từ Dân chủ sang Cộng hòa vào năm 2024? Làm sao biết được tương lai? Sự thiếu rõ ràng và thiếu chắc chắn này sẽ làm cho Đài Loan lúc nào cũng phải lo canh cánh. Do đó chuẩn bị nội lực luôn là điều quan trọng nhất để tự bảo vệ mình. Và Đài Loan đã làm rất tốt về mặt này. Tốt, nhưng chưa đủ.

Điều mà chính quyền Biden có thể làm được cho Đài Loan, vừa công khai lập trường vừa âm thầm hành động, trong hai năm còn lại trong tư thế lãnh đạo chính trị, như David Sacks biện luận trên Foreign Affairs, là: một; rà lại chính sách toàn diện ₫ối với Đài Loan, và cho Trung Quốc biết một cách rõ ràng là Hoa Kỳ sẽ không làm ngơ mà sẽ dùng vũ lực để phòng vệ Đài Loan nếu Trung Quốc xâm chiếm; hai, trang bị tối đa khả năng chiến đấu và tự vệ của quân đội Đài Loan, nhưng làm một cách âm thầm thay vì khiêu kích; và ba, chuẩn bị và trang bị người người dân Đài Loan khả năng và tâm lý đối phó với sự xâm chiếm của quân đội Trung Quốc, trong đó đòi hỏi phải lập kế hoạch làm thế nào để duy trì nguồn cung cấp thực phẩm, nhiên liệu và y tế đầy đủ trong khi xảy ra xung đột.

Cho đến khi Đài Loan đủ mạnh, và sẵn sàng, để đối đầu với cuộc xâm lăng của Trung Quốc, mọi hành động cần thiết phải trong khuôn khổ kiềm chế. Cuộc chiến tại Ukraine hiện nay, trên mặt trận quân sự, lẫn tâm lý, tình báo, kinh tế v.v… sẽ tác động đáng kể lên những tính toán của Bắc Kinh lẫn Hoa Thịnh Đốn, cũng như các thủ đô chính trị trên thế giới. Tinh thần chiến đấu bất khuất của quân dân Ukraine và sự lãnh đạo tài tình của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy rõ ràng làm cho Bắc Kinh theo sát từng ly từng tí. Dù kết quả cuộc chiến Ukraine ra sao, chắc chắn Bắc Kinh sẽ quan ngại vì người dân Đài Loan, giống như người dân Ukraine, đều có vẻ sẵn sàng chiến đấu đến cùng để bảo vệ đất nước mình.

Phạm Phú Khải

Úc châu, 08/08/2022

- Quảng Cáo -