Vấn đề nhà ở và chính sách của ông bộ trưởng

- Quảng Cáo -

 Đỗ Ngà

Hôm ngày 15 Tháng Bảy, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa cho biết trước đây 4 năm, người Việt mất 35 năm để mua một căn hộ thì nay là 57 năm. Tính ra tốc độ tăng giá nhà gấp 3 lần tốc độ tăng GDP. Và cứ đà này thì càng về sau giá nhà càng bị đẩy ra xa tầm với của người dân. Như vậy thì càng về sau số người dân mua được nhà càng ít lại.

Hằng năm, các doanh nghiệp cứ làm dự án, lượng nhà cửa tăng lên nhưng người có khả năng mua ngày một ít lại thì ắt xảy ra tình trạng “kẻ ăn không hết người lần không ra” mà thôi. Có thể nói, giá nhà đất bị đẩy cao nó tạo thành một bức tường phân chia giàu nghèo rõ rệt. Phía giàu thì có người có rất nhiều nhà đến độ phải bỏ hoang, phía nghèo thì làm suốt đời vẫn ở nhà thuê. Và đã nhiều năm nay, hiện tượng người dân không có nhà để ở nhưng thành phố ma, khu dân cư bỏ hoang vẫn cứ đầy ra đó.

Khi ngành bất động sản bị thổi giá, nó hút nguồn vốn xã hội rất lớn. Mà như đã nói, nhà bị thổi giá quá mức thì ắt hiện tượng nhà bỏ hoang cũng tăng lên. Điều đó có nghĩa là phần nguồn vốn xã hội đổ vào những căn nhà hoang ấy xem như bị biến thành “rác” thay vì phục vụ dân sinh. Đấy là sự lãng phí rất lớn. Như vậy sự tăng giá bất động sản quá nhanh so với tăng trưởng GDP nó gián tiếp làm cho nguồn vốn xã hội bị lãng phí nhiều hơn theo cách như thế.

- Quảng Cáo -

Vấn đề người dân có thu nhập thấp thiếu nhà được Nguyễn Thanh Nghị đề cập từ nhiều tháng qua. Để giải quyết tình trạng này ông Nghị đã cho thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Việc ông Nguyễn Thanh Nghị tấn công vào vấn đề trái phiếu doanh nghiệp của các ông lớn bất động sản có vẻ như ông Bộ trưởng này muốn đánh cho các doanh nghiệp này phải “co vòi” chăng?

Như tôi đã nói ở bài trước, nguyên nhân giá bất động sản tăng là vì sự mất cân đối trong định giá bán. Và để loại bỏ tình trạng này thì chỉ có sửa đổi từ gốc là xóa bỏ “sở hữu toàn dân” trước rồi mới điều chỉnh các chính sách khác về đất đai theo nền tảng tôn trọng quyền sở hữu đất. Nếu ông Nghị tấn công vào thị trường vốn để dọa các ông lớn bất động sản thì e đây là cách không khả thi. Không khả thi vì nó chỉ làm ở phần ngọn của vấn đề và cũng bởi ông đã “đá lộn sân” sang lĩnh vực quản lý của ông Bộ trưởng khác.

Mới đây tập đoàn Vingroup tuyên bố nhảy vào lĩnh vực nhà ở xã hội rồi sau đó đến Novaland và các ông lớn khác cũng nhảy vào thì điều đó cho thấy ông Nguyễn Thanh Nghị làm thật. Theo tôi, ông Nguyễn Thanh Nghị là Bộ trưởng xây dựng dám làm hơn nhiều người tiền nhiệm khác. Tuy nhiên, liệu rằng khi nhà ở xã hội được xây nó được trao vào tay người có nhu cầu thực sự hay không thì đấy là điều cần phải xét đến. Nếu xây nhà ở xã hội mà người có nhu cầu thực sự không tiếp cận được là xem như thất bại.

Theo ý kiến chủ quan của tôi thì dù có xây được loại nhà ở xã hội thì giá bất động sản nói chung sẽ không bị kéo về mặt đất được mà ngược lại, giá nhà ở xã hội sẽ bị “bứt neo” bay cao và lại vượt xa tầm với của người dân có thu nhập thấp, vì sao?

Thực chất nhà ở xã hội và nhà ở dự án bất động sản hiện nay không cùng phân khúc nên không có chuyện nhà ở phân khúc cao bị mất giá do nhà ở xã hội. Vì số lượng người không mua nổi nhà ngày một nhiều và lượng nhà ở xã hội không thể phủ kín nhu cầu này nên việc nhà ở xã hội bị đẩy giá làm bứt neo bay cao là điều khó tránh khỏi.

Khi giá thị trường của nhà ở xã hội quá cao so với giá gốc, thì chính khoảng trống đó sẽ hình thành nên thị trường béo bở dành cho các đại gia bất động sản gom hàng giá rẻ rồi sau đó bán lại kiếm lời. Và sân chơi này sẽ không có chỗ cho tay ngang, nó là sân chơi dành cho sân sau các sếp tung hoành. Cuối cùng, người dân có thu nhập thấp cũng lại ở nhà thuê tiếp.

Như tôi đã nói ở bài trước, vấn đề gốc chưa thể giải quyết rốt ráo thì dù làm cách nào cũng chỉ là hớt ngọn. Chính sách nào chỉ giải quyết phần ngọn thì cuối cùng, rồi cũng đâu vào đấy, như cũ mà thôi.

-Đỗ Ngà-

- Quảng Cáo -